Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Chuyện về các cụ (Duy Đảo)

Ông già tôi 
Cụ năm nay 93 tuổi. Anh thứ hai của tôi có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc cụ  Một hôm, đang cho cụ ăn,  tự nhiên thấy mắt cụ sáng lên, hấp háy ngắm ông anh tôi một hồi rồi thỏ thẻ:
-         Bác quê đâu nhỉ?
 Biết "CPU" của cụ có vấn đề, sau phút ngỡ ngàng, ông anh tôi trả lời:
-         Con là đồng hương của cụ.
-         Thế, té ra tôi với bác cùng quê à? Bác vợ con gì chưa?
       Ông anh tôi thật thà: 
-         Con có một vợ, đẻ được bốn đứa con, chúng nó lớn cả rồi.
-         Mừng cho bác, con đàn như thế là phúc đấy!...   Thế cụ thân sinh ra bác có khỏe không, còn hay mất?
-         Cụ con vẫn khỏe. Hàng ngày, con vẫn chăm sóc cụ ấy như chăm em bé.
-         Thế bây giờ cụ ấy ở đâu?
-         Cụ ấy ở đây này, - vừa nói ông anh tôi vừa vỗ vỗ lên vai ông già.
Ông già tôi ngồi ngẩn ra hồi lâu rồi buông một câu: "Bác chỉ được cái hay văn nghệ. Tôi mà lại đẻ được ra bác à?". Không nhịn được, ông anh tôi cười làm văng cả thức ăn trong bát đang cầm trên tay. 



Ông già vợ bạn tôi 
Cụ đã gần 90, đã bắt đầu lẫn. Cụ hoạt động cách mạng từ thời thanh niên rồi tham gia quân ngũ, trận mạc cho tới ngày thống nhất đất nước. Hình như khi càng lớn người già thường hay hoài cổ và dễ xúc động.
Một buổi sáng, cụ dậy sớm, ngồi bất động trên ghế trong phòng khách. Đèn đóm chả bật, tối thui. Con gái cụ - theo nếp gia đình mấy chục năm nay, hàng ngày vẫn dậy sớm chuẩn bị ăn sáng cho cả nhà - thấy lạ, vội bật đèn lo lắng:
-  Sao hôm nay bố dậy sớm thế?
Chả thấy ông nói năng gì. Rồi tự dưng cụ khóc rống lên, khóc nức nở, khóc thành tiếng. Có lúc tiếng khóc nhòe đi rồi lại ào ạt lên xuống như những đợt sóng vỗ vào ghềnh đá. Cô con gái phát hoảng.  Nhưng là người phụ nữ nhạy cảm, cô biết phải làm gì lúc này. Không muốn đụng chạm tới giây phút riêng tư, thiêng liêng ấy của người già, dù cô rất muốn biết nguyên nhân của nó.
Một lúc lâu, tiếng khóc của cụ nhỏ dần rồi im lặng bao trùm cả phòng khách. Cô con gái lúc đó mới ngập ngừng cầm khăn mặt nóng, nhẹ nhàng tới bên bố:
- Khăn của ông đây ạ. Có chuyện gì  không phải ông nói với con được không?
Thế là cụ lại òa lên khóc dữ dội hơn, thống thiết hơn. Cô con gái chả biết lý do tại sao và an ủi ông thế nào cho phải nhẽ, đành để mặc cho những dòng nước mắt của ông tuôn rơi, cho mọi ưu tư phiền muộn của tuổi già được giải tỏa.
Bỗng dưng, giọng cụ ngắt quãng rồi nghèn ngẹt trong nước mắt: “Nghĩ mà thương ông cụ, càng nghĩ càng thương ông cụ. Một con người kiệt xuất, cả một đời vì nước vì dân… giống tốt  thế  mà khi đi chả để lại  “đứa nào” nối rõi tông đường. Hu…hu… hu …nghĩ thương ông cụ quá…”.
Các bạn có tin hay không thì tùy, nhưng tôi thề là tôi không hề phịa một tí nào. Tôi nghe và hỏi đi hỏi lại có đúng như thế không? thì người cung cấp thông tin giơ tay thề độc, có cả vợ hắn xác nhận.
Đúng thật! Câu chuyện này dù có óc khôi hài và trí tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể phịa ra được. Xin viết lại để hầu các bác.
  


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chả ai chống lại được luật trời. Rồi chúng ta cũng đến lúc như vậy, ấy là nói nếu như không có gì đột biến trước khi đến tuổi đó. Mà dài ngắn không quan trọng, chỉ cầu mong được ngày nào cho ra ngày ấy để mọi người khỏi vất vả. Mà có lẽ khi tuổi đã cao, có lẫn một chút cũng hay. Những người như vậy ít bị bức xúc về những chuyện xã hội ngày nay. Khổ tâm là cái khổ khó chịu nhất, cho nên những cụ sức đã không còn, nhưng tư duy vẫn sáng láng, thông tin vẫn cập nhật đều đặn là khổ.QV