Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Phải biết xấu hổ (ST: TB)


Một nữ hành khách mang hành lý vượt quá trọng lượng quy định, lại mắng chửi và ném hộ chiếu vào nhân viên hàng không. Nữ hành khách này còn nhảy lên băng chuyền tát nhân viên hàng không nhưng không trúng. Liên tục có nhiều vụ hành khách tấn công nhân viên làm công tác dịch vụ mặt đất tại các sân bay. Hành khách mắng chửi, nói những lời thô lỗ, ném chai nước, thậm chí là tát tai, xông vào đá nhân viên hàng không. Kinh khủng hơn, nhiều người có hành vi bạo lực này là phụ nữ. Hầu như các vụ xung đột có nguyên nhân từ sự gian dối.


    Đi máy bay giá rẻ, được quy định hành lý xách tay không quá 7 kg, nhưng nhiều người không chấp hành. Bị phát hiện, hành khách không nhận lỗi vi phạm, còn nổi xung mắng chửi và hành hung nhân viên hàng không. Nhiều vụ xảy ra, do phải xử lý hậu quả, chuyến bay bị trễ, ảnh hưởng đến hàng trăm hành khách. Những người vi phạm quy định, có hành động bạo lực, họ không nghĩ rằng mình đã gây mất trật tự an toàn tại sân bay, gây thiệt hại cho hãng máy bay và nhiều người khác. Còn có những người thiếu ý thức như vậy, xã hội không thể tiến bộ, văn minh.
    Nhìn ra các nước, sẽ thấy ở các sân bay luôn trật tự, hành khách chấp hành nghiêm chỉnh các quy định. Nếu có người vi phạm, nhân viên hàng không sẽ xử lý cương quyết. Đối với người có thái độ manh động, dứt khoát bị khống chế, bởi vì an toàn ở sân bay luôn đặt ở chế độ rất cao.
    Người Việt rất lạ, đi đến các nước văn minh, đố ai dám xả rác, nhưng về nước mình là xả rác thoải mái. Đi ra nước ngoài, phải xếp hàng rất nghiêm túc, nhưng về nước là chen lấn. Đến sân bay các nước, nếu gặp hoãn chuyến bay, chỉ lặng thing ngồi chờ, nhưng ở sân bay trong nước thì nháo nhào lên chửi bới. Đi nước ngoài thì cân hành lý đúng trọng lượng quy định, nhưng ở sân bay trong nước thì gian dối. Tại sao chúng ta lại coi thường chính đất nước mình như vậy?
    Đi nước ngoài về, ai cũng xuýt xoa khen nước họ sạch sẽ, trật tự, an toàn, văn minh, con người cư xử lịch sự, và theo đó là chê nước mình dơ bẩn, mất trật tự, giao thông nguy hiểm, con người lạc hậu. Nhưng mấy ai nghĩ rằng, chính mình đã góp phần cho sự dơ bẩn, cho sự mất trật tự và kém văn minh đó.
    Trong cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói từ ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không VN trở xuống phải thấy xấu hổ, thấy bị sỉ nhục khi để xảy ra tình trạng bị mất cắp ở sân bay. Nhưng xin thêm một điều nữa, phải thấy xấu hổ, thấy bị sỉ nhục khi để xảy ra tình trạng bạo lực ở sân bay. Không chỉ các quan chức của ngành giao thông, mà mỗi công dân VN đều phải thấy xấu hổ.
    Kêu gọi lòng tự trọng là cần thiết, nhưng cũng cần phải có chiếc gậy của pháp luật. Ai có hành vi bạo lực ở sân bay, nên xử phạt bằng hình thức cấm bay.

     Hình minh họa- làm thủ tục ở sân bay

    2 nhận xét:

    Quang Vinh nói...

    Đời có câu" tiểu nhân đắc chí". Ở nước ta, có nhiều kẻ tài thiểu đức mỏng nhưng lại giàu sang, quyền cao chức trọng nên họ trở thành tiểu nhân đắc chí, ở quê nhà thì trở thành cường hào ác bá, ra đường thành kẻ du côn, nhưng đứng trên bục thì rao giảng đạo đức. Các cô chiêu cậu ấm lại càng khủng khiếp. Vô tài thất đức, các cô cậu thể hiện sự hơn người bằng các hành vi xa xỉ sa đọa, và khi pháp luật sờ gáy, công luận lên tiếng thì đã có các bậc phụ mẫu cùng đám quần thần chở che bao bọc. Ra nước ngoài họ phải tuân thủ không phải vì họ thay đổi mà họ đủ khôn để biết rằng "đứng ngoài ô thì phải sợ nắng". Ngày mới giành chính quyền, pháp luật nước ta cũng còn sơ sài nhưng người ta dùng "đức trị", xã hội chưa được chế tài bằng "luật" mà bằng "đức". Người đứng đầu có thể còn hạn chế về luật nhưng họ có đức nên xã hội còn bình an. Ngày nay, luật chưa đủ nghiêm mà cái đức của nhiều người có quyền lại suy đồi, người ta dùng luật để làm lợi bản thân chứ không bảo vệ xã hội. "Thượng bất chính hạ tắc loạn", cái suy thoái của kẻ thứ dân cũng sinh ra từ cái suy thoái của bậc vương giả vậy.

    Nặc danh nói...

    Chuyện này xin hãy nhìn theo cách dân dã thì sẽ hiểu rõ hơn. Hãy đặt câu hỏi: Tại sao? Từ đó sẽ có câu trả lời.

    Ví dụ: Tại sao mà chỉ có các hãng không phải của Vietnam airline mới chịu những chuyện ăn cắp đồ, tát nhân viên của hãng Vietjet etc.

    Đấy. Mọi chuyện đã đơn giản đi nhiều rồi. Sự cạnh tranh kiểu này nó thô thiển và hạ đẳng thì kệ mẹ chúng với nhau nhưng nó làm ảnh hưởng tới các hành khách và những nhân viên mẫn cán thì xin lỗi: ...Éo được.

    K6LS.