Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Tạ Đình Đề: Cố ý làm trái nhưng không tư lợi! (kỳ 2) (Việt Lâm)

       Chủ tọa phiên tòa tuyên bố: “Bị can Tạ Đình Đề có cố ý làm trái, nhưng không tư lợi”. Lời tuyên án vang lên trong tiếng hoan hô vang dội của những người tham dự phiên tòa. Người ta ào vào công kênh Tạ Đình Đề như người anh hùng…

       3- Tai họa và oan khuất.
Ngày ông nằm viện.


       Ngay từ những năm trước 1975, khi quan lý Xí nghiệp Cao su Đường sắt, ông Tạ Đình Đề đã thực hiện khoán sản phẩm trong đơn vị của mình, thưởng lương tháng 13 cho công nhân. Việc ông phải ra tòa đã làm chấn động dư luận lúc bấy giờ.

         Ra tòa vẫn được tặng hoa
        Về ngành đường sắt Tạ Đình Đề được làm Trưởng ban Thể dục thể thao rồi kiêm Xưởng trưởng xưởng dụng cụ cao su. Tại đây ông đã có nhiều quyết định táo bạo như: áp dụng hình thức khoán sản phẩm, khoán công việc đến từng người, từng tổ và trả lương theo sản phẩm, thực hiện thưởng lương tháng 13 để công nhân có tiền ăn Tết. Công nhân được đưa đón bằng xe ô tô và ăn giữa ca không mất tiền…


        Giữa lúc công việc trôi chảy và phát đạt thì ngày 27/11/1974, Tạ Đình Đề và vị phó của ông là Nguyễn Xuân Luật bị bắt giam, vì nghe đâu có đơn tố cáo ông Đề ba tội: chứa thuốc nổ và vũ khí; tập hợp các phần tử xấu và rút tiền mặt chi tiêu vô tội vạ…
        Tư liệu Đại tá Quách Hải Lượng lưu giữ thể hiện: Sau 18 tháng giam cứu, ngày 7/6/1976 Tạ Đình Đề và các đồng phạm được đưa ra TAND TP Hà Nội để xét xử. Phiên tòa kéo dài 6 ngày trở thành một sự kiện chấn động dư luận thời bấy giờ.
        Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt Hà Đăng Ấn cho anh em xí nghiệp nghỉ việc để đi tham dự phiên tòa. Nhiều anh em công nhân ôm hoa đứng ở cổng Hỏa Lò để tặng ông khi Công an dẫn ông sang Tòa án. Đường phố trước cổng Tòa án ngày nào cũng đông nghịt người theo dõi phiên tòa…

       Bất chấp mọi thứ để làm lợi cho… đơn vị.
       Bà thẩm phán Phùng Lê Trân đã làm rõ từng nội dung cáo trạng buộc tội Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác trong vụ án. Hội đồng xét xử nhận định: Toàn bộ hoạt động của Tạ Đình Đề từ 1971 đến 1974 là thấy việc gì có lợi cho đơn vị thì kể cả móc ngoặc, xin nhượng, mua bán, đổi chác để thực hiện bằng được. Thấy mặt hàng gì có khả năng bán được là tung tiền ra mua kỹ thuật và đầu tư sản xuất, trước mắt lấy lãi phục vụ kiến thiết cơ bản, hoạt động thể dục thể thao và mục tiêu lâu dài là đưa xí nghiệp trở thành xí nghiệp lớn, kinh doanh tổng hợp. Kết quả đạt được là một cơ ngơi khang trang được hoàn thành trong hai năm trên một bãi tha ma và ao rau muống… Các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có tư lợi.
        Cáo trạng dựa vào một bản báo cáo thanh tra, nhưng thẩm phán Phùng Lê Trân phân tích: Báo cáo của đoàn thanh tra liên bộ chưa có căn cứ để tin. Xét về nguyên tắc thì không có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên bộ. Báo cáo thanh tra không có ngày tháng, không ghi những ai, tên gì, của cơ quan nào được cử tham gia đoàn thanh tra. Không ghi ai là đoàn trưởng, đoàn gồm có mấy người… nên không thể xem đây là văn bản có giá trị pháp lý.
Lễ truy tặng huân chương Độc lập cho ông.
         Hơn nữa, bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên trong công văn số 72 ngày 4/12/1974 khẳng định: “Có những việc liên quan đến Tổng cục đường sắt và Bộ có trách nhiệm, không phải giám đốc xưởng tự ý làm”. Hội đồng xét xử quyết định Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác không phạm tội cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây thiệt hại cho tài sản XHCN; không phạm tội tham ô và hối lộ. Tạ Đình Đề và các bị cáo khác được trả tự do.
         Lời tuyên án vang lên trong tiếng hoan hô vang dội của những người tham dự phiên tòa. Người ta ào vào công kênh Tạ Đình Đề như người anh hùng… Ngay sau phiên tòa, Tổng cục đường sắt đã phục hồi ngay quyền lợi như lương bổng, chức vụ cho Tạ Đình Đề. Nhưng số phận ông vẫn chưa hết rủi ro. Ngày 15/8/1985 ông lại bị bắt về tội “Tuyên truyền phản cách mạng”. Mãi đến năm 1987, Tạ Đình Đề mới được minh oan hoàn toàn…
        Anh Tạ Đình Tiến, con trai ông Tạ Đình Đề: Hai lần bố tôi bị bắt oan, gia đình tôi rơi vào cảnh hoang mang, khổ cực vô cùng. Mẹ tôi phải bán nhà ở trên phố về ở khu Khâm Thiên để có tiền tiếp tế cho bố tôi. Khi bố tôi bị bắt lần thứ nhất, vào năm 1974 – 1976, anh trai tôi đang học ĐH Bách khoa phải nghỉ học. Lần thứ hai, từ năm 1985-1987, tôi đang học tại chức ĐH Bách khoa, bị đuổi khỏi chỗ làm và phải nghỉ học. Thế hệ chúng tôi đã qua, không thể làm lại được. Giờ chỉ trông vào thế hệ con cái mà thôi.

        Nhà văn Chu Lai: Nhiều khi tôi cứ tẩn mẩn nghĩ, một con người bị cuộc đời dần lên, hắt xuống ghê gớm như ông mà không biết đùa, không biết cười cợt, ngang tàng thì dễ quỵ lắm.

        -Từ quét rác đến nhà tình báo.

           Tạ Đình Đề học tình báo dưới trường của quân Tưởng, rồi quân Mỹ. Khi hoạt động như một điệp viên, ông vẫn giữ nguyên tính cách ngang tàng, tếu táo…
          Tao chỉ là một thằng quét rác
         “Tao có là cái gì đâu, chỉ là một thằng quét rác ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Muốn đi xa, tao nhảy xe lửa Việt – Điền sang Vân Nam (Trung Quôc)… Cũng may vào được Hội Việt kiều yêu nước ở Côn Minh. Được học tình báo ở trường huấn luyện tình báo của Tưởng Giới Thạch”, ông Đề đã kể với đại tá Quách Hải Lượng như vậy.
         Tại trường tình báo, do thành tích học xuất sắc, Tạ Đình Đề lọt vào mắt người Mỹ. Họ đưa ông đến một địa điểm khác và đào tạo một cách bài bản, trong đó có kỹ năng bắn súng mà sau này tài nghệ của ông trở thành giai thoại. Sau khi tốt nghiệp, quân Tưởng định đưa ông Đề cùng một nhóm nữa đi Trùng Khánh để chúng sử dụng. Sau khi xin ý kiến thượng cấp, ông Đề cùng anh em phản đối quyết liệt chủ trương của Tưởng. Cuối cùng, bọn chúng đã phải nhượng bộ và trả anh em về Côn Minh.
          Ông được tổ chức phân công vận chuyển vũ khí, đạn dược về nước… Lúc ấy, ông mới 27 tuổi. Trong thời gian ở Trung Quốc, ông cùng nhiều cán bộ khác đã rất tích cực bảo vệ và tổ chức các chuyến qua lại Vân Nam cho đồng chí Lý Thuỵ (tức Bác Hồ).
Ông được cử về Việt Nam làm “biệt kích”. Nhiệm vụ của ông và hai người Mỹ nữa là nhảy dù xuống Huế “chỉ điểm” các mục tiêu quân sự của Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào đến hết Nam bộ Việt Nam để máy bay Mỹ oanh tạc. Sau đó, ông lại sang Trung Quốc học về quân sự. Nhiều người không biết ông được “quân ta” cử đi học. Khi về nước, ông Đề từng bị dân binh bắt vì tưởng là người của… CIA! Khi cấp trên giải thích, các cụ dân binh mới chịu thả ông.
         Vào những năm 1948-1950, ông làm đội trưởng Đội biệt động, sau này là đặc phái viên Liên khu III. Hồi đó, ông đi công tác khắp địa bàn Liên khu rộng lớn, từ Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định…
         Nhà tình báo “ngang như cua”
         Khi ông làm Phó ban tình báo Liên khu II, báo cáo địa hình trong thành Hà Nội đưa ra không làm ông thoả mãn. Vậy là, ông giấu cấp trên, cải trang, một mình lẻn vào nội thành và lang thang đến… mấy tháng trời. Bộ Tư lệnh “tá hoả” không biết ông đi đâu. Mãi một thời gian sau, qua báo cáo của cơ sở ở nội thành, cấp trên phải lệnh ông mới chịu ra. Sau lần ấy, ông đã bị “cạo” ra trò!
        Cái sự “ngang như cua” của ông khiến cho nhiều người quý, nhưng cũng có nhiều người không phục. Đặc biệt là những người mới chỉ “nghe danh” của ông. Người ta kể lại rằng, khi ông làm Phó ban tình báo liên khu, không ít người “khích bác”, cho rằng ông Đề bốc phét, những lời đồn đại về tài nghệ của ông chỉ là “vớ vẩn”… Tạ Đình Đề nghe vậy sôi máu, lôi ngay người trêu ông dai nhất đứng vào tường và bảo “không chết được đâu”. Đùng! Đùng! Đùng!… Mái tóc anh chàng trêu ông bị sém vì mấy vết đạn. Cả đám xanh mặt. Sau bận ấy, ông bị lãnh đạo khu cảnh cáo và giam súng một thời gian.
        Tài liệu mà người nhà ông lưu giữ còn ghi lại một mẩu chuyện khá “tếu táo”: Một dạo quân của đơn vị ông từ trong thành mang theo nhiều phim ảnh, trạm gác công an vùng tạm chiến cứ nằng nặc đòi bắt anh em mở ra khiến nhiều cuộn phim tài liệu do công sức và xương máu của anh em điệp báo nội thành bị hỏng hết. Hai bên đã xảy ra xô xát vài lần…Biết chuyện, Tạ Đình Đề lặng lẽ sai một liên lạc viên kiếm một đôi bồ câu và buộc một túm giấy vớ vẩn vào chân chim và đem qua trạm gác… Như dự đoán, trạm khác nhất định đòi khám xét, còn người liên lạc thì nhất quyết khước từ. Hai bên to tiếng. Người liên lạc bảo: nó bay mất thì ai chịu trách nhiệm? Người gác trạm bảo: Tôi. Hai bên làm giấy cam đoan. Do có chủ ý từ trước nên khi trao chim, người liên lạc giật nhẹ sợi dây cho chim bay mất và… nằm lăn ra gào khóc, nói là bị mất số tài liệu tuyệt mật. Đúng lúc ấy, Tạ Đình Đề xuất hiện và trình giấy tờ, cả Trạm gác như nhà có tang.
        Đại tá Quách Hải Lượng – nguyên Tuỳ viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc: Tạ Đình Đề tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1935, vào Đảng năm 1946. Sau năm 1954, ông chuyển sang công tác tại ngành Đường sắt Việt Nam“Cống hiến cả cuộc đời mình trong 3 lĩnh vực: tình báo, chính trị, kinh tế, lĩnh vực nào ông cũng hoạt động sôi nổi, có thành tích, mang cá tính Tạ Đình Đề…”.

         Về già, ông Tạ Đình Đề quyết định vào miền Nam sống. Mãi đến tháng 11/1997, khi sức khoẻ sa sút, ông đòi các con đưa ra Hà Nội, để khi chết được về quê (Thanh Oai, Hà Tây). Ba tháng sau khi trở ra Hà Nội, vào ngày 17/1/1998, ông Tạ Đình Đề- người chiến sĩ cách mạng có cuộc đời chìm nổi như huyền thoại  đã trút hơi thở cuối cùng.


                                      @@@@@@@@@@@@

6 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Tài quá, đức quá, tâm quá!

Bờm nói...

XUẤT PHÁT TỪ TÌNH THƯƠNG ĐỐI VỚI ANH EM CÔNG NHÂN MÀ ÔNG "PHÁ RÀO", KHOÁN SẢN PHẨM, RỒI BỊ BỌN XẤU VU LÀ PHẠM PHÁP. ÔNG CÓ KHÁC GÌ ÔNG KIM NGỌC. NHỮNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC THƯỜNG BỊ ĂN ĐÒN. ĐAU LẮM THAY. VIỆT NAM MÌNH CỪ "TIẾN LÊN TỪ TỪ" CHO AN TOÀN, CHẤP NHẬN ĐI SAU LÀO VÀ CAM-PU-CHIA CŨNG ĐƯỢC.

Nặc danh nói...

Người dám chịu trách nhiệm trước việc làm của mình là người chân chính nhất.

Nặc danh nói...

Những cái đầu VƯỢT TRỘI thường gặp vấn nạn thế đó.Khi những thằng ngu còn lãnh đạo những thằng khôn thì tình trạng này có gì là lạ.

Nặc danh nói...

Nuoc' cung co' va^.n nuoc'.

Nặc danh nói...

Thời điểm ấy (1976)du luận hà nội, công chúng hà nội so với bây chừ thiệt dũng cảm, nghĩa hiệp, tỏ rõ thái độ trước cái đúng cái sai,không hèn.hôm xử án, kẻ viết mấy chữ ni cũng có tới tòa án chầu rìa, thấy phía phố Da Tượng và Hoả Lò có cả xe vòi rồng và chó ngao.Xin thú thiệt là giờ tôi hèn rồi, chỉ biết nồi cơm nhà mình thôi.