Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

TÔI VÀ DUY (Đào Duy)


Chúng tôi gặp lại nhau, khi chân ướt chân ráo kéo nhau từ nhiều đơn vị về thành lập lữ đoàn phòng không bảo vệ Hải cảng Cam Ranh. Tôi và Duy cùng tiểu đoàn, chỉ khác tôi ở đại đôi 1- đại đội điều khiển, còn Duy đại đội 2 - đại đội bệ phóng. Anh em hơn nhau hai ba tuổi, nhưng vì quý nhau nên chúng tôi thường xưng hô anh em trong quan hệ.
Ông già Duy là thiếu tướng Phó tư lệnh chính tri quân khu chín thời mới giải phóng. Gia đình Duy hiện ở một thị xã của đồng bằng Nam bộ - quê ngoại. Anh em sống với nhau được vài năm thì Duy chuyển đi đơn vị khác, từ đó chúng tôi ít gặp nhau. Khi tôi qua Liên Xô học tình cờ lại gặp Duy bên đó, Duy sang học trước tôi một năm.


Tay bắt mặt mừng chúng tôi nối lại tình xưa. Trước chiến tranh khi còn nhỏ gia đình hai chúng tôi sống cùng khu gia binh nên chúng tôi quen biết, thân nhau và có với nhau nhiều kỷ niệm. Khi lớn lên đi bộ đội rồi tình cờ lại về cùng đơn vị những lúc buồn nhớ nhà bên ấm trà búp sim đắng chát và gói thuốc rê “nặng chịch” mỗi lần hít hai lá phổi tưởng như bong ra. Chúng tôi thường ôn lại với nhau những kỷ niệm cũ.
Nhà chúng tôi ở trung tâm thành phố nằm trong  khu gia binh. Ông già tôi, ông già Duy cũng như phụ huynh một vài đứa bạn khác vào chiến trường từ khi chúng tôi còn nhỏ. Trong khu tôi phần đông các bác các chú làm việc ở  Bộ Quốc phòng, các tổng cục, vụ, viện, một số là chỉ huy quân khu, sư đoàn trung đoàn và các đơn vị dưới địa phương. Thời chiến các bác, các chú đi hết. Khu tập thể vắng hoe tiếng đàn ông. Chỉ có lũ con trai chúng tôi là sướng vì được tự do không bị các ông bố nghiêm khắc cai quản. Ngày ngày chiếc chìa khóa cửa được luồn vào sợi dây gai đeo tòong teng lủng lẳng trên cổ cho khỏi rơi, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của thủ đô. Suốt ngày thậm chí cả đêm còn kéo nhau qua vườn hoa cạnh nhà đá bóng, hoặc bắt dế cho tới khuya mới chịu giải tán. 
Có hôm, một thằng còn vớ được cả một cái “bong bóng” cao su “nặng trịch”, kiến bu đầy, vứt cạnh gốc cây ngoài vườn hoa, thấy tiếc nhặt đem về ra máy nước rửa đi để thổi khoe, trêu tức lũ bạn trong xóm. Máy nước tập thể  về khuya, nước mạnh và đấy là thời gian cuối cùng còn rảnh rỗi trong ngày để các bà, các cô, các chị em gái giặt giũ xách nước theo thiên chức của mình sau một ngày thân cò lặn lội kiếm ăn cho lũ con háu đói, đang độ lớn. Trong khu tôi cũng chỉ ở chỗ máy nước là đèn điện sáng nhất.
Sồng sộc lao vào chỗ mấy bà chị lớn hơn chúng tôi quãng vài tuổi đang hứng nước: “Em nhờ tí” vừa nói thằng bạn tôi vừa cầm cái “bong bóng” cao su chụp ngay lấy vòi nước. Cũng may cái miệng của cái “bong bóng” cao su này nó to, nó khác với loại  “bong bóng” bình thường mà chúng tôi thường trao đổi tóc rối, lông gà với mấy bà “ve chai lông vịt”  thằng bạn tôi nó thao tác nhanh chỉ sợ bị các bà các cô đuổi cổ vì tội chen ngang.
Nước vào nặng cái “bong bóng” cao su phồng to ra kéo dài xuống bập bềnh nhún nhảy như cái lò so. Lúc này các bà, các cô mới hết hồn, tóa hỏa chửi um lên: Đồ bẩn thỉu chúng mày có vứt ngay cái của nợ ấy đi không thì bảo, đợi khi nào bố chúng mày ở trong nam ra tao mách thì cứ gọi là tuốt xác. (Thế mà có đứa còn vặc lại: cháu chả còn bố để mà các cô mách. Mẹ cháu đêm nào cũng ôm cháu khóc, nói bố cháu không về nữa, bố hy sinh ở Tây Ninh rồi người ta chưa kịp báo tử).
Mặc dù bị đuổi  dưng dứt khoát chúng tôi không chịu vứt, thổi cái “bong bóng” chơi cho tới khi nó nổ toác ra mới thôi. Thế mà có thằng nịnh mãi tôi mới cho một mảnh vỡ rồi cứ thế chọc ngón tay vào lấy cữ đưa lên miệng “mút”. Đứa “mút” giỏi thì được quả bóng to bằng bóng đèn treo ở khu toalet cuối khu tập thể. Đứa yếu hơi thì quả bóng bằng cái bóng đèn  pin. Rồi lấy dây chỉ buộc lại cho hơi nó khỏi xì ra. Mãi sau này nhớn lên tôi mới biết nó là cái gì. Hãi mãi.
Có một bận, buổi tối chúng tôi chơi trốn tìm. Cuộc chơi tàn mà mất biến một thằng, cả bọn mới bổ đi tìm. Tìm mãi, về cả nhà cũng không thấy hắn. Các bạn có biết gì không? Chúng tôi phát hiện thấy hắn ngồi thu lu,chăm chú im thin thít trên cái chạc ba của cây bàng, đối diện với cửa sổ tầng một của dãy nhà gần cuối khu. Thấy lạ, một thằng bí mật trèo lên định “hù và chửi” hắn. Nhưng rồi thằng trèo lên chả thấy chửi bới gì, cũng lại im thin thít. Tức mình tôi trèo lên xem sao. Vừa tới chạc ba ngang tầm cửa sổ, thế rồi tôi cũng im thin thít nốt vì nhìn qua cửa sổ tôi thấy cảnh tượng thật lạ lùng.  Hai cô chú mới cưới nhau trong khu tập thể tuần trước đang cãi nhau uỳnh uỵch trên giường, quần áo tả tơi mà chả thấy khóc mếu gì. Nhưng nhìn cách thể hiện, môi mím chặt, mắt trợn lên mặt dại đi, có vẻ “quyết tâm” lắm, chả ai chịu nhường ai. Thấy tôi leo lên cũng chẳng chịu xuống, rồi bốn, năm, sáu… thằng  leo lên tuốt.
Tới chừng cành bàng không còn chịu nổi sức nặng của chúng tôi nữa. R... ắ… c…  r… ắ... c… à... o ... o... o. Cành bàng gẫy. Cả bọn lồm cồm bò dưới đất. Cũng may phía dưới có đống cát với lại cành bàng tươi, nó gãy từ từ nên chúng tôi chả đứa nào việc gì.
Chúng tôi bỏ chạy toán loạn ai về nhá ấy. Khi đã chạy được một quãng xa tôi vẫn còn nghe thấy tiếng  chửi: “Một lũ hư đốn, đồ thiếu giáo duc”. (Sau này ngẫm lại thấy cô chú ấy chửi mình cũng phải vì bố đi chiến trường từ khi chúng tôi còn bé tý, “thiếu” bố từ khi mới chập chững “nhớn”  là thiếu hẳn đi một nửa sự giáo dục rồi còn gì, được như ngày hôm nay là quá phúc. Chúng tôi ôm vai nhau cười nghặt nghẽo).
Có đêm đã khuya lắm, thấy tiếng ô tô con lao vào trong khu, phủ đầy lá ngụy trang và bụi đường. Sáng sớm hôm sau tôi thấy thằng bạn mặc cái áo ba lỗ bỏ trong quần đùi, phía bụng nó phồng lên một đống tướng, thậm thụt trước cửa nhà tôi. Hắn vẫy tôi giọng nhỏ xuống rất bí mật: “Đêm qua bố tao ở chiến trường mới ra, tao có quà cho chúng mày đây”, vừa nói hắn vừa kéo cái áo ba lỗ ra khỏi quần cả một đống lương khô lăn tuồn tuột xuống đất. “Tao còn có cả cái này nữa” vừa nói hắn vừa ngoái lại phía sau xem có ai theo rõi không rồi thò tay vào cạp quần lôi ra một viên đạn súng lục bằng đồng sáng chói. Hắn kể đêm qua cùng đứa em ngủ với mẹ trong buồng đang ngon giấc bỗng bị dựng đứng dậy, hắn càu nhàu. Mẹ hắn quát: “Bố mày trong Nam vừa mới về kia kìa, bao nhiêu tội các bà trong khu mách  muốn sáng mai tao kể với bố mày không? Tao mà kể thì chỉ có nước chết. Im đi! đưa ngay em ra phòng ngoài ngủ thì mẹ tha cho, bố mẹ có tí việc cần bàn gấp”.
Hắn vừa lôi thằng em năm tuổi ra phòng ngoài vừa lầu bầu: “Bàn với chẳng bạc khuya thế này rồi, mẹ để tới sáng mai bàn với bố không được à”. Mẹ hắn quát lên: “Việc người lớn không “kìm” được, còn dám cãi mẹ hả, có đưa em ra không thì bảo?”.
Chỉ vài phút sau anh em hắn đã ôm nhau ngủ như chết. Còn bố mẹ hắn “bàn bạc” những gì và tới mấy giờ thì chỉ có cái giường dẻ quạt được mua cung cấp từ hồi bố nó đi chiến trường biết mà thôi.
Hắn nói với tôi: “Tao không mấy thân với bố tao, bố tao cứ đi biền biệt lâu lắm vài năm mới tạt qua nhà một bận, rồi lại khoác ba lô đi, lần trước bố đi được một thời gian thì mẹ tao sinh ra thằng Huy – em tao. Còn bây giờ tao nghe mấy bác trong khu nói thằng Quân (tên hắn) lại sắp có em bé nữa rồi”. Chả được gần gũi, chả được chăm sóc, chả được yêu thương “tao chỉ thấy mỗi lần bố tao về  rồi bố tao đi một thời gian sau là tao lại có thêm một đứa em bế vẹo cả sườn”. Hắn chép miệng “bàn với lại chẳng bạc” chỉ khổ thằng này bế em. Nghĩ cũng chán, chả hiểu người lớn ra làm sao cả? Hắn đăm chiêu nghĩ ngợi như ông cụ non.
Thế rồi sau sự kiện “vịnh bắc bộ - 5/8/1964", chiến tranh lan rộng ra cả nước và chúng tôi cũng lớn dần, một số bị bố mẹ “tống cổ” lên Trường Trỗi (Trường thiếu sinh quân) để rèn luyện, một số nhóc tỳ hơn bị “đì’ về nông thôn sơ tán kết hợp “cải tạo”. Thế là chia năm sẻ bảy lũ chúng tôi “tan tác”. Nhưng bù lại hàng xóm trong khu bớt khổ vì tiếng la hét và đủ trò nghịch ngợm tai quái của bọn tôi và họ cũng bớt phải nghe đi tiếng la khóc mỗi chiều vì bọn tôi bị đòn như két.
Cạnh nhà tôi có cô bé tên Thu ít hơn tôi cỡ vài tuổi, học cùng trường nên chúng tôi thân nhau. Bố của Thu là chú Hùng, làm trong “thành” (cơ quan Bộ Quốc phòng). Chú rất quý tôi, coi tôi như lũ con của chú vậy. Tình cảm hàng xóm láng giềng, tình chú cháu và tình bạn giữa tôi va Thu cũng vì thế mà khăng khít hơn. Rồi từ tình bạn chúng tôi bước qua tình yêu lúc nào không biết. Khi học hết lớp 10, tôi xung phong đi bộ đội cho tới ngày giải phóng gia đình tôi chuyển hẳn vào Nam cũng từ đó tôi xa khu nhà, xa lũ bạn thân, xa chú Hùng và xa Thu. Mấy năm sau nghe tin Thu thi hết lớp 10 cũng không học tiếp nữa. Nhà Thu đông em, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng lương thiếu tá của chú Hùng không đủ chu cấp cho từng ấy miệng ăn nên Thu phải bỏ học đi làm giúp đỡ gia đình. Cứ nhớ về tuổi thơ trước chiến tranh, nhớ về những kỷ niệm cũ, nhớ về Hà Nội, nhớ tới Thu lòng tôi lại man mát buồn.
                                                            *  *  *

Không có nhận xét nào: