Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Người không chân dung 17

Việc dàn xếp những yêu cầu của ông thật là xuất sắc. Kuron yêu cầu cá nhân tôi xác nhận những điều khoản này. Trước khi tôi xin Mielke chấp thuận trả tiền nhiều hơn bất cứ một nguồn tin nào tại Tây Đức, tôi muốn đích thân gặp Kuron. Với giấy thông hành ngoại giao CHDCĐ, ông đến Vienna thông quá Bratislava trong một chuyến bay đặc biệt đi Dresden, tại đây con rể của tôi, Bern, đến rước ông và dẫn ông đến một nhà an toàn ở vùng quê. Kuron là một trong những loại người thích hợp nhanh chóng với bất cứ ngoại cảnh nào, ngay cả trong một nhà an toàn tại một nước thù địch. Chúng tôi thương lượng tài chánh với phong cách đặc biệt của người Đức. Ông cũng sẽ nhận tiền hưu bổng trong công việc tráo trở này. Lương của ông tương đương với lương của một đại tá tình báo Đông Đức. Ngày hôm đó, ông tiết lộ hai nhân viên của chúng tôi, Horst Garau và người vợ Gerlinde, giao liên làm việc cho cơ quan của tôi chuyển giao những thư từ của các điệp viên chúng tôi ở Tây Đức, nằm trong danh sách trả lương của Tây Đức.


Garau báo cho phản gián Tây Đức danh tính của những gián điệp y biết. Không có vụ bắt bớ nào tiếp sau đó, vẫn theo giả thuyết là việc này sẽ bại lộ tung tích nhị trùng của Grau. Nhưng những thông tin như vậy cho phép Tây Đức theo dõi hành tung của điệp viên và biết họ gặp gỡ những ai. Nhưng qua Kuron bây giờ chúng tôi biết tất cả hành động của họ.
Khi thương lượng xong xuôi, chúng tôi dùng cơm tối và uống rượu do đội đặc biệt tuyển chọn của Bộ Công An phục vụ. Kuron kể chuyện tếu và tôi cho ông xem những phim nghỉ mát của Đông Đức, nơi đây tôi nói tôi hy vọng thấy ông xuất hiện nhiều. Ông cũng đề cập đến tên của cấp trên của ông, Hansjoachim Tiedge. “Một khối óc khôn ngoan” ông nói. “Y tiêu sai hàng trăm Đức Mã như không và có tật uống rượu”. Tôi ghi hồ sơ chi tiết này để dùng trong tương lai, nhưng không bao giờ ngờ ông Tiedge hào phóng lại có thể gặp tôi mà chúng tôi không hề mất công sức tìm đến ông.
Điều gì đã xảy ra cho những điệp viên hay người nằm vùng bị Kuron tố giác? Theo sự hiếu biết của tôi, cả hai cơ quan bên Đông và Tây Đức không hề tìm cách giết họ, cho dù để trả thù hoặc ngăn ngừa họ phát tán thông tin. Nhưng cả hai không thể phủ nhận họ đã khai thác và mua chuộc. Ví dụ, để buộc Moitzheim trở cờ, Tây Đức một cách thô bạo cho anh lựa chọn giữa án tù dài hạn và hợp tác. Chúng tôi có lẽ cũng làm như vậy.
Các điệp viên, khác vói sĩ quan điều khiển trong cơ quan tình báo, không bị kết án tử hình sau thập nhiên 1950. Việc giam giữ những gián điệp Tây Đức tầm vóc có giá trị hơn nhiều vì họ có thể trao đổi với người của chúng tôi vào lúc thuận lợi. Kết án nặng nề nhất dành cho các sĩ quan phản bội đất nước mình, như Werner Teske, một sĩ quan trong Cục Khoa Học và Kỹ Thuật bị bắt quả tang năm 1981cất giấu hồ sơ của cục trong máy giặt ở nhà. Y có ý định đào thoát sang Tây Đức và đem những tài liệu này làm quà tặng cho tình báo Tây Đức để đổi lấy một cuộc sống tốt đẹp ở phía bên kia.
Teske là người bị xử tử cuối cùng tại Đông Đức năm 1981, một ghi chú thảm thương trong lịch sử. Lý do quyết định hành quyết Teske vẫn còn là một bí mật đối với tôi. Tôi thường bị trách, trong trách vụ lãnh đạo cơ quan tình báo hải ngoại, đã để cho y bị giết hoặc ít ra không ngăn ngừa việc này. Tôi cảm nhận có trách nhiệm về cái chết của y không ? Để trả lời một cách lương thiện, tôi phải phân biệt nhiều loại trách nhiệm.
Khi Cục Phản Gián phát hiện Teske phản bội, họ cùng với Tổng Cục Tra Vấn đã bắt đương sự, cả hai Cục này đều nằm dưới quyền điều khiển của Mielke và sau đó giao cho, như tất cả những vụ án gián điệp tại Đông Đức, toàn án quân sự kín. Vào thời điểm này, cơ quan chúng tôi không còn quyền lực gì nữa. Tuy nhiên, vào đầu thập nhiên 1980, bản án tử hình vì tôi phản bội thường được chuyển sang án tù chung thân. Mặc dù tôi biết tương lại của Teske mờ tối, tôi không nghĩ đương sự sẽ bị giết. Án tử hình mặc dù là kỳ quặc đã được thi hành vào tháng 6 năm 1981 tại nhà giam Leipzig, không kèn trống, theo khuôn mẫu của Xô Viết một phát súng đàng sau gáy. Án lệnh nghiệt ngã này không phải dùng để răn đe vì ngay cả các sĩ quan của tôi cùng không hay biết chuyện này. Điều này chứng tỏ cho tôi thấy não trạng lúng túng của một quốc gia đang vào thời kỳ suy sụp.
Năm trước đó, năm 1981, Winifried Zarkrzovski, bí danh Manfred Baumann, một đại úy thủy quân trong mạng lưới tình báo, đã tiết lộ tên tuổi của các điệp viên Đông Đức làm việc tại Tây Đức. Mielke rất phẫn nộ. Trong cuộc họp với các sĩ quan cao cấp năm 1982 ông kêu gọi triệt hạ những kẻ phản bội. “Những sai lầm như vậy khổng thể xảy ra vào năm thứ 32 [xây dựng đất nước Đông Đức]… Chúng ta đồng tâm nhất trí về vấn đề này. Chúng ta không tránh được sự hiện diện của kẻ khốn nạn trong hàng ngũ của chúng ta. Nếu tôi biết hắn là ai, tôi sẽ ra tay một lần cho tất cả”.
Sự bực tức này chứng tỏ Mielke không bằng lòng với sự khoan hồng của luật pháp đối với tội phản bội. Mặc dù tòa án trên danh nghĩa độc lập trong những lãnh vực này, cấp lãnh đạo vẫn có thể áp lực trong những trường hợp đặc biệt. Số mạng của Teske là kết quả của những áp lực này. Theo luật pháp Đông Đức, đương sự có thể bị hành quyết dựa trên bằng chứng là việc phản bội đã xảy ra. Trước đây đã có tiền lề trong trường hợp của một sĩ quan tên Walter Thräne đang chuẩn bị đào thoát thì bị bắt. Tòa án từ chối yêu câu tử hình hoặc ngay cả tù chung thân của biện lý cục, trên căn bản là ý định phản bội đã rõ ràng nhưng hành vi phạm tội chưa xảy ra. Vì vậy dựa trên căn bản của chính luật pháp khắt khe của chúng tôi, việc hành quyết Teske là bất hợp pháp.
Tôi không đồng ý với những lời phê bình cho rằng tôi trực tiếp trách nhiệm về cái chết của Teske. Nhưng tôi phải thú nhận là tôi đã không sớm mạnh mẽ lên tiếng phản đối để tiến trình của hệ thống luật pháp không quá gần gũi với nhà nước và có thể bị khiến dẫn theo quyền lợi của họ. Tất cả những sĩ quan Đông Đức biết là án tử hình là kết quả rành mạch của sự phản bội. Họ đã tuyên thệ khi họ nhận chức vụ đầu tiên của mình: “ Nếu tôi phản bội lời thề long trọng này, tôi có thể bị nghiem khắc trừng trị theo luật pháp của Cộng Hòa với sự khinh thường của nhân dân lao động”. Án tử hình vẫn được duy trì tại Đông Đức cho đến năm 1987.
Nhưng người ta không thể biện minh cho án tử hình khi làm gián điệp thời bình. Nhìn lại những trường hợp phản bội mà tôi được biết ở cả hai phía, tôi giám quả quyết cái chết không hẳn là biện pháp để ngăn chặn. Những động cơ thúc đẩy quyết định làm việc cho phía bên kia rất là phức tạp và thường đi đôi với mức độ tự tin và hãnh tiến khiến cho kẻ phản bội cảm thấy hiểm nguy không thể đụng chạm đến họ.
Còn về những “công tác mò tôm”, hoặc là những vụ thủ tiêu bất hợp pháp trong điệp báo vẫn còn tiếp diễn ra. Tôi không dám bạo gan liệt kê tất cả những vụ mất tích bí mật do CIA làm, vì tôi lại phải làm ngơ xóa bỏ những vụ vi phạm luật pháp của cơ quan tình báo Xô Viết. Vào thập nhiên 1950, chính quyền Bulgaria và Ba Lan nổi tiếng là những cơ quan sẵn tay nhất. Cơ quan phản gián Đông Đức cũng không vô tội, mặc dù tôi lại nhấn mạnh một lần nữa tất cả những chuyện nổi tiếng và thường được thêm thắt về những vụ bắt cóc và giết những kẻ phản bội là kết quả của việc xử dụng liều lượng quá độ thuốc ngủ trong lúc bắt cóc chứ không phải là có ý thủ tiêu.


Trên thực tế, giết kẻ phản bội là một chỉ dấu của sự yếu kém, không phải là sức mạnh, và tôi loại bỏ hành vi này ra khỏi tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng như đạo đức của chúng tôi. Việc thủ tiêu ngoạn mục trong tiểu thuyết gián điệp là một giải pháp sơ đẳng và bất lợi so sánh vơi phương pháp chúng tôi dùng và khai thác những nguồn tin như Moitzheim làm gián điệp nhị trùng và sau đó tam trùng để có mối lợi tốt nhất. Mặc cảm tội lỗi chúng tôi có nằm trong việc khai thác các cá nhân, nhược điểm và lòng tham. Và những hoạt động này không chỉ giới hạn trong giới điệp báo Đông Đức.

Không có nhận xét nào: