Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi viết truyện "Tướng về hưu"



Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp





   Bìa Đoàn Kết
Bìa Đoàn Kết
CÂY VIẾT TRONG TAY THƯỢNG ĐẾ
30 năm đã qua, truyện Tướng về hưu được một số người coi là mốc đánh dấu mở đầu cho thời đổi mới văn học ở Việt Nam. Nói như lời mẹ Teresa “tôi chỉ là một cây viết trong tay Thượng đế”, truyện Tướng về hưu ngoài việc “cập thời vũ” (mưa đúng lúc), hợp về thời gian lịch sử, nó đã làm được hai việc rất quan trọng, đáng gọi là “đổi mới” ở trong văn học:
Một là về hình thức: Đây là tác phẩm đặc sắc có tính chất bạo động về ngôn ngữ (tôi dùng khái niệm bạo động về ngôn ngữ để chỉ chung cho cả một thế hệ nhà văn đổi mới cùng thời như Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà, Lại Văn Long, Đỗ Phước Tiến, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư...) Trước đổi mới, văn học chỉ có một giọng điệu mà Nguyễn Minh Châu gọi là “văn học minh họa”.
Hai là về nội dung: Đây là tác phẩm đặc sắc đưa được “đạo” vào nội dung tác phẩm văn học. “Đạo” đây nên hiểu là con đường tự nhiên, con đường thoát hiểm, con đường sống sót, con đường hi vọng. Nó là trăm ngàn sắc thái trong cuộc sống bình thường của con người ta như sinh, lão, bệnh, tử, ái, ố, hỉ, nộ, dục, ưu, lạc...
Giống như lời trong bài hát Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao “ngày bình thường”, “mùa bình thường”, “khói bay trên sông, gà gáy bên sông”, “người biết thương người, người biết yêu người”... Dấu hiệu nhận biết đầu tiên của “đạo” là nụ cười, sau đó là những biểu hiện của tình yêu thương với lòng chẳng nỡ, tính nhân văn...
Lê Quý Đôn từng nói: “Văn chương có đạo thì thịnh, không như thế thì suy”. Văn học hướng về sự sống, “mang khuynh hướng lý tưởng và khuynh hướng duy tâm” (di chúc văn chương của Alfred Nobel) chứ không phải là văn chương vô thần, cổ vũ hoặc ngụy biện cho tinh thần thực dụng, bạo lực, cho chiến tranh, cho khủng bố (dù với tính chất gì đi nữa).
Trong mối tương quan với các truyện khác, Tướng về hưu chưa phải là truyện “đổi mới” triệt để. Truyện vẫn còn có sự rào đón trước sau trong câu chuyện của “người kể chuyện”. “Đổi mới” dứt khoát phải là truyện Không có vua, sau đó là Con gái thủy thầnNhững người thợ xẻ, bộ ba truyện giả lịch sử Kiếm sắcVàng lửaPhẩm tiết (thực chất bộ ba truyện này là truyện bịa đặt lịch sử. Lịch sử nào cũng bịa đặt, cũng “dường như”. Alexandre Dumas nói: “Lịch sử là chỉ là cái đinh để tôi treo lên đó trí tưởng tượng của mình”. Lịch sử nào thật ra cũng được dựng lên nhằm mục đích biện hộ, giải thích cho những tư tưởng chính trị “đang là”, “đang diễn ra”, “đang thượng phong”, “đang đắc thế” mà thôi).

   Bìa Les Temps Modernes
Bìa Les Temps Modernes
THÊM VÀI Ý KIẾN VỀ KHÁI NIỆM “ĐỔI MỚI”
Đổi mới là thay cái cũ bằng cái mới, phù hợp với hoàn cảnh mới. Tất cả đều diễn ra trong “dịch”, trong dòng chảy lịch sử. Phản ứng lại kiểu gì với nó cũng chỉ là “chạy ngược trên chiếc thuyền xuôi”, không phải là phản ứng tích cực. Điều quan trọng là hòa nhập, đồng thuận được với hoàn cảnh.
Đổi mới có nhiều cách, nhiều “cảnh giới”: Đầu tiên phải là phá vỡ cái cũ, giống như khoan cắt bêtông, giải phóng mặt bằng, rất khó chịu, thậm chí bất công và lộn xộn. Trong văn học có lẽ đó là trường hợp của Trần Mạnh Hảo, Trần Huy Quang, Nguyễn Quang Lập... và một số cây bút ký sự như Phùng Gia Lộc, Hoàng Hữu Các...
Đổi mới trên cơ sở mỹ học cũ, có cơi nới, phản tỉnh, đắp điếm thêm. Trong văn học có lẽ đó là trường hợp Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Mai Ngữ, Vũ Bão, thậm chí Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Hoàng Minh Tường...
Đổi mới với ý thức xây dựng một cơ sở mỹ học mới từ ngay trong thực tế nội tình văn học ở trong nước là điều quan trọng nhất. Nó hợp thời: “Tác hữu trần sa hữu/Vi không nhất thiết không” (Có thời có tự mảy may/Không thời cả thế gian này cũng không). Đó là điều mà các thế hệ nhà văn đổi mới trong 30 năm qua đã làm được. Không nên coi là sai đúng, chỉ biết rằng nó đã diễn ra, nó sống, nó tồn tại.
Văn học thật sự luôn hướng về chân - thiện - mỹ, luôn giữ gìn được bản sắc dân tộc và tìm đến sự hòa nhập trong thế giới văn minh.

Không có nhận xét nào: