Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Chuyện vui văn học: TRẦN ĐĂNG KHOA DỊCH THƠ CHỮ HÁN (KHÁNH TƯỜNG)

Cuối năm 1995, tôi và Trần Thế Tuyển ra Hà Nội họp cơ quan báo QĐND. Chiều chủ nhật, Trần Anh Thái gầy cuộc nhậu tại nhà ở khu tập thể cao tầng phía  sau số 4 Lý Nam Đế. Tham dự có 4 nhà thơ họ Trần là Trần Ninh Hồ, Trần Đăng Khoa, Trần Anh Thái, Trần Thế Tuyển; một nhà thơ họ Đặng, giả họ Hồng: Hồng Thanh Quang và một nhà báo là tôi-Phạm Đình Trọng. Nội dung vật chất vẫn dùng công thức hóa hữu cơ “RTC” ngõ Hàng Hương-Cửa Đông. Ngoài “Mộc tồn” bẩy món, chị Hòa-thái theo truyền thống “nhịn miệng đãi khách”, có bao nhiêu của ngon vật lạ đã khuân ra bày trên chiếc chiếu hoa, quanh chú cầy tơ.


Trời rét ngọt, đúng là “thiên thời-địa lợi-nhân hòa”. Sách có câu: “Lạc mạc lạc hề tân tương tri”, lần đầu tiên tôi và chú Tuyển ngồi uống rượu với hai anh Trần Ninh Hồ và Trần Đăng Khoa, hứa hẹn nhiều thú vị. Cuộc vui thoải mái và đằm thắm ngay từ lúc khởi thủy và chỉ trong vài tuần chén tạc chén thù là “nâng lên tầm cao mới”. Rồi khi tất cả đã chung chiêng, ai đó nêu lên một trò chơi tao nhã: Ly rượu cao chân chạy quay vòng, tới ai người đó uống cạn và đọc một bài thơ của mình. Nghe qui chế này, tôi vội vã xin được hưởng chế độ miễn trừ với lý do tôi không phải nhà thơ. Hồng Thanh Quang bác bỏ:
-   Em không đồng ý. Dân tộc ta là một dân tộc thơ. Không lẽ cả đời bác chỉ có feuillton chân trang 2, không có một bài thơ bỏ túi?
Mọi người ào ào tán đồng. Trần Thế Tuyển:
-   Có, bác Trọng có làm thơ nhưng là thơ chữ Nho.
Vẫn là anh chàng Tây học Hồng Thanh Quang:
-   Thơ Tầu càng hay, thêm vị lạ. Có nôm có Hán mới đúng văn đàn Việt.
Tôi cố từ chối:
-   Mình viết tào lao tặng bạn bè chơi thôi, không phải là thơ. Vả lại, chữ Nho, ở đây có ai biết đâu.
Trần Đăng Khoa nhanh nhẩu:
- Bác cứ đọc đi, em dịch.
-   Hôm nay thơ phú để đưa cay thôi, không phải trình ở Quốc Tử Giám. Bác Cả yên tâm làm đại đi – Chủ nhà Trần Anh Thái kết luận – Ta bắt đầu từ Trần Đăng Khoa.
Các nhà thơ đọc những sáng tác chưa hề đăng báo hay in sách. Đó là những bài thi hứng “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” rút ra từ gan ruột, tứ rất lạ và ý táo bạo, ngôn từ khoáng đạt mà gợi tình, gợi cảm. Hóa ra là nghệ sỹ nào cũng có siêu đặc sản dấu trong rương trong hòm để nhấm nháp. Tôi đã được nghe anh em ông Trần Hiếu, Trần Tiến hát những bài tủ chưa bao giờ ca trên sân khấu, họa sĩ Nguyễn Quân dẫn lên gác, lục trong góc khuất những bức tranh phủ bụi thời gian…
Mải nghe thơ, tôi quên khuấy điều đang lo trong lòng thì chiếc ly pha-lê đầy rượu đã cập bến, đậu ngay trước mặt! Thấy tôi lúng túng, chú Tuyển khẽ nhắc: “Bác đọc bài thơ tặng bác Đức đi”. Quả thật sáng hôm qua, khi hội nghị nghỉ giải lao, Tuyển và tôi xuống phòng làm việc của Phó Bí thư Đảng ủy báo Quân đội Cù Ngọc Đức làm một số ly. Tiện có chiếc bút dạ trên bàn, phóng tay viết 4 câu chữ Hán trên chiếc bảng phoóc-mê-ca trắng treo trên tường:
Ngọc Đức bình sinh vị đức cao
Hà sự niên niên lực dĩ lao!
Thướng thiên cảm vấn công bình sự?
Phản hồi an đắc khúc tiêu dao.
( Nghĩa là:
Anh Cù Ngọc Đức trong cuộc sống luôn lấy đạo đức làm trọng.
Vì sao anh vất vả, chật vật thế!
Tôi lên trời hỏi xem lẽ công bằng ở đâu?
Khi về, trời gửi cho anh khúc nhã ca).
Thật ngại quá, khi phải đọc bài viết trêu chọc bạn lúc bạn vắng mặt. Nhưng bị vây lấn tấn công dữ dội, đành phải thất lỗi với anh Đức, đọc vậy. Tôi vừa đọc xong, anh Khoa hươ tay:
-   Tốt rồi. Bác đọc chầm chậm từng câu cho em dịch.
Lúc Khoa dịch, chữ nào mù mờ, anh nói tôi đọc lại để thẩm thấu; trong khi đó các nhà thơ khác hăng hái tham gia sửa và thêm thắt thành ra bản dịch gần như một công trình tập thể, như sau:
Ông Ngọc Đức bình sinh rất nêu cao đạo đức.
Hà cớ gì năm này qua năm khác ông lao lực dài dài!
Phải lên trời hỏi về sự công bằng?
Khi về, trời gửi cho ông Đức cái bánh vẽ.
Dịch hết 4 câu, Khoa nhìn tôi:
-  Thế nào bác, em dịch được bao nhiêu phần trăm?
-   Tổng thể, được 85 phần trăm. Riêng câu cuối cùng, “Phản hồi an đắc khúc tiêu dao” mà ông dịch là “Khi về, trời gửi cho ông Đức cái bánh vẽ” thì xuất sắc - 150 phần trăm.
Nhà thơ đắc ý vỗ đùi cái đét:
-   Thế là em quá giỏi, đúng không? Xin được tự thưởng một chén.
Thần Đồng thơ dốc cạn, khà một tiếng, đặt ly xuống chiếu rồi ngó tôi lom lom:
-   Bác Trọng. Xin lỗi bác, em làm thơ quốc ngữ, được cho là hâm. Vậy thì, bác làm thơ chữ Nho, là hai lần hâm.
Tất cả phá lên cười, cười đến chẩy nước mắt, kể cả bà chủ đang châm thêm nhựa mận vào tô. Chủ xị Trần Anh Thái nâng ly ngang mày, hô lớn:
-   Chúc anh em hâm sống khỏe, sống vui. Chúc bác Cả được phong tặng danh hiệu “Hai lần hâm”.
Tôi ôm ly rượu mà lòng gợn chút phân vân: Không biết có danh hiệu này thật không?

Tp Hồ Chí Minh 9-9-2014
K. T.




Không có nhận xét nào: