Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Chú HUÂN – Người được Bác Hồ nhắc đến trong thư gửi bác sĩ Trần Hữu Tước vào tháng 9 năm 1947 là ai? (Phần II) (Việt Dũng)


2- Kỹ sư Võ Quí Huân – cha đẻ của lò luyện gang, thép trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Những ngày hào hùng nhất, oanh liệt nhất, đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời kháng chiến gian khổ của kỹ sư Võ Quý Huân là những ngày tháng ông quên mình xây dựng và cống hiến cho ngành luyện kim non trẻ của nước Việt Nam, làm ra gang thép cho Tổ quốc, những ngày mà ông thực sự làm đúng nghề chuyên môn về đúc và luyện kim như ông vẫn hằng mong muốn.


Dưới sự chỉ đạo của kỹ sư Trần Đại Nghĩa-Cục trưởng Cục Quân giới Bộ Quốc phòng, ông Võ Quí Huân đã chọn một số cán bộ kỹ thuật tốt nghiệp khoá 1 của trường Cán bộ kỹ thuật Trung bộ (gồm Ông Lê Huy Yêm, ông Nguyễn Thái Đồng, ông Lê Khánh Cư) lập tổ nghiên cứu luyện gang và luyện cốc. Kỹ sư Võ Quý Huân cùng cán bộ, công nhân viên quốc phòng của Xưởng Kim khí kháng chiến 3KC mà ông là Giám đốc thiết kế và thi công lò cao nhỏ thí nghiệm 3KC1 ở rừng Cầu Đất trên bờ sông Con thơ mộng của huyện Con Cuông, một huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Ngày 15-11-1948, trong rừng Cầu Đất, lò cao thí nghiệm dung tích nửa mét khối chạy bằng quặng sắt Vân Trình của huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An đã ra mẻ gang đầu tiên. Lò cao thí nghiệm này chỉ cao có 2,4 mét, nhiệt độ gió nóng 400oC, áp lực gió 400mm nước. Một số công nhân đúc và mộc mẫu đã tha thiết đề nghị với kỹ sư Võ Quý Huân xin được dùng các thỏi gang đầu tiên này đúc tượng Hồ Chủ tich để cám ơn Người đã đưa cán bộ về xây dựng kỹ nghệ luyện kim ngay trên quê hương Xô Viết, đồng thời báo cáo bằng hiện vật với Bác để Bác rõ ta đã luyện được quặng của ta thành gang để phục vụ kháng chiến. Để kỷ niệm mẻ gang đầu tiên ra đời, kỹ sư Võ Quí Huân đã đặt tên con trai đầu là Võ Quý Gang Anh Hào (sinh tháng 11/1948).


 Kết quả luyện gang thành công bằng lò cao nhỏ của Kỹ sư Võ Quí Huân đã được lãnh đạo Ủy ban hành chính-kháng chiến Liên khu IV báo cáo lên Trung ương. Sau đó Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Trần Đăng Ninh đến tận nơi kiểm tra kết quả và tận mắt xem thí nghiệm luyện cốc trong lò ống gang Ф200mm và xem 2 lò cao 3KC2 và lò cao thí nghiệm. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã vui mừng, phấn khởi thốt lên thành thơ:
Than Khe Bố hết xấu rồi
Thượng lò lớn nhỏ đồng thời ra gang
Kính thưa Thứ trưởng Đỗ Hoàng[1]
Định ngày vào để sửa sang khánh thành.
Rút kinh nghiệm của lò cao thí nghiệm, kỹ sư Võ Quý Huân cho thiết kế và xây dựng lò cao thứ hai (lò 3KC) lớn gấp đôi, có dung tích 1m3. Để tiết kiệm than củi, ông cho dùng than mỡ ở Khe Bố (Nghệ An) đem luyện thành than cốc ở trong lò ống gang có Ф200mm. Để tránh sự đánh phá của máy bay địch, nên đồng chí Trần Đăng Ninh đồng ý cho cả 2 lò cao nhỏ này được di chuyển về Cát Văn, một vùng trung du của Nghệ An. Tại địa điểm mới, Kỹ sư Võ Quí Huân đã thiết kế lại thành một lò cao lớn gấp 6 lần để sản xuất và cung cấp được nhiều gang hơn cho kháng chiến (vẫn mang tên 3KC).
        Tháng 12/1948, Bộ Kinh Tế và Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Liên khu IV khen thưởng cho công trình nghiên cứu luyện quặng sắt ra gang. Năm 1949, kỹ sư Võ Quí Huân tiếp tục chỉ đạo việc chế tạo các máy hơi lớn nhỏ, các máy tiện, dụng cụ giải quyết vấn đề máy móc phục vụ cho Liên khu IV.
Năm 1948, ông Võ Quí Huân được Chính phủ và Khu ủy gửi thư khen về thành tích chuyên môn.
Năm 1949, công trình luyện gang của Kỹ sư Võ Quí Huân được Hồ Chủ tịch và Ủy ban hành chính Liên khu IV tuyên dương ở Hội nghị kháng chiến Liên Khu (Do đồng chí Hồ Tùng Mậu ký về sự thành công nấu gang bằng lò cao).
Tháng 3 năm 1950, máy bay của Pháp ném bom và bắn rốc két phá huỷ lò cao Cát Văn. Lò cao kháng chiến lại được di chuyển ra vùng núi của huyện Như Xuân (Thanh Hoá) để xây dựng thành hai lò cao Như Xuân NX1 có dung tích 6m3 và lò cao NX2 có dung tích 2m3 ở trong rừng lim Như Xuân. Nhờ khéo  ngụy trang bằng cách dẫn khói lò cao qua một mương dài gần 1km qua bên kia sườn núi, nên bom Pháp chỉ phá trụi một mảng rừng, phá nát khu hành chính và nhà ở của công nhân vào đầu năm 1951.
Lò cao Như Xuân làm ở trong hang đá kiên cố, nóc hang dày hàng mấy chục mét lại thêm tường chống “rôc-ket” hàn vào trong hang, nên trong các năm 1952, 1953 giặc Pháp ném bom nhiều lần mà lò cao vẫn liên tục sản xuất đến hết năm 1954, với công xuất mỗi ngày sản xuất được 4 - 5 tấn gang, đủ cung cấp cho các xí nghiệp quân giới trong Liên khu và một số tỉnh lân cận sản xuất lựu đạn, đạn súng cối, mìn và các xưởng kinh tế sản xuất lưỡi cày, chảo gang, nồi gang….Đúc cho các xí nghiệp giao thông các quả búa đóng cọc, xây cầu (trong đó có quả búa nặng 1 tấn), đáp ứng được phần nào nhu cầu của tiền tuyến và hậu phương trong suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. (Năm 1955, Hòa bình lập lại, lò cao kháng chiến đã hoàn thành nhiệm vụ và trở thành một bảo tàng Quân giới thời chống Pháp, nay trở thành khu di tích lịch sử Lò cao kháng chiến được công nhận theo Quyết định Số 566/QĐ - Sở VHTT&DL ngày 30/12/1999).
Bìa sách về ông Võ Quí Huân.


Từ năm 1950 đến năm 1954, kỹ sư Võ Quý Huân được cử làm Trưởng ban Kỹ thuật Cục quân giới - Bộ Quốc phòng, phụ trách chỉ đạo kỹ thuật luyện gang, thép, làm Giám đốc thiết kế và thi công xây dựng lò cao ở Việt Bắc và chỉ đạo xây nhà máy H52. Trong vòng một năm đã sản xuất được hàng vạn cuốc chim, xẻng, búa tạ, đầm đât…cung cấp cho chiến trường Tây Bắc, mở chiến dịch Điện Biên. Những sản phẩm đúc thép đầu tiên ấy có vinh dự theo chân chị dân công làm đường, anh bộ đội đào hào giao thông trong chiến dịch 60 ngày đêm lịch sử.
Tháng 10/1951, tại bản Nà Lằng - Bắc Kạn, giữa núi rừng Việt Bắc, Kỹ sư Võ Quí Huân và các đồng nghiệp đã nghiên cứu thành công mẻ thép đầu tiên của nước Việt Nam (đây mới chỉ là “lò thép thí nghiệm” ). Ông cùng các anh em thức thâu đêm suốt sáng cho dòng thép chảy để có nhiều sản phẩm thép đúc cung cấp kịp thời cho chiến dịch lịch sử. (Để kỷ niệm thành công mẻ thép đầu tiên của Việt Nam, ông đã đặt tên con trai thứ hai là Võ Quý Thép Hăng Hái (sinh tháng 11/1951)
Tháng 7/1952, Ông được giải thưởng Thứ nhất của Bác Hồ ở lớp Chỉnh huấn chính trị khóa I và bằng khen của Bộ Quốc phòng về thành tích trên. Được Viện nghiên cứu kỹ thuật đề nghị khen thưởng về thành tích nấu thép bằng lò điện.
Nhớ về ông Võ Quí Huân, người bạn, người đồng đội thân thiết, Giáo sư- Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã nói những lời tâm huyết: “Anh em chúng tôi rất quí mến và cảm phục anh Võ Quí Huân. Chắc chắn anh đã trải qua những giờ phút đắn đo, cân nhắc khi phải xa vợ trẻ và con thơ (ở Pháp). Và anh đã về tham gia kháng  chiến theo tiếng gọi của Tổ quốc. Con tim anh nặng tình non nước”.
Tưởng nhớ công lao của người kỹ sư Quân giới có nhiều đóng góp cho đất nước, năm 2012, Nhà nước ta đã truy tặng cho Ông phần thưởng cao quí: Huân chương Độc Lập hạng Nhất và UBND Thành phố Hà Nội đã lấy tên kỹ sư Võ Quí Huân đặt cho một con đường ở gần Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (khu vực Nhổn).

*************





[1] Đỗ Hoàng là tên hiệu của đồng chí Cù Huy Cận, Thứ trưởng Bộ Kinh tế lúc bấy giờ

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bác Hồ đã động viên được nhiều nhân sĩ, trí thức cùng góp phần vào công cuộc "Kháng chiến, kiến quốc" của dân tộc.