Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Vụ thảm sát Katyn – đâu là nguyên nhân?



Ngọc Phương


(Tiếp theo)

5 - Hội nghị Munich và sự thôn tính nước Tiệp Khắc

Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.
Bản đồ vùng Xuyđét (Sudètes)

Sở dĩ tại sao phải nói một chút về giai đoạn này, mặc dù nó không liên quan gì đến sự kiện Katyn, nhưng dù sao cũng góp phần làm rõ hơn những âm mưu và nước cờ của nước Đức phát-xít.




Cho đến giữa năm 1937, nổi lên vấn đề kiều dân Đức ở Xuyđét (Sudètes), đông khoảng 3.200.000 người. Việc sáp nhập vùng đất này thuộc nước Tiệp Khắc được Hítle đặt lên hàng đầu trong chương trình của nước Đức. Thực chất, kiều dân Đức ở đây chưa hề có ý định muốn được gắn bó với đế chế Đức cho đến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Họ chung sống hòa thuận với cư dân người Séc và Xlôvakia. Vùng này Chính phủ Tiệp Khắc đã xây dựng nhiều cơ sở công nghiệp quốc phòng quan trọng và biến vùng này trở thành một vùng công nghiệp hóa cao của đất nước.

Nhưng tình thế năm 1937 lại khác. Đảng Sudèten Deusche Partei (Đảng của người Đức ở Xuyđét) do Konrad Henlein cầm đầu, nắm 70% ghế trong Quốc hội của vùng, lại có xu hướng thân quốc xã rõ rệt. Việc thành lập chính quyền tự trị, trong đó những công chức biết tiếng Đức được xúc tiến. Ghi nhận quyền lựa chọn sinh sống dưới chính thể Tiệp Khắc hay Đế chế Đức của kiều dân Đức.

Một loạt hoạt động quân sự, chủ yếu là tổng động viên và tập trung quân ở biên giới hai nước Đức - Tiệp diễn ra trong năm đó và đầu năm sau, phía quân đội Tiệp là đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21 tháng Năm năm 1938. Người ta đặt câu hỏi phải chăng điều này là do lời khuyên của phía Liên Xô, lúc đó cũng rất muốn giúp đỡ nước Tiệp để chống lại nước Đức phát-xít đang muốn bành trướng?

Chính phủ Anh cũng đã có những can thiệp mạnh mẽ do đó Hítle đã không hành động dù hắn ta rất bực bội. Còn Chính phủ Pháp của Daladier (ngoại trưởng Pháp giai đoạn này là Georges - Bonnet) thì có xu hướng ôn hòa.

Việc thôn tính vùng Xuyđét, đối với Đức quốc xã, chỉ còn là ngày một ngày hai.

Thông tin quan trọng trong phần này, là thái độ của Liên Xô như thế nào? Ngày 12 tháng Năm năm 1938, ngoại trưởng Pháp Bonnet xin gặp Bộ trưởng dân ủy ngoại giao Liên Xô Lítvinốp ở Giơnevơ (Genève). Chính phủ Liên Xô tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ nước Tiệp Khắc nếu như Balan và Rumani đồng ý để cho Hồng quân Liên Xô đi qua lãnh thổ của mình. Nhưng Balan đang thi hành một chính sách ngoại giao hết sức liều mạng và nguy hiểm, là chọn phương án đối đầu cả Liên Xô và Đức, trong khi vẫn đang hy vọng vào sự bảo trợ của nước Pháp, là nước mà dần dần người ta sẽ thấy, bảo vệ chính mình còn chưa xong. Quan trọng hơn cả là họ đang bất hòa với Tiệp Khắc. Còn Rumani, vẫn đang lo lắng về vùng Bétxarabi (năm 1940 bị cắt về lãnh thổ Mônđavi xô-viết). Trên thực tế, nước Rumani có thể cho quân Liên Xô đi qua nhưng họ chỉ có duy nhất một con đường sắt rất tồi, và họ cho phép máy bay Liên Xô bay qua vùng trời của mình sang Tiệp. Trên thực tế, Liên Xô biết rõ tình thế đó và rõ ràng đây là nước cờ “tuyên bố nhưng không hành động” khá rõ nét. Tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian diễn ra Hội nghị Munich đã có 200 máy bay chiến đấu Liên Xô có mặt trên đất Tiệp Khắc, cũng không thể phủ nhận hoàn toàn những hành động cụ thể của Chính phủ Liên Xô trong tình thế ai cũng phải đi trên dây trong giai đoạn này.

Ngày 23 tháng Chín năm 1938, Phó Ủy viên nhân dân ngoại giao Liên Xô Pôtemkin thông báo cho phía Balan rằng, Liên Xô sẽ hủy bỏ Hiệp ước không xâm lược với Balan đã được ký ngày 25 tháng Bảy năm 1932, nếu như Balan xâm lược Tiệp Khắc (Ý đồ này đã trở nên hết sức rõ rệt). Cũng trong thời gian này lại diễn ra thỏa hiệp giữa một bên là Đức, bên kia là Anh – Pháp theo đó, bất cứ một lãnh thổ nào có trên 50% dân cư nói tiếng Đức sẽ được sáp nhập vào Đức! Ngày 21 tháng Chín năm 1938, Anh và Pháp thông báo với Tiệp là nếu có ý định kháng cự, họ sẽ không được ai ủng hộ cả. Đây là một sự bội ước ghê gớm của Chính phủ hai nước, nhất là Pháp, với thành viên liên minh của mình.


Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.
Hội nghị Munich

Và thế là với những diễn biến như trên, ngày 29 tháng Chín năm 1938, đã diễn ra Hội nghị Muních, với sự tham gia của Đức, Pháp, Anh, Italia. Tệ hại nhất là sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Tiệp Khắc đã bị hy sinh vì “hòa bình”. Đồng thời, chính Hội nghị này đã cho thấy manh nha âm mưu “xử lý” Hunggari và nhất là Balan - đối tượng nghiên cứu chính của chúng ta ở đây. Trong quyết định của mình, hội nghị còn có một phụ lục nữa liên quan đến những kiều dân Balan và Hung ở Tiệp, sẽ liên quan sâu hơn đến những hành động của Balan sau này: “Vấn đề dân tộc thiểu số Balan và Hung ở Tiệp Khắc, nếu không được giải quyết bằng hiệp định giữa các Chính phủ hữu quan trong vòng 3 tháng, thì sẽ là mục tiêu cho một cuộc họp khác của Chính phủ 4 cường quốc đang họp cuộc họp hôm nay”.

Không có nhận xét nào: