Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Chuyện thứ 11: Hai ông khách (Duy Đảo)

Tôi hơn hắn 4 tuổi nhưng học hành  anh em chỉ hơn nhau 2 khoá. Hắn khoá 10 tôi khoá 8 ĐHKTQS.
Hắn thông minh học giỏi, thích thể thao và có máu lãng tử chỉ mỗi tội mải chơi. Hai anh em quí cái  nết của nhau nên dần già đâm ra thân.
Một mùa đông rất lạnh, tôi không nhớ là năm nào, thằng em rủ tôi lên Tam Dương thăm ông bác họ. Bố hắn kể: Bác Phú với bố hắn là anh em họ gần, chơi thân với nhau từ bé. Sống ở quê khổ quá  nhân có đơn vị bộ đội hành quân lên Tây bắc qua làng thế là hai anh em rủ nhau theo đi. Sau Điện biên bố hắn về được xuôi còn ông bác họ “lỡ tàu” tạt ngang vì trót hẹn với cô dân công hoả tuyến người Tam Dương, Vĩnh Phúc. Thành ra bác hắn  phải nằm lại quê vợ.
Mỗi khi về nhà bố hắn thường dặn: “Con học trên Vĩnh Yên gần chỗ bác, rảnh rỗi lên chơi thăm bác để bác cháu biết mặt nhau”. 



Chiều thứ bảy dấm dúi với chị Thục thư viện mượn được cái xe đạp. Sáng chủ nhật dậy sớm hai thằng quằn mông đèo nhau vòng vèo hơn hai tiếng đồng hồ “ lên dốc xuống đèo” theo địa chỉ mò tới được nhà ông bác.
Mở cổng đón hai thằng là một người phụ nữ ngoại 40. Qua cái sân gạch chủ nhà dẫn hai đứa ra cái giếng có cây mít rất to. Trên đường đi trời lạnh cộng với mưa phùn mặt hai thằng tái ngắt chân thì bê bết bùn đất:
- Các cháu rửa tay chân rồi lên nhà uống nước. Rồi bà bác lật đật chạy lên nhà trên.
Pha trà mời chúng tôi bác nói:
- Sáng nay bác trai lên tỉnh thăm người bạn cũ cùng đơn vị ngày xưa bị ốm chiều mới về. Nhà chỉ còn mấy mẹ con. Thằng nhớn và con chị  học cấp 3 trường huyện. Hai đứa em gái học cấp hai ở xã, tất cả đều học sáng, cũng sắp về cả rồi. Hai cháu cứ ở đây chơi ăn với bác bữa cơm, chỉ tí nữa anh nhớn nó đi học về anh em gặp nhau chuyện trò chứ không ra đường có khi đánh nhau vỡ đầu mới biết họ hàng anh em.
Nói rồi để mặc chúng tôi bà bác tất tả cắp cái nón lao ra sân trong màn mưa bụi: Ra gần giữa sân còn quay đầy lại nói vọng vào nhà “ Bác chạy qua bên hàng xóm có tí việc  hai cháu cứ ngồi chơi uống nước nếu mệt thì hai anh em lên giường mà nằm, giường của bác trai đấy”.
Hai thằng sau khi tợp hết ấm trà là lao lên giường trùm chăn, bụng sôi ùng ục vì  đói, vì trà đặc. Đang lơ mơ bỗng hai thằng giật mình vì nghe tiếng gà bị cắt tiết kêu quang quác. Thằng em huých vào lưng tôi  thì thầm: “Trưa nay có thịt gà đánh chén rồi”. Hai đứa nuốt khan nước bọt âm ỉ sướng rồi lại ôm đít nhau gáy pho pho.
Đang  “sưa”, bỗng cái chăn bị kéo và giọng bác gái ở phía cuối giường đánh thức:
- Hai cháu dậy ăn cơm!
Hai thằng lồm cồm bò dậy thấy cái bàn ngồi uống trà ban sáng đã toạ một mâm cơm đầy ụ. Thịt gà ta quyện lá chanh ngây ngất, mướp hương xào lòng ngào ngạt, tô canh sắn hầm xương… Vì quá chú ý tới thực đơn trên bàn mà chúng tôi không để ý tới một chú nhóc quãng 17-18  tuổi, ngồi đối diện với mâm cơm.
Sau một hồi sáu con mắt của ba thằng “đàn ông” nhìn nhau thăm dò, tìm cách xưng hô thì bà bác giới thiệu:
-   Đây là anh nhớn.
Vừa nói tay bác vừa vỗ vỗ lên vai tay thanh niên ngồi trước mâm cơm. Rồi quay mặt ra phía sân:
-  Ba đứa kia đâu lên đây cho em nó biết mặt.  
Cùng một lúc ba cô, một nhớn hai bé,  từ dưới bếp chạy lên.
- Thôi mời hai  cháu ăn cơm cho nóng. Anh nó thay bác trai tiếp các cháu.
-  Ơ! Sao lại thế này… - Hai thằng tôi cùng lúc ngạc nhiên.
-  Bác và 3 chị mày ăn ở dưới  bếp, anh em cứ tự nhiên. Đã có anh nó tiếp, tục dân quê ở đây nó thế.
Ba thằng, cả khách lẫn chủ, đang tuổi ăn, cơ thể lại thiếu chất kinh niên nên chỉ một loáng mâm cơm hết sạch.
Rõ ràng đĩa thịt gà đủ cả hai đùi, hai lườn,  phao câu lại còn có cả bộ trứng non … không hiểu đám đàn bà con gái dưới bếp ăn uống ra làm sao?
Cuối bữa thằng em hỏi ông anh họ: “Nhà còn nước mắm không lấy thêm cho em một ít, để ăn nốt chỗ cơm”. Thằng anh lao xuống bếp bê lên ngoài bát mắm còn có thêm tô cháy. Thế là ba thằng lại đả nốt. Ăn xong chúng ngồi uống trà tào phào chuyện học hành thi cử.
Tầm 2-3g chiều thì cáo lui. Chúng tôi chào bác gái và “anh chị” ra về. Quà cho hai đứa bà bác đã chuẩn bị sẵn, một gói xôi lạc to. Bác gái còn gửi  biếu bố hắn bọc chè móc câu nhà tự sản. Rồi hai mẹ con bịn rịn tiễn hai ông  khách  “mắc dịch” xuống tận chân đồi.


4 nhận xét:

V.D nói...

Một thời vô tư và hồn nhiên đáng nhớ. Ai đã sống qua thời chiến, thời bao cấp khốn khó mới thấu hiểu những câu chuyện này. Bây giờ con cháu chúng ta đọc chắc ngạc nhiên lắm. Chúng sẽ bảo: "Ơ, cơm thịt gà có gì mà phải viết?...". Thế đấy.

TranKienQuoc nói...

Dân thương bộ đội hết ý, cái gì cũng dành cho.
"Các chú cứ ăn tự nhiên, các cháu đã có roi có vọt". Nghe thế bố chú nào dám ăn?
Rồi nữa, gà nhảy ổ thì các chú về đóng quân. Thôi thì làm món "sột phết la sỉ" (trứng tráng sột sệt). Đến bữa, chú cháu cùng ngồi vào mâm. Mẹ chỉ vào đĩa trứng:
- Cứt đấy, con ạ, để phần các chú.

Viên Thạch nói...

Đọc truyện này cháu cười như bị hâm. "Quả còm" của chú KQ cũng cười chết mất!

Nặc danh nói...

Cám ơn bác Quốc. Nhớ lại thời gian khó, cười ra nước mắt. HP