Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)


       Những năm tháng chiến tranh, khi hai miền Nam – Bắc còn chia cắt, thế hệ học sinh, thiếu niên miền Bắc chúng tôi đã có thời gian dài cùng sống, sinh hoạt, học tập với nhiều bạn bè là con, em của các gia đình cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Bài viết dưới đây kết hợp tư liệu lịch sử với lời kể của anh Hồ Văn Phúc, bạn tôi, cũng là một học sinh miền Nam tập kết năm 1955.
         Theo như tôi biết, danh từ TẬP KẾT ra đời vào cuối năm 1954, để chỉ cuộc di chuyển khổng lồ của hàng vạn bộ đội cách mạng, cán bộ kháng chiến và thân nhân của họ từ phía Nam vĩ tuyến 17 (Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) ra phía Bắc, thực hiện nội dung của Hiệp định Gienève về đình chiến, lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương và Việt Nam. Theo số liệu lưu trữ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tính đến cuối năm 1956: Tổng số cán bộ, bộ đội, học sinh, gia đình cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc là 182.046 người. Sau này, trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng, còn nhiều đợt tập kết qui mô nhỏ nữa được tiến hành, chủ yếu là để đưa các cháu là con, em cán bộ miền Nam ra Bắc để bồi dưỡng và học tập.


         Đi ngược lại con đường tập kết của những người kháng chiến miền Nam là một cuộc di dân khổng lồ của những người đã từng cộng tác với chính quyền Việt thân Pháp trong những năm từ 1946 – 1954, trong đó có nhiều thương gia, bác sĩ, nhân viên y tế, giáo viên, học sinh, công nhân kỹ thuật… Những người mà chế độ mới rất cần trong công cuộc khôi phục kinh tế, xã hội sau chiến tranh. Bên cạnh chiến dịch cưỡng ép, lôi kéo hàng triệu người dân miền Bắc đi Nam, trước khi rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mỹ tiến hành nhiều hoạt động nhằm chống phá công cuộc tái thiết miền Bắc sau chiến tranh. Tại các thành phố lớn, đồng thời là các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá như: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh… Kẻ thù đã tiến hành tháo dỡ máy móc chuyển vào Nam, đóng cửa các nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng, lôi kéo lực lượng trí thức, cán bộ kỹ thuật tay nghề cao di cư. Tại Hà Nội, kẻ địch còn âm mưu phá hoại các công trình công cộng thiết yếu như nhà máy Điện, nhà máy Nước, ga xe lửa, xúi giục bạo loạn, cài gián điệp ở lại thực hiện âm mưu phá hoại, ám sát cán bộ, gây bất ổn trong xã hội. Vì vậy trong suốt những năm từ 1955 – 1965, công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá ở miền Bắc luôn đi đôi với cuộc đấu tranh chống địch phá hoại diễn ra gay go, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực: chính trị tư tưởng, kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá mới.
Xuống HN di cư vào Nam.

Tại sân bay Gia Lâm cũng có những chuyến bay di cư.


       Theo những tài liệu lịch sử: Trong những năm 1954 – 1956, với thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, cưỡng ép… chính quyền Việt thân Pháp đã lôi kéo hơn một triệu người ở khắp các tỉnh, thành phía Bắc đi Nam, đây là một kế hoạch đã được những cơ quan tình báo quân sự của Pháp và Mỹ lên kịch bản hết sức tỷ mỷ, với âm mưu sâu xa là gây khó khăn cho chính phủ Hồ Chí Minh trong quá trình tái thiết kinh tế - xã hội sau chiến tranh và chuẩn bị cho ý đồ tiếp tục quay lại chiếm đóng vị trí địa- chính trị vô cùng quan trọng ở Đông nam Á là Việt Nam và cả Đông Dương sau này. Ngày 9 tháng 8 năm 1954, chính phủ Quốc gia Việt Nam của tân Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã cho thành lập Phủ Tổng ủy Di cư Tỵ nạn, một cơ quan cấp Bộ trong Nội các, với 3 Nha đại diện ở ba miền Bắc, Trung và miền Nam để xúc tiến “chiến dịch” di cư, định cư. Cộng tác với Tổng ủy Di cư là Uỷ ban Hỗ trợ Định cư, một tổ chức cứu trợ tư nhân.
        Sau khi lực lượng kháng chiến cách mạng tiếp quản Hà Nội (tháng 10/1954), hàng vạn người có ý định di cư đi Nam dồn xuống Hải Phòng (nơi tập kết 300 ngày). Vì qui mô cuộc di cư ngày càng mở rộng, do không có đủ phương tiện cho những người từ miền Bắc Việt Nam chờ đợi vào Nam, nên lực lượng quân đội Pháp và chính quyền miền Nam phải kêu gọi các nước khác giúp trong việc chuyên chở dân và định cư. Vì lý do nhân đạo, nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã tham gia vào quá trình trợ giúp dân di cư và ổn định việc tạm cư sau đó. Có thể điểm qua các nước và tổ chức đã tham gia công cuộc di cư hơn một triệu người Việt Nam từ miền Bắc vào miền Nam cuối năm 1954 cho đến giữa năm 1956 là chính phủ các nước: Anh, Tây Đức, Nam Hàn, Hoa Kỳ, Nhật, Philippin, New Zealand, Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch), Ôxtrâylia, Ba Lan và Italya hưởng ứng; Cùng với các tổ chức quốc tế như: UNICEF, Hồng Thập Tự Quốc tế, Catholic Relief Services (CRS), Church World Services (CWS), Mennonite Central Committee (MCC), International Rescue Committee (IRC), CARE và Thanh thương Hội Quốc tế.
         Ngày 4 tháng 8 năm 1954 cầu hàng không Nam – Bắc Việt Nam nối phi trường Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) thuộc Nam Việt Nam với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai (Hà Nội Cát Bi (Hải Phòng) ngoài Bắc được thiết lập. Nỗ lực đó được coi là cầu không vận dài nhất thế giới lúc bấy giờ (khoảng 1.200 km đường chim bay). Phi trường Tân Sơn Nhất thời gian đó trở nên đông nghẹt và vô cùng hỗn độn, giữa tiếng gầm rú của các phi cơ vận tải liên tục hạ cánh và cất cánh là hàng ngàn người dân tay xách, nách mang túa ra từ các máy bay vận tải, hốt hoảng gọi nhau, tiếng trẻ con lạc cha, mẹ khóc thét lên, nghe nhói lòng; tính trung bình cứ 6 phút là một máy bay vận tải chở người từ phía Bắc vào hạ cánh và mỗi ngày có từ 2.000 đến 4.200 người di cư tới. Số liệu tổng kết của Tổng ủy Di cư chính quyền Sài Gòn sau này công bố là: đã có 4.280 lượt phi cơ vận tải hạ cánh, đưa từ miền Bắc Việt Nam vào 213.635 người. Ngoài đường hàng không, các tàu thủy của lực lượng Quốc gia Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch), Ba Lan... đã giúp chuyên chở được 555.037 người đi Nam. Vì số người di cư quá đông, Cao ủy Pháp đã xin Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gia hạn thêm ba tháng và phía Hà Nội đã đồng ý, nên ngày cuối cùng của “Chiến dịch di cư” thay vì là ngày 19 tháng 5, được đổi thành ngày 19 tháng 8 năm 1956. Trong thời gian gia hạn thêm, có 3.945 người từ miền Bắc đã vượt tuyến vào Nam. Chuyến tàu thuỷ cuối cùng của cuộc di cư cập bến Sài Gòn vào ngày 16 tháng 8 năm 1956.
         Tính từ năm 1954 đến giữa năm 1956, trên 1 triệu người đã di cư từ Bắc vào Nam, trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, tức là 2/3 số người Công giáo ở miền Bắc khi đó. Cuộc di dân từ phía Bắc Việt Nam vào miền Nam lên đến hàng triệu người, sau này lịch sử gọi là DI CƯ ĐI NAM. Nếu xét trên bình diện một xã hội còn mang nặng tính bảo thủ của nền kinh tế tiểu nông, bị ảnh hưởng nặng nề của mấy chục năm chiến tranh, thì vào thời điểm cuối năm 1954 – 8/1956, cả hai luồng di dân TẬP KẾT và DI CƯ ĐI NAM đã gây ra một sự xáo trộn chính trị, văn hóa – xã hội rất lớn ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam, để lại hậu quả lâu dài trong đời sống chính trị, xã hội cho người dân ở cả hai miền đất nước.

                                                     *

         Anh Hồ Văn Phúc (sinh năm 1954) kể: Theo trí nhớ của má tôi, thì trước khi được lên tàu ra miền Bắc, bà cùng 6 đưa con nhỏ đã trải qua bao ngày ăn chực, nằm chờ tại thành phố ven biển miền trung Việt Nam mang tên Qui Nhơn. Không người thân thích, không tiền bạc, má tôi khi đó mới 34 tuổi, đã phải cố gắng hết sức trông nom và nuôi 6 người con ở một thành phố xa lạ để chờ đợi “một phép màu” để được lên tàu đi tập kết với hàng ngàn cán bộ, bộ đội quê ở miền Nam. Qui Nhơn khi đó là một trong những điểm tập trung quân, vũ khí của bộ đội Việt Minh để tập kết ra miền Bắc, theo tinh thần của Hiệp định Gienève về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. 

Cảnh bộ đội Cụ Hồ chia tay gia đình, xuống tàu ra Bắc.

        Cũng theo má tôi kể lại thì trên thực tế, bà và 6 đứa con nhỏ không có tên trong danh sách tập kết ra Bắc khi đó. Tuy nhiên, tình cảnh của gia đình tôi khi đó đã không cho bà một cơ hội nào để lựa chọn. Ba tôi là ông Hồ Văn Lộc (sinh 1920), một cán bộ cách mạng thời kỳ Tiền khởi nghĩa. Tháng 8 năm 1945, ông đã tham gia giành chính quyền tại thành phố Đà Nẵng và trở thành cán bộ kháng chiến chống thực dân Pháp nhiều năm, nên đã được tổ chức đưa đi tập kết trước đó một thời gian. Má tôi tên Nguyễn Thị Hàng (sinh 1921), là người con của xứ Quảng, bà gặp ba tôi trên bước đường kháng chiến và hai người đã nên vợ, nên chồng. Sau nhiều tháng trời cùng các con ăn chực, nằm chờ tại Qui Nhơn, do có sự quen biết và đồng tình ngầm của một số cán bộ chỉ huy, vào một buổi chiều tối tháng 5 năm 1955, má tôi được vài anh bộ đội giúp đỡ bồng, bế mấy đứa con nhỏ leo lên chiếc cầu tầu lát ván gỗ được treo bằng các sợi dây, bập bềnh bên hông của con tầu biển treo cờ Ba Lan có tên Kilinski, bà chỉ mang theo mình một đôi quang gánh có hai chiếc thúng hai đầu, một bên thúng có một đứa bé trai chưa đầy một tuổi là tôi, chiếc thúng bên kia đựng mấy bộ đồ và một chiếc chăn mỏng là toàn bộ gia tài của má con tôi khi đó.
Bia kỷ niệm chuyến tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn.
         Cho đến vài chục năm sau, má tôi vẫn còn nhớ mãi khoảnh khắc quyết tâm ra Bắc năm đó, nhớ mãi quang cảnh hàng ngàn quân nhân trong bộ đồ xi-ta xám, đội mũ lưới có ngôi sao vàng, họ bịn rịn chia tay mẹ, vợ và những người thân tại bến cảng Qui Nhơn, trước sự giám sát quá trình rút quân của những sĩ quan ngoại quốc trong lực lượng Liên kiểm giám sát đình chiến. Trên cầu cảng Qui Nhơn năm đó, má tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhăn nheo của các bà má, những ánh mắt vời vợi của bao người mẹ trẻ, bồng bế con thơ đi tiễn chồng, những mệnh lệnh quân sự ngắn gọn và mùi thuốc rê rất “lính” phảng phất đâu đó trong hàng quân.
        Khi đã đứng trên boong con tàu xa lạ giữa hàng ngàn quân nhân, nghe tiếng còi tàu trầm buồn vang vọng trong hoàng hôn lúc rời bến, má tôi siết nhẹ đưa con trai nhỏ vào lòng, nước mắt chảy dài trên má, bà nhìn theo những rặng dừa nước mờ dần trong bóng đêm, lòng nhủ thầm: “Không biết cuộc sống mới ở nơi xứ người sẽ ra sao đây?”.
        Cuộc hải hành trên tàu Kilinski bước sang ngày thứ ba, giữa biển cả mênh mông, má tôi nghe những người lính ngồi bên cạnh hỏi nhau: “Không biết đã qua Vĩ tuyến 17 chưa?”. Khi đó, bà chỉ lờ mờ đoán rằng: Vĩ tuyến 17 là ranh giới quân sự tạm thời chia cắt hai miền đất nước.
       Ngày nay, tại thành phố ven biển Qui Nhơn, nơi những cán bộ và bộ đội miền Nam xuống tàu đi tập kết, chính quyền đã cho dựng một tượng đài hình con thuyền bằng bê-tông để kỷ niệm sự kiện lịch sử: TẬP KẾT RA BẮC NĂM 1954.                                              


-------------- * -----------------
-         Chú thích ảnh: 01- 02: Dân m.Bắc di cư đi Nam (Hải Phòng và SB Gia Lâm)
-         03: Bộ đội m.Nam chia tay đồng bào để tập kết ra Bắc.

-         04: Đài kỷ niệm bến Tập kết (1954 – 1955) tại TP Qui Nhơn.

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tư liệu quý.

Viên Thạch nói...

Bài viết hay và cảm động.

Bờm nói...

Đất nước bị cắt chia, nhưng TẤM LÒNG nhân dân miền Bắc đối với con em cán bộ, chiến sĩ miền Nam thật là VÔ GIÁ và CẢM ĐỘNG.