Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Ngày xuân về thắp hương Cụ Lãn Ông (Thanh Trần)



Đầu xuân, tuy mỗi người bước vào năm mới có nhiều dự định, kế hoạch rồi tất cả những ước định này cho dù ngắn hạn hay chiến lược cũng nên được "giãi bày" với trời đất và thần phật. Hầu hết mọi người đều giành một phần thời gian để đi du xuân và cầu ước. Đó là một nét đẹp tinh thần.
Về Đông Y, nhân dịp đầu xuân nhất là ngày giỗ của cụ Hải Thượng Lãn Ông là vào 14 tháng Giêng, có một đoàn các lương y là học trò của Lão y Thiên Tích (nguyên chủ tịch hội Y Học Cổ truyền Trung ương 2 khóa 8 - 9) được sư phụ mình đưa đi chơi về Hương Sơn - Hà Tĩnh.
Cụ Tích tuổi đã 95 cùng học trò các thế hệ.
Cụ Thiên Tích thắp hương trước mộ Cụ tổ Lê Hữu Trách.
Đây là những lương y từ các miền khác nhau của đất nước tụ về Hà Nội vào ngày đầu xuân, họ là lương y Trần Đình Vạn có hiệu thuốc Vạn Phát Đường ở Đà Nẵng, lương y Triệu Quốc Thanh chủ hiệu thuốc Ninh Thanh Đường ở thành phố Cẩm Phả, lương y Đới Đại Diệp kế truyền Hiệu Trung Nam Đường ở Cổ Loa (Đông Anh), lương y Nguyễn Anh Thắng chủ hiệu Đông Dược 67 ở Lãn Ông (Hà Nội), hai lương y còn lại trong đoàn cũng là điều lý thú khi đề cập đến trong lĩnh vực Đông y của ngày hôm nay. Lương y Chu Xuân Trường, năm nay đã ở độ 45 tuế nguyệt rồi, anh lên học thày khi bước vào tuổi 18 và cứ ở bên thày suốt 27 năm qua - hơn 1 phần tư thế kỷ! Lương y Trần Việt Trung - người vẫn tự coi mình là "ẩn y", anh không sống bằng nghề y như các huynh đệ của mình nhưng vẫn cứ "hành y sự" hàng ngày! và rất gắn bó về mặt tình thần với Lão y Thiên Tích, ngoài ra còn có một người học trò anh em nói vui là "được cử ra chấp chính", đó là lương y Phạm Vũ Khánh - đang giữ cương vị Cục trưởng Cục Đông Y - Đông Dược của Bộ Y Tế. Đó là một bức tranh về các nhân vật của đoàn hành hương, họ khác nhau về tuổi tác, về hoàn cảnh sống, về bước đi vào đời nhưng lại rất gắn bó, thân thiết với nhau: không chỉ có "y nghiệp" chung để chia xẻ xây đắp cho nhau mà trên hết họ có một người Thày kính trọng đã dạy họ cả kiến thức của Y học lẫn kiến thức cuộc sống, đó là kinh điển mà ông cha ta đã đúc rút và vận dụng ở mảnh đất Việt Nam hàng ngàn năm.
Trao bằng cho những người có nhiều đóng góp cho Đông y VN.
Còn về Lão Y Thiên Tích thì có rất nhiều điều cần nói. Trước hết Hội Y học cổ truyền Trung ương Việt nam đã có các vị chủ tịch tiền nhiệm là cụ Nguyễn Trung Khiêm - một cử nhân người Nghệ An, Đảng viên Đảng dân chủ (nay đã giải tán) là Chủ tịch đầu tiên, kế đó là cụ Đặng Văn Cáp người Đức Thọ, Hà Tĩnh đã theo và chịu trách nhiệm về sức khỏe ở bên cạnh Bác Hồ một thời gian dài. Rồi đến cụ Nguyễn Sỹ Lâm người Nam Định trước đây làm việc ở Viện Viễn Đông Bác Cổ - Hà Nội. Điều cần nêu là do tình hình đất nước ở giai đoạn còn chiến tranh rồi đến thời kỳ khó khăn kinh tế trước năm 1990, ba vị cố chủ tịch đều do tổ chức chỉ định và phân công công tác vào cương vị này. Còn vị chủ tịch thứ tư - Nguyễn Thiên Tích thì lại đến với "nghiệp y" theo con đường khác. Năm 1957 có một đợt thi tuyển các Lương y ở miền Bắc, từ Quảng Bình trở ra, để có được một lớp lương y chính thức đầu tiên những người có đủ tiêu chuẩn của Y học và Hán học, hơn trăm vị đăng ký chỉ chọn lấy 28 vị và được gọi là Nhị Thập Bát Tú! Lớp này bắt tay vào việc đào tạo cho ngày hôm nay, đó là xây dựng tài liệu lớp giảng viên Đông Y đầu tiên. Rồi từ đó, cùng với nhiệm vụ khám chữa bệnh khi là lương y của Viện y học Cổ Truyền Trung ương Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ Thiên Tích đã liên tục tham gia các khóa đào tạo của Viện, của các trường đại học, trung cấp và của các tỉnh khi được mời.
Đại hội khóa 8 (1990-1994) của hội Y học cổ truyền được tổ chức vào năm 1990 với uy tín, kinh nghiệm, nghề nghiệp, kiến thức của bản thân cụ đã được đại biểu của các tỉnh thành địa phương đề cử và bỏ phiếu thống nhất ở cương vị Chủ tịch, điều đáng nói đây là vị Chủ tịch đầu tiên được đại hội bầu. Rồi đến khóa 9 (1995 - 1999) cụ lại được bầu để làm tiếp công việc của vị Chủ tịch.
Nếu tính từ năm 1957 đến nay thì cụ Thiên tích đã có 56 năm tuổi nghề (mà trong Phật giáo thì gọi đó là tuổi Đạo), nhưng không chỉ có vậy, lúc trẻ ở quê hương cụ đã mở phòng thuốc Trung Hòa Đường (1946) rồi ra Hà Nội từ những năm đầu thập kỷ 1950 cụ đã sống bằng nhiều cách trong đó nghề y là một cách chính.
Với những đóng góp và sự mẫu mực của một lương y trong nền  Đông y ngày hôm nay, Bộ Y Tế đã quyết định trao cho cụ danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hải thượng Lãn Ông. Đó cũng là lý do thày Thiên Tích đưa một tốp học trò về quê ngoại của cụ Lãn Ông, Bộ Trưởng bộ y tế sẽ trao danh hiệu cho Lão lương y ở Hương Sơn - Hà Tĩnh.
Năm nay, Đại danh y Lê Hữu Trác từ giã cuộc đời đã được 222 năm. Tại quê ngoại của Đại Danh y cũng sẽ làm lễ khánh thành quần thể lưu niệm và du lịch mang tên Đại danh y nhân dịp 58 năm ngày Thày thuốc Việt Nam (27/2). Một ngày mang rất nhiều ý nghĩa.
Tác giả (phải) cùng đệ tử Trường của cụ Tích.
Đặt chân đến quần thể di tích điều đầu tiên Lão y cùng các học trò làm là tới thắp hương tại ngôi mộ của Đại Danh y. Tâm niệm, lòng thành kính, khói hương, mùi thơm của hoa trái quyện vào không gian yên tĩnh vây quanh tốp thày thuốc đứng trước mộ của bậc Danh y. Rồi 4 học trò của thày Tích leo lên đỉnh núi để thắp hương trước bức tượng đá cao 30m cùng với những lưu bút tiêu biểu của cụ Lãn Ông.
Buổi lễ được tổ chức rất long trọng, sau bài giới thiệu của Bộ Trưởng Kim Tiến về con người và sự nghiệp của Đại Danh Y, phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu có bài phát biểu về ngày lễ long trọng này. Rồi đến phần tôn vinh các lương y đã có công đóng góp về Đông y dược cho nền y học nước nhà. Cụ Thiên Tích là người đầu tiên được Bộ trưởng mời lên trao giải thưởng, chỉ cần một cử chỉ đơn giản đó đã nói lên tất cả sự quý trọng về giá trị đóng góp của Lão Y Thiên Tích.
Thế là từ lúc khởi hành sáng ngày 13, cả đoàn đi du xuân đến 4 nơi được nhân dân tôn thờ và đến nhiều vào dịp đầu năm, đó là: Phủ Giày (Nam Định), đền Dâu (Ninh Bình), đền Sòng (Thanh Hóa) và Đền Củi (Hà Tĩnh). Thật trùng hợp, cả 4 Danh linh này đều thờ 1 trong tứ bất tử, đó là bà Chúa Liễu Hạnh, người đã dạy dân trồng dâu nuôi tằm tạo ra nghề dệt vải, hay hiển linh nhiều lần giúp dân vượt qua những gian truân của cuộc đời. Rồi điểm kết thúc là nơi tôn vinh và tôn thờ bậc Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, một tấm gương giúp đời vượt qua bệnh tật, yên vui với cuộc sống.
Trên đường trở về, qua huyện Lạc Thủy - Hòa Bình thì trời đã sẩm tối. Đan xen với những nương ngô, ruộng mía đã đến vụ thu hoạch là những dãy núi in đậm trên nền trời sắc ghi sẫm. Hôm nay là ngày 14 trời trong, trăng hiện tròn sáng, thật là một hình ảnh hiếm thấy, trăng thu có trong ngày đầu xuân! Bất chợt, trăng tròn đứng lại trên một đỉnh núi rất cao và hùng vĩ như một vầng hào quang, xung quanh là những ngọn núi nhỏ quây quần vững vàng, đây có phải là một hình ảnh khắc họa của thiên nhiên về đoàn du xuân của Thày trò lão y Thiên Tích?
Thanh Trần






7 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Ngày ở HN, cứ sau rằm là tôi cùng anh em theo hầu cụ Tích đi du ngoạn chùa chiền ngày xuân. Hết chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đến Yên Tử, Cửa Ông... Tiếc là chưa được vào quê ngoại cụ Lãn Ông với cụ Tich như của anh em ngoài đó lần này.
Chúc cụ Tích luôn khỏe mạnh để trị bệnh, cứu nhân độ thế.

Viên Thạch nói...

Bài viết hay lắm ạ. Hình ảnh liên tưởng cuối bài đẹp và đúng luôn ! Thuốc quý luôn tìm thấy ở trên những dãy núi như thế !

Nặc danh nói...

Bài viết thật ý nghĩa, xúc động nhân ngày thầy thuốc Việt Nam.

Viên Thạch nói...

Chú KQ đã có chú thích chỉ đích chân dung tác giả,cháu nhận (vơ) là để giúp VT nhìn thấy người góp công tạo nên cái tên VT đây ! Đề nghị tác giả Thanh Trần xác nhận thông tin !

TranKienQuoc nói...

VT điện thoại cho tác giả tiện hơn!

Nặc danh nói...

Ừ nhỉ, hôm này là Ngày Thầy thuốc VN.

Viên Thạch nói...

Chú KQ làm cháu buồn cười quá !
Nhân ngày hôm nay, chúc cho các lương y của chúng ta luôn dồi dào sức khỏe, thành công trong sự nghiệp và mãi mãi hạnh phúc !