Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

URAL QUÂN SỰ- CHIẾN BINH ĐẾN TỪ QUÁ KHỨ (Việt Dũng)


Xe của Công an nhân dân vũ trang.
        Ngay từ hồi còn bé tẹo “như cái kẹo”, tôi đã cùng bạn bè được đôi lần chứng kiến những chú Công an mặc quân phục màu xanh lá, đeo súng tiểu liên đi trên những chiếc xe mô tô ba bánh thật hùng dũng trên đường phố Hà Nội. Sau này tôi mới biết đó là những chiến sĩ công an thuộc lực lượng Công an nhân dân vũ trang, sau này gọi là Công an biên phòng, và giờ đây là lực lượng Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng.
Saidecar URAL.

        Trong sử sách của lực lượng Công an nhân dân, vẫn còn ghi nhiều trang sử và hình ảnh về những chiến công tiễu phỉ, bảo vệ vững chắc vùng biên giới Tổ quốc của lực lượng Công an Biên phòng. Và hình ảnh “Đội mô-tô hộ tống, dẫn đoàn” của các chiến sĩ Cảnh vệ thuộc Bộ tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) đi hộ tống các đoàn khách quốc tế đến hà Nội, cũng không quá xa lạ với đồng bào Thủ đô trong những thập kỷ 60 – 70 Thế kỷ trước. Và cũng vào thời đó, để cổ vũ cho phong trào rèn luyện thân thể của các tầng lớp thanh niên, công nhân lao động Thủ đô, được sự đồng ý của cấp trên, Sở Công an Hà Nội đã phối hợp với Sở Thể dục – Thể thao lập Đội mô tô biểu diễn, trong đội có cả các “bóng hồng” dũng cảm tập luyện cùng bạn nam các bài biểu diễn mạo hiểm trên xe mô tô.



Saidecar Xô Viết, lịch sử hào hùng trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại (1941 – 1945).
     Nếu không phải “dân” mê mô-tô, chắc trong chúng ta cũng ít người biết, trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại chống Phát-xít Đức và đồng minh của chúng, lực lượng vũ trang Xô Viết đã cho ra đời một “binh chủng chiến binh thép” thực thụ, đó là binh chủng mô-tô ba bánh quân đội.
       Những tháng năm đầu bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Liên bang Xô Viết, những đạo quân tinh nhuệ của Đức Phát-xít ngoài các trang bị tối tân như xe tăng, đại bác, máy bay và nhiều loại binh khí, kỹ thuật vượt trội so với quân đội Hồng quân, lực lượng bộ binh-cơ giới của Đức khi đó còn được trang bị một vũ khí khá lợi hại, đó là các đội tuần thám bộ binh – cơ giới được trang bị rộng rãi các xe mô-tô ba bánh nhãn hiệu BMW–R71, với tính năng hết sức cơ động trên mọi địa hình.
Những sĩ quan Xô viết cưỡi Saidecar.

Các chiến sĩ biên phòng VN biểu diễn 1966.

        Để đối phó với kẻ thù, xuất phát từ thực tiễn chiến trường, Hội đồng Dân ủy Quốc phòng Liên xô đã có cuộc họp bí mật, liên quan đến việc thành lập đội quân mô-tô hạng nặng chuyên dụng và đã quyết định lấy chiếc mô-tô Đức BMW–R71 làm mẫu. Để phanh phui những bí quyết kết cấu bên trong của loại xe này, đã có 5 chiếc môtô được mua thông qua nước thứ ba. Kết quả là, trong một thời gian khá ngắn ngủi, một số nhà máy quốc phòng Liên xô đã có thể chế ra loại xe mô-tô quân sự có tính năng tương tự như xe của Đức.
       Thực ra xe mô-tô Xô-viết không phải là bản sao y nguyên của xe Đức BMW. Chẳng hạn, khung và hệ thống treo đàn hồi đã được cải tiến một cách cơ bản, trở  nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn của xe Đức. Trên thực tế, động cơ bốn kỳ hai xi-lanh nằm ngang đã được chế tạo với những cải tiến mới, có dung tích công tác 750cc và công suất 22 mã lực, các nhà chế tạo động cơ đã dự tính dùng được loại et-xăng có chất lượng thấp hơn động cơ của xe Đức và ít gây tiếng ồn hơn.
        Tháng 10 năm 1941, khi thủ đô Nga nằm trong tình thế bị bao vây, xưởng môtô Matxcơva được sơ tán về Ural, thành phố Irbit. Nhưng chỉ đến tháng 2 năm 1942, xưởng mô-tô ở TP Irbit đã cho đời ra loạt sản phẩm đầu tiên. Và cho đến cuối năm 1941, nhiều binh đội mô-tô ba bánh Xô Viết đã được đưa vào trang bị cho các mặt trận.  Tính chung những năm chiến tranh, chỉ riêng từ Irbit đã cung cấp cho quân đội 9.800 chiếc xe. Ngoài ra, các mô-tô Moden /M-72 còn được sản xuất tại Tiumen và thành phố Gorki (nay là Nijni Novgorod). Chiếc xe được sử dụng rộng rãi phục vụ các chiến sĩ trinh sát bộ binh cơ giới và xe tăng, liên lạc, thậm chí các chiến sĩ pháo binh còn dùng nó để chuyên chở những khẩu đại bác hạng nhẹ.
        Người lính Xô Viết đã đánh giá xứng đáng độ bền vững, tính dễ sử dụng, cũng như chất lượng và tốc độ của “Chiến binh URAN”. Với một người lái và hai quân nhân, URAL/M-72 ba bánh có trọng tải hơn một tấn rưỡi, nhưng công suất vẫn đủ mạnh để đẩy nó chạy với tốc độ tối đa đến 85km/giờ. Mô-tô đơn thì nhẹ hơn và chạy nhanh hơn, đến 105km/giờ, nhưng những chiếc như thế ít được làm ra. 

     Suốt trong những năm tháng chiến tranh giải phóng Tổ quốc, “Chiến binh URAL” là tên gọi thân thương của các chiến sĩ Hồng quân ngoài mặt trận để chỉ những chiếc mô-tô quân sự ba bánh. Những chiến binh ba bánh mạnh mẽ của Hồng quân đã cùng các binh chủng khác của lực lượng vũ trang Xô Viết tham gia hầu hết các chiến dịch lịch sử trong giai đoạn 1942 – 1945 như: Chiến dịch giải phóng Krym-Sevastopol (1941-1942); Chiến dịch Stalingrad (7/1942-2/1943); Chiến dịch phòng ngự-phản công Kursk là một trong những chiến dịch lớn nhất trên chiến trường Xô-Đức, kéo dài từ ngày 5/7 đến ngày 23/8/1943…



Vĩ thanh.


       Từ sau khi kết thúc chiến tranh Thế giới thứ II, “Chiến binh URAL” Xô Viết còn tiếp tục được xuất xưởng cho đến năm 1956. Còn mẫu xe cải tiến, thì ra đời năm 1960, khung và hệ thống treo đàn hồi của M-72 được dùng để chế ra các xe môtô URAL-Irbit mới, dân dụng cũng như quân dụng. Xưởng mô-tô URAL nổi tiếng của Liên bang Nga là một trong số không nhiều xí nghiệp chế tạo máy của nước Nga, có sản phẩm được cấp chứng chỉ ở Mỹ.

       Sau này, những chiếc xe mô-tô hai bánh và ba bánh từ Ural được xuất khẩu ra nước ngoài, các “Chiến binh URAL” lại nhanh chóng trở nên nổi tiếng không chỉ ở các nước Đông Âu mà cả ở một số nước châu Á – trong đó có Việt Nam. Và cũng thật độc đáo, những năm 50 của Thế kỷ trước, nước Cộng hòa ND Trung Hoa có thương thảo mua lại dây chuyền sản xuất xe mô-tô quân sự URAL-M72 của Liên Xô, nên sau này ở Trung Quốc có phiên bản anh em với M72 là hai loại xe ba bánh Hồng Kỳ và Đông Phương Hồng với dung tích 750 phân khối.

        Hiện nay những “Chiến binh URAL” và xe Đông Phương Hồng một thời đang được các câu lạc bộ mô-tô cổ ở Việt Nam săn lùng với lòng đam mê kỹ thuật và cả mong muốn thấy lại phần nào quá khứ hào hùng của nền công nghiệp chế tạo Xô Viết ngày xưa.

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Ngay khu sân bay TSN cũng có chú chơi đồ cổ này, xe decor các thứ mà trước kia nó từng có. Chủ kể, phải mày mò nhập từ Nga về, phụ tùng hiếm phải đặt anh em bên đó kiếm. Kì công lắm.

Nặc danh nói...

Khi đọc bài này ,về chiến môto 3 bánh mà lực lượng Biên phòng của ta hay sử dụng ,tôi chợt nhớ đến ngày thành lập lực lượng Công an vụ trang tổ chức tại Câu lạc bộ quân nhân vào 3-1959 .Lũ trẻ con sống trong Thành (con bộ đội)kéo nhau nghé cửa sỗ câu lạc bộ xem buổi lể long trọng này. Thiếu tướng Phan trọng Tuệ được giao nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Công an,Tư lệnh lực lương Công an vũ trang,cụ mặc quân phục trắng ,mang quan hàm thiếu tướng trông rất oai.
Hồi đó Công an vũ trang ngoài nhiệm vụ bào vệ biên giới (biên phòng) còn làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan của Nhà nước,của trung ương Đảng tại Hà Nội, Tôi rất nhớ chiếc Mộto ba bánh Liên Xô (được miêu tả trong bài viết trên) thời đó luôn gắn với lực lương công an vũ trang.KC