Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Tôi đi du lịch 4 (Trần Thắng)


HỘI AN – THÁNH ĐỊA MỸ SƠN
Bia tưởng niệm KAZIK tại Hội An

Tour này phải khởi hành từ 05g sáng. 04g sáng, cả nhà dậy chuẩn bị. Hôm nay trời có mưa nhỏ làm dịu đi mấy ngày nắng nóng. Thật cũng khéo: Hôm qua xuống biển thì nắng chói chang, hôm nay lên rừng thì mưa rả rích. Gần 05g xuống sảnh thì xe và hướng dẫn viên đã đợi sẵn. Cái sự đúng giờ và đúng kế hoạch làm mình ưng ý. Khi đưa chìa khóa phòng, cô lễ tân dặn Mẹ Dung: khoảng hơn 09g là về đến đây, cả nhà vào ăn sáng vẫn vừa.


Anh chàng hướng dẫn viên thấp đậm, da đen ròn rất nhanh nhẩu mời hai bác và em lên xe. Bác lái xe tầm ngoài 40 tuổi, cao gầy, nói đặc giọng Quảng. Cả câu mình chỉ nghe được 6, 7 phần, nhất là khi nói với anh hướng dẫn viên thì như nghe “tiếng nước ngoài”. Anh hướng dẫn viên thì nói dễ nghe hơn, chắc là do “đặc điểm nghề nghiệp” phải giao tiếp với nhiều vùng miền nên giọng Quảng nhẹ đi khá nhiều. Xe chạy loanh quanh đón thêm gần 20 chục khách nữa, toàn là “Tây”. Xe đưa mọi người đến khu vực chợ Hội An, vào một cửa hàng nhỏ, xếp hàng nhận mỗi người một ổ bánh mì nhân trứng chiên. Đó là phần ăn sáng nhẹ có trong tour. Xe rời Hội An, ra QL 1, nhằm hướng Mỹ Sơn. Ngồi trên xe, ăn bánh mỳ, ngắm cảnh buổi sáng lất phất mưa, cũng hay. Từ Hội An đến Mỹ Sơn tầm 50 km, đường tốt và khá vắng vẻ nên khoảng 06g đã đến nơi. Sau khi rời QL 1, xe đi vào địa phận huyện Duy Xuyên, rừng, núi dần dần hiện ra. Hai bên đường nhà cửa khá nhiều, dân cư đông đúc. Cảnh vật và con người hai bên đường cho ta một cảm giác bình yên và khấm khá. Khu đền tháp thánh địa Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng bao quanh bởi núi rừng thuộc xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Quảng Nam; cách kinh đô Trà Kiệu của vương quốc cổ Chăm Pa khoảng 20 km. Người Chăm Pa xây dựng khu đền tháp thờ cúng theo Ấn Độ giáo tại đây với mong muốn đất trời rừng núi sẽ chở che, lưu giữ lại muôn đời. Và quả thật các di tích còn lại từ thế kỷ thứ 4 này thật phong phú, mặc dù đã bị thời gian, bom đạn, con người tàn phá khá nhiều. Còn lại đây những hố bom sâu, những đền tháp bị phá nát vụn tan thành. Đáng tiếc biết bao. Người Pháp phát hiện, nghiên cứu và trùng tu Mỹ Sơn từ cuối thế kỷ 19, đến đầu thế kỷ 20. Nhưng rồi các biến động xã hội và chiến tranh suốt 50, 60 năm qua đã làm Mỹ Sơn bị quên lãng và điêu tàn. Vào năm 1980, Việt Nam và Ba Lan hợp tác trùng tu khôi phục khu di tích này. Công việc có kết quả như hôm nay là nhờ công rất lớn của một kiến trúc sư người Ba Lan, ông KAZIK – KAZIMIERS KWIATKOWSKI (1944 – 1997). Tháng 12/1999, UNESCO đã công nhận Mỹ Sơn là di sản thế giới.
Xe dừng ở trước cổng vào di tích, một khu đất rộng đường đi lối lại sạch sẽ, cây cỏ được chăm sóc cẩn thận. Phía bên có một tòa nhà bảo tàng văn hóa Chăm khá to nhưng đóng cửa im ỉm. Mua vé vào tham quan: quân ta 30k/người, tây 100k/người. Xe chạy qua một cây cầu dài hơn 50m bắc ngang dòng suối sâu. Đường tráng xi măng rộng cỡ 3 – 4m chạy uốn lượn theo sườn núi. Vài phút sau, xe tới khu chờ, mọi người xuống xe chuẩn bị. Từ đây sẽ đi bộ vào khu vực có những nhóm tháp cổ.
Quang cảnh khu nhà chờ này cũng giống như các công trình do nhà nước đầu tư. Lúc đầu bỏ ra một đống tiền xây dựng hoành tráng, sau đó theo năm tháng nó xuống cấp đến mức thảm hại. Người ta cũng bỏ mặc như vậy, nhà cửa rêu mốc, dột nát; khu trưng bầy bụi bậm, nhếch nhác, đèn đóm hỏng hết nên tối thui; chó mèo, gà vịt, chuột bọ chạy tung tăng… Mấy người quản lý ngồi nhìn thờ ơ lười nhác, họ chỉ nhanh nhẹn lên khi có khách mua nước, mua bánh kẹo của họ… Con đường đi bộ rộng chừng 3 m, được lát đá chẻ. Hai bên đường cây cối được chặt quang khoảng 3m, chỉ còn các cây cỏ nhỏ. Phân cách với cây rừng là hàng bạch đàn, keo trồng khá đẹp từ vài chục năm nay. Đi trong vòm lá cây rừng nghe chim kêu, vượn hót, suối reo róc rách thật dễ chịu. Trời vẫn mưa nhỏ, không khí ẩm ướt mát mẻ nên đi bộ cũng nhàn nhã. Khu vực tham quan chính là nhóm tháp G. Đây là khu vực trung tâm còn lại nhiều đền tháp với mật độ cao. Các đền tháp chủ yếu xây bằng gạch nung, xếp khít nhau. Các trụ đỡ, cột chống bằng đá đẽo gọt công phu cộng với gạch xếp nên những mái vòm đặc trưng cho đền tháp Ấn Độ giáo. Trên tường tháp là các bức phù điêu vũ nữ thật sinh động. Các tượng đá linhga, người, thú vật… nằm rải rác. Anh hướng dẫn viên giới thiệu bằng tiếng Anh khá lưu loát, thỉnh thoảng pha trò khi nói về linhga một cách hơi… thô, “Tây” lịch sự cười gượng.
Quang cảnh nhóm tháp G Di tích này có giá trị ở chỗ: có niên đại khá cổ, đền tháp kiến trúc độc đáo, kỹ thuật xây tháp cho đến nay vẫn còn nhiều bí mật chưa giải mã được.
Mình vào trong lòng một tháp đã được tu sửa để làm chỗ trưng bày hiện vật. Tường xunh quanh được xây gạch và xi măng, mái khung sắt lợp nhựa trong… Hiện vật khá nhiều: tượng người, tượng thú, phù điêu… làm bằng đá xanh, đá sa thạch hay đất nung. Hình như lâu nay không có ai chăm sóc gì thì phải. Tiếc. Sau khi giới thiệu xong, anh hướng dẫn viên cho khách tự do tìm hiểu và chỉ đường đi ra khu chờ. Con đường đi ra được thiết kế để qua các nhóm tháp khác trong quần thể Mỹ Sơn. Mọi người chia làm nhiều nhóm nhỏ đi xem và chụp ảnh. Có cô “Tây” nhờ mình chụp bức ảnh cô ta đứng bên tháp cổ, chưa kịp làm gì thì cô ta bỗng la hét, nhẩy dựng lên. Hóa ra cô nàng đã đứng ngay lên ổ kiến lửa làm cho chúng nổi giận. Mình cũng tranh thủ chụp khá nhiều ảnh, chỉ có cái chụp hình Mẹ Dung và Nghĩa là hơi khó. Tấm ảnh nào cũng bị chê xấu. Tới một khu tháp đang trùng tu, mình thấy họ xếp những viên gạch mới vào chỗ bị hư hỏng, thấy có vẻ cũng khít ra phết. Nghe đâu đã tìm ra cách làm gạch và cách xếp gạch, cách kết dính… thì phải.
Bên tháp cổ Thánh địa Mỹ Sơn
Trên đường đi ra, trong tán cây rừng âm u, mình thấy như những năm tháng ở rừng đang trở lại… Xe về đến KS mới hơn 9g, cả nhà vào ăn sáng. Khách khá đông, đồ ăn chả còn bao nhiêu. Ăn xong đợt 1 thì đồ ăn gần như hết sạch, thôi còn gì ăn nốt. Vậy mà cũng khá no. Bây giờ mới vỡ ra là: Đa số mọi người coi bữa sáng này bao gồm cả bữa trưa. Ăn sáng trễ một chút, trưa khỏi phải ăn, đỡ 1 bữa hi…hi… Thôi, lên phòng ngủ một giấc. Chiều tính tiếp.
… Khoảng hơn 3 giờ chiều, cả nhà xuống lễ tân, mượn 3 cái xe đạp để đi ra bãi biển An Bàng. Ở HA có hai bãi biển: bãi Cửa Đại thì sạch đẹp nhưng hơi xa và bị các khu resot bao chiếm gần hết. Bãi An Bàng thì gần hơn, cách thị xã tầm 3km và dành cho bà con và du khách tắm. Đó là bãi tắm bình dân. Từ KS, cả nhà đạp xe đi. Khoảng hơn 1km thì qua làng Trà Quế, chuyên trồng rau cung cấp cho HA. Nghe nói có dịch vụ cho khách du lịch làm nông dân trồng rau, nhiều “Tây” khoái ra phết. Đạp một lúc phải leo qua một cây cầu bắc ngang sông, dốc khá cao, đạp chồn cả chân, nhất là mình tưởng không qua nổi. Tới bãi biển đây rồi. Vào gửi xe. Mẹ Dung vào thay đồ để xuống biển. Hai cha con lười nhác tìm một bàn của nhà hàng ngay sát bãi tắm để hóng gió và uống bia. Bãi tắm này không đẹp lắm, tuy nước trong xanh và êm sóng. Nó dở là ở trên bờ khi xuống bãi cát phải xuống một bờ dốc cao cỡ 2 – 3m. Từ đó ra mép nước khá gần. Nếu bãi cát thoai thoải và kéo dài xuống mép nước thì hay hơn. Khoảng hơn 4 giờ chiều, du khách và bà con kéo ra rất đông. Người già, người trẻ, em bé tíu tít vui vẻ. Du khách Tây cũng khá đông. Trên quán nhậu chỗ mình và Nghĩa ngồi cũng có vài bàn đông khách. Nắp bia mở lốp bốp… Mẹ Dung hăm hở lao xuống biển và thấy mất hút luôn. Mình kêu 2 chai bia Con Cọp, một con mực nướng để hai cha con nhâm nhi giải khát. Uống gần hết hai chai thì Mẹ Dung xuất hiện và làm nốt chai bia với mấy cái râu mực, Mẹ Dung phán: hai cha con không tắm là phải, vì sứa nó chích rất khó chịu. Mẹ cũng phải lên sớm. Trả tiền: hai chai bia 20k + 1 con mực nướng 60k. Lại đạp xe về, mỏi và đau chân quá. Tắm rửa, nghỉ ngơi và chuẩn bị vào trung tâm ăn tối. Nghĩa lôi mấy cái quần ka ki mua ở siêu thị ra, cái thì dài quá, cái thì bụng rộng nhưng lại chật mông và đùi. Mẹ Dung bực mình tính: vào cửa hàng may đồ, may cho Nghĩa vài cái quần, 24 giờ là xong. Trong khi đợi xe đi vào trung tâm, mẹ Dung được cô lễ tân chỉ cho nhà may ngay cạnh KS Thanh Vân 1. Xe vừa đến KS TV1, cả nhà vào tiệm may kế bên. Mẹ Dung hỏi có vải ka ki không? Cô gái nhà may dẫn mọi người lên lầu vào kho vải và chỉ các xấp vải ka ki xếp thành chồng cao. Mẹ Dung hỏi: may một cái quần ka ki giá bao nhiêu? Cô gái nói: chỉ 500k thôi ạ. Im lặng 1 lúc, rồi cười cười chia tay… Đi bộ tìm đến quán cơm gà hôm qua, thấy một quán mỳ gần đó nên nảy ý định ăn mỳ Quảng. Vào kêu 3 tô, ăn hơi bị chán. Thôi thì cũng xong bữa. Về, đi ngủ. Hết một ngày nữa ở Hội An.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tôi cũng mê "Ta ba lô" như bác Thắng.
AT