Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Diễn văn khai mạc Ngày Hội trường

(Trưởng BLL Bùi Vinh báo cáo)

Kính thưa: Các quý vị đại biểu
 Kính thưa: các cựu cán bộ, giáo viên, CNV Trường VHQĐ- Nguyễn Văn Trỗi.
Kính thưa: Các bậc phụ huynh, thân nhân gia đình các anh hùng liệt sỹ, thân nhân các thầy và trò đã mất.
Kính thưa các anh chị các bạn cựu học viên trường VHQĐ- Nguyễn Văn Trỗi
Thay mặt Ban tổ chức, xin nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các phụ huynh, thân nhân gia đình các AH, LS, gia đình các thầy trò đã mất cùng toàn thể thầy cô và các bạn đã thu xếp thời gian quý báu của mình, về dự Hội trường nhân kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Trường VHQĐ- Nguyễn Văn Trỗi.
( Vỗ tay ! )

 Kính thưa các quý vị đại biểu !
Cách đây tròn 50 năm, Trường Văn hoá Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, trực thuộc TCCT đã được ra đời trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Là biểu hiện cụ thể công cuộc "trồng người" của Đảng, Bác và Quân đội; là một nội dung của đường lối kháng chiến, kiến quốc là chuẩn bị đội ngũ kế cận dựng Quân đội cho kháng chiến lâu dài và cho kiến thiết đất nước sau này. Trường đón nhận con em các cán bộ, đang chiến đấu, công tác ở các chiến truờng, con em gia đình LS, gia đình có công với nước…
Sau khi Trường Văn hoà Quân đội (thuộc Bộ Tổng Tư lệnh) về trực thuộc TCCT. Cuối năm 1964, Nhà trường được chuyển từ Lạng Sơn về đóng quân tại Trại Cờ, Trại Hoè, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc. Đươc Tổng cục Chính trị và chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện, nhà trường đã khẩn trương củng cố doanh trại, đồng thời nhanh chóng tổ chức tuyển sinh. Đầu tháng 3-1965 thầy trò của trường đã sớm ổn định mọi mặt, bắt tay ngay vào nhiệm vụ dạy và học. Với hơn 100 học viên ban đầu, gồm 3 khoá (lớp 5,6,7/10) được học tiếp chương trình học kỳ 2 phổ thông của năm học 1964-1965. 
Đầu năm 1965, khi chúng tôi còn là những cậu bé 12-13 tuổi, rời xa gia đình, xa quê hương, xa những thành phố lớn HN, HP, Nam Định… khoác ba-lô, túi sách vào trường Văn hoá Quân đội, đóng ở Trại Hòe, Trại Cờ huyện  Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Cuộc sống đèn sách thực sự đã "sang trang" với những học sinh cấp 2 phổ thông ở một môi trường hoàn toàn mới là: trong một doanh trại quân đội ... với nhà cửa, lớp học đều được dựng bằng tranh, tre, lứa, lá và đội ngũ cán bộ, giáo viên người già, người trẻ, nam có, nữ có ... đều là bộ đội. Khối học viên được biên chế thành các tổ "tam tam" trong từng tiểu đội, các lớp bố trí theo đội hình đại đội. Cũng thời gian này, chúng tôi được học và thực hành đào giao thông hào chữ Chi, dựng hầm chữ A để tránh bom Mỹ... sau giờ sinh hoạt buổi tối, mọi người lần lượt thay phiên gác doanh trại.
Kết thúc kỳ 2 khoá học 1964-65. Để đảm bảo an toàn cho nhà trường, trung tuần tháng 8/1965, toàn trường nhận lệnh bí mật hành quân từ Trại Hòe, Trại Cờ lên An Mỹ, Đại Từ, tỉnh Bắc Thái – vùng  ATK thời kháng chiến chống Pháp.
Sau khi chuyển lên An Mỹ, Đại Từ nhà trường đã mở rộng chiêu sinh từ lớp 5 đến lớp 10, quân số ban đầu hơn 800 học viên, được chia thành 6 đại đội học tập (C5-10) và đại đội nữ (C11). Bộ khung với đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy, phục vụ của nhà trường được kiện toàn với gần 200 cán bộ, giáo viên, công nhân viên.
Những ngày đầu đặt chân đến An Mỹ. Chưa có lán trại, Thầy trò phải ở nhờ nhà dân và bắt tay ngay vào nhịp sống lao động cùng các anh bộ đội QK1 và nhân dân địa phương đến giúp nhà trường để dựng lán trại... Học viên lớn thì vào rừng chặt cây, chặt nứa rồi khiêng vác về, học viên nhỏ thì phát cây, san đồi, xúc đất, đắp nền nhà ... Sống với dân, được bà con Cao Chùa, La Yến, Đồng Cháy…  đùm bọc, giúp đỡ và bảo ban, hướng dẫn mọi việc.
Kính thưa các quý vị đại biểu !
Chúng ta còn nhớ ngày 15/10/1964, sự kiện Nguyễn Văn Trỗi đã làm xúc động dư luận trong nước và thế giới: Với 24 tuổi thanh xuân và 9 phút trên pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tôc ta như một biểu tượng của lòng quả cảm và khí phách anh hùng. Là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên học tập về lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự do. Những tố chất rất cần cho sự dấn thân của tuổi trẻ Việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ở bất cứ thời đại nào.
 Ngày 15/10/1965 tại cửa rừng An Mỹ (chân dãy Tam Đảo), nhà trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Trường Văn hoá Quân đội (thuộc TCCT) của chúng ta chính thức được mang tên Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi (vào đúng dịp Giỗ đầu anh Trỗi). Trong những bộ quân phục mới tinh, các tiểu đội trưởng đứng trước hàng, hai tay bồng súng nghiêm trang trong lễ chào cờ... chúng tôi, ai nấy đều rất tự hào được một học viên "nhí" dưới mái trường Quân đội mang tên Nguyễn Văn Trỗi. (Sau này TCCT đã quyết định lấy ngày 15/10/1965 là Ngày truyền thống của nhà trường.)
    Sau khai giảng môt thời gian thì toàn bộ lán trại nhà ở, lớp học, nhà ăn nhà bếp của cả trường mới được hoàn thiện, thày trò chuyển về vị trí mới ở ngay cửa rừng An Mỹ: tại Trại Bưởi, Trại Cau, Suối Trì… Ở đây, thầy trò chúng ta không thể quên được người học viên đầu tiên sớm rời xa chúng ta là Lâm Duy – học sinh lớp 7 (khoá 4 của trường) – bạn đã hy sinh trong khi cùng nhóm các bạn trong tiểu đội làm nhiệm vụ khai thác gỗ về dựng lán trại đầu năm học 1965 - 66 . Khi cây đổ, đám dây rừng ở trên đã làm đổi hướng đổ của cây. Duy chỉ kịp hô "mọi người chạy ra" ... bất ngờ, Duy đã bị cây đè lên gây chấn thương sọ não và đã hy sinh trên đường cấp cứu về bênh viện. Lâm Duy là liệt sỹ đầu tiên của trường ta khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, lúc bạn vừa bước sang tuổi 16.
Chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang ra Miền bắc ngày càng ác liệt. Đảng, Bác và Bộ Tổng Tư lệnh cho trường Nguyễn Văn Trỗi chuyển sang Quế Lâm, TQ- cùng các trường HSMN Nguyễn Văn Bé, Dân tộc TW và Nhi đồng Võ Thị Sáu. Tranh thủ những ngày ngừng bắn dịp Noel 1966 và đầu năm 1967, chúng ta đã có “cuộc hành quân bí mật” bằng ô-tô từ An Mỹ về HN, rồi bằng tầu hoả liên vận quốc tế từ Hà Nội lên Bằng Tường, rồi sang Quế Lâm, Trung Quốc.
 Những học viên nhí lại phải sống xa Tổ quốc, xa gia đình... Nhà trường đã phát động phong trào thi đua “Hướng về tiền tuyến, thi đua dạy tốt và học tốt” - học sinh toàn trường hưởng ứng rèn luyện kỷ luật, thầy trò tập trung nâng cao chất lượng dạy và học với kết quả được ghi nhận trong thư bác Quỳnh- Chính uỷ ký gửi các bậc phụ huynh và gia đình ngày 22/12/1968 có viết : "... thành tích năm học 1967-68 là 98,5% học viên lên lớp và tốt nghiệp, 62% khá và giỏi".
 Sau thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968, tương quan lực lượng trên chiến trường đã thay đổi lớn. Tháng 8/1968, truờng ta được lệnh hành quân lên đường về nước và đóng quân tại Trung Hà (Hà Tây) và Hưng Hóa (Phú Thọ). Ở miền đất trung du ấy, chúng ta đã trưởng thành hơn. Nhiều bạn được gia nhập Đoàn, một số bạn như: Ngô Minh Kính, Nguyễn Thế Thịnh... được kết nạp vào Đảng. Các bạn học sinh giỏi khóa 4, 5 được nhà trường cử tham gia Thi học sinh giỏi Toán miền Bắc tại trường Hùng Vương, Phú Thọ - đã mang về giải cá nhân và đồng đội cho nhà trường.
Đến tháng 6 năm 1970 thì trường VHQĐ- TSQ Nguyễn Văn Trỗi kết thúc 5 năm đào tạo. Trường VHQĐ về trực thuộc Bộ Quốc phòng và chuyển địa điểm trở về Lạng Sơn, tiếp tục chương trình bổ túc văn hoá, ngoại ngữ như những năm trước đó.
Chỉ tồn tại 5 năm (1965-1970), nhưng trường VHQĐ- TSQ Nguyễn Văn Trỗi đã đào tạo được 8 khóa với gần 1200 học viên. Các học viên của 5 khóa (từ khoá 1 đến 5) sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện nhập ngũ. Các khóa 6,7,8 chưa tốt nghiệp chương trình phổ thông thì từ hè 1970 được trở về với gia đình và địa phương tiếp tục theo học trong các truờng cấp 3. Sau năm 1971 khi có lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, nhiều học sinh các lớp "Trỗi em" lại tiếp bước các lớp đàn anh nhập ngũ và đi thẳng vào chiến trường...
Tên tuổi AHLS Nguyễn Văn Trỗi cùng 2 thầy giáo - LS Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Văn Phố và 28 LS "bạn Trỗi" đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến Chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới của Tổ quốc mãi mãi là niềm tự hào của thầy trò chúng ta:
-            Đó là LS Bùi Hữu Thích (khóa 1).
-            Đó là 3 LS khóa 3: Ngô Ngời, Lê Minh Tân, Cao Quốc Bảo.
-            Đó là 4 LS khóa 4: Lâm Duy, Vũ Chí Dũng, Nguyễn Văn Ơn, Nguyễn Văn Ngọc.
-Đó là 6 LS khóa 5: AHLS Huỳnh Kim Trung, Phạm Văn Hạo, Võ Dũng, Vũ Kiên Cường, Nguyễn Lâm, Trịnh Thúc Doanh và đặc biệt: liệt sỹ Huỳnh Kim Trung - được Nhà nước tặng danh hiệu AH LLVTND năm 1973
-            Đó là 6 LS khóa 6: Chu Tấn Quang, Võ Nguyên Trọng, Nguyễn Mạnh Minh, Đặng Bá Linh, Nguyễn Tiến Quân, Đỗ Khắc Tiến.
-            Đó là 7 LS khóa 7: Y Hòa, Lại Xuân Lợi, Đặng Đình Kỳ, Ngô Tất Thắng, Nguyễn Khắc Bình, Trần Hữu Dân, Nguyễn Đức Thảo.
-            Và LS Bùi Thọ Tuyến (khóa 8).  
               Với 30 liệt sỹ của nhà trường, người còn sống luôn đau đáu vì nhiều bạn hy sinh chưa tìm thấy mộ phần. Các Bạn Trỗi đã dày công lần mò, xâu chuỗi các thông tin, cùng người thân các liệt sỹ đi tìm kiếm và đón đồng đội trở về. Kết quả đã đón được nhiều liệt sỹ của trường ta như: Ngô Ngời- K3 (từ Tân Biên, Tây Ninh), liệt sỹ Lê Minh Tân- K3 (từ Phước Sơn, Quảng Nam); liệt sỹ Chu Tấn Quang (khoá 6) từ Bù Bông (giáp biên giới Cam-pu-chia); liệt sỹ Võ Nguyên Trọng (khoá 6) từ Kiên Lương, Kiên Giang; liệt sỹ Nguyễn Văn Ơn (khóa 4); Vũ Kiên Cường (khóa 5); Tìm kiếm và đón liệt sỹ Đỗ Khắc Tiến từ Sa Thầy - tỉnh Kon Tum trở về quê xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ ..v.v... Đó là những câu chuyện thực sự cảm động, gần đây anh em khóa 6, 7, 8 quyên góp tiền bạc, đã lặn lộn về chiến trường Quảng Trị năm xưa đi tìm hài cốt liệt sỹ Y Hoà (K7), Nguyễn Lâm (K6) nhưng chưa có kết quả...
              Chiến tranh đã lùi xa, miền Nam đã được giải phóng đã 40 năm. Dù đã tích cực tìm kiếm nhưng đến nay vẫn còn thiếu thông tin về hai thầy giáo- liệt sỹ và các bạn Nguyễn Khắc Bình, Bùi Thọ Tuyến. Nhưng cũng chừng ấy năm, nhiều bạn Trỗi chúng ta đã và đang cùng gia đình LS kiên trì tiếp tục cuộc hành trình đi tìm mộ phần của đồng đội mình...
               Trường chỉ tồn tại 5 năm (1965-1970) nhưng đã thay đổi địa điểm đóng quân đến 4 lần: Từ Trại Hòe, Trại Cờ (Hiệp Hòa, Hà Bắc) lên An Mỹ (Đại Từ, Bắc Thái) rồi sang nước bạn Quế Lâm, TQ. Địa điểm cuối cùng là Hưng Hóa (Phú Thọ); Trung Hà (Sơn Tây). Nhớ lại câu thơ của Chế Lan Viên:
               " Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
                 Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn ! "
Phát huy truyền thống “Đi dân nhớ, ở dân thương” của Bộ đội Cụ Hồ, Những người "lính Trỗi"  không bao giờ quên được những mảnh đất mình từng sống, từng được nhân dân che chở, đùm bọc, được chính quyền địa phương và các đơn vị bạn giúp đỡ. “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc và là những gì mà chúng tôi đã học được từ cha mẹ và thầy cô.
BLL các khoá vẫn duy trì quan hệ với các địa phương và đơn vị quân đội đang đóng quân tại Mỹ Yên, Trại Cờ, Trung Hà, Hưng Hóa; tổ chức những chuyến thăm trở về nguồn, thăm lại đất cũ, người xưa, để tri ân và sống lại những năm tháng tuổi thơ, kết hợp cùng các đơn vị giáo dục truyền thống cho bộ đội... Những năm qua, Ban liên lạc nhà trường và các Bạn Trỗi chúng ta đã phối hợp cùng với các địa phương và đơn vị sở tại tổ chức trồng cây lưu niệm ở những nơi nhà trường từng đóng quân:
- Gần đây nhất là nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam 30/4/2015, chúng ta đã cùng với Lãnh đạo, chính quyền và đại diện nhân dân Huyên Đại Từ, xã Mỹ yên, tổ chức trồng 2 cây kim giao, từ vườn ươm của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa về trồng trong khuôn viên xã Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên.
- Ngày 4/3/2015, trên mảnh đất Trại cờ, Hiệp Hoà, Bắc Giang năm xưa. Chúng ta đã cùng đơn vị sở tại và đại diện chính quyền, nhân dân thôn Ngọc Tân (Trại Hoè năm xưa) trồng cây xoài trong khuôn viên doanh trại của Phân hiệu 2, Trường Trung cấp kỹ thuật Quân chủng PKKQ.
- Ngày 9/6/2013, trên mảnh đất Trung Hà năm xưa, chúng ta đã cùng đơn vị tổ chức trồng cây và đặt bia lưu niệm trong khuôn viên doanh trại của Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh.
- Không quên ơn của nhân dân Quế Lâm TQ, năm xưa còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng đã đùm bọc thày trò nhà trường trong những năm sống xa tổ quốc. Chúng ta vẫn duy trì quan hệ mật thiết với các bạn Quế Lâm. Nhiều chuyến trở về thăm trường cũ, bạn xưa đã được tổ chức... Tháng 10/2007, chúng ta đã cùng với bạn tổ chức trồng cây và đặt bia lưu niệm tại Trường Trung học số 1 Quế Lâm (Y-Trung) và Trường Đại học Công nghệ Hàng không vũ trụ Quế Lâm - hai nơi nhà trường từng sống và học tập từ tháng 1/1967 đến tháng 8/1968. Đến nay 2 cây thông vẫn xanh tươi, minh chứng cho tình cảm không bao giờ nhạt phai giữa thày trò Trường Nguyễn Văn Trỗi với nhân dân Quế Lâm TQ.
Thày trò Trường Nguyễn Văn Trỗi xin cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đã từng che chở, đùm bọc,  giúp đỡ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà trường hoàn thành nhiệm vụ dạy và học mà Quân uỷ, Bộ Tổng Tư lệnh và TCCT giao cho. ( Vỗ tay! )
Kính thưa các thầy cô !
Hôm nay đây, chúng em được gặp lại các cán bộ, CNV và các thầy cô, những người suốt 5 năm trong trường đã từng lao tâm khổ tứ, vất vả sớm khuya thay gia đình, cha mẹ dạy dỗ chúng em nên người. Nhà trường thực hiện phương châm "Giáo dục học viên phát triển toàn diện: Đức, Trí, Thể, Mỹ, trang bị kiến thức và kỹ năng sống như một chiến sỹ... Thầy cô giáo đã yêu thương chúng em như con em mình, dạy bảo, rèn dũa để chúng em được phát triển toàn diện. Thầy cô không chỉ chú trọng tới các môn văn hoá, mà cả văn hóa nghệ thuật (đàn, hát, thơ văn, hội họa…), TDTT và các môn quân sự ( đội ngũ, bắn súng, tuần tra canh gác...) Đó chính là những kiến thức và kỹ năng cần thiết, là hành trang đầu đời bước vào cuộc sống của mỗi học viên- chiến sỹ sau này.
Xin ngàn lần cảm ơn các cán bộ, CNV và các thầy cô, những nhà giáo chân chính, chuẩn mực, nhiệt thành và đã luôn hết mình vì tương lai của chúng em.  (Vỗ tay !).
Kính thưa các vị phụ huynh !
 Học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi, xin chân thành cảm ơn cha mẹ- các phụ huynh của chúng ta, 50 năm trước đã tin tưởng giao những đứa con thơ cho quân đội, mong ước chúng sẽ trở thành những chiến sỹ dũng cảm, những sỹ quan mẫu mực với lý tưởng là hướng ra chiến trường. Chừng ấy năm, khi trưởng thành, những đứa trẻ năm xưa, hầu hết đã trở thành những chiến sỹ, sĩ quan trong quân đội... nay đứa còn, đứa mất. Nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào hay ở cương vị gì, chúng không hề núp trong cái bóng "Truyền thống" của cha chú để trục lợi bản thân, mà tự biết rèn luyện phấn đấu đi trên đôi chân của mình, luôn giữ vững phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Trong những hoàn cảnh cụ thể nhiều bạn đã anh dũng hy sinh trên chiến trường (có bạn nay vẫn chưa tìm được mộ phần). Nhiều bạn đã trở thành những cán bộ trung cao cấp trong và ngoài quân đội... Những cậu bé năm xưa đều đã trưởng thành và là những người có ích cho dân, cho nước. Bằng trí tuệ và xương máu của mình, họ đã không làm hoen ố danh dự và truyền thống cách mạng của cha anh mình. ( Vỗ tay !)
Kính thưa các vị  đại biểu, các thày cô và các bạn!
Trải qua 50 năm. Mỗi chúng ta đã đi qua những năm tháng oanh liệt, hào hùng nhất của dân tộc, được sống, cống hiến và chứng kiến biết bao sự kiện chuyển mình, đổi thay đi lên của đất nước.
 Thày trò trường VHQĐ- TSQ Nguyễn Văn Trỗi luôn tự hào với những tấm gương kiên trung của 30 thày trò - Anh hùng, liệt sỹ đã dũng cảm hy sinh vì Độc lập tự do của tổ quốc ... Bên cạnh đó, các học viên của Trường đã thực sự trưởng thành với hàng trăm bạn đã trở thành những sĩ quan trung, cao cấp và tướng lĩnh trong LLVTND; nhiều bạn có hàm cục, vụ, viện, thứ, bộ trưởng… Nhiều bạn là TS, GS, PGS trong các nhà trường, học viện, viện nghiên cứu. Nhiều nhà giáo, thày thuốc, nghệ sỹ được nhà nước vinh danh, cùng nhiều giám đốc doanh nghiệp, đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước... Điển hình có bạn Nguyễn Thiện Nhân (khoá 5) được tín nhiệm bầu là Ủy viên BCT, Chủ tịch MTTQVN. Nay hầu hết anh em đã nghỉ hưu, về sống đời thường, không ít bạn Trỗi vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ nguyên tính cách Lính Trỗi, đó là sống trong sáng, trung thực và kiên định, không chịu khuất phục trước mọi hoàn cảnh ... 
Trường Văn hoá Quân đội- TSQ Nguyễn Văn Trỗi (1965-1970) thuộc TCCT, tuy chỉ có 5 năm tồn tại, nhưng mãi mãi đã là một phần không thể thiếu được trong những trang sử truyền thống vẻ vang 35 năm dạy và học của trường Văn hoá Quân đội - Bộ Quốc phòng (1955-1990).  Nay, dù không còn một mái truờng cụ thể nữa, nhưng gần 1500 thầy, trò ở khắp mọi miền đất nuớc vẫn gắn bó với nhau, vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, duy trì gặp mặt truyền thống, thường xuyên quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ, động viên  nhau theo "tinh thần Bạn Trỗi". Mọi thông tin đều được chia sẻ trên Blog "Bạn Trỗi" và các trang mạng xã hôi Facebook... BLL các khoá ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam cùng BLL các thày cô đã hoạt động hết sức trách nhiệm và hiệu quả. Xin cảm ơn mọi thành viên trong các BLL của toàn trường và sự ủng hộ của các thày cô cùng các Bạn Trỗi.
Thay mặt các Bạn Trỗi xin cảm ơn BBT cuốn sách “Sinh ra trong khói lửa”, cảm ơn cha mẹ, gia đình các AH, LS, thầy cô, các bạn Trỗi (Kể cả khoá 9) đặc biệt là các blogger trên các trang "Bạn Trỗi"... đã cung cấp nhiều tư liệu và bài vở cho 4 tập “Sinh ra trong khói lửa”. Thật hiếm có một Trường nào tuy chỉ 5 năm tồn tại, sau 50 năm nay đã có đến 4 tập sách quý!
Xin cảm ơn Kênh Truyền hình QPVN và Biên tập viên, đạo diễn Hạnh Nguyên với phóng sự "Sinh ra trong khói lửa" nhân kỷ niệm 50 năm nhà trường. Xin cảm ơn bạn Hà Chí Thành (tự Hà Mèo- k6) đã tâm huyết sưu tầm, biên tập và tặng chúng ta một Video clip tư liệu rất sống động “50 năm Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi”.  Xin cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin. Xin cảm ơn Cung văn hoá Hữu nghị Việt-Xô, đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho Hội trường thành công tốt đẹp!
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn sự có mặt của các quý vị!
Xin kính chúc quý vị đại biểu, thầy cô, anh chị và các bạn dồi dào sức khỏe, Hạnh phúc và có 1 buổi gặp mặt đầy tình nghĩa.
Xin trân trọng cảm ơn !
 -------------------------

  
  
   
  

   

Không có nhận xét nào: