1.
THUỞ ẤU THƠ.
Ông Đỗ Đình Thiện sinh năm 1904 (Giáp Thìn) tại
Hà Nội. Thân sinh ông Thiện là cụ Đỗ Viết Bình, thân mẫu là cụ Trần Thị Lan.
Ông Thiện là út trong gia đình, có hai anh và một chị: Đỗ Viết Dung, Đỗ Thị
Hiên, Đỗ Văn Tùng.
Ông Đỗ Đình Thiện thư kí của Bác 1946 tại Pháp. |
Thân sinh ông
Thiện, cụ Đỗ Viết Bình, quê ở làng Noi, nay là xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà
Nội. Lúc sinh thời, Cụ Bình đã từng làm thư ký cho một chủ đồn điền người Pháp
ở Tuyên Quang, nhưng chẳng may cụ lâm bệnh mất sớm, lúc 30 tuổi, và khi đó ông
Thiện mới tròn 3 tháng.
Thân mẫu ông
Thiện, cụ Trần Thị Lan, quê ở làng Kẻ thuộc tỉnh Hà Đông (cũ). Góa chồng từ năm
28 tuổi, cụ Lan ở vậy thờ chồng nuôi con, mặc cho không ít người tử tế theo
đuổi, đòi lấy. Xuất thân là con gái nông thôn, sau khi lấy chồng, cụ Lan đã sớm
tìm đường ra tỉnh làm ăn: buôn tơ, ướp chè sen, chế rượu chổi … Vốn chịu thương
chịu khó, cụ đã tần tảo gây dựng nên một cơ nghiệp, tuy không giầu sang, nhưng
vững chắc, đủ nuôi dưỡng các con lớn khôn và được học hành. Những năm trước
kháng chiến chống Pháp, cụ có tiệm buôn tơ khá lớn ở 72-74 phố Hàng Gai, Hà
Nội. Không được đến trường học, nhưng cụ Lan thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ,
tích thơ, mà nội dung chủ yếu là những điều răn dậy đạo lý làm người. Rất coi
trọng đức tính tiết kiệm và tinh thần tự lập, Cụ thường đọc cho con cháu nghe
những câu như:
“Buôn tầu buôn
bè không bằng ăn dè, hà tiện.”
“Dạy vợ có dưa
đừng gắp mắm,
Khuyên con
bớt gạo, cạo thêm khoai,
Ai cười hà tiện, ta chịu vậy,
Chẳng phiền ai, chẳng lụy ai.”
Tiết kiệm đối với bản thân, nhưng Cụ
rộng lòng giúp đỡ mọi người. Cụ đã xây cầu, xây quán cho làng, giúp đỡ, tạo
dựng cho nhiều bà con họ hàng lên tỉnh làm ăn. Cụ đã từng ủng hộ tiền cho Đông
Kinh Nghĩa Thục và sau này cho báo “Le Travail”. Nói chung, Cụ đã để lại
nhiều ân nghĩa và tiếng thơm ở cả hai quê, hai họ. Và bà con quen gọi Cụ một
cách trân trọng bằng cái tên “Cụ Ký Hàng Gai”.
Được nuôi dưỡng trong hoàn
cảnh mất bố từ 3 tháng tuổi, mẹ mất sữa, ông Thiện thời thơ ấu là một cậu bé
gầy yếu, biếng ăn. Cụ Lan rất thương cậu con út sớm mất cha, còn cậu bé Thiện,
không còn bố, cậu dồn cả tình thương cho mẹ. Chuyện kể rằng, hồi bé ngủ với mẹ,
cậu bé Thiện cứ phải nắm dải yếm của mẹ thì mới chịu ngủ…
2. THỜI
NIÊN THIẾU.
Hai anh ông Thiện, các ông Đỗ Viết
Dung và Đỗ Văn Tùng, đều đã theo Tây học, nên thân mẫu ông Thiện muốn cho ông
học chữ Nho để sau này giúp cụ đọc các giấy tờ, văn tự. Thế là ông Thiện đã
phải theo học 4 năm chữ Nho với một ông thầy đồ dạy học theo kiểu cổ, rất khắc
nghiệt, dạy thì ít mà đánh phạt học sinh thì nhiều. Đối với ông Thiện, những kỷ
niệm về thời kỳ này không mấy tốt đẹp, và cuối cùng ông đã thôi học chữ Nho, chuyển
sang học chữ quốc ngữ ở trường Hàng Vôi, Hà Nội. Nhiều cá tính của ông Thiện đã
hình thành từ thời kỳ này, trên ghế nhà trường: thẳng thắn, trung thực, kiên
quyết bênh vực lẽ phải, và, mặc dù nhỏ người, ông không chịu để ai cậy sức bắt
nạt mình và bạn bè mình. Trong phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, ông Thiện
đã tham gia tích cực và bị đuổi học, phải đổi giấy khai sinh, xuống Nam Định
học tiếp.
Năm 1927, ông Thiện quyết chí xin mẹ
cho đi Pháp học. Tôn trọng ý nguyện của con, nhưng trong thâm tâm không muốn
dời xa con, cụ Lan - mẹ ông - đã nghĩ ra kế hỏi vợ cho ông với hy vọng, vì
quyến luyến vợ chưa cưới, ông Thiện có thể sẽ từ bỏ ý định du học. Thời bấy giờ, có hình
thức chơi họ: một số gia đình quen biết tin tưởng nhau quy định hàng tháng mỗi
nhà đóng góp một số tiền, và lần lượt mỗi nhà sẽ được sử dụng toàn bộ số tiền
đóng góp của một tháng. Như vậy mỗi gia đình, luân phiên, sẽ có được trong tay
một món tiền đủ lớn để giải quyết công việc cần thiết. Cô gái mảnh mai, xinh
xắn, dịu dàng Trịnh Thị Điền, ở phố Hàng Mắm, thường tới nhà cụ Lan thu tiền
họ. Ưng người, ưng nết, cụ Lan quyết định dạm hỏi cô Điền cho ông Thiện. Chuyện
kể lại rằng, nhiều ngày, mới sáng tinh mơ, cụ Lan đã đột xuất đến “thăm” để xem
cô Điền có dậy sớm không, ăn ở có ngăn nắp không, có chăm chỉ việc nhà
không…Thế là một ngày đẹp trời, chàng trai 24 tuổi Đỗ Đình Thiện và cô gái 16
tuổi Trịnh Thị Điền đã chính thức gặp mặt. Qua trao đổi chuyện trò, cả hai bên
đều có thiện cảm và ưng thuận. Tuy nhiên, ông Thiện vẫn không từ bỏ ý định du
học, và họ thỏa thuận đính ước nhưng không buộc nhau nhất thiết phải đợi chờ.
Ông Trịnh Đình Cửu vốn là bạn học của
ông Đỗ Đình Thiện ở trường Hàng Vôi. Ông Cửu muốn vận động ông Thiện cùng tham
gia hoạt động cách mạng cùng với mình, nhưng lúc này ông Thiện đã sắp lên đường
đi Pháp rồi nên không thể nhận lời.
Bà Thiện. |
3. DU HỌC VÀ DẤN
THÂN (1927-1932).
Tại Pháp, ông Thiện
theo học Trường kỹ sư canh nông Toulouse. Năm 1928, ông gia nhập Đảng Cộng sản
Pháp, hoạt động, đấu tranh vì giải phóng dân tộc. Ông từng được Đảng Cộng sản
Pháp cử đi Liên Xô học Trường Phương Đông, nhưng vì lý do sức khỏe, ông không ở
Liên Xô lâu, mà trở về tiếp tục hoạt động ở Pháp.
Ngày 7-10-1931 ông Đỗ Đình Thiện bị
cảnh sát Pháp bắt tại nhà ga Matabiau, tỉnh Toulouse, khi ông đang trao truyền
đơn cho binh lính người Việt trong quân đội Pháp trên đường hồi hương. Ông bị
đưa ra xử trước tòa án ở Toulouse, bị kết án 4 tháng tù giam và trục xuất về
nước.
Trong số những bạn
học và đồng chí cùng hoạt động với ông Thiện ở Toulouse, mà sau này vẫn giữ
quan hệ thân thiết, có các vị : GS. Trần Văn Giàu, vợ chồng GS.Trương Công
Quyền, ông Nguyễn Văn Tạo, ông Phan Tư Nghĩa, ông Châu Lượng, ông Nguyễn Văn
Dựt …
GS. Trương Công Quyền nhớ lại: “Trong
thời gian anh Thiện ngồi tù, tôi có vào thăm anh Thiện nhiều lần cùng các đồng
chí đảng viên cộng sản Pháp, anh Thiện đã không chịu khai bất cứ một ai trong
tổ chức của mình, mà nhận trách nhiệm hoàn toàn về mình. ”
Trang đầu Hồ sơ 15SLOTFOM 79/2301, của
mật thám Pháp về Đỗ Đình Thiên, hiện lưu giữ tại Pháp, ghi:
- Họ tên : Đỗ Đình Thiện.
- Bí danh : Ngô Tôn Sang, Dejean
Leclerc-Maxime.
- Từ Nga về 18-5-1927.
- Trục xuất về Đông Dương ngày
3-2-1932 trên tầu thủy « Amboise ».
Trong thư, ngày
5-10-2006, của GS. Trịnh Văn Thảo (Việt kiều ở Pháp) gửi GS. Đặng Phong, đã tóm
tắt hồ sơ về Đỗ Đình Thiện, hiện lưu trữ tại Pháp, như sau:
“Đảng CS Pháp đã biểu tình phản đối
việc bắt bớ, đưa Đỗ Đình Thiện ra tòa và kết án ông ta.”
Hồ sơ lưu của mật thám Pháp về ông Thiện. |
“Đảng CS Pháp cũng tìm trạng sư bào
chữa cho ông và phát động cuộc quyên tiền vào quỹ đoàn kết trong khi ông bị
ngồi tù.”
“Vài tài liệu tóm tắt các buổi họp của
Ủy ban Đông Dương (do mật vụ Pháp ghi lại) cho thấy vai trò khá tích cực của
ông Đỗ Đình Thiện với cán bộ cộng sản vùng Tây Nam như Phan Tư Nghĩa, Nguyễn Văn
Dựt … bên cạnh các trí thức yêu nước như Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm …”
“Nói tóm lại, Hồ sơ 15 slotfom 79/2301
về Đỗ Đình Thiên tóm tắt một cách khá đầy đủ hành trình chính trị của một sinh
viên, tuy du học nhưng đã sớm chọn dấn thân cách mạng, theo con đường mac-xit
lenin-nit và lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc.”
4. NGƯỜI BẠN ĐỜI.
Bà Trịnh Thị Điền sinh năm 1912 (Nhâm
Tý) tại Hà Nội. Nguyên quán ở làng Tử Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông
(cũ). Thân phụ bà Điền là cụ Trịnh Hà, lang y, thân mẫu là cụ Ngô Thị Quảng,
thương gia. Bà Điền có hai người anh cùng cha khác mẹ, con cụ cả Nguyễn Thị
Hưởng, là ông cả Đỉnh (Trịnh Kim Đỉnh) và ông hai Khánh (Trịnh Kim Khánh). Ông
cả Đỉnh có 8 người con trong khi ông hai Khánh không có con. Cụ Quảng sinh hạ
được 10 người con, bà Điền là thứ 10 và là người con duy nhất nuôi được (!).
Chuyện kể lại rằng, hồi còn nhỏ, có lần bà Điền ốm nặng, tưởng không qua khỏi,
cụ Trịnh Hà hết sức đau khổ, thất vọng, bế con trên tay mà thốt lên rằng: “Cha
làm nghề thuốc mà không cứu nổi con!”. Sau khi sinh bà Điền, cụ Quảng, nghe
theo lời bói toán, đã bỏ nhà đi biền biệt, lên các tỉnh miền ngược buôn bán,
thỉnh thoảng mới về, vì sợ ở gần sẽ “sát con” (!). Thế rồi, khi bà Điền lên
bốn, thì cả hai cụ Trịnh Hà và Ngô Thị Quảng đều lần lượt lâm bệnh ra đi cách
nhau chưa đầy một tháng (!). Theo lời trăn trối của mẹ, cô Điền về sống với vợ
chồng ông hai Khánh. Ông Khánh, lớn hơn em nhiều, rất thương yêu em hoàn cảnh
côi cút.
Bà Điền ngay từ khi còn nhỏ đã được
chị dâu sai bảo, huấn luyện trong công việc nội trợ. Vì còn bé, mà bếp lại cao,
nên bà phải bắc ghế đứng lên để nấu cơm…Bà có được anh chị cho đi học, nhưng
chỉ hết certificat thì thôi học để ở nhà giúp việc gia đình.
Tháng 1-1929, sau khi đã hứa hôn với
ông Thiện và ông Thiện đã du học Pháp được 2 năm, qua sự giới thiệu của người
em họ là ông Ngô Đình Mẫn, bà Điền gia nhập Tân Việt Đảng, một chính đảng có xu thế Cộng
sản, tham gia hoạt động trong chi bộ Phố Huế cùng các đồng chí Nguyễn Tạo,
Nguyễn Tuấn Thức và Nguyễn Trọng Đàm.
Năm 1930, sau khi 3 đảng cộng sản hợp
nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương, bà Điền đã thoát ly gia đình tham gia công
tác cách mạng ở Hải Phòng, Hồng Gai, Hà Nội.
Ngày 31-3-1931 bà Điền bị bắt ở Hải
Phòng, bị thực dân Pháp tra tấn dã man ở Sở mật thám Hải Phòng và Hà Nội. Bà
Điền đã dũng cảm chịu đựng, không chịu khai nhận điều gì, và đã tuyệt thực 7
ngày để phản đối việc tra tấn, ngược đãi đối với phụ nữ. Không khai thác được
gì, không có đủ chứng cứ, tháng 11-1931 thực dân Pháp đã phải trả tự do cho bà.
Chính trong thời gian bị giam giữ này, bà Điền đã quen biết các nhà cách mạng
như Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn, v.v…
Sau khi ra tù, bà Điền đã nhiều lần
tiếp tế cho các đồng chí còn bi giam. Nói riêng, Bà đã gửi 2 lưỡi cưa sắt vào
khu biệt giam ở nhà thương Phủ Doãn để các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn
Tạo … tổ chức cuộc vượt ngục trong đêm Noel 1931.
(Hết phần I)
2 nhận xét:
Cụ Đỗ Đình Thiện đã đóng góp cả gia tài cho Kháng Chiên. Một sự hy sinh cao cả.
Cái đoạn: ..."Bà đã gửi 2 lưỡi cưa sắt vào khu biệt giam" là sai rồi.
Đăng nhận xét