Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Thằng cháu con ông anh cả của vợ (Duy Đảo)

Hắn dân biên chế, kiện tướng bóng bàn quốc gia hẳn hoi, khuỳnh khoàng ra phết. Chả hiểu sao, tự dưng vướng phải rượu tình (rượu thật  chứ không phải rượu đểu) đùng đùng bỏ xứ, bỏ hết tiêu chuẩn, chế độ khăn gói quả mướp theo cô bồ về quê, thành phố ven biển phía tây  nước Pháp.
Gần chục năm sau đưa vợ con về Việt Nam làm ăn. Vợ lõm bõm tiếng Việt, chồng cả hai ngôn ngữ (nếu tính cả tiếng bồi) thì “sêm sêm ”như nhau. Riêng thằng con 3 tuổi làm phiên dịch, nhiều lúc cuống lên thằng bé tiếng ta tiếng Tây loạn xạ rồi mếu máo khóc, cả nhà cứ lăn ra cười.
Vừa rồi có cô cháu gái học ở Mỹ về. Về theo là một cu cậu người Mỹ cùng học với nó. Đứa bạn của cháu tuy là dân Mỹ nhưng gốc Trinidat Tobago.
Dân bánh mỳ bơ, Hambuger mà bắt cu cậu xơi canh cua rau đay (ăn được), cà pháo (chịu), bắp cải luộc (xơi được), tôm rang (chịu)… chỉ vì mẹ nghe lời con gái “thằng này dễ ăn lắm, cái gì cũng xơi, trừ…". Hôm tới nhà tôi, vợ tôi chiêu đãi la-gu bò, bánh mỳ, gà nướng, chả giò hải sản Ngọc Sương, bia Heineken. Cu cậu ăn uống như thụi, hết lời khen “Đồ ăn như khách sạn 5 sao, từ hôm sang Việt Nam tới nay mới được bữa no”.


Cuối tháng 4, trời Sài Gòn nóng. Tôi bảo thằng con đưa hai đứa xuống khu du lịch gần nhà bơi cho mát. Ba đứa đi được một lúc, một mình ở nhà buồn chợt nghĩ hay là đem máy ảnh xuống chụp cho chúng nó vài kiểu làm kỷ niệm. Nói là làm.
Thế là cứ quần đùi, áo mặc ở nhà, đầu đôi mũ lá, chân dép “mủ”, lè phè lấy máy ảnh và mấy chai nước bỏ bao ni lông ngoắc vào ghi đông xe đạp rồi nhấp nhổm lao đi. Vội đi thế chó lao cả vào đống đá ven đường, yên xe cứ thế thốc ngược lên đau như hoạn.
Đang ngon chớn thấy ven đường có cái xe nước mía, phía sau quán là ba cô cỡ 29, 30 tuổi đang ngồi ăn gỏi cuốn bên cạnh là can bia hơi (Sài Gòn kỳ thú là vậy ). Thấy khách một cô vội đứng dậy lao ra.  
-  Cho anh bốn hộp nước mía.
Sợ em chơi đểu bỏ nhiều đá uống lạt nhanh nhách, lại có khi vớ phải đá gia công thiếu vệ sinh, đi ỉa như chơi. Tôi vội mủm mỉm cười nịnh đầm, mắt nhìn em ra chiều ngỡ ngàng đắm đuối: "Lâu không gặp, nhìn em dạo này trẻ và đẹp ra!". Đang chổng mông ấn mía vào máy cô gái vội ngẩng phắt đầu lên tươi như hoa: "Sao anh biết em?". "Khổ quá, cùng tổ dân phố tháng nào họp mà chả gặp nhau, có lần còn được ngồi ngay sát em thế mà quên?". Đàn bà con gái chỉ được cái hay vô tình.
Bốn hộp nước mía đầy đặn, vẫn giá ấy chỉ vài lời vớ vẩn mà chất lượng sản phẩm tăng lên rõ rệt.
Bể bơi (dạng mini dài 25m rộng 6-7 mét) vắng teo, bên bờ bên kia thấy một em (chả biết già hay trẻ) ngồi chồm hỗm trên ghế, mũ rộng vành sùm sụp, khẩu trang che kín nửa khuôn mặt. phần còn lại của khuôn mặt là nhiệm vụ của cặp kính đen kiểu Victoria. Em đang khua tay múa chân  “tâm sự” với một tay tóc hoe hoe, bụng to kiểu người châu Âu ngồi trước mặt. Đang “tâm sự” nhìn thấy tôi cô ta đứng bật dậy, gọi với sang khi thấy tôi lễ mễ với mấy hộp nước mía trên tay:
-  Anh có bán nước mía không?
Thấy vậy hai phụ nữ phốp pháp mặc đồ bơi đang nằm trên ghế gần chỗ tôi đứng hai cẳng tay cẳng chân lòi ra bóng loáng kem chống nắng, phần nhậy cảm của cơ thể được bọc kín trong cái khăn tắm nhiều màu như chủ điểm mùa đông trong sách tập đọc ngày xưa mà tôi học, cũng bật dậy:
-   Anh bán nước mía hả?
Tôi tưởng họ đùa nên đùa lại:
- Tính mua mấy hộp nước mía cho mấy đứa cháu giải khát nhưng thấy mấy chị cầm lòng không “lổi”, nếu chịu giá gấp đôi tôi nhường lại cho, tôi ra mua hộp khác.
Thì ra họ nhầm thật, tưởng tôi là tay bán nước mía dạo. vội len lén nhìn lại hình hài của mình. Thấy cái ghế gần hai phụ nữ còn trống, tôi triển khai đồ đạc và lôi máy ảnh đi chụp cho mấy đứa cháu.
Trước lạ sau quen, dần dà tôi biết hai người đàn bà là Việt kiều có chồng Mỹ về quê thăm gia đình. Đang chuyện trò thì thấy một phụ nữ mắt một mí, người cao cao giống người Hàn, đi lại phía chúng tôi, phía sau là người đàn ông trung tuổi tóc bạch kim tay dắt một cô bé lũn cũn. Cô bé mang hai dòng máu trông ngồ ngộ. Người phụ nữ vừa ngôi xuống cái ghế trống mà hai phụ nữ Việt kiều Mỹ mời đã mau mắn giới thiệu:
- Em đi xuất khẩu ở Đức rồi gặp “thằng” Tây  này, trông cục mịch thế nhưng thương vợ thương con gấp trăm lần đàn ông xứ mình. Chả như lão chồng trước của em, rồi đến mấy tay bồ nội địa sau này... lắm lúc nghĩ về quá khứ cứ hận và tiếc đời con gái. Chán đời em mới đăng ký xuất khẩu lao động chứ yên lành ai muốn rời bỏ quê cha đất tổ làm gì.
Từ chuyện về mấy đứa cháu trong nhà tới chuyện vụn vặt lượm lặt được của mấy người đàn bà tình cờ gặp quanh bể bơi suy rộng ra thế giới “đa cực” không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà nó len lỏi vào trong mọi ngõ ngách của đời sống.
Sài Gòn cuối tháng 4/09

Không có nhận xét nào: