Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

TẢN MẠN TỪ MỘT CHUYẾN ĐI (Đàm Thơ, Đất Mũi)

Mẹ nuôi tôi người Hà Nội, mới qua đời cách đây không lâu. Chờ các cháu qua các kỳ thi cử, tôi dẫn chúng ra viếng mộ và thắp hương cho cụ. Dĩ nhiên là kết hợp cho các cháu thăm quan đó đây cho biết. Người đầu tiên tôi cần sự giúp đỡ là Quang Việt. Tôi nhờ em xem lịch viếng Lăng Bác và giúp tôi cùng đưa các cháu đi. Lập tức QV cho lịch và bố trí thời gian. Còn dặn: ”Cô ơi! Mình đi sớm cho mát”.


20h ngày 19/7, bà cháu ra tới Hà nội. Các cháu lập tức đi dạo phố và chơi chợ đêm gần Bờ Hồ. Chả là người em đã đặt nhà nghỉ ngay Tạ Hiện giữa lòng phố cổ "để bà cháu tiện tản bộ du lịch".
6h ngày 20/7, QV đã có mặt đưa bà cháu ăn sáng ở một tiệm phở ngon, có "cún con" trong đoàn 4 lính Trỗi năm trước về thăm đất Mũi. Đoàn viếng Lăng có mặt rất sớm. Các cháu tha hồ ghi hình lưu niệm về khoe với bạn bè. Rồi cũng đến lúc xếp hàng vào viếng Bác.

Ra khỏi lăng, tôi hỏi: ”Các con thấy thế nào?”. Phải đến một lúc, một cháu nói: ”Hình như Bác được làm bằng...”. Tôi vội ngắt lời cháu vì thấy không tiện để cháu nói tiếp. Tôi đã nhận biết điều đó từ những lần viếng trước. Và, cảm thấy buồn. Một nỗi buồn rất khó gọi tên. 
Đúng như QV nói, khi đoàn ra khỏi khu vực viếng Lăng thì nắng đã bắt đầu gay gắt. Đoàn người viếng Lăng Bác vẵn tiếp tục kéo dài. Thương nhất các đoàn cựu chiến binh, chắc là từ xa tới, trên ngực aó đỏ rực các huân, huy chương. 
Rồi chúng tôi vòng ra Hồ Tây, vào thắp hương đền Quán Thánh, sang bánh tôm Hồ Tây chờ các Trỗi con đến họp mặt. Tôi và QV nhắc lại bánh tôm Hồ Tây xưa, cái thời tôi còn là một cô nữ sinh văn khoa của ĐHSP và sau đó là thời của QV họp bạn chia tay ngày lên đường nhập ngũ. Các cháu nhân viên nhà hàng còn quá trẻ, làm sao hiểu bánh tôm của một thời xưa ấy nên có vẻ bực mình khi chúng tôi nói bánh tôm bây giờ không giống ngày xưa. Rồi cũng đến giờ hẹn. Các bạn của Trỗi lần lượt đến. Ai cũng nhận ra tôi vì đơn giản tôi là người cao tuổi nhất trong nhóm bạn đặc biệt này. 
Còn tôi thì hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ôi, Việt Hà (Viên Thạch) đây sao? ”Em trẻ hơn, đẹp hơn, phong độ hơn khi cô hình dung qua ảnh”. Hà cười hiền, cảm ơn lời khen tặng của tôi. Tôi nhờ QV gọi Xuyên đến vì cảm mến em lần em săn sóc Trần Minh Sơn ở bệnh viện. Xuyên đến và tự nhiên như đã biết tôi từ rất lâu. Cả khi Ngọc "người yêu QV" đến cũng vậy. Không khách khí, không xa lạ.
Tôi ngỡ ngàng khi chạm mặt Lan Hương. Tôi đọc nhiều bài viết của em, nghĩ từ em phải toát ra vẻ chắc chắn, già dặn, từng trải. Vậy mà em còn trẻ măng, non tơ. Các em đều xinh đẹp, năng động, tài giỏi hơn ngày xưa tôi ở tuổi của các em. (Thật xấu hổ khi nói lời so sánh này). Chuyện trò ở Hồ Tây thật là rôm rả.
Nguyễn Thu Thủy bận việc cơ quan nên không kịp trò chuyện. Tôi thấy lòng day dứt, nhờ QV hẹn một tối ở kem Bờ Hồ, để được gặp Thủy, để chia tay nhau vì chương trình riêng của bà cháu còn dày. Tối tôi hẹn thì QV lại bận nên em chuyển lên cơm trưa. Trưa đó có thêm Quốc Việt và Thắng K5. 
Lan Hương đến khách sạn đón tôi. Lần nào cũng vậy, lên xe em là em mở cho tôi nghe những bài hát về một thời hoa lửa, như "Bài ca không quên"... Bữa họp mặt có đầy đủ các em. Tôi thấy thật vui, thật hạnh phúc khi các em giành cho tôi thật nhiều ưu ái. 
Trưa hôm qua tôi chia tay các em, chia tay Hà Nội. QV và Việt Hà kịp đến tiễn bà cháu lên xe với rất nhiều quà Hà Nội. Khi xe trờ đến, tôi vội ôm chầm các em rồi chui tọt vào xe để giấu đi những xúc động đang trào dâng ngập lòng.
Trong suốt tuần lễ tôi ở Hà Nội và cho đến tối qua tôi về lại Cà mau gần như QV theo sát chân tôi, hỏi han săn sóc: "Cô ơi, bình minh chưa? Cô ơi, khỏe không? Cô ơi!...". Em thật chu đáo và ấm áp. Thật vui khi giữa cuộc đời hôm nay ta còn có lớp trẻ như các em. Tình cảm ấm áp và hồn nhiên của các em khiến tôi thấy mình thật hạnh phúc. Cô xin lỗi Thủy vì chưa trò chuyện được gì nhiều với em.

10 nhận xét:

Viên Thạch nói...

Đọc bài này mà nhớ cô Thơ quá. Cảm ơn chú QV, một tấm gương để chúng cháu noi theo về sự ân cần, chu đáo. Khi mà trong bộn bề cuộc sống thời gian cũng trở nên chật hẹp, thì những gì chúng cháu có được từ tình cảm Trỗi trở nên quá lớn. Cháu cứ nhớ cô Thơ hôm ở Hồ Tây, mỗi lần gắp thức ăn cho các cháu lại nói "cứ để cô, không biết đâu cô sẽ chẳng có dịp được như thế nữa..." Cháu thấy sao ấy, thấy thương cô như chính người thân của mình vậy. Chúc cô Thơ luôn mạnh khoẻ, vui và cháu hy vọng một ngày nào đó cháu và em Thuỷ rủ nhau vào Cà Mau thăm cô.

TranKienQuoc nói...

Cô lo là lo vậy thôi, sợ chả có lần gặp hết mọi người như lần này, chứ cô Thơ sẽ luôn được sống trong tình cảm chân thật, thân thương của Trỗi con.

QV nói...

Các thành viên Trỗi 9 - từ 4x đến 8x- rất đậm chất Trỗi: nhiệt tình, chân thành, tình cảm. Có được những bạn Trỗi như thế thấy cuộc đời càng thêm đẹp, càng đáng sống. Chúc cho tình Trỗi ngày càng sâu đậm và thắm thiết.

Thủyk42 nói...

Một cảm xúc tự nhiên khi cháu gặp cô Thơ. Cháu có cảm giác gần gũi, thân thiết như được gặp lại người thân yêu quý mà đã lâu lắm mới có dịp được gặp lại. Tuyệt vời lắm!

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Cô Thơ nói:Khi chia tay các em cô đã tỏ ra cứng rắn.Đọc các dòng này của các em tự dưng nước mắt cứ ràng rụa.Nhớ các em và mong các em rủ nhau cùng về Đất Mũi với cô một ngày gần.

Nặc danh nói...

Dang tren duong di La Gi, Phan Thiet thi duoc dien thoai co Tho.
KQ

Nhat Trung nói...

Đọc bài của cô viết cảm động quá!
Chúc cô và gia đình mạnh khỏe-hạnh phúc và thành đạt!

Tô Lan Hương nói...

Cháu nhận nhiệm vụ đưa cô Thơ về ks. Lúc lên xe, cô kêu; Trời, sao xe con dơ hầy? Ngượng quá, hihi. Chiều hôm đó đi rửa xe ngay lập tức

Nặc danh nói...

Nhận nhiệm vụ rửa ảnh cho cô nhưng trúng đợt này "cun con" bận quá nên chưa hoàn thành được nhiệm vụ, thất hẹn với cô. Hôm qua " Cún con" cũng phải cáo lỗi với Trỗi 5+9 vì phải lên rừng tìm con "bo vang" nên không đến được nhà anh QcV, tiếc lắm nhưng biết sao đây. Vừa về đến nhà, tối lướt trang bạn Trỗi, đọc bài cô Thơ cảm động quá, "Cún Con" chúc cô và gia đình luôn mạnh khỏe,vui vẻ,hẹn cô 1 ngày nào đó tái ngộ tại Cà Mau.

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Cô vẵn luôn mong ngóng các em đến với cô-đến với nơi chót mũi của Tổ quốc yêu thương.