Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Vụ thảm sát Katyn – đâu là nguyên nhân?


Ngọc Phương 

(Tiếp theo)

6 – Những cố gắng ngăn chặn cuộc chiến tranh ở ngay trước mặt

Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.
Bản đồ vùng Silésie

Ngày 7 tháng Mười một năm 1938, bí thư thứ ba sứ quán Đức tại Paris Ernst Von Rath bị Herschel Grynspan một người Đức Do thái gốc Balan ám sát chết. Sự kiện này chính là cái cớ cho làn sóng bài Do thái và sau đó là thái độ thù địch với Balan ở nước Đức.

Sau hội nghị Munich, Liên Xô hết sức chống đối Pháp (có tin đồn rằng chính Liên Xô đã ủy quyền cho Daladier đại diện tại Hội nghị, nhưng tờ Pravda đã đưa ra cải chính tin đồn này). Liên Xô cho rằng Pháp đã quá tệ bạc và bội ước. Liên Xô đang làm cho người ta tin rằng, chính họ chứ không có ai cả, tin vào các biện pháp an ninh tập thể đã được vạch ra trước đó mấy năm bởi một người Pháp (Thủ tướng thứ 78 của nền Cộng hòa, Louis Barthou).




Sau Hội nghị Muních, là thời gian tan rã của nước Tiệp Khắc. Xuyđét bị sáp nhập vào Đức. Nhiều vùng lãnh thổ phải tổ chức trưng cầu dân ý về việc ở lại với Tiệp hay bị sáp nhập. Nhân cơ hội này, Đại tá Beck muốn sáp nhập vùng Silésie de Teschen vào Balan. Từ năm 1937, họ đã bãi bỏ hiệp ước không xâm lược ký với Tiệp năm 1924, và sau 6 tháng từ khi bãi bỏ, Hiệp ước cho phép họ tự do hành động. Họ cho rằng Tiệp Khắc đã “bạc đãi” dân Balan ở vùng này.

Ngày 19 tháng Chín năm 1938, Beck trình bày ý định của Balan đối với vùng Teschen.

Hai ngày sau, ngày 21, Chính phủ Balan chính thức bãi bỏ hiệp định Balan - Tiệp về người thiểu số năm 1925 và chính thức đòi lại vùng Teschen. Quân đoàn Silésie được thành lập ở Vácxava vì mục đích chiếm vùng đất này.

Liên Xô lên tiếng, dọa sẽ xóa bỏ Hiệp ước không xâm lược năm 1932 đối với Balan. Pháp cũng dậm dọa Balan. Nhưng thế đã quyết, Balan kiên quyết đứng về phía Đức. Sau hội nghị Munich mà Beck không được mời dự, cho là mình bị xỉ nhục và đã gửi cho Chính phủ các nước tham gia hội nghị một tối hậu thư rất thô lỗ vào ngày 30 tháng Chín, các yêu sách về lãnh thổ của Balan “phải” được phía Tiệp Khắc chấp thuận trước ngày 1 tháng Mười, và nước Tiệp Khắc cô độc, đã phải chấp nhận. Từ 1 giờ sáng ngày hôm đó, quân Balan vượt sông Olza tràn vào lãnh thổ Teschen của nước Tiệp, chiếm được 1000 ki-lô-mét vuông với số dân 230.000 người.

Ghê gớm hơn, Balan tiếp tục muốn chiếm lãnh thổ Ucraina vùng nam Cácpát, vì cho rằng vùng này có những ổ hoạt động có ảnh hưởng đến phong trào chống chính quyền của cộng đồng người Ucraina ở Balan. Hítle đã không đồng ý với mưu đồ này nên Beck tạm dừng lại.

Như vậy, sau hội nghị Munich, đại tá Beck đã tưởng rằng Balan “đã là một cường quốc” có thể tham gia vào thôn tính nước Tiệp Khắc, và thi hành chính sách thân, gần như là chư hầu với quốc xã, đẩy mình vào thế thù địch với Pháp và nhất là với Liên Xô.

Trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng Von Ribbentrop với đại sứ Balan tại Đức Lipsky, phía Đức vẫn nhấn mạnh tính bền vững của hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa hai nước Đức – Balan.

Nhưng cũng chính thời gian này mà âm mưu của nước Đức quốc xã đối với Balan đã thể hiện khá rõ nét.

Trong tháng Mười một, hàng loạt người Balan nói tiếng Đức di cư về Đức. Cũng trong tháng này, Đức trục xuất 15.000 người Balan gốc Do thái về Balan.

Từ tháng Mười, Đức đã “nhẹ nhàng” nói về vấn đề thành phố Đăngdích (Dantzig). Ngày 24 tháng Mười, Von Ribbentrop nói với đại sứ Balan tại Đức Lipsky rằng thành phố Đăngdích tự do cần phải được sáp nhập về Đức. Đức còn muốn xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc xuyên qua đất Balan đến đó và tuyến đường sắt này phải được hưởng quy chế tài phán lãnh sự của Đức. Ngược lại Balan sẽ có một cảng miễn thuế tại Đăngdích và được xây dựng một tuyến đường sắt tương tự của mình đến thành phố này. Bù lại, hai bên sẽ kéo dài hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau ký năm 1934 không phải là 10 năm nữa mà là 25 năm. Đạt được như vậy, quan hệ Đức – Balan sẽ tốt đẹp y như quan hệ Đức – Italia!

Lipsky vội vàng về nước báo cáo với Beck, ông ta hứa sẽ xem xét nhưng kiên quyết chống lại đề nghị sáp nhập Đăngdích vào Đức. Chính quyền Đức như đã nói, hết sức “nhẹ nhàng” và không đặt lại vấn đề nữa. Có lẽ với Đức, mọi chuyện của đất nước Balan gần như đã an bài.

Nhưng Beck hình như cũng đã nhận ra lờ mờ tình thế của đất nước, và tìm cách xích lại gần Liên Xô. Tháng Mười năm 1938, đại sứ Balan tại Mátxcơva ông Grzybowsky đề nghị ký kết một hiệp ước hữu nghị mới trên cơ sở hiệp ước không xâm lược được ký năm 1932. Ngày 24 tháng Mười một hiệp ước được ký kết, công bố hai ngày sau đó. Hai bên tuyên bố tán thành việc trao đổi thương mại. Các hiệp định thương mại được đàm phán và ký kết vào ngày 10 tháng Hai năm 1939.

Ngày 5 tháng Giêng năm 1939, đại tá Beck được Hítle mời đến Berchtesgaden. Trong cuộc hội đàm, hai bên đã nhấn mạnh sự thù địch chung chống Liên Xô. Nhưng đồng thời Hítle lại nêu vấn đề Đăngdích và đường sắt hành lang, đồng hời hứa hẹn là sẽ không bao giờ giải quyết vấn đề theo hướng “việc đã rồi”. Khi về, Beck thỏa mãn được việc liên minh với Đức để chống Liên Xô, nhưng lại bị đẩy vào thế phải “quyết” về thành phố Đăngdích. Ông ta không thổ lộ gì với Pháp dù giữa họ còn tồn tại một liên minh.

Sau chuyện này, Léon Noël (1888 – 1987, Đại sứ Pháp tại Balan từ 1935 đến 1940, sau này tham gia Chính phủ kháng chiến của Thống chế Charles De Gaulle) đã nói: “Không có gì mù quáng hơn điều mà Beck đã làm!”.

Cuối tháng Giêng, ngoại trưởng Đức Von Ribbentrop thăm Balan, là chuyến thăm chính thức đầu tiên (và cũng là cuối cùng) của một chính khách cao cấp quốc xã tới Balan. Hắn ta khẳng định tình hữu nghị giữa hai nước và tính bền vững của những gì hai bên đã ký kết. Đồng thời hắn cũng thăm dò Beck xem khả năng cùng đánh Liên Xô, với mục tiêu rõ rệt là chiếm Ucraina, có được không? Vì đang ở trong tình thế “Đăngdích”, nên Beck đã lịch sự từ chối cả hai vấn đề trên. Ông ta vẫn chưa hiểu tất cả chỉ là đòn gió của phía Đức mà thôi.

Ngày 15 tháng Ba, nước Tiệp Khắc hoàn toàn tan rã, vùng Rutheni nam Cácpát bị sáp nhập vào Hunggari, vùng Memel bị sáp nhập tiếp vào Đức, làm cho tình thế nước Balan trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nguy hiểm xuất hiện rõ nhất là trong cuộc hội đàm diễn ra vào các ngày 26 và 27 tháng Ba năm 1939 giữa Lipsky và Von Ribbentrop, Balan “bị buộc” phải gia nhập vào liên minh chống Liên Xô, đồng thời những yêu sách về Đăngdích được đặt lại lên bàn với áp lực ngày càng tăng. Ngày 29 tháng Ba, một cuộc biểu dương lực lượng của Hải quân quốc xã được tiến hành tại biển Bantích. Ngày 28 tháng Ba, Beck tuyên bố sẵn sàng dùng chiến tranh chứ không nhượng bộ về Đăngdích, nhưng ngược lại ông ta lại đánh tiếng với Đức rằng, chính ông ta chứ không phải ai khác, mới có thể duy trì tình thân hữu của Balan với nước Đức quốc xã bất chấp dư luận nhân dân Balan trong nước.

Đại tá Beck chỉ đạo vội vã tìm kiếm sự ủng hộ từ Anh và Pháp, và đã đạt được những tuyên bố từ phía hai “ông kẹ” này. Nhưng chính điều đó lại tạo cớ cho Đức. Quốc vụ khanh Đức Von Weizsacker đã tuyên bố những thỏa thuận Anh – Balan ngày 6 tháng Tư là trái với những gì Balan đã ký kết với Đức!

Trong giai đoạn này, phải nói đến một người có những cố gắng rất lớn cho hòa bình. Người đó không phài là I. Xtalin, mà lại là cố Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt. Ngày 14 tháng Tư, Ông đã đọc một bài diễn văn ở Ủy ban thống nhất liên Mỹ, nói rõ: “Vấn đề đặt ra là trên thực tế cần phải biết liệu nền văn minh của chúng ta có bị lôi kéo vào một cơn lốc bi thảm của chủ nghĩa quân phiệt vô hạn độ được đánh dấu bằng các cuộc chiến tranh định kỳ, hay chúng ta biết duy trì lý tưởng hòa bình, tự do cá nhân và văn minh vốn là nền tảng của cuộc sống chúng ta”. Hai ngày sau ông gửi cho Hítle và Mútxôlini hai bức thư cá nhân, đề nghị họ khẳng định trong 10 năm tới sẽ không xâm lược 29 quốc gia mà ông liệt kê trong thư. Nếu họ đồng ý, ông sẽ có đề nghị tương tự tới 29 quốc gia đó và Hoa Kỳ sẽ tham gia vào việc giải trừ quân bị và việc phân chia nguồn lợi nguyên liệu giữa các quốc gia.

Những động thái này, không được Hítle hoan nghênh. Chính Roosevelt cũng không hy vọng nhiều vào những hành động của mình, mà chỉ nhằm làm cho những nước trong cuộc, ở châu Âu, nhất là Anh và Pháp, nhận rõ âm mưu và thái độ hiếu chiến của Hítle.

Ngày 28 tháng Tư, Hítle đọc trước Quốc hội Đức một bài diễn văn dài, lấy cớ là đã có những cuộc hội đàm Anh – Balan, và sau đó thì nước Đức đã chuẩn bị cho kế hoạch Weiss (được Keitel ký ra lệnh cho quân đội Đức ngày 3 tháng Tư) - kế hoạch đánh chiếm Balan vào ngày 1 tháng Chín năm đó.

Ngày 22 tháng Năm, Đức và Italia ký Hiệp ước - được gọi là “Hiệp ước Thép”, làm cơ sở hình thành phe Trục sau này.

Từ đây, những diễn biến của tình hình chỉ là việc ngăn không cho một cuộc Đại chiến thế giới mới không xảy ra quá nhanh mà thôi, dù trên thực tế bên nào cũng hình dung rõ nét về nó lắm rồi.

Cuộc chiến tranh đang đến quá gần làm cho các nước phương Tây cũng như Hítle muốn lôi kéo Liên Xô đứng về phía mình. Cho đến tháng Tám năm 1939 Liên Xô vẫn chưa có được một sự lựa chọn nào cả. Về phần mình, Liên Xô được ngăn cách với nước Đức ở Balan và Rumani, do đó việc tham gia bất cứ một liên minh chống Đức nào, Liên Xô cho là nguy hiểm và chưa cần thiết. Trong khi đó về ý thức hệ, Liên Xô cũng khó có thể gần gũi hơn được với Anh, Pháp… và thấy gần gũi hơn, muốn bảo vệ các nước dân chủ châu Âu như Tiệp Khắc. Ngày 11 tháng Ba năm 1939, trong diễn văn được đọc tại Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô - Mátxcơva, Manuilxki đã tuyên bố: “Kế hoạch của giai cấp tài sản phản động Anh là hy sinh các quốc gia nhỏ bé ở đông nam châu Âu cho phát-xít Đức, hướng Đức sang phía Đông để đánh bại Liên Xô, nhắm lấy chiến tranh phản cách mạng để ngăn chặn sự tiến bộ của chủ nghĩa xã hội và thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô”. Cho đến nay, cái vế đầu “Kế hoạch của giai cấp tài sản phản động Anh là hy sinh các quốc gia nhỏ bé ở đông nam châu Âu cho phát-xít Đức, hướng Đức sang phía Đông để đánh bại Liên Xô…” đã chứng minh với lịch sử là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng nếu Đức thắng Liên Xô, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc Đức chiếm nốt cả nước Anh không mấy khó khăn!

Chính vì hướng về các nước dân chủ, nên ngày 19 tháng Ba, Liên Xô phản đối việc chia cắt làm tan rã nước Tiệp Khắc. Đồng thời Liên Xô bắt đầu đã có các cuộc hội đàm với nước Anh. Liên Xô đề nghị một cuộc hội đàm giữa những nước có liên quan nhất đến tình hình: Liên Xô, Anh, Pháp, Balan, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vì nhiều lý do mà đề nghị này không thành công, những lý do này không cần viết ra chúng ta đều đã biết là mỗi nước đều có những vấn đề và cách giải quyết riêng của mình.

Nhìn chung trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, nhưng những cố gắng của các bên vẫn rất kỳ lạ và đi theo những chiều hướng khác nhau, như những con kiến cùng kéo một miếng thức ăn, mỗi con đi về một hướng, nhưng lại làm cho tình hình chung đi về cái hướng tàn bạo và khốc liệt: chiến tranh!

Người Anh phản ứng hết sức chậm chạp, ngược lại để trả lời “không!” thì người Xô-viết bao giờ cũng phản ứng hết sức nhanh chóng. Cả hai đều không có những dấu hiệu của thiện chí. Chỉ có người Pháp là vội, vì họ ở sát nách nước Đức. Nếu Đức đánh Balan, có nghĩa là chiến tranh. Mà chiến tranh, có nghĩa là Đức sẽ đánh nước Pháp. Pháp hoàn toàn chấp thuận một liên minh đầy đủ với Liên Xô, nghĩa là một trong hai nước bị đánh thì nước kia sẽ tham chiến. Còn Anh thì chỉ muốn Liên Xô đảm bảo cho trường hợp Balan và Rumani bị xâm lược, chứ không sẵn lòng tham chiến trong trường hợp Liên Xô bị tần công. Liên Xô thì muốn cả Anh và Pháp đều “được như Pháp”. Về phần mình, thật kỳ lạ, nước Balan của đại tá Beck thì phản đối mọi thỏa thuận có Liên Xô tham gia, và hơn nữa không ủng hộ bất cứ thỏa thuận nào bảo đảm cho Rumani. Đến tình thế này rồi, mà ông ta vẫn còn có những suy nghĩ kỳ lạ đến thế!

Ngày 18 tháng Tư, Ủy viên nhân dân ngoại giao Liên Xô Lítvinốp đề nghị một hiệp ước an ninh tập thể, gồm có 3 định ước: 1- Hiệp định tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau giữa 3 nước; 2 - Một thỏa ước quân sự và 3 - Hiệp ước đảm bảo cho các quốc gia nằm giữa biển Bantích và biển Đen. Trong Hiệp ước an ninh này có sự đảm bảo không có sự ký kết các hiệp ước riêng rẽ khác của các nước thành viên. Nhưng đây mới chỉ là đề nghị vì ngay sau đó, Môlôtốp thay Lítvinốp (người luôn hướng về an ninh tập thể) làm Ủy viên nhân dân ngoại giao Liên Xô. Đây là sự kiện làm đình chỉ việc đàm phán ký kết Hiệp ước nói trên và đánh dấu sự thay đổi chính sách của Liên Xô.

Đến đây đã có được những nhượng bộ bước đầu của Anh, nhưng cũng không đi đến đâu vì một số những bất đồng, mà có thể do cố tình tạo ra. Ngày 27 tháng Năm, Anh và Pháp chấp thuận một dự án hiệp ước an ninh tập thể, Anh và Pháp sẽ tham chiến nếu Liên Xô bị xâm lược. Việc đảm bảo sẽ áp dụng với Balan, Rumani, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ. Với các nước vùng Bantích như Estonia, Latvia, Anh muốn ký kết một nghị định thư riêng, nhưng Liên Xô lại khăng khăng đòi đưa những nước đó vào diện được đảm bảo trong cùng Hiệp ước. Đây chính là cái cớ để Liên Xô bác bỏ đề nghị này của nước Anh.

Ngày 1 tháng Bảy, Anh và Pháp lại đưa đề nghị mới, chấp nhận đề nghị của Liên Xô là đưa các nước Bantích vào diện được bảo đảm, có thêm Phần Lan trong số này – nhưng lại đưa thêm vào danh sách Thụy Sỹ và Hà Lan, vốn là hai nước không được Liên Xô chấp thuận ngay từ đầu. Và thế là các cuộc đàm phán lại quay về vạch xuất phát. Ngày 18 tháng Bảy, Anh và Pháp đồng ý bỏ hai nước trên ra khỏi danh sách, nhưng họ lại vấp phải những bất đồng khác, nhất là trong định nghĩa về một cuộc “xâm lược trực tiếp”, là cái cớ để hành động tham chiến sau này cho các quốc gia thành viên hiệp ước. Thế là câu chuyện lại chẳng đâu vào đâu.

Không thành công về Hiệp định chính trị, họ quay ra đàm phán về Hiệp định quân sự. Nhưng vấn đề lớn nhất là Liên Xô cứ khăng khăng trong việc, liệu Balan có cho phép Hồng quân đi qua lãnh thổ của mình hay không? Pháp và Anh lại sa lầy vào việc thuyết phục Balan, mà chúng ta và cả những lãnh đạo Liên Xô đều thừa biết chẳng đời nào Beck đồng ý điều đó. Ngày 21 tháng Tám, Daladier (Thủ tướng Pháp) chỉ thị cho Doumenc (Đại sứ Pháp) phải ký bằng được Hiệp ước với Liên Xô, về việc đi qua lãnh thổ Balan cũng được, bất chấp Balan có đồng ý hay không. Nhưng đã quá muộn, vì Liên Xô yêu cầu có được sự đồng ý chính thức của Balan. Ngày 28 tháng 8, Vôrôsilốp cho triệu Doumenc đến để thông báo rằng những điều kiện từ phía Pháp chuẩn bị là không đủ, và Liên Xô cần có câu trả lời chính thức từ phía Balan và Rumani. Thái độ của Balan thì hết sức rõ ràng: nguyên soái Balan Smigly-Rydz nói: “Với người Đức chúng tôi có nguy cơ sẽ mất tự do, nhưng với người Nga chúng tôi sẽ mất cả linh hồn!”.

Xin nhớ rằng, Hiệp ước Xô - Đức được ký ngày 23 tháng Tám năm 1939!

Quay lại với Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô ngày 10 tháng Ba năm 1939, Xtalin không hề đả kích mạnh mẽ Hítle và tập đoàn cầm quyền của y. Ông chỉ nói rằng sự yếu kém của các nước phương Tây chính là nguyên nhân chính của những hành động bạo lực của Đức. Ông ta cũng chi ra rằng, không có căn cứ để xác định chính sách thù địch với nước Đức của Liên Xô.

Ngày 3 tháng Năm, Môlôtốp được cử giữ chức Ủy viên nhân dân ngoại giao. Ngày 17 tháng Tư năm đó, đại sứ Liên Xô tại Đức Mêrêkalốp đã gặp Quốc vụ khanh Đức Von Weizsacker vừa đề ra mắt, trình quốc thư và đồng thời xúc tiến thực hiện những Hợp đồng đã ký kết, được thực hiện tại những xí nghiệp quốc phòng của tổ hợp Skoda (Tiệp) bây giờ đã thuộc về Đức. Trong cuộc hội kiến, ông ta đã nói khá rõ ràng là Liên Xô đã đang và sẽ không lợi dụng mối bất hòa Đức – phương Tây, và không có lý do gì để cho quan hệ Đức – Xô xấu đi cả! Ngoài ra sau đó Liên Xô còn có một số những động thái mới, trong khi chính Đức quốc xã lại e dè, sợ rơi vào một âm mưu gì đó của Liên Xô!

Nhưng dần dần thì họ cũng nắm được cơ hội. Họ đang chứng minh cho Liên Xô thấy rằng, về ý thức hệ, Đức và Italia gần gũi hơn với Liên Xô trong việc chống lại “bọn tư bản phương Tây”! Và trong mối quan hệ hỗ tương đó, Đức sẽ đem lại cho Liên Xô nhiều hơn là những gì mà nước Anh sẽ mang lại cho Liên Xô!

Ở đây còn một kẻ vội vã nữa: chính là bọn Đức quốc xã. Chúng đã quyết định tấn công Balan vào ngày 1 tháng Chín, nên phải quyết định nhanh. Ngày 23 tháng Tám năm 1939, Von Ribbentrop đến Mátxcơva – y được ủy quyền toàn quyền ký với Môlôtốp một Hiệp ước có hiệu lực ngay. Ngay đêm đó Hiệp ước được ký kết, cam kết không xâm lược lẫn nhau, không tham gia vào một liên minh nào chống lại nước kia, không ủng hộ bất cứ một nước thứ ba nào chống lại nước kia và giải quyết những bất đồng qua trọng tài. Nhưng Hiệp ước không quan trọng bằng nghị định thư bí mật đi kèm. Theo A. Rossi (“Hai năm liên minh Đức – Xô”) thì nghị định thư này gồm 3 chương chính:

Chương 1: các nước nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô gồm Phần Lan, Estonia, Látvia. Những nước nằm trong vùng ảnh hưởng của Đức có Lítva. Hai nước Đức – Xô công nhận quyền lợi của Lítva ở Vilna.
Chương 2: quy định ranh giới vùng ảnh hưởng của hai nước trên đất Balan, được vạch ra trên tuyến ba con sông Narép – Vixtuyn – Xan (Narew – Vistule – San) “Vấn đề liệu có nên, vì lợi ích của cả hai bên, duy trì một nước Balan độc lập và quy định các biên giới của nước này như thế nào, chỉ có thể được giải quyết trong diễn biến chính trị trong tương lai. Trong mọi trường hợp hai Chính phủ sẽ giải quyết bằng con đường thỏa thuận hữu nghị”.
Chương 3: ghi nhận sự quan tâm của Liên Xô đối với vùng Bétxarabi, và phía Đức quốc xã tuyên bố không có lợi ích chính trị nào ở khu vực này.

Xtalin đã nâng cốc chúc sức khỏe của Hítle: “Tôi biết là dân tộc Đức yêu mến vị Quốc trưởng của mình như thế nào; và tôi muốn được nâng cốc chúc mừng sức khỏe của ông ta”. Xtalin theo đuổi chính sách một nước Balan thu hẹp chỉ còn một dải đất mỏng dính kẹp giữa ông ta và Hítle, đủ để làm vùng đệm phòng thủ sau này.

Như vậy với Hiệp ước này, chính là thời khắc đánh dấu việc cuộc chiến tranh bùng nổ là không thể tránh khỏi.

Không có nhận xét nào: