Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Bác sĩ Trần Duy Hưng – vị Thị trưởng sống mãi trong lòng nhân dân Thủ đô (Phạm Kim Thanh)

     Lịch sử thủ đô Hà Nội đã và sẽ còn nhắc mãi đến một CÔNG DÂN MẪU MỰC, MỘT VỊ THỊ TRƯỞNG TÀI BA được nhân dân yêu quí, đó là bác sĩ Trần Duy Hưng.

Chủ tịch Trần Duy Hưng trên xe về tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.

       Ông sinh ngày 16/1/1912. Vốn quê gốc ở thôn Hoè Thị, xã Xuân Phương thuộc  phủ Hoài Đức (nay là huỵệnTừ Liêm, Hà Nội), nhưng cụ nội là Trần Duy Phiên đã ra Thăng Long lập nghiệp, cha ông, cụ Trần Duy Quý là công chức sở Hoả xa Hà Nội và mua nhà ở 55bis  phố Hàng Bông Ruộm (nay là phố Hàng Bông Thợ Nhuộm). Năm 1932, ông thi đỗ vào trường Y và học cùng khoá với các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Trần Hữu Tước, Nguyễn Hữu Thuyết… Tốt nghiệp ra trường đạt loại ưu, ông không vào làm ở bệnh viện công của Pháp mà xin mở cơ sở chữa bệnh tư ngay tại nhà cho được tụ do. Tinh thần của Hội Hướng đạo do ông Hoàng Đạo Thuý dẫn dắt và tín nhiệm cử ông làm Huynh trưởng Hướng đạo sinh Bắc Bộ đã khiến ông không muốn lệ  thuộc vào đồng lương của người Pháp. Nhưng  quan trọng hơn, ở nơi khám bệnh tư, ông vừa cứu người vừa có điều kiện dễ dàng hoạt động.


       Những năm 1942-1944, Hà Nội ngột ngạt, đau thương trong những vụ khủng bố khốc liệt của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ngôi nhà 55 bis có phòng khám của bác sĩ Trần Duy Hưng đã trở thành cơ sở bí mật của cách mạng. Bà Trần Thị Mỹ, em gái ông, làm hộ sinh cho phòng khám cũng đã tham gia hoạt động, giữ đầu mối liên lạc với cấp trên. Hai anh em còn cung cấp thuốc, dụng cụ y tế theo yêu cầu của Việt Minh để gửi lên chiến khu. Mỗi khi có động tĩnh gì, bác sĩ Trần Duy Hưng mặc áo blu trắng ra tiếp bọn mật thám một cách lịch sự, nên chúng không hề nghi ngờ, chỉ khám xét qua loa rồi đi.
      Yêu nước, ghét Pháp, ông không chịu tham gia  nội các chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim; và ông đã sớm nhìn ra con đường phải hướng tới.
      Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh Cách  mạng Tháng Tám thành công, bác sĩ Trần Duy Hưng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Chủ tịch chính thức của Chính quyền dân chủ nhân dân thay đồng chí Nguyễn Huy Khôi là Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời chuyển sang công tác khác. Trong Uỷ ban nhân dân cách mạng có đồng chí Khuất Duy Tiến làm Phó Chủ tịch, các ông Trịnh Văn Bô, Nghiêm Tử Trình, Đoàn Vạn Vân làm uỷ viên. Anh Trần Tiến Đức, con trai thứ hai của Chủ tich Trần Duy Hưng rất nhớ những câu chuyện kể của cha về những ngày đầu tiên lãnh đạo chính quyền thành phố: “Lúc được Bác tin cậy cử làm Chủ tịch thành phố, cha tôi thưa với Bác: “Thưa Cụ, tôi chưa có kinh nghiệm để làm quản lý”, Bác liền bảo:  “ Thế chú tưởng tôi có kinh nghiệm làm Chủ tịch nước à? Tất cả đều phải học”. Và ông đã học từ chính cuộc cách mạng vĩ đại của nhân dân để xây dựng một chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân như lời dạy của Bác. Kẻ thù âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, tình thế đất nước như ngàn cân treo trên sợi tóc. Những vụ ám sát, bắt cóc Việt Minh do bọn Việt Quốc Việt Cách tổ chức thường xảy ra trên đường phố Hà Nội: đồng chí Trần Đình Long, cán bộ ngoại giao của Đảng bị chúng giết hại; ông Bồ Xuân Luật, Bộ trưởng của Chính phủ, bị chúng ám sát hụt. Bác sĩ Trần Duy Hưng bị chúng bắt cóc  hụt bởi ông là một trong sáu ứng cử viên của Mặt trận Việt Minh trong cuộc Tổng tuyển cử bầu quốc Hội đầu tiên của nước VNDCCH.
Ông xuống sân Hàng Đẫy động viên đội bóng CAHN.

       Những việc mới mẻ, cấp bách của một chính quyền dân chủ nhân dân để chống thù trong giặc ngoài, ổn định nhân tâm, đoàn kết nhân dân, củng cố và kiện toàn các cấp chính quyền từ thành phố xuống các khu phố nội thành, làng xã ngoại thành, thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần khuyến khích các nhà công thương yêu nước sản xuất, buôn bán, thành lập các công ty cổ phần, bước đầu xây dựng nền văn hoá - giáo dục mới … hàng núi việc đòi hỏi ông  phải quán xuyến, quan tâm, chỉ đạo sát sao các cấp các ngành. Ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Bắc Bộ vẫn nhớ: “Tôi  thường gặp anh Trần Duy Hưng, khi thì ở cuộc họp do Bác triệu tập, khi thì phải bàn bạc thống nhất kế hoạch thực hiện một số việc của Uỷ ban nhân dân Bắc Bộ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Anh Hưng hoà nhã, lịch lãm, giản dị, sống rất có tình nên đoàn kết được nhân tâm mọi người. Chuẩn bị kháng chiến, chúng tôi phải tổ chức thực hiện Tổng di chuyển máy móc, nguyên vật liệu, hồ sơ của các nhà máy, công sở thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân Bắc Bộ, do đó tôi  làm việc cùng anh Hưng, kết hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân thành phố, huy động nhân lực và phương tiện chuyên chở lên Việt Bắc. Anh em làm rất tốt”. Trong điều kiện đặc biệt của chính quyền cách mạng khi đó, ông Trịnh Văn Bô và ông Đoàn Vạn Vân là những nhà công thương yêu nước, các ông đã nghe theo lời khuyên của Bác, dốc tiền của gia đình ra lập Công Ty Cổ phần của Công thương gia Hà Nội để làm gương cho giới công thương phát triển kinh tế. Còn ông Khuất Duy Tiến là Phó Chủ tịch, phải gánh vác khâu tuyên truyền diễn thuyết cùng ông Trần Huy Liệu công khai trước bàn dân thiên hạ ở Nhà Hát Lớn. Vậy nên ông Chủ tịch Thành phố phải lo trăm việc, vừa học quản lý, vừa tự làm giải quyết hanh thông  mọi việc.  
        Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tạm biệt Thủ đô lên chiến khu Việt Bắc, tháng 4/1947, bác sĩ Trần Duy Hưng được Chính phủ giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Nội vụ (1947) thay ông Hoàng Hữu Nam bị mất đột ngột ở Tuyên Quang. Những ngày đầu trên chiến khu, gian khổ, thiếu đói, phương tiện đi họp duy nhất là đôi chân và những chú ngựa cùng trèo dèo lội suối. Cảnh đi họp của các đồng chí trong Hội đồng chính phủ đã được ông Lê Hiến Mai viết rất sinh động trong những trang nhật ký khi ở Tân Trào: Chúng mình sáu người: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Tạo, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Khánh Toàn Trần Duy Hưng cùng lên ngựa để đến địa điểm. Đi đoạn đường này hơi xa và vất vả quá. Cứ thay phiên nhau người này ngã ngựa rồi đến người khác. Ai nấy đêdu lấm lem, bùn đầy đầu đầy cổ, chỉ nhìn nhau mà tức cười...trong số 6 nguời, 3 người bị đau. Cũng may mà đến nơi được bình yên”.  Sau đó, cuối năm 1953, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Chuẩn bị tiếp quản, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và ông, hai cán bộ, hai người con của Hà Nội thân yêu lại được Đảng và Chính phủ giao trọng trách chỉ đạo công cuộc tiếp quản Thủ đô, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ tiếp quản do đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư. Tháng 11 năm 1954, ông lại được Bác Hồ và Chính phủ giao trọng trách: Chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội. Và trên cương vị là người đứng đầu của chính quyền Hà Nội mới giải phóng, ông Trần Duy Hưng-vị Chủ tịch tận tuỵ, thanh liêm, hết lòng với dân lại lãnh đạo nhân dân chăm lo khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa cho Thủ đô cả nước. Anh Trần Quốc Ân nhớ lại kỷ niệm về người cha thân yêu:“Gia đình  từ số 9 Ngô Quyền chuyển sang Lê Phụng Hiểu để Thành ủy xây trụ sở. Nhưng Cha tôi đã quen nếp làm việc từ khi ở Việt Bắc, không bao giờ có thư ký riêng. Diễn văn các cuộc kỷ niệm hoặc mít tinh, Cụ viết lấy. Mọi việc, khi cần, bất kể lúc bom đạn Mỹ ì ùng, Cụ  bảo anh lái xe, thầy trò  lên đường ngay”. 
     Nhưng kỳ tích đáng nể nhất của ông trên cương vị Chủ tịch Thành phố là ông đã cùng Bí thư Nguyễn Văn Trân phá rào ngay trong những năm Hà Nội đang trống rong cờ mở đầy khí thế, thực hiện HTX cấp thấp lên cấp cao trong Thủ công nghiệp  và nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Trân nói về người đồng chí người bạn đồng hành của mình, cười vui: “Chủ trương của Đảng tiến hành đưa qui mô HTX từ cấp thấp lên cấp cao trong nông nghiệp  và Tiểu-Thủ công nghiệp là đúng, nhưng trong thực tế, Hà Nội xưa là đất Kẻ Chợ, nhiều gia đình có nghề thủ công, nếu thành phố cho các hộ gia đình phát triển sản xuất thì vừa tạo công ăn việc làm, vừa tăng thêm sản phẩm cho xã hội. Tôi bàn với anh Hưng cho Hà Nội được phát triển TCN trong các hộ gia đình tư nhân, và họ phải có nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ"
   Mười năm chỉ đạo quân dân thành phố vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, vừa tiếp tục xây dựng và cải tạo xã hội XHCN, Chủ tịch thành phốTrần Duy Hưng đã cùng các đồng  chí trong Thường vụ Thành uỷ đem tất cả tâm huyết ra phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Một trong những việc quan trọng hàng đầu của thành phố khi chủ động bước vào cuộc chiến đấu mới là công tác tổ chức phòng  không sơ tán. Là Chủ tịch Hội đồng phòng không nhân dân thành phố, ông lo quán xuyển tất cả các đầu việc có tên và không tên, thăm hỏi cán bộ chiến sĩ trên trận địa pháo 100 của khu Đống Đa và một số đơn vị của Bộ Tư lệnh phòng không không quân  chốt giữ các vị trí chiến lược của Thủ đô Hà Nội…
      Giờ đây, nhớ lại những năm tháng đau thương  mà hào hùng ấy, ngưòi dân khu phố An Dương, Khâm Thiên , Láng Hạ vẫn nhớ hình ảnh chủ tịch Trần Duy Hưng đội mũ cối xuống thăm hỏi, động viên nhân dân.  Bà  Thuý Hạnh, Bí thư khu Đống Đa kể: “Cứ dứt tiếng bom là thấy anh Hưng xuông ngay Khâm Thiên. Anh ấy trực tiếp băng bó cho những ngưòi bị thương, không nề hà quản ngại điều gì”
       Năm 1988, ông về với tổ tiên, nhưng điều cuối cùng còn lại,  mà Chủ tịch Trần Duy Hưng đã khắc sâu trong tâm khảm hàng triệu người dân Thủ đo và các con cháu chính là tấm gương  sáng về đức Liêm Chính, tận tụy, thương dân của người cán bộ cách mạng mẫu mực, một trí thức có tầm nhìn xa và giàu lòng nhân ái. Ghi nhận đóng góp của ông, đúng dịp kỷ niệm thành lập Đảng (3/2/2005), ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên ông được đặt cho con đường khang trang phía tây nam thành phố-đường Trần Duy Hưng rất đẹp với những khu nhà cao ngất vươn  lên trời xanh.
-------- *-------- 
(Source: Việt Dũng) 


3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của cụ Trần Duy Hưng!
Cha tôi tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở HN 19/8/1945 rồi bàn giao chính quyền lại cho cụ Hưng. Vì thế mà 2 cụ thân tình, nhưng quan hệ này phải tới năm 1967 tôi mới biết (khi đó mới 15 tuổi).
Tết 1967 đang học rất xa nhà thì cha mất nên không có mặt chịu tang. Hè ấy mới được cho về để động viên mẹ. Ở nhà mấy ngày lại thấy bác Hưng qua thăm hỏi, động viên mẹ. Bác kể lại chuyện 2 ông kết thân với nhau từ sau 19/8...
Tôi chơi thân với anh em con nhà cụ: Lợi, Tâm, Thắng nên nhiều chuyện được nghe.
Bài viết này rất sinh động. Cảm ơn tác giả và cả Việt Dũng - người sưu tập bài này.

Minh Tâm nói...

LƯỚP CÁN BỘ CÁCH MẠNG NGÀY XƯA ĐÚNG LÀ TƯỢNG ĐÀI VỀ ĐẠO ĐỨC, NHÂN CÁCH CON NGƯỜI. CÁC CỤ SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN.

TranKienQuoc nói...

Cụ Lê Trọng Nghĩa rất biết bà Mỹ em ông Hưng. Bà là y tá ở BV tư của BS Trần Duy Hưng. Tại đây là nơi che giấu cán bộ vừa vượt ngục từ Hỏa Lò ra.