Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

THĂM THÀY ĐẠO (Thế Thịnh)


Các bạn thân mến.
Đến thăm thày xốn xang bao tình cảm. Viết ngắn thì không hết ý, viết nhiều ý thì quá dài dòng. Các bạn đọc và thông cảm cho. - Thế Thịnh


Đã hẹn với nhau, hôm nay (5/5) tôi với Minh Sơn sang thăm thày Đạo. MSơn đi lối cầu Vĩnh Tuy, xe máy phóng “tẹt ga”, chỉ vài phút là qua cầu. Sướng thật, chả bù trước kia, bò qua cầu Long Biên có khi mất cả tiếng đồng hồ.
Minh Sơn cùng các bạn sang thăm thày nhiều nên xác định được ngay dốc xuống nhà thày. Trước kia  tôi thường lấy ngôi đền gần nhà thày để làm mốc, nay ngôi đền đang được xây dựng lại. Hai năm mới đến, thấy quang cảnh thay đổi nhiều. Cổng nhà thày lùi vào phía trong,  bên hông nhà; có lẽ  là cổng thứ ba vào nhà thày mà tôi biết, đầu tiên là công phía trước qua nhà mẫu giáo, sau đó là cổng đi phía sau nhà. Bấm chuông hai lần, chó trong nhà thi nhau sủa, không thấy ai. “Chắc Cô đi chợ, nhưng thày đâu nhỉ?” Minh Sơn lầm bầm. Chúng tôi gọi toáng lên:”Thày Đạo ơi, Thày Đạo ơi…” Thày ra, bước đi còn nhanh nhẹn và ồ lên khi nhìn thấy chúng tôi. Chúng tôi biết, thày chỉ nhận ra đó là  người quen, còn chính xác là ai thì thày không nhớ. Thày trò còn đang bắt tay nhau thì có bà già đi qua chào thày là chú và hỏi quan hệ của chúng. Biết là học trò cũ của thày, bà nói “quí hoá quá” và nói với thày “chú phải vui vẻ, sống lâu với con cháu với học trò” . Chắc bà cụ tưởng, thày vẫn còn nhớ và buồn về chuyện đất đai.


Bây giờ, nơi tiếp khách của thày cùng trong gian phòng ngủ phía Tây; còn  trước kia là ở gian giữa rất rộng, phía trong là gian thờ  lớn, uy nghi. Chúng tôi vào cửa, ba con chó nhẩy chồm lên. Thày phải quát lớn, chúng mới hạ giọng với khách lạ, nhưng vẫn muốn giằng khỏi xích. Thày bảo “các cháu nó mang chúng về để làm bạn và bảo vệ ông bà già”. Sơn nói thầm, nuôi chúng cũng tốn và làm người sợ chó ngại đến chơi. Chúng tôi biếu thày hộp bánh làm quà. Thày mời chúng tôi uống nước nhân trần, có lẽ thứ cô chọn để kết hợp chữa bệnh. Da thày vẫn trắng hồng và tương đối đầy đặn. Nhìn thày gõ ngón tay lên thành ghế ngồi theo thói quen, tôi lại nhớ ngón tay ấy ngày xưa ám khói thuốc vàng khè và khi ôm chiếc acmonica lướt trên môi thì thật điêu luyện. Khi hỏi cô, thày nói “Bà lão đi chợ rồi, chợ làng Cự cách đây hơn 1 cây”. Đúng như MSơn dự đoán. Thày hỏi chúng tôi ở đâu? Gần Ngọc Hà ở đoạn nào ? khi nói gần nhà máy bia và gần lăng Bác thì thày à lên; Có mấy con rồi ? khi nói có một trai và một gái thì thày bảo “thế là nhất”. Có lẽ những cái chung lớn thày vẫn phân biệt được. Thày trò còn hỏi nhau nhiều chuyện kiểu ấy. Sơn bảo “phải ra chợ tìm đón cô về”
Sơn đi, còn tôi tiếp tục nói chuyện với thày. Cứ một lúc thày lại đặt câu hỏi : nhà ở đâu ?...Tôi hỏi thày để biết thêm một số thông tin: con gái thày là Vân và Nhàn đã có gia đình (thày không nhớ có mấy cháu ngoại), thày cho các con nhà của thày ở học viên quốc phòng (thày dạy vật lý cho học viện từ sau rời trường Trỗi) ; thày có 7 anh chị em, 2 trai là: Loan, Đạo, Cúc, Bách, Dung , Oanh, Tâm. Chắc mọi người đều biết, có một cô em thày, không biết là cô nào, lấy thày Lương trường ta. Hỏi thày thì thày không nhớ, chỉ nói thày Lương tốt lắm nhưng giờ yếu rồi; còn chú Thẩm Thạch Tâm là bộ đội, sau 75 ở lại Sài Gòn làm cán bộ tổ chức bệnh viện Chợ Rẫy. Chú mất mấy năm nay, vì bệnh ung thư; khi cưới con chú Tâm, thày vào dự  và được Thiện còi đến đón để gặp mặt  học trò Trỗi K5 nên khi biết Thiện ra điều trị U ở 108 thày hỏi thăm nhiều.
 Thày dẫn tôi đi giới thiệu nhà và đất, tưởng như tôi chưa biết gì: Nhà này bố mẹ thày làm từ hồi còn trẻ, đất ra đến tận chân đê ấy. Thời các cụ làm nhà cẩn thận thật, tuổi nhà cũng đến 80 (Thày Đạo 83 tuổi) thế mà tường, nền, trần, khung cửa  không hề xi chuyển, ngay cả khung đèn bảo vệ vẫn còn nguyên,Thày chỉ mảnh đất gần 100 m2 “ trước là ao, do bà lão đổ đất vượt lên”; đất thì tốt mà chả trồng cây gì, cỏ mọc khắp nơi. Bạn nào thích trồng trọt, sang mượn đất của thày trồng rau, có dịp gặp thày cô, có rau sạch lại khoẻ người, thật là hữu ích; Tôi thấy còn cây khế ngọt do Minh bông mang sang trồng cho thày vào năm 1997, nếu chăm bón tốt quả khế phải to hơn cốc vại uống bia; “Còn đây là sân” chỉ có mấy viên gạch xếp, còn cỏ mọc lấn cây hoa sữa, cây quất cây chanh; thày bảo “yếu rồi, không chăm được”. Thày chỉ ra nhà trẻ trước mặt “đất nhà mình đến chân đê, mình không dùng đến, cho họ làm nhà trẻ”. May là thày không còn nhớ nên không còn bận tâm về chuyện đất cát, vì khi nghỉ hưu,thày phải bỏ Hà Nội về đây ở để xin lại đất của chính ông cha mình để lại khi vẫn còn đầy đủ giấy tờ; bao nhiêu đơn từ gửi khắp nơi, có nhờ cả Dương Bắc mới lấy lại được phần nhà thờ, còn quá 2/3, xã lấy xây nhà văn hoá và nhà trẻ chứ phân lô bán thì tức lắm!
Hơn 30 phút, không tìm thấy cô ở chợ, nghĩ là cô đã về, nên MSơn quay về và kéo thêm phó nháy chuyên nghiệp (cả chợ chỉ có một hiệu ảnh) vì chúng tôi quên mang theo máy ảnh. Cô chưa về, chắc còn truyện trò với người quen. Chúng tôi chụp ảnh cùng thày có ghi “kỷ niệm gặp thày – Long Biên 5/2013” và hẹn phó nháy rửa hai ảnh đưa vào thày và chuyển email cho tôi để làm ảnh minh hoạ cho bài này. Chắc sẽ không nhận được qua email vì họ cũng chẳng bỏ thêm công làm gì khi tiền đã nhận đủ.  Thày giữ ở lại ăn cơm khi chúng tôi xin phép ra về; Đành phải chối khéo: khi nào chúng em sang đông sẽ báo trước để thày cô chuẩn bị cỗ.
Thày cứ đứng ở cổng nhìn theo chúng tôi. Thật buồn khi thày chỉ nhận ra người quen chứ không nói thêm được chuyện gì. Khoá chúng ta còn thày Chiêu, thày Khang, thày Vọng … là những thày gần gũi. Chúng ta hãy tìm cách gặp các thày nhiều hơn để còn được nói chuyện với các thày.
Ra về chưa gặp cô chúng tôi còn áy náy, vì nhiều điều muốn biết mà chỉ có cô mới giả đáp được như: tình hình sức khoẻ chính xác của thày như thế nào? Các con của thày ra sao? Vợ chồng thày Lương thế nào? Sau này đất đai của thày có vấn đề gì không ???
 Tp. HCM 8/5

3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Thật là thương thầy Đạo, vì tuổi già mà không còn nhớ tên học trò.
Thầy Khang giờ ở Hải Phòng.
Còn thấy Vọng già thế mà đang phải về Thanh Hóa đòi lại đất của cha ông để lại. Hôm qua thầy điện thoại vào, bảo: Cán bộ chúng nó mất dạy quá, cố tình thay đổi hết giấy tờ. Nhưng thầy phải đấu tranh.
Tiếc là chả giúp gì được cho thầy.

tranbachai nói...

Các bạn làm được việc thật hay.

Nhat Trung nói...

Từ khi ra Trỗi 1970 mình cũng ko gặp được thầy.Chỉ nhớ có lần thăm thầy Thẩm Gia Đạo ở phố Huế.Nhà mặt tiền đàng hoàng,ko biết bây giờ ai ở.Nhớ thầy là C trưởng phụ trách K5.Thầy coi thi hay kiểm tra thì khó mà quay cóp.Tiếc là mấy lần ra HN mà ko thăm thầy.
Mong cho thầy và gia đình mạnh khỏe!