Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

"Những nhà báo đầu tiên ra Trường Sa Kỳ 2: Trường Sa “thuở ban đầu”

Ký sự của NGUYÊN MINH – TRƯỜNG GIANG

Ông đã may mắn chụp được 14 cuộn phim, ghi lại hình ảnh Trường Sa với chim chóc, cỏ cây và bộ đội chiến đấu, huấn luyện trong những ngày đầu giải phóng. “Cứ ảnh nào đen trắng mà toàn bộ đội đội mũ cứng, mang trang phục bộ binh là “lớp ảnh thứ nhất” về Trường Sa do tôi chụp” – ông Nguyễn Khắc Xuể “bật mí”

“Ba lớp ảnh” của những ngày đầu

Bất ngờ, đến cuối buổi chiều, từ đường chân trời bỗng hiện ra hai bóng đen nho nhỏ, rồi to dần, to dần.

- Tàu về! Tàu về! Tiếng ai đó hét lên.

Mọi người đổ xô ra bờ biển. Thực hay mơ đây. Đúng là hai chiếc tàu đã “lò dò” dắt nhau trở về sau khi cũng bị chết máy đã sửa được máy và thoát qua dông bão.

Đêm hôm ấy, họ ngủ ngon như chưa bao giờ được ngủ và mờ sáng hôm sau, lại tiếp tục lên đường. Lần này, có thêm một chiếc tàu của đoàn 125 hải quân là tàu chỉ huy, dẫn đường cho cả đoàn.

Tiếp tục cưỡi nhiều đêm sóng dữ, tàu đã tới quần đảo Trường Sa, dừng chân điểm đảo đầu tiên là Song Tử Tây, cũng là hòn đảo đầu tiên được giải phóng rạng sáng ngày 14-4. Sau Song Tử Tây, đoàn tiếp tục hành trình tới Nam Yết, An Bang, Trường Sa Lớn…và cuối cùng là Sơn Ca – cũng là hòn đảo sau cùng được giải phóng vào ngày 29-4.

Với nhiệm vụ của một phóng viên ảnh, Khắc Xuể miệt mài bắt tay vào công việc. Ông cho hay, những bức ảnh chụp ở Song Tử Tây là khá nhất, tốt nhất với nhiều hình ảnh sinh động như: Bộ đội thao tác bắn cối 60, phất cờ giải phóng… đã trở thành những hình ảnh biểu tượng của giải phóng Trường Sa.

Sau này, còn một số đợt phóng viên ra Trường Sa những năm đầu sau giải phóng nên xuất hiện thêm nhiều hình ảnh chụp bộ đội Trường Sa “thưở ban đầu”. Nhưng theo ông Xuể, có thể phân biệt đâu là những ảnh do ông chụp vào tháng 5-1975 bởi theo ông, có tới “ba lớp ảnh” bộ đội Trường Sa ngày đầu giải phóng.

Lớp ảnh thứ nhất là hình ảnh bộ đội mặc quần áo bộ binh, đội mũ cối do Khắc Xuể chụp tháng 5-1975.

Lớp ảnh thứ hai do ông Bằng Lâm chụp có ảnh hình ảnh bộ đội mặc áo trắng hải quân.

Lớp ảnh thứ ba ông Vũ Đạt, cũng là cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân ra Trường Sa vào khoảng những năm 1978-1980 chụp lại với dụng ý không quên chiến công của bộ đội đặc công nên có nhiều hình ảnh anh em đội mũ sắt.

Gió, cát, chim và bia chủ quyền

Trường Sa ngày đó lúc quân đội Sài Gòn đồn trú còn khá hoang sơ. Ông Xuể kể rằng, cây cối khá ít, chỉ có một số cây dừa trên đảo Nam Yết và vài gốc bàng vuông cổ thụ trên những đảo lớn. Sâm đất là loài cây bò lan trên nhiều đảo. Nhiều đảo hầu như không có cây cối, chỉ mênh mông gió, cát, nắng cháy và…chim. Các công trình trên đảo chủ yếu là hầm, công sự phủ cát, gác tôn. Có khá nhiều cột mốc chủ quyền do chế độ Sài Gòn cho dựng trên các đảo song do sau khi giải phóng ta triển khai xây dựng bia chủ quyền mới trên nền bia cũ được dỡ bỏ hoặc tu tạo nên những bia đó không còn nhiều. Song trên quần đảo hiện nay vẫn còn lưu giữ được hai bia chủ quyền của chế độ cũ trên đảo Nam Yết và Song Tử Tây.

Cây cối thưa vắng nhưng bù lại đảo rất nhiều chim. Chim hải âu, ó biển, mòng biển nhiều vô kể. Chúng chen chúc đi trên cát, gặp người chẳng buồn bay vì có mấy khi chúng thấy người đâu. Trứng chim la liệt, phải vừa đi vừa tránh kẻo vỡ trứng của chúng… Hôm tới đảo An Bang, thấy loài chim ó biển đậu rất nhiều, nhìn rất dễ thương, ông Xuể thấy nó cứ nhìn mình tưởng nó hiền liền đưa tay “chào”. Nào ngờ, chú ó biển mổ cho một cái thật lực, máu tuôn xối xả. Vích cũng rất nhiều, chúng lên đẻ trứng ngay trên các bãi cát. Thực phẩm mang theo không nhiều, nguồn thức ăn chính là trứng chim, thịt vích, nước uống cũng thiếu, lại hầu như không có rau nên bộ đội hầu như ai cũng bị táo bón, ăn hai thứ đó nên táo bón kinh khủng. Nhưng rồi, mọi người đều động viên nhau vượt qua khi nghĩ đến những đồng đội bám đảo đã và sẽ phải chịu đựng cuộc sống như thế lâu dài hơn mình rất nhiều.

Những tác phẩm đầu tiên

Chuyến công tác kéo dài chừng 10 ngày, cũng là dịp để đoàn công tác khảo sát, hoạch định những vấn đề phòng thủ, giữ vững quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Ông Xuể và ông Thắng cũng đã hoàn thành nhiệm vụ chụp ảnh, thu thập tư liệu.

Trở về đất liền, dù là nhà báo đầu tiên chụp ảnh Trường Sa nhưng để có được những bức hình đó cho riêng mình, cũng không hề đơn giản. Bởi lẽ, theo lệnh cấp trên, ông phải bàn giao các cuộn phim chụp được. “Khi về đất liền, trong số 14 cuộn phim đã chụp, tôi bàn giao lại cho anh Thái tới 10 cuốn. Không lẽ nghĩ mình là nhà báo mà “trắng tay”, tôi xin giữ lại 4 cuốn với lý do ảnh “không quan trọng” và được đồng ý. Còn bài viết về Trường Sa, tôi chỉ viết một bài về trận đánh đảo Sơn Ca và một bài về chiếc xe máy Kawasaky” – ông Xuể kể. Bài về trận đánh đảo Sơn Ca được đăng vào dịp cuối năm 1975, có kèm hình ảnh bộ đội ta làm chủ đảo, tuần tra bên cột mốc chủ quyền và dựng chòi canh giữ đảo. Về sau, nhiều bức ảnh chụp bộ đội Trường Sa do Nguyễn Khắc Xuể chụp đã được in trên Báo Quân đội nhân dân và nhiều báo khác. Trong đó, bức ảnh đảo Song Tử Tây với hình ảnh bộ đội cơ động tác chiến, phía sau là cột mốc chủ quyền có lá cờ giải phóng phần phật tung bay đã trở thành một bức ảnh mang tính biểu tượng giải phóng Trường Sa, được lưu giữ trong bảo tàng hải quân và nhiều sách báo viết về giải phóng Trường Sa.

Sang năm 1976, những bài báo về Trường Sa đã xuất hiện nhiều hơn trên Báo Quân đội nhân dân. Trong đó, đáng chú ý phải kể để loạt ký sự 16 kỳ mang tên “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu” do hai phóng viên Nguyễn Thắng và Hà Đình Cẩn viết chung đã tiết lộ những bí ẩn về Trường Sa. Danh từ “Đảo Bão Tố” đã được nhà báo Nguyễn Thắng đặt cho Trường Sa ngay từ đầu. Trong loạt ký sự, các số cuối viết sâu về Trường Sa từ cảnh vật tới con người, từ chuyện đảo chim, đảo vích tới chuyện trồng rau, treo cờ, ý chí khắc phục khó khăn và niềm lạc quan của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đáng chú ý, các nhà báo đã khắc hoạ sinh động chuyện chở đất phù sa, gửi hạt giống rau và những hòm cờ Tổ quốc ra đảo. Chuyện về chim, về ốc, bào ngư, nhím biển…thật ly kỳ nhưng ngay từ ngày đó, các đảo đã ra nghị quyết bảo tồn các loài chim lâu dài.

Nhớ lại chuyến đi của hai người đồng nghiệp, Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng phòng Văn hoá – Thể thao Báo Quân đội nhân dân xúc động mãi với hình ảnh hai nhà báo khỏe khoắn, đẹp trai đường bệ phóng xe rời thành phố. “Chúng tôi đều tin rằng chuyến đi của các anh sẽ thành công. Và chuyến đi ấy các anh đã thành công mỹ mãn. Anh Nguyễn Thắng trổ hết kinh nghiệm khai thác tài liệu, phóng sự đăng nhiều kỳ của anh đầy ắp thông tin mới lạ, xúc động về Trường Sa, về chiến công đánh chiếm quần đảo của bộ đội hải quân. Anh Khắc Xuể “đốt sạch” hơn chục cuộn phim, có nhiều ảnh rất đẹp về đảo, về những đàn chim đông nghịt quây quần bên chiến sĩ cùng những cây bàng quả vuông... Thiên phóng sự dài kỳ về Trường Sa của các anh trở thành một sự kiện báo chí 1975-1976, làm háo hức bạn đọc” – Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng kể.

Mong tìm nhân vật và kỷ vật

Lại nói về chiếc xe máy. Lúc trở lại Cam Ranh, nghĩ đường về Sài Gòn sau trận đi biển mệt nhoài, cả ông Xuể và ông Thắng đều không dám liều thêm một lần nữa. Họ đành tính chuyện mang xe đi gửi và đi ô tô về. Ông Xuể mang xe máy ra bến xe Nha Trang. Thấy con xe kềnh càng, các chủ xe, tài xế đều lắc đầu quầy quậy. Bí quá, ông Xuể đành thật thà vào ban quản lý bến xe, rút giấy giới thiệu, thẻ nhà báo và trình bày. “Hiệu nghiệm” ngay, người quản lý xem giấy và reo lên:

- Trời đất ơi! Giấy giới thiệu có chữ ký, con dấu tướng cộng sản nè! Tướng cộng sản ký nè! Ủa, vậy phải giúp mấy ổng chứ.

Nói rồi anh ta đưa ông Xuể ra tận một chiếc xe sắp lăn bánh, yêu cầu phải chở chiếc xe và nhà báo về ngay. Thế là “chú ngựa xích thố Kawasaky” được khiêng lên nóc xe, đường hoàng trở lại Sài Gòn. Nó trở thành “xe công” của tổ phóng viên thường trú. Những năm chiến tranh biên giới Tây nam xảy ra, nó lại trở thành “tuấn mã” đưa nhiều lớp phóng viên ra trận. Ông Xuể rất quý nó, muốn lưu giữ lâu dài nhưng xe dùng chung, lại cồng kềnh, tốn xăng nên sau khi ông chuyển ra Hà Nội, xe cũng dần hư hỏng rồi không biết số phận của nó ra sao. Đó cũng là một trong những điều khiến ông tiếc nhất.

Còn một điều ông thấy tiếc lớn hơn nữa. Đó là câu chuyện về những người lính, ở cả hai bên chiến tuyến. Ông nói: “Ấn tượng mạnh nhất là những người lính đặc công đã giải phóng Trường Sa. Ngày đó do yêu cầu của cấp trên, tôi gần như không được phỏng vấn họ, chỉ ghi tên sau khi chụp ảnh. Không biết 40 con người đó giờ đây số phận họ ra sao? Giá mà chúng ta làm được việc tìm lại họ hôm nay thì ý nghĩa quá. Và đáng chú ý nữa là 32 người lính quân đội Sài Gòn bị bắt làm tù binh ở Trường Sa, giờ họ ở đâu, làm gì? Nếu tìm lại được họ, nghe họ kể chuyện canh giữ đảo, chuyện ta giải phóng đảo như thế nào cũng sẽ thêm nhiều điều thú vị, hữu ích trong giáo dục truyền thống, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam qua nhiều thế hệ” – ông Nguyễn Khắc Xuể tâm sự./."

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Mẹ, Tàu mà ko gây hấn biển Đông thì tới ông Xuể cũng chẳng ai biết đến chứ nói gì tới lính đặc công Giải phóng và tù binh ngụy trên đảo!
Cám ơn ... ông Xuể.

HMK6