Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

70 năm Đài Tiếng Nói Vietnam 7-9-1945 / 7-9-2015 (ST: Nguyễn Việt Trung)

Nguyễn Việt Trung là con cụ Nguyễn Văn Nhất, người tham gia xây dựng Đài TNVN từ 1945. Anh có sưu tầm về lịch sử của Đài...
Về buổi phát thanh đầu tiên.
Trích bài nói chuyện "Truyền thống Đài TN Viet nam", nhân dịp 35 năm thành lập Đài, Aug 1980. Nguyễn Văn Nhất, nguyên phó chủ nhiệm UB PT TH Vietnam.
Những ngày đầu Đài ra đời như thế nào?
Đài tiếng nói Vietnam ra đời ngày 07-09-1945. Lúc đó chính quyền dân chủ cộng hòa mới thành lập và cần thực hiện yêu cầu phổ biến chỉ thị của Trung ương và của Bác. Trong những ngày tiền khởi nghĩa ở trong chiến khu Bác Hồ vẫn mong mỏi rằng nước ta nó dài thế này, giao thông liên lạc thì bị Nhật nó làm gián đoạn, làm không thể đi được. Khi đó ở trung ương Đảng, ở chỗ Bác có 1 đài VTĐ đánh điện đi để chỉ đạo phong trào trong cả nước, chủ yếu giữa miền Bắc với miền Nam, còn với các khu cũng không làm được. Cho nên Bác muốn có 1 công cụ, 1 phương tiện để sự chỉ đạo từ trung ương thấu suốt ngay xuống địa phương được nhanh nhất, kịp thời nhất cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta được tốt...

Lúc đó Đảng chỉ thị xây dựng Đài TN Vietnam... Trong bộ Thông tin-Tuyên truyền và Cổ động do đồng chí Trần Huy Liệu làm bộ trưởng có một nhóm anh em được giao nhiệm vụ đó mà người được giao chủ chốt là anh Trần Lâm...
Đến ngày 07-09-1945, ở dưới bộ phận kỹ thuật anh Nguyễn Cung báo lên là máy đã chuẩn bị xong rồi, phát trên làn sóng 25 và 31 mét. Buổi sáng 7-9, tập hợp được khoảng 10 anh em ngồi viết lời giới thiệu cho Đài. Lúc đó có anh Trần Lâm, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận, anh Đáng ở xứ ủy Bắc kỳ, anh Nguyễn Đình Thi, tôi và 1 vài anh em nữa... 11h30 ngày 7/9/1945, buổi phát thanh đầu tiên bằng tiếng Việt mới được thực hiện, đã bắt đầu lời xướng: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, truyền thanh trên 2 làn sóng điện 25 và 31 mét"... (giai đoạn đầu có chữ của trong lời xướng)” do chị Dương Thị Ngân khởi xướng, rồi anh Nguyễn Văn Nhất xướng lại một lần nữa.
*
Những bài trong buổi phát thanh đầu tiên:
Đầu tiên là phát bài: " TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc ở vườn hoa Ba Đình, tuyên đọc trước nhân dân Việt nam và thế giới lời thề Độc Lập.
Bài thứ hai: Lúc đó thì mọi người chưa hiểu ông Hồ Chí Minh là ai, có người gọi là cụ Hồ Chí Minh, còn quốc tế thì mấy phóng viên Anh, Pháp, Mỹ... thì gọi là doctor Hochiminh... chẳng hiểu ông Hồ Chí Minh là ai cả. Đồng bào ta ở trong Nam, rồi đồng chí ta ở trong tù, việt kiều ta ở Thái lan, ở Tân thế giới, ở Tân đảo... người ta không hiểu ông Hồ Chí Minh là ai cả, mà lại không thấy nói Đảng CS Đông Dương lãnh đạo, chỉ nói Việt Minh lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, lúc đó đề cao vai trò Mặt trận.
Cho nên bài thứ 2 Đài phát là bài: " LỜI KÊU GỌI TOÀN DÂN ỦNG HỘ VIỆT MINH GIÀNH CHÍNH QUYỀN VÀ ỦNG HỘ CHÍNH QUYỀN CÁCH " của lão đồng chí Nguyễn Ái quốc kêu gọi để khẳng định rằng chính quyền này và thắng lợi cách mạng này do Đảng CS lãnh đạo và do đồng chí Nguyễn Ái Quốc đứng đầu đấy. Lúc đó chưa được nói Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, thậm chí ngay cả anh em chúng tôi vẫn còn mê mê hoặc hoặc, không biết ông Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không...
Bài thứ ba là bài: "KÊU GỌI TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT" của bộ trưởng bộ Nội vụ kiêm Tổng chỉ huy quân đội cách mạng là đồng chí Võ Nguyên Giáp...
  • Bài Tuyên ngôn Độc lập của lãnh tụ Hồ Chí Minh tiêu biểu cho Tổ quốc, Dân tộc.
  • Bài của Nguyễn Ái quốc tiêu biểu cho Đảng lãnh đạo cách mạng - Đảng CS Đông Dương.
  • Bài của đồng chí Võ Nguyên Giáp tiêu biểu cho chính quyền cách mạng vừa được xây dựng và quân đội cách mạng đã giành chính quyền.
Hát thì hát các bài: Chiến sỹ Việt Nam, bài Tiến quân ca, bài Du kích quân, bài Diệt phát xít của Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi.
Đồng thời cũng giới thiệu chính quyền đã giành được dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt minh và đã lấy lá cờ đỏ sao vàng làm tiêu biểu cho chính quyền cách mạng...
Phát lại liên tục trong 2 ngày bằng các thứ tiếng: Việt, Pháp, Trung quốc (tiếng Bắc kinh và tiếng Quảng đông), Anh và thế giới ngữ...

Không có nhận xét nào: