Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Chuyện tìm mộ bà Tạ Hoàng Cơ (ST: Trần Đình)

2. Theo lời trăng trối của bố, các con của cụ Tạ Hoàng Cơ đi tìm mộ mẹ. Các anh về lại Kiện Khê, gặp lại tất cả những bậc cao niên sống xung quanh, hỏi rằng xưa nơi này có một xưởng thủy tinh, có người phụ nữ phụ trách xưởng thủy tinh ấy chết, vậy mồ mả hiện ở chỗ nào? Sự kiện xưởng thủy tinh và người phụ nữ phụ trách xưởng mất, nhiều người nhớ, nhưng mộ ở chính xác nơi nào thì không ai nhớ cả.


Người đầu tiên mà gia đình nhờ vả là cô đồng Tâm ở Sơn Tây. Nghe kể, cô đồng nói lại, rằng đã “cảm nhận” được chuyện đó và biết cụ bà nằm ở đâu rồi. 3 giờ một ngày hè năm 1998, gia đình lên Sơn Tây đón đi tìm thì cô đồng ốm, không đi được và tự nhiên cũng không “cảm nhận” được nữa. Gia đình xoay sở qua liên hệ, nhờ vả nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, nhưng dạo ấy cô Hằng đang có việc bận gì đó với Bộ Quốc phòng, không giúp được.
Gia đình nhờ tiếp một người có tên tuổi trong giới tìm mộ thất lạc, tên là Xuyên ở TP HCM. Ông Xuyên bảo, đúng ngày “đẹp và dễ nhớ” mồng 9/8/1998, trước 7 giờ thì phải có mặt ở nơi đó, rồi điện cho ông. Đúng 7 giờ, anh Tạ Quang Bùi gọi điện. Ông Xuyên ngồi ở đâu đó tận TP HCM, hướng dẫn: Từ chỗ anh đứng, đi vào qua một bức tường thì có bậc tam cấp đúng không? Đúng. Thềm dưới cùng có một ruộng rau muống, đúng không? Đúng. Thềm giữa trồng rau cạn đúng không? Đúng. Thềm trên cùng trồng hoa đúng không? Đúng. Ông Xuyên yêu cầu: Anh đứng quay về hướng mặt trời, bước dài 10 bước, sẽ có 4 bông hoa màu tím, đúng không? Không có 4 cụm hoa màu tím. Không sao, tìm quanh xem có vật gì bằng nhựa màu hồng không? Có một con lợn nhựa, nhưng nó là màu xanh. Không sao, có một gốc cây cụt ngọn, nhìn xem đó là cây gì? Cây táo. Anh đợi một lát đi, sẽ có hai con cóc nhảy ra, một con sẽ nhảy đi còn một con nhảy lên ngồi trên gốc táo.
Mấy phút sau, có hai con cóc từ hốc tường nhảy ra thật. Một con nhảy lên ngồi trên gốc táo. Ông Xuyên quát trong điện thoại: Đào ngay, không còn lúc nào tốt hơn nữa, đào ngay. Anh Bùi tần ngần bảo, tôi còn phải xin phép đức cha đã, chứ tự nhiên vác cuốc thuổng, đào trong khuôn viên nhà tu thế này e là không phải đạo. Ông Xuyên lập tức tắt điện thoại, không nghe nữa và từ đó trở đi gia đình cũng không liên hệ được với ông Xuyên nữa.
Gia đình đi xin đức cha, thuyết phục, nhờ người vận động, phải mất 6 tháng cha mới cho đào. Anh Bùi nhờ lính ở Bộ Tư lệnh Công binh về giúp. Các cụ cao niên sống xung quanh biết chuyện đến xem đông lắm. Nơi đào trước đây vốn là bãi đất bồi sông Đáy, tơi mịn, nhưng ở vị trí ông Xuyên chỉ nửa năm trước, đào sâu tới gần 3m mà chẳng thấy gì, nên đành lấp lại đi về.
Anh Bùi về nhà tìm hiểu thêm, vô tình đọc được bài ông Trần Phương tìm mộ em gái với phương pháp tìm bằng quả trứng - chiếc đũa. Anh nghiên cứu, học thuộc và quay trở lại với hành trình tìm mộ mẹ. Mùa Đông năm 1998, gia đình chuẩn bị đũa - trứng đã lau rửa sạch, đũa loại đầu tròn có, loại đầu vuông có, khấn trước bàn thờ xin bố đi tìm mẹ.
Sáng hôm sau gia đình anh đi Hà Nam sớm. Thời tiết đương đông, gió rất to. Vợ chồng anh lên hương ngoài mép sông Đáy, nơi đối diện bên kia sông là mỏ đá Kiện Khê. Anh Bùi cắm một đầu đũa xuống đất, để quả trứng lên. Ngay lập tức anh có cảm giác rất rõ ràng là quả trứng bị hút xuống chiếc đũa. Từ 8 giờ đến gần 10 giờ, gió to như thế, anh đặt trứng không rơi, nhưng ông anh nuôi lại không đặt được, cứ hễ buông tay ra là trứng rơi xuống vỡ. Nhất định là bà nằm ở quanh đây rồi, mấy người trong nhà bảo nhau như vậy.
Sau đó mấy tuần, cả vợ anh Bùi cũng đi cùng. Mọi người qua chợ Phủ Lý mua 10 quả trứng, 10 đôi đũa ở chợ, rửa sạch bằng rượu trắng. Hai vợ chồng cắm đều đậu, ông anh nuôi cắm mãi vẫn không được. Vợ anh Bùi cũng có cảm giác trứng bị hút vào đầu đũa. Trứng đậu trên đầu đũa chỉ trong diện tích hẹp khoảng 10m2, xa hơn là đổ. Đây hẳn là phương pháp tìm diện, chứ không phải tìm điểm và cách khoảng 3-4m so với vị trí ông Xuyên chỉ trong lần trước đó. Cảm giác của người cùng máu mủ ruột rà cho thấy rằng, mẹ mình đang nằm ở đó.
Rất nhiều lần anh Bùi quay lại nơi trứng “đậu”. Một bận, khi đang đứng tha thẩn ở nơi này, một ông cụ đi qua bảo, tôi thấy anh đến đây nhiều lần quá nên mách cho biết về một cô ở ngay huyện Thanh Liêm này đã tìm thấy được nhiều mộ rồi. Nhà cô nghèo, người bé, từng suýt chết, rồi sau đó có “năng lực đặc biệt”. Cô nổi tiếng bởi một bận đang đi, thấy người ta đang làm đường chuẩn bị đổ nhựa, cô nhất định không cho, bảo dưới có du kích nằm. Chuyện ầm ĩ lan về huyện, lãnh đạo huyện cho đào lên thì đúng là thấy có hai khẩu súng hoen rỉ và hai bộ xương người.
Anh Bùi lên đường ngay đi tìm, nhà cô đồng cách đường cái quan cỡ 13km. Nhà vắng vẻ, anh Bùi ngồi chờ mãi. Cô về, anh nêu nguyện vọng, đặt lễ, cô đồng ý gọi hồn. Bà cụ lên nhập vào cô đồng: “Mẹ chờ con lâu lắm rồi, nhưng không có ai chỉ lối. Con nhờ cô ấy chỉ cho… Cửa vào có hòn đá, mẹ thường rửa chân bước lên hòn đá rồi mới vào nhà. Trên đầu mẹ có lọng che. Thôi không phải đón mẹ về đâu, ở đây mẹ được ăn cả lộc Phật lẫn lộc Thánh, lại có bạn nằm bên cạnh”.
3. Cô đồng hẹn 22 giờ hôm sau đến đón. Đêm trời rất tối, phố xá đã ngủ hết. Cô không dẫn vào chỗ trứng đậu trước đây mà đi qua lối khác, cách 500m. Cô đi thoăn thoắt trong đêm, tay cầm bó nhang lập lòe cháy, đến gần chỗ trứng đậu hôm trước thì dừng lại. Cô bảo tất cả cùng trèo qua tường. Đến bậc tam cấp 1, cô hỏi y như ông Xuyên trong TP HCM trước đây: “Cái bờ đâu?”. Lên bờ, cô hỏi: “Cái gốc cây bị cưa đâu?”. Cô cầu khấn gì đó, xăm xăm đi xéo qua luống hoa, cầm nắm hương chúc xuống đất rê rê rồi chỉ: “Bà cụ nằm đây!”.
Nơi ấy có hai lùm đất, một cành ổi xòe ngang như chiếc lọng che, chỉ cách nơi đào trước đây và chỗ có hai con cóc nhảy khoảng 3-4m. Cô hỏi: “Ở đây có một hòn đá, nó đâu rồi?”. Người của nhà thờ nói, hòn đá do làm đất trồng hoa từ mấy năm trước nên khiêng chuyển đi rồi, to cỡ ba hòn gạch chỉ, mặt trên tương đối phẳng.
Khi mất, như lời đồng nhập, cụ bà Nguyễn Thị Thọ bận áo len, được quấn trong mấy tấm lạch giường, nửa thế kỷ xương cốt không còn nên các con bà đồng tình cho xây mộ trên nơi cô đồng chỉ.
Thâm tâm người nhà vẫn thực sự chưa tin. Gia đình anh Bùi biết ở Hải Phòng có cô Mến nổi tiếng trong việc gọi hồn, nên mời lên Hà Nội làm lễ. Bà cụ nhập hồn ngay: “Các con xây nhà cho mẹ thế là được nhưng rất nóng, nhớ làm thêm cho mẹ cái rèm”. Cả nhà giật mình, bởi mộ mẹ nhìn hướng ra sông Đáy, chỗ sông uốn cong rất đẹp, nhưng cửa mộ hướng Tây nên nóng mỗi lúc về chiều chăng? Bà lại nói: “Các con gửi tiền gì cho mẹ đấy? Mẹ không tiêu được. Gửi tiền Việt đi. Mẹ lên nhà bố các con ở Mai Dịch rồi, nhưng lính gác không cho vào. Hôm các con xây mộ xong thì bố biết chuyện, ghé qua thăm mẹ. Mẹ hỏi giờ ông làm gì? Ông ấy kể là giờ vẫn làm ngân hàng”.
Đại tá Tạ Hoàng Bùi hỏi tôi: Anh thấy câu chuyện này có lạ lùng không? Làm sao tất cả họ không hề biết nhau nhưng đều chỉ cho gia đình đến nơi ấy, với sai số về vị trí không đáng kể? Làm sao họ biết được bố tôi làm ngân hàng? Làm sao họ biết bố tôi đang nằm trong Mai Dịch? Làm sao họ biết được mộ mẹ tôi mới xây quay về hướng Tây? Và cả những chuyện mà chỉ hai vợ chồng tôi mới biết thì họ cũng có thể kể ra vanh vách, lúc gọi hồn như thế?

Đại tá Tạ Hoàng Bùi hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai đây?

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Thực và hay. Tâm linh là có thật trong cuộc sống, chỉ có những người lợi dụng tâm linh đề kiếm sống đã làm sai lệch khái niệm của xã hội về tâm linh.

Thắng k5 nói...

Tưởng bài đăng đã lâu, nhìn thời gian hoá ra rất mới.
Tâm linh quá thật và hay, có nhiều người được ăn lộc thánh, nên tự nhiên hiểu biết về âm phần.
Nếu giỏi giang, hiểu biết mà cố tình học cũng không được.