Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Người giữ chìa khóa kho 16 tấn vàng (ST)


Người giữ chìa khóa kho vàng lúc đó là ông Huỳnh Bửu Sơn - làm việc trong ban lãnh đạo Nha Phát hành Ngân hàng Quốc gia. Dưới đây là hồi ức của ông về cuộc kiểm kê kho vàng lần cuối cùng trước khi bàn giao cho chính quyền MTGPMNVN*.Khi lịch sử sang trang Sài Gòn ngày 30-4-1975 .

Đó là những giờ phút mà sau này tôi mới thấy hết ý nghĩa trọng đại của nó đối với lịch sử dân tộc, nhưng vào lúc đó tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng.

Những ngày đầu tháng 5-1975, tôi vào trình diện tại Ngân hàng Quốc gia ở 17 Bến Chương Dương cùng các đồng nghiệp khác, chỉ thiếu vắng một vài người. Chúng tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày mọi người đều phải có mặt tại cơ quan.

Phải nói đó là những ngày rất thảnh thơi đối với tất cả anh em chúng tôi, hầu hết ở độ tuổi trên dưới ba mươi. Chúng tôi vui vẻ, yên tâm. Thái độ của các anh cán bộ trong Ban Quân quản rất lịch sự, đúng mực nhưng khá xa cách. Vào thời điểm đó, nhiều người trong chúng tôi chưa nghĩ đến tương lai như thế nào. Mong muốn của tôi cũng như những người khác vào lúc đó là an ninh trật tự sẽ được vãn hồi, mỗi người sẽ có một vị trí làm việc trong chế độ mới và tiếp tục đóng góp theo khả năng của mình cho xứ sở.

Cuối tháng 5-1975, chúng tôi được lệnh trình diện tập trung đi học tập cải tạo tại Trường nữ trung học Gia Long (bây giờ là Trường Nguyễn Thị Minh Khai). Nhóm viên chức Ngân hàng Quốc gia được xếp vào mấy tổ, tôi thuộc tổ 32. Trong ba ngày tập trung tại Trường Gia Long, chúng tôi được phục vụ ăn uống khá chu đáo. Chiều ngày thứ ba, sau khi dùng cơm chiều xong, vào khoảng 6 giờ, loa phóng thanh đọc danh sách những người phải thu dọn đồ đạc và tập trung tại sân cờ nghe lệnh. Tên tôi có trong danh sách đó.

Lúc đó tôi cảm thấy rất lo lắng, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, nhất là khi thấy danh sách người được gọi tên chiếm không đến 10% sĩ số. Nhưng khi đến tập trung tại sân cờ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe ban chỉ huy trại thông báo là do số người trình diện quá đông nên một số được cho về nhà vào tối đó, hôm sau đến để nhận giấy tờ tùy thân và trình diện cơ quan đang công tác, chờ lệnh tập trung mới. Bảy giờ sáng hôm sau, tôi quay trở lại Trường Gia Long, thấy ngôi trường vắng lặng như tờ.

Như vậy là trong đêm trước mọi người đã di chuyển. Một lần nữa số mệnh đã cho tôi ở lại. Tôi đến trình diện tại Ngân hàng Quốc gia và được phân công tác tại Vụ Phát hành và kho quĩ. Những ngày tiếp theo, Ban Quân quản tổ chức học tập tại chỗ ba ngày cho các viên chức ở lại và cấp giấy chứng nhận học tập cải tạo. Lúc đó, giấy chứng nhận này chính là một lá bùa hộ mệnh.

Sau này, vào cuối tháng tám, khi có lệnh gọi tập trung lần thứ hai cho những người được trả về đợt trước, tôi có đến gặp và hỏi ý kiến anh Ba Sáng, cán bộ Ban Quân quản. Sau khi tham khảo ý kiến Ban Quân quản, anh thông báo cho tôi biết trường hợp của tôi đã được Ban Quân quản xem xét, tôi được bố trí tham gia chiến dịch đổi tiền Sài Gòn cũ và cải tạo tư sản nên không phải đi trình diện học tập tập trung.

Lần kiểm kê cuối cùng .

Vào đầu tháng 6-1975, tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia tiến hành kiểm kê kho tiền và vàng của chế độ cũ, các kho tiền và vàng của Ngân hàng Quốc gia thuộc quyền quản lý của Nha Phát hành, nơi tôi làm việc trong ban lãnh đạo từ năm 1970 với tư cách là kiểm soát viên. Anh giám đốc Nha Phát hành đã đi cải tạo tập trung, do đó trong số người còn ở lại chỉ có tôi là người giữ chìa khóa và anh Lê Minh Kiêm - chánh sự vụ - là người giữ mã số của các hầm bạc.

Việc kiểm kê kho tiền và vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên cảm thấy không có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần kiểm kê cuối cùng đối với tôi, kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho chính quyền mới. Tôi không lo âu gì cả vì biết chắc rằng số tiền và vàng nằm trong kho sẽ khớp đúng với sổ sách.

Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân hàng Quốc gia vẫn được chúng tôi quản lý một cách tuyệt đối an toàn. Cần nói thêm là các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn.

Đại diện Ban Quân quản là một cán bộ đứng tuổi, khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong suốt quá trình kiểm kê là một anh bộ đội còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện. Anh hay nắm tay tôi khi trò chuyện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt - chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia.

Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân hàng Quốc gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất. Có ba loại vàng thoi: vàng thoi mua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED); vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi - Công ty Montagu; và vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do quan thuế tịch thu từ những người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.

Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi.

Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau... Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho.

Chúng tôi thực hiện công tác kiểm kê trong hai ngày liền. Thật ra công việc cũng khá đơn giản. Số giấy bạc dự trữ giữ trong các thùng bằng gỗ thông được niền bằng đai sắt và niêm chì, mỗi thùng ghi rõ mệnh giá, loại giấy bạc, số lượng. Do đó chỉ cần kiểm kê số lượng thùng bạc, các chi tiết tương ứng và đối chiếu với sổ sách được điện toán hóa là biết khớp đúng ngay.

Lúc đó, loại giấy bạc mệnh giá cao nhất chỉ có 1.000 đồng, thuộc xêri mới phát hành, có in hình các con thú hoang dã trong rừng rậm Việt Nam. Ngoài ra vẫn còn tồn kho và tiếp tục phát hành loại giấy bạc nổi tiếng có in hình danh tướng Trần Hưng Đạo, mệnh giá 500 đồng. Tổng giá trị giấy bạc dự trữ trong kho lúc đó (nếu tôi nhớ không lầm) khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi lượng tiền lưu hành tại miền Nam vào thời điểm giải phóng.

Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi đã kiểm kê xong số lượng giấy bạc dự trữ. Việc kiểm kê số vàng chiếm nhiều thời gian hơn vì phải kiểm kê từng thoi vàng một để xem trọng lượng, tuổi vàng và số hiệu có khớp đúng với sổ sách hay không....

Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia.Bảng kê thoi vàng đựng trong các tủ sắt .
Hầm số 3

Tủ số 40: 80 thoi

Tủ số 41: 80 thoi

Tủ số 42: 80 thoi

Tủ số 43: 80 thoi

Tủ số 44: 80 thoi

Tủ số 45: 80 thoi

Tủ số 46: 80 thoi

Tủ số 47: 73 thoi



Tổng cộng : 633 thoi


******************
Hầm số 6

Tủ số 202: 35 thoi

Tủ số 203: 80 thoi

Tủ số 204: 80 thoi

Tủ số 205: 80 thoi

Tủ số 206: 79 thoi

Tủ số 207: 89 thoi

Tủ số 215: 88 thoi

Tủ số 216: 70 thoi

Tổng cộng : 601 thoi

******************

Tổng cộng: 1.234 thoi vàng


Cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bị đột quỵ tại nhà riêng ở ngoại ô thành phố Foxboro, bang Massachusetts hôm thứ năm, và hôn mê từ đó, và đã qua đời vào hồi 22h30’ đêm thứ bảy (tức sáng 30/9 giờ Hà Nội), tại Trung tâm Y tế Beth Deaconess (Boston, Mỹ), thọ 78 tuổi, để lại phu nhân, bốn con, con rể, con dâu, hai cháu ngoại và hai cháu nội....

Không có nhận xét nào: