Vào trường Nguyễn
Văn Trỗi, bạn bè cùng trang lứa hầu hết ở các thành phố, anh em có điều kiện tiếp
xúc với văn hoá, văn nghệ, thể thao, cuộc sống văn minh nơi phố thị. Còn tôi vốn
được sinh ra bên luống cày, tuổi thơ tôi lớn lên cùng hương đồng cỏ nội. Tôi sớm
được làm quen với giỏ cua, lờ cá. Vui đùa hồn nhiên trong những lần tát vét,
đơm đó, be bờ.
Chiều chiều hết
giờ học hay ngày nghỉ, nhìn bạn đứa bóng đá, bóng chuyền, đứa đàn, đứa hát,...
tôi thấy mình lạc lõng như đang ở một thế giới nào. Tôi thầm nghĩ trường mà tổ
chức thi be bờ, đơm đó, tôi không nhất cũng nhì! Còn những thứ văn, thể, mỹ này
tôi chỉ xin làm khán giả. Cả năm học tôi như thu mình lại, giành tất cả thời
gian cho học tập. Dù không xuất sắc nhưng cũng gọi là tạm được, bạn 10 phần,
tôi cũng 6-7 phần.
Về trường đại học,
vốn không có năng khiếu gì nên tôi ít bạn, ít giao du, quen biết rộng như các
anh em khác. Với các thầy, tôi lại càng không dám quen với ai. Chỉ biết thầy đó
dạy mình môn gì, thầy có biết tôi cũng chỉ biết qua những lần trả bài miệng hay
giơ tay phát biểu trong lớp. Tôi không để lại ấn tượng gì nơi các thầy.
Rồi kết thúc năm
năm học, tôi nhận đề tài thi tốt nghiệp. Thầy Bùi Thức Hưng là thầy hướng dẫn của
tôi. Qua những lần tiếp xúc, xin chỉ giáo của thầy, tôi mới cảm nhận được tình
cảm, tính cách của thầy, rồi dần dà trở nên thân thuộc. Thầy vừa là thầy, vừa
là người anh tin cậy trong tôi. Nhiều bạn đã nói về tính cách, tình cảm mẫu mực
của thầy có lẽ tôi không cần viết thêm gì nữa.
Đề bài của tôi
là: "Tính toán thiết kế giàn khung xe GAT-69". Đã mấy ai khi nhận được
đề bài mà tự mình xác định được đường đi, nước bước, trình tự làm đồ án. Tôi
cũng ở trong tình trạng hoang mang, mông lung chưa biết bắt đầu từ đâu. Tôi xin
gặp thầy để được thầy chỉ bảo, hướng dẫn làm bài. Thầy chỉ cho tôi phải đọc
giáo trình: "Tính uốn, xoắn, vùng đa liên ở điểm cực đoan nhất". Nội
dung này chưa cập nhật trong giáo trình đã học, nghe thầy nói tôi thấy lo lo. Rồi
thầy đưa tôi giáo trình về đọc.
- Cậu về đọc kỹ,
sáng thứ sáu này thì gặp "tớ" kiểm tra lại, có gì "tớ" giải
thích thêm.
Có lẽ thấy sự lo
lắng của tôi qua nét mặt khi nhận cuốn giáo trình từ tay thầy, thầy động viên
tôi:
- Người kỹ sư
không phải trong chuyên ngành cái gì cũng biết, cái gì cũng phải học ở lớp, mà
là biết tìm và đọc, tra cứu nó ở đâu, tài liệu nào. Mình tin cậu sẽ làm được!
Tôi trả lời thầy lý nhí: "Vâng ạ!".
Rồi tôi xin phép
thầy ra về. Thầy nhìn tôi cười hiền hậu, ánh mắt đầy khích lệ của thầy tiễn
tôi.
Ra khỏi phòng của
thầy, tôi thấy run run trong bụng: "Chết rồi! Sao đề bài của tôi lại rơi
vào giáo trình chưa được học thế này? Liệu tôi có làm được không?". Về
phòng tôi bắt đầu đọc một lần, rồi hai, ba lần, càng đọc càng thấy rối rắm như
sa vào thiên la địa võng. Tôi đâm ra hoang mang, dò hỏi trong tiểu đội và vài
anh em trong lớp, không ai phải đọc thêm giáo trình chưa học như tôi, không ai
phải đụng đến "vùng đa liên" lạ huơ lạ hoắc này! Bốn ngày đã trôi
qua, tôi vẫn chưa nắm được gì ngoài cái tựa đề của giáo trình. Đúng hẹn, sáng
thứ sáu tôi tới gặp thầy với tâm trạng của học trò không thuộc bài. Tôi còn
đang lấp ló, lưỡng lự ngoài cửa phòng thì thầy đã lên tiếng trước:
- Hưng hả? Vào đi, mình đang chờ cậu đây!
Từ hôm được tiếp
xúc với thầy, thầy lúc gọi tôi bằng tên hoặc bằng "cậu", thầy lúc xưng
là "mình", lúc là "tớ". Thầy làm như tôi ngang vai phải lứa
với thầy không bằng.
Còn tôi từ trước
tới nay đều gọi là "thầy", xưng "em", với bạn bè khi nói về
thầy, tôi nói đầy đủ cả họ lẫn tên: "thầy Bùi Thức Hưng" một cách
kính trọng.
Tôi chào thầy và
ngồi xuống ghế đối diện với thầy, lấy lại bình tĩnh để sẵn sàng nghe thầy hỏi
và tìm cách trả lời ứng phó, nếu có thời cơ, tôi xin đổi lại đề bài...
Thầy nhìn tôi với nụ cười thân mật như người anh thật sự làm tôi yên
lòng. - Cậu ngồi sang đây.
Thầy chỉ tôi ngồi cạnh thầy và lấy cuốn giáo trình "Vùng đa
liên..." mở ra:
Thầy bắt đầu nói
cho tôi nghe về cách đặt vấn đề, dẫn tới nội dung rồi cách tìm ra công thức
tính và các tham số cùng ý nghĩa của các tham số đó. Thầy nói say sưa như đang
giảng bài trên lớp. Với chất giọng Nghệ An trầm ấm đã cuốn hút tôi từ lúc nào
không biết, nghe thầy giảng giải tôi thấy sáng ra nhiều điều mà tự đọc khó lòng
đã hiểu ngay được. Mải theo dõi bài giảng của thầy, tôi quên bẵng ý định xin đổi
lại đề tài. Gần hai tiếng đồng hồ thầy chỉ bảo cho tôi, mười phần tôi đã hiểu
được năm-sáu. Thầy dặn tôi:
- Cậu về đọc lại
vài lần, nghiền ngẫm cho kỹ, không khó lắm đâu, có gì chưa hiểu cứ hỏi lại nhé.
Sự nhiệt tình của
thầy giành cho tôi làm tôi không dám nghĩ tới xin đổi đề tài-không dám phụ nhiệt
huyết của thầy. Ở các lần đọc tiếp theo, tôi dần dà hiểu được nội dung của giáo
trình này và thấy tự tin hơn.
(Còn nữa)
1 nhận xét:
Công ty in Tiến Phát chuyên in đồ án tốt nghiệp giá rẻ lấy ngay, chúng tôi sử dụng hệ thống máy in kỹ thuật số tiên tiến nhất hiện nay cam kết chất lượng - giá thành - thời gian tốt nhất thị trường.
Đăng nhận xét