Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Ký: 1. CHUNG VAI GÁNH VÁC NON SÔNG (ĐÀM THỊ NGỌC THƠ, Đất Mũi)

Những ngày tháng Tư năm nay nóng bỏng với những kỉ niệm của những năm Đất nước bị chia cắt, rồi phải 21 năm sau mới được thống nhất mà dân ta phải trả bằng nhiều, nhiều lắm xương máu. Đàm Thị Ngọc Thơ, 1 học sinh Miền Nam tập kết, được sống, học tập ở Miền Bắc và trở thành 1 cô giáo dạy tại Trường HSMN Đông Triều. Cô có những tâm sự gửi vào loạt ký dịp này. 
Mong được sự đón nhận của bạn đọc! (BBT).

    Tôi vẫn hiểu : Vĩ tuyến 17-ranh giới tạm thời chia hai miền Đất nước chỉ là để khoanh vùng tập kết cho lực lượng hai bên.Còn cái nghĩa Đất nước luôn trọn vẹn và thiêng liêng trong tất cả mọi tấm lòng của người dân Nam Việt.Bởi lẽ đó mà ngay sau khi hiệp định Gionevo được ký kết,ngay sau khi người Miền Nam đầu tiên tập kết đặt chân ra đất Bắc,nhân dân miền Bắc đã vội vã đùm bọc cưu mang. Họ coi đó là sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, là tình cảm yêu thương,trách nhiệm.


     Tôi còn nhớ ngày tàu tôi cập bến Sầm Sơn,nhân dân Thanh Hóa đứng đông nghịt trên bến tàu hân hoan chào đón.Rồi chúng tôi được nhanh chóng đưa về các dãy lán trại đã trải sẵn ổ rơm với đầy đủ áo, mền chống cái rét chưa quen nơi đất Bắc.Trong khi miền Bắc vừa thoát khỏi chiến tranh,nhân dân miền Bắc còn đói khát trăm bề.Tuần lễ nghỉ dưỡng ở đây,ngày ba bữa chúng tôi được ăn uống no đủ để phục hồi sức khỏe sau chuyến vượt biển.Lúc ấy chúng tôi chưa biết được những cố gắng vượt bậc của Đảng,Bác Hồ và nhân dan miền Bắc cho đồng bào miền Nam tập kết cũng như cho cuộc đấu tranh chính trị vì miền Nam,vì cả nước.Mãi đến khi chúng tôi được chia về các xã gần đó của huyện Nông  Cống chờ ngày chuyển giao về cho các trường nội trú chúng tôi mới được nhìn rõ những chịu đựng, những sẻ chia đến tận cùng của miền Bắc cho nửa khúc ruột yêu thương.
     Hãy bắt đầu từ những bữa cơm của chúng tôi-những bữa cơm nuốt nghẹn ngào qua nước mắt.Không phải vì cơm không đủ no,thiếu cái để nuốt trôi cơm vào bụng, mà vì chúng tôi ăn cơm trong một cái lán che tạm nhưng được vây kín bằng một hàng rào dây thép gai.Bên ngoài là những em bé độ tuổi lên 6 lên 8 trần truồng giữa cái rét cắt thịt da của tháng 12.Trên tay một vài em cầm những cọng dây khoai lang đã héo.Đôi mắt các em thèm thuồng nhìn về phía chúng tôi.Các em không dám xin mà chúng tôi cũng không được phép cho, dù chỉ một vài muỗng cho đỡ thèm.Thanh Hóa những ngày đó chưa kịp làm lại điều gì sau chiến tranh lại vội vã trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử nặng nề:đón tiếp mấy chục ngàn cán bộ,bộ đội,HSMN tập kết ra Bắc!
     Nào ai dám nói cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước là của đồng bào miền Nam? Sau những năm miền Bắc âm thầm chi viện sức của cho miền Nam đấu tranh theo hiệp định, bọn giặc bội ước, xé nát Hiệp định Gionevo, cả nước ta rầm rập lên đườngc ”Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đếm sao hết những người mẹ trên đất Bắc dõi vào Nam ngóng theo bước chân con. Đếm sao hết nhũng người vợ trẻ trên đất Bắc ngóng trông chồng từng đêm không ngủ.Rồi vì nửa nước yêu thương,vì miền Nam ruột thịt họ tiếp bước lên đường vào với chiến trường xa không ngại gan nan vất vả, xá chi cái chết rập rình.Đếm sao hết những nấm mồ liệt sĩ đã hy sinh trên chiên trường miền Nam,bao nhiêu ngôi mồ có tên và vô danh nằm hưu hắt đó đây mà đồng đội, thân nhân còn chưa nhận diện.Sẽ thật tội lỗi khi ta chỉ nhớ đến niềm vui của những người miền Nam tập kết, giải phóng miền Nam được sum họp gia đình mà quên mất niềm vui đến tột cùng của nửa nước yêu thương - nơi đất Bắc đang chờ đón tin con.
      Thoáng một cái đã trò 40 năm kể từ ngày giải phóng. Mẹ nuôi tôi, người Hà Nội mới vừa tìm được mộ con trai hy sinh ở mặt trận Khe Sanh. Tìm được hài cốt con trai về mẹ không cho hạ huyệt. Mẹ bảo: "Chờ vài hôm nữa, đến giỗ nó, rồi hẵng hạ huyệt". Năm rồi cúng cơm em, nhà tề tựu không thiếu một ai. Cúng cơm em hôm trước, hôm sau mẹ xuôi tay nhắm mắt hưởng thọ 94 tuổi. Chúng tôi đành dời ngày truy điệu hạ huyệt cho em vào đầu năm sau cho thuận lẽ trời, hạp lòng mẹ.
      Chiến tranh là thế: Nó đã lùi xa nhưng vẫn còn cất giữ trong nó biết bao điều bí ẩn!
    
                                                                   Cà Mau, ngày 08 tháng 04 năm 2015
                                                                                Đàm Thị Ngọc Thơ
         

6 nhận xét:

Nhat Trung K5 Trỗi nói...

Xa cô Thơ Cà Mau đã lâu. Nay đọc bài này mới thấm thía những tình cảm của ND miền Bắc giành cho HSMN chúng em. Rất tiếc lúc ra Thanh Hóa mình mới 4 tuổi nên ko biết những nỗi khổ của người dân Thanh Hóa.
Thật cảm động !

Nặc danh nói...

Dạo này cô "lười" viết quá, nên lâu lắm mới được đọc cô. Tình cảm gắn bố của cô với miền Bắc thật sâu đậm. Cô phải khỏe đều để lâu lâu lại ra HN nghe cô.QV.

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Cảm ơn Kiến Quốc đã cho lời bạc về bài viết của cô.Thế đó Nhất Trung ạ.Đó là chuyện cuộc đời cô và những người đủ nhớ không thể nào quên.

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Không phải cô lười đâu.Mà hình như già rồi cảm xúc cứ lặn đi đâu mất.Có cơ hội như thế này nó mới trỗi dậy và cô lại viết. Thế đó QV ạ.

NH nói...

Từ bé tôi đã tiếp xúc với cán bộ, bộ đội Miền Nam tập kết. Dì ruột tôi cũng lấy chồng là bộ đội tập kết người Quảng Nam. Thời đó dân ở đâu cũng tốt cũng thân thiện cả nhất là với Bộ Đội. Tình cảm đấy không thay đổi đâu Cô Thơ ạ! Chỉ tiếc là sự hy sinh của cả dân tộc mình mà không vực VN lên ngang tầm hàng xóm được mà phải còng lưng nuôi "lũ sâu ăn không từ một thứ gì"....Chúc Cô luôn mạnh khỏe, có ra HN nhớ thông tin cho chúng em.

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Cảm ơn em NH.Em khỏe và vui đợi cô ra nhé.Còn khỏe cô còn ra Hà Nội vì Hà Nội đã cho cô hơn nửa phần đời...