Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Giải mật cuộc chiến tranh 2 đầu biên giới (ST)

Đó là tên bài báo Tuổi Trẻ, ghi cuộc trò chuyện Tuổi Trẻ với đạo diển Lê Phong Lan. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc có nhiều điều để nói, nhưng ít được nói so với hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, đạo diển Lê Phong Lan nói: “… thiếu sự tổng kết ngay trong nội bộ ta, thiếu những bàn luận công khai…”, như có những “bí mật” nào đó cần “giải mật”?!
Từng chứng kiến những gì diển ra trước, trong và sau cuộc chiến tranh nầy trên biên giới An Giang – quê hương tôi, tôi cũng có những day dứt như đạo diển Lê Phong Lan. Bài viết dựa theo tập hồi ký và những bài viết khác của tôi từ hơn 10 năm trước về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, qua trang viet-studies xin trao đổi với đạo diển Lê Phong Lan và những ai cùng quan tâm.




Đất nước Chùa Tháp – “Ốc đảo hòa bình”, “đất thánh Việt Cộng”
Lần giở trang sử sau Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954, đất nước Campuchia dưới triều đại Quốc vương Sihanouk theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, trung lập, người dân Campuchia sống trong hòa bình no ấm, trong khi hai nước láng giềng Việt Nam và Lào bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ leo thang ngày càng ác liệt, thế giới gọi Campuchia là “Ốc đảo hòa bình”.
Là nước trung lập, nhưng Quốc vương Sihanouk hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, như chấp nhận các lõm căn cứ lực lượng kháng chiến đứng chân ven biên giới, như cái gai trong mắt người Mỹ và chánh quyền Sài Gòn nhưng họ không làm gì được, gọi đó là “đất thánh Việt Cộng”. Campuchia còn chấp nhận miền Bắc Việt Nam nhập vũ khí từ Trung Quốc vào cảng Sihanoukville, mở đường vận chuyển đến rừng tràm Hà Tiên về miền Tây Nam Bộ…
Ngày 18 tháng 3 năm 1970, nhân ông Hoàng Sihanouk đi nước ngoài, tướng Lon Nol đảo chánh lập chánh phủ thân Mỹ. Khi ấy, tôi công tác ở Văn phòng Tỉnh đội trú đóng Chòm vừng Nhơn Hội trên đất Campuchia sát biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua đời mấy tháng, nay đối mặt với tình thế lưỡng đầu thọ địch ai cũng lo buồn, trong khi đồn Nhơn Hội của quân đội Sài Gòn phát loa chĩa về hướng biên giới ra rả ngày đêm: “Hởi cán binh Việt cộng, Bác Hồ của các bạn không còn, Campuchia thay chánh phủ mới không chứa các bạn trên đất họ, quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ tấn công các bạn bất cứ lúc nào…”.
Trước ngày xảy ra cuộc đảo chánh ở Campuchia, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh An Giang 7 người và 1 Phó bí thư Khu ủy Khu 8 cải trang đi công khai từ căn cứ Khu ủy ở Kiến Phong về An Giang trên đất Campuchia, đến đồn Prek Chey đối diện khu phố Long Bình huyện An Phú bị lính Campuchia bắt giữ, Tỉnh ủy cử người đến thương lượng trả một số vàng khá lớn để chuộc nhưng không thành. Không còn cách nào khác, Tỉnh đội tổ chức một phân đội tinh nhuệ tập kích chiếm đồn Prek Chey giải thoát những người bị bắt. Trận tập kích cố gắng hạn chế tối đa thương vong quân đồn trú, không bắt tù binh và lấy bất cứ thứ gì. Tiếp theo cuộc đảo chánh của tướng Lon Nol sau đó, đặt dấu chấm hết thời kỳ Campuchia thân thiện miền Bắc và lực lượng kháng chiến miền Nam Việt Nam.

Vì sự sống còn của ta phải tiến đánh quân Lon Nol. Đồng thời giúp “bạn” xây dựng thực lực
Để mở rộng địa bàn đứng chân bảo toàn lực lượng, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy, Tỉnh đội buộc phải ra lệnh bộ đội địa phương tỉnh với 2 tiểu đoàn thiếu và các đại đội độc lập, đánh quân Lon Nol sâu trên đất Campuchia, quân ta tiến đến đâu quân Lon Nol đều bỏ chạy, làng mạc, phố phường nguyên vẹn, người dân làm ăn sinh sống bình thường, trong thời gian rất ngắn chiếm giử một vùng rộng lớn hai tỉnh Takeo và Kandal, thu rất nhiều vũ khí, quân dụng.
Việc ta đưa quân lên Campuchia đánh Lon Nol là bất khả kháng vì sự sống còn của ta. Để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Campuchia và “hợp pháp hóa” việc ta đưa quân lên nước bạn, Tỉnh ủy chỉ đạo dựng “ngọn cờ Sihanouk”, phát động nhân dân Campuchia đoàn kết cùng nhân dân Việt Nam chống Mỹ và Lon Nol, được nhân dân Campuchia đồng tình ủng hộ. Các cơ quan và bộ đội tỉnh di chuyển trú đóng sâu trên đất Camphuchia, đi đến đâu cũng được người dân chào đón nồng nhiệt như người thân. Sau đó khoảng một tháng, quân Sài Gòn tập trung binh lực mở các cuộc hành quân “Cửu Long 1”, “Cửu Long 2”… đánh phá căn cứ của ta ven biên giới và thọc sâu càn quét trên đất Campuchia, các cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội phải phân tán nhỏ ém trong các khu rừng chồi, lau sậy, hay vườn cây ăn trái tránh địch vô cùng vất vã trong nhiều ngày, may mà không bị tổn thất đáng kể về người, nhưng thiệt hại vật chất khá lớn, vũ khí chiến lợi phẫm thu của quân Lon Nol và cả của ta dự trử trước đó cất dấu ở căn cứ hậu cần trên đất Campuchia ven biên giới Vạt Lài, huyện An Phú bị quân Sài Gòn truy tìm phát hiện lấy hết! Trong khi đó các đơn vị bộ đội tỉnh tiến sâu trên đất Campuchia trên một trăm cây số, án ngử quân Lon Nol gần thị xã Takeo và Kandal, quân Sài Gòn không với tới, gần như đứng ngoài vòng chiến sự.
Chiến tranh mở rộng sang Campuchia, nhưng Mỹ và quân Sài Gòn không cứu được quân Lon Nol. Khi ấy, những người cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ) thực lực chưa có gì, cán bộ, bộ đội An Giang giúp “bạn” tổ chức bộ máy chánh quyền, đoàn thể và các lực lượng vũ trang. Riêng Tỉnh đội giúp “bạn” xây dựng mỗi tỉnh một tiểu đoàn bộ đội địa phương, huấn luyện và trang bị vủ khí đầy đủ.
Cán bộ, bộ đội An Giang giúp “bạn” rất nhiệt tình, có hiệu quả mong “bạn” vững mạnh cùng ta đứng chung chiến hào chống Mỹ, vì lợi ích nhân dân hai nước. Lẽ ra “bạn” biết ơn sự giúp đỡ đó đối xử tốt với ta. Nhưng không, “bạn” dần dần lộ rỏ ý đồ chống ta, ngang nhiên nổ súng khiêu khích bộ đội, bắt thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ ta đi công tác lẻ tẻ. Ở các cơ quan Tỉnh đội có 4, 5 cán bộ bị chúng bắt giết dã man như các anh Ba Kỳ Nam, Chín Bình Ton, Đình Trung, Bảy Sửu…! Đối với ta thì vậy, trong nội bộ chúng, Khmer Đỏ loại bỏ những cán bộ do ta đào tạo, hai tiểu đoàn tỉnh An Giang xây dựng giúp, vừa làm lể bàn giao xong ta quay đi, chúng tước vủ khí giải tán tức thì.
Thái độ thù địch của Khmer Đỏ đối với ta bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào ở An Giang có mặt trên chiến trường Campuchia lúc đó không lạ gì! Nhưng, các báo cáo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội gởi Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 8 về những vụ Khmer Đỏ nổ súng khiêu khích bộ đội và giết hại cán bộ ta đều bị nghi ngờ không trung thực, cho rằng nếu có “va chạm” với “bạn”, xem lại có phải lỗi trước hết do cán bộ, chiến sĩ An Giang gây ra, nên “bạn” mới có phãn ứng như vậy!? Cho đến sau ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ bắn pháo, đưa quân đột kích bắn giết đồng bào, cướp phá một số xóm ấp ven biên giới An Giang, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 8 vẫn chưa xác định Khmer Đỏ là kẻ thù, cho đó là những “xung đột lẻ tẻ”, “địa phương, cục bộ” và rằng Khmer Đỏ dù có xấu vẫn là “bạn” của ta!!

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thảm khốc
Để chuẩn bị chiến tranh, Khmer Đỏ phát động binh lính và nhân dân Campuchia gieo rắc tư tưởng hận thù dân tộc với Việt Nam, ra sức xây dựng quân đội, sơ tán dân xa vùng biên giới, đào công sự, chiến hào, xây dựng trận địa pháo, trận địa xuất phát tấn công, tập trung binh lực áp sát biên giới… Mọi động thái đó diễn ra cách biên giới ta không xa nhưng ta không hay biết, cho đến đêm 30 tháng 4 năm 1977, Khmer đỏ mở cuộc tấn công đồng loạt toàn tuyến biên giới An Giang dài gần 100 km, mở màn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thảm khốc…! Các đồn biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân tự vệ vùng biên giới, nhờ sớm nhận diện mạo kẻ thù, đề cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, anh dũng đánh trả đẩy lùi các mũi tấn công của địch hạn chế tổn thất. Nhưng, không hiểu vì sao Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 8 và Trung ương không đánh gía đúng bản chất phản động của Khmer Đỏ và kẻ đứng phía sau chúng, chủ quan mất cảnh giác, không có kế hoạch đối phó chiến tranh.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, tôi nghe các vị lãnh đạo nói: Mỹ là tên đế quốc sừng sỏ ta còn đánh bại, từ nay không một tên xâm lược nào dám đụng đến Việt Nam…! Chủ trương sớm “ra quân” hằng vạn cán bộ, chiến sĩ và buông lõng công tác quốc phòng những năm đầu sau giải phóng, chứng minh sự khinh suất của Ban lãnh đạo cấp cao đất nước. Cho đến đêm “định mệnh” 30 tháng 4 năm 1977, khi khói lửa chiến tranh đổ xuống khắp vùng biên giới Tây Nam bị bất ngờ mới nhận mặt kẻ thù, điều quân, khiển tướng tổ chức chống đỡ trong thế bị động, lúng túng! Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang dù quá hiểu rõ bản chất phản động của Khmer Đỏ từ những năm trước 1975, nhưng cũng không làm gì khác hơn là tổ chức phòng thủ thụ động trên tuyến biên giới tỉnh nhà, nên cũng rất bị động, lúng túng…!
Giửa năm 1977, tôi là Phó chủ nhiệm Phòng chánh trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (Tỉnh đội), nhận quyết định chuyển ngành sang Văn phòng tỉnh ủy làm cán bộ nghiên cứu phụ trách theo dõi khối Quân sự - an ninh; đặc biệt, theo dõi chiến sự chiến tranh biên giới Tây Nam đang leo thang ngày càng ác liệt phục vụ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy.
Suốt chặng đường dài 30 năm đánh giặc cứu nước đầy hy sinh gian khổ, đến ngày thắng lợi hoàn toàn 30 tháng 4 năm 1975, quân dân ta lại phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới hai đầu của Tổ quốc, tiếp tục hy sinh xương máu hàng vạn chiến sĩ, đồng bào và biết bao làng mạc, phố phường bị tàn phá…! Đây là cuộc chiến tranh “kỳ quái” giữa ta với người “đồng chí” Campuchia (Khmer Đỏ) và với người “đồng chí” phương Bắc “vĩ đại”.
Những năm 1975 – 1979 quan hệ Việt Nam – Trung Quốc vốn là “đồng chí”, là “anh em như môi với răng” bổng trở thành kẻ thù của nhau, đến mức Trung Quốc xúi giục Khmer Đỏ gây chiến tranh biên giới Tây Nam chống ta và sau đó chính Trung Quốc đưa quân gây chiến tranh biên giới phía Bắc “dạy cho Việt Nam một bài học”! Hồi đó, nghe Đảng nói: Trung Quốc có “âm mưu bá quyền, bành trướng”, là “kẻ thù trực tiếp của Việt Nam”, nhưng tôi cũng như không ít người khi ấy không hiểu ngọn nguồn vì sao như vậy. Sau nầy có điều kiện đọc các tài liệu tham khảo; trong đó có hồi ký của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ viết năm 2003 tôi tin là khách quan, chân thật.
Hồi ký có đoạn:
“…
“Là nhân chứng lịch sử và cũng là người trực tiếp tham gia các họat động ngoại giao nầy với tư cách là vụ trưởng vụ Bắc Mỹ - Bộ ngoại giao, trực tiếp tham gia đoàn đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Mỹ ở Paris năm 1977, rồi ở Nữu ước năm1978, tôi thật sự đau xót vì ta đã bỏ lở mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt Nam trong hòa bình để tập trung phát triển đất nước, sau bao năm chiến tranh…
“Việc ta từ chối lời đề nghị “bình thường hóa quan hệ không điều kiện” của Mỹ, làm cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức khu vực nầy, theo tôi, đã đưa lại những hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước ta. Liệu Trung Quốc có dám tiếp tay cho bọn diệt chủng Polpot khiêu khích ta và có dám đánh ta năm 1979, nếu như Việt Nam sau chiến thắng 1975 có một chiến lược”thêm bạn bớt thù” thực sự cầu thị hơn? Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập khối ASEAN mãi ngót 20 năm sau (1995) ta mới thực hiện được một cách khá chật vật”.
“…
Đây quả là sai lầm có tính chiến lược trong đối ngoại của Đảng sau năm 1975, đưa đất nước rơi vào thãm họa chiến tranh một lần nữa!
Với trách nhiệm của mình, tôi theo dõi chiến sự qua báo cáo của Tỉnh đội và các huyện – thị biên giới, thỉnh thoảng tháp tùng các vị trong Ban Thường vụ tỉnh ủy, hoặc Tỉnh đội thị sát chiến trường tiếp xúc cán bộ, chiến sĩ nghe anh em báo cáo: Khmer Đỏ là kẻ cuồng tín, vốn là “bạn” và là “học trò” của ta, nên quá hiểu biết thủ đoạn chiến thuật của nhau, quân ta lại bố trí đồn, chốt cố định, bộc lộ lực lượng phòng ngự thụ động, Khmer Đỏ cơ động khi ẩn khi hiện… so đánh nhau với quân Sài Gòn khó khăn, ác liệt hơn nhiều! Cán bộ, chiến sĩ ta ở các đồn biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân tự vệ phải dàn quân chốt chặn ngày đêm trên tuyến biên giới, đối mặt với địch đánh trả hết đợt tấn công nầy đến đợt tấn công khác. Nhiều đồn, chốt bị địch đánh chiếm, ta đánh phản kích chiếm lại năm lần, bảy lượt, giành nhau từng bờ tre, ụ đất… Căng thẳng nhất là mùa nước năm 1978, toàn tuyến biên giới nước ngập mênh mông, quân ta phải đấp công sự nổi, ngày đêm sống và chiến đấu dưới tầm hỏa lực địch! Khó khăn, gian khổ cùng cực, thương vong quân ta tăng lên từng ngày, những cán bộ, chiến sĩ “gạo cội” bộ đội tỉnh sống sót sau cuộc chiến tranh với Mỹ hy sinh rất nhiều, trong đó có những đồng đội thân quen với tôi như Bé Tám, Tư Mưa, Sơn Bịch…! Dù hy sinh, gian khổ đến mấy, cán bộ, chiến sĩ các Lực lượng vũ trang An Giang động viên nhau quyết tâm bám trụ chiến đấu đến cùng, nhất định không rời bỏ trận địa vì trước mặt là kẻ thù, phía sau là đồng bào, là quê hương, đất nước ta không có chổ lùi…!

(Còn tiếp)


3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Rất cụ thể.

Nặc danh nói...

Có đọc hết những tài liệu giải mật và những thông tin khách quan khác thì sẽ hiểu những cái nhìn thiển cận của VN để không những 20 năm mà cho đến bây giờ gần 40 năm sau chiến tranh vẫn tụt lùi.

TranKienQuoc nói...

Đúng là cái tầm của người lãnh đạo quan trọng thật. Nên đọc cả bài của anh Vũ Cao Phan.