Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Ghi chép: Hội trường ở phía Nam

Hội trường, từ những phút giây ban đầu
7g sáng, tới Nhà khách C59B. Vừa dừng xe, mở cốp, bốc vác 20 thùng sách lên sảnh thì thấy Vũ Anh tới: "Em đi kiếm cái gì chén đã". Rồi Hòa Bình k4 từ HN đi taxi tới: "Tao vào vì có ông cậu ốm. Dự Hội trường với anh em SG xong thì bay ra Đà Nẵng. Vé mua rồi. Có việc gì làm thì cho tao kiếm tí".
Hai thằng đang bốc hàng thì thấy anh Khánh k2 (dân Cần Thơ) phóng xe máy vào, rồi tới Đông Nhân, Nhất Trung k5. Nói chung BTC rất trách nhiệm.  Anh chiếm bàn của BTC để tác nghiệp. Sau đó là Đạt Bột. Thầy trò, bạn hữu gặp nhau chuyện nổ như pháo rang.
Phụ huynh có chú Hoàng Dũng (bố Hoàng Hà k8), chú Phan Khắc Hy (bố Phan Công k8), chú Phạm Văn Sinh (bố Phạm Vinh Quang k6) cùng gia đình các AHLS (Huỳnh Kim Trung, Cao Quốc Bảo, Chu Tấn Quang, Ngô Tất Thắng). Thầy Trọng, thầy Vọng, thầy Trinh... đến đúng giờ. Cô Thục vừa mổ mắt xong cũng đi taxi đến. Trò xúm lại khiêng xe lăn của cô lên hội trường.
Các bạn hải ngoại về dịp này có vợ chồng Đức Dũng, Tuyết và cháu Hiền Vương; Ngô Thái Hòa k7, Tô Vân k6...
Trong kịch bản của phía Nam có "tiết mục": tập họp điểm danh toàn trường, rất "quy-lát". Đúng 9g, Đông Nhân chỉ huy tập họp, sau đó các khóa vào hội trường theo sự bố trí của BTC.





Phần Lễ...
Theo đề nghị của Vũ Anh trong cuộc họp BTC, bàn ghế bố trí theo kiểu Gala nhưng các cháu đã xếp luôn cả bát đũa (giảm thời gian sau này). Từng khóa vào vị trí.
Đại tá Trương Đông Nhân giới thiệu chương trình và mời hội trường xem video clip "50 năm Trường VHQĐ NVT" do Hà Mèo k6 sưu tập, dàn dựng tặng thầy trò ta dịp đại lễ này. Những thước phim với những hình ảnh của 50 năm đã qua. Thời lượng dài tới 40' nhưng được trình chiếu trong 1 không khí đầy xúc động.
Sau đó là phần nghi lễ: Chào cờ, hát Quốc ca. Thật hào hùng khi cả hội trường cùng đồng ca "Tiến Quân Ca". Hôm nay cũng chính là ngày mất của Đại tướng, chú Phạm Sinh có nhắc nên BTC kịp cập nhật vào chương trình. Nhưng Đông Nhân vì quá xúc động nên ra dự lệnh sai, cho nghỉ ngay sau khi hát Quốc ca và được mọi người châm chước. Cả hội trường dành 1' tưởng nhớ Võ Đại tướng cùng các AHLS và thầy trò đã mất.
Sau đó, Mc Nhất Trung lên giới thiệu đại biểu, thầy cô và các khóa. Thật đặc biệt, sau khi giới thiệu mỗi khóa đứng lên thì cả hội trường vỗ tay hoan hô, huýt sáo hưởng ứng. Vui quá.
Trưởng BLL phía Nam thay mặt BTC đọc diễn văn khai mạc, nhắc lại lịch sử 5 năm tồn tại của nhà trường với sự giáo dục, dạy dỗ của thầy cô và sự trưởng thành của 1200 học sinh. Các em học sinh ngày ấy, giờ cũng đã bạc đầu và thành ông bà nội, ngoại nhưng vẫn hồn nhiên, vô tư, nghịch ngợm như ngày xưa.
Trong kịch bản, ngay sau đó mời thầy Hồng Tuyến lên sân khấu hát và Phạm Minh Nghĩa k6 đệm đàn Trường ca. Nhưng khi bắt đầu vào lễ, BTC được tin: thầy từ Vũng Tàu lên Bv Thống Nhất tái khám nên tới 10g mới đến. Chúng tôi thống nhất: tùy cơ ứng biến. Khi vừa kết thúc diễn văn khai mạc thì thấy anh em đẩy xe đưa thầy vào hội trường. Cả hội trường đứng lên vỗ tay đón chào thầy.
Nhìn hình ảnh trò Trỗi nâng xe cho thầy Trỗi lên sân khấu, ai cũng xúc động. Thầy có đôi lời: "Sức khỏe tôi giờ yếu lắm, vừa từ bệnh viện về. Vậy mà nghe tin hội trường, tôi vui lắm và cố gắng tập mấy tuần nay để có sức khỏe đi dự. Bệnh tật nhiều nhưng tôi sẽ còn sáng tác, còn hát đến hơi thở cuối cùng...". Và rồi cả hội trường hát Trường ca theo thầy. Hiếm có nơi nào, trường nào có câu chuyện cảm động như thế!
Thầy Phạm Đình Trọng thay mặt thầy cô lên phát biểu: "Chỉ dạy k7, k8 nhưng tôi gắn bó với các em phía Nam, cùng các em phía Nam làm đến 4 tập SRTKL. Khi biên tập tập 1, tôi không ngờ trong các em có nhiều người viết rất tốt, chả kém gì phóng viên Báo QĐND. Xong tập 1, nào nghĩ sẽ có tập 2. Vậy mà nay ra đến tập 4. Người bạn tôi ở Mỹ khi biết thế đã nói: "Sách SRTKL phải dùng cần cẩu để cẩu mới được, đồ sộ quá!". Và chắc chắn, nếu chỉ còn 50 em học sinh NVT thì cũng sẽ có tập 5, tập 6 và hơn thế".
Trong kịch bản, chú Hoàng Dũng sẽ ngồi tại chỗ phát biểu vì chân cụ yếu lắm đi lại phải dùng ba-toong. Vậy mà trước giờ vào lễ, cụ nhắc tôi: "Anh phải để tôi lên sân khấu". Trước mic-rô, cụ giới thiệu: "Tôi là Hoàng Dũng, bố của Hoàng Hà k8. Cháu mất rồi nhưng nghe anh Quốc mời nên tôi phải đi, để chúc mừng thầy trò nhà trường. Mà giờ biết gọi học sinh NVT là gì nhỉ, các em là sĩ quan cao cấp như tôi, các cháu là con của đồng đội, bạn bè tôi... thôi thì ta gọi nhau là đồng chí. Chỉ tồn tại 5 năm nhưng thầy trò NVT quá giỏi, có nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp. Dù 50 năm trôi qua nhưng thầy trò nhà trường không quên anh Trỗi và 28 thầy trò là AHLS... 50 năm đã tốt nhưng những năm tháng còn lại phải tốt như thế nhé!". Những tâm sự thật chứa đầy tình người. SAu đó, cả hội trường theo bắt nhịp của Đông Nhân đã hát "Vì nhân dân quên mình". 

Tiếp theo, chị Phan Thị Quyên, bà chị cả của nhà trường, lên chia sẻ với thầy cô nhân ngày vui này: "Tuần trước vừa cùng các em ra mộ Anh, tuần này dự Hội trường nhưng cả tuần qua tôi thao thức. Tôi xem clip của các em trên Fb, nhắc lại 30 AHLS của nhà trường rất xúc động. Cho tới 1991, tôi mới hay ở miền Bắc có trường QĐ mang tên anh, rồi tôi gắn bó với nhà trường, với các em. Tôi tuy nghỉ hưu rồi, nhưng cố sống thật tốt, không làm ảnh hưởng đến Anh Trỗi". Chị còn kể lại kỉ niệm với Trường Trỗi: "Mộ Anh ở Nghĩa trang Văn Giáp được xây và tô bằng đá rửa từ sau 1975. Tới 1991, thấy mộ đã cũ, Hồ Bá Đạt có mang bản vẽ thiết kế, xây dựng lại mộ Anh. Bản thiết kế đẹp nhưng tôi hỏi kinh phí thì em nói dự toán gần 100 triệu. Tôi thấy quá lớn, lại là xương máu của các em, nhất là biết quy hoạch Q2 còn thay đổi, sợ rằng mộ Anh phải dời nên tôi từ chối. Hôm rồi ngồi viết lại những kỉ niệm cuộc đời, tôi mới tìm thấy 2 bản vẽ này...". Thật quý hóa khi có 1 tình cảm như thế.
Thầy Trương Bá Hạp, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung TPHCM, thầy của nhiều bạn Trỗi (từ k1 đến k6) ở Đại học KTQS Vĩnh Yên lên phát biểu. Thầy nói về quan hệ với TQ, tình hình biển đảo và mong thầy trò Trường NVT ủng hộ Hội trong thời gian tới.
Em Đỗ Hà Bắc thay mặt Trường HSMN Nguyễn Văn Bé nói lên tình cảm của 2 ngôi trường cùng sống ở Quế Lâm cách đầy gần nửa thế kỷ: "Em xin được nhắc lại vài kỉ niệm. Hè 1968, 2 trường có tổ chức giao lưu văn nghệ ở Giáp Sơn. Nhìn thấy các anh Trỗi mặc quân phục, chưa có quân hàm nhưng oai lắm. Tối ấy, sau phần văn nghệ, bọn nhóc chúng em tận mắt thấy mấy anh trường Trỗi rủ mấy chị trường Bé ra ngồi tâm sự bên những gốc cây quanh sân vận động... Còn với chị Quyên, em nhớ mãi 1 câu trong phim Anh Trỗi khi cảnh sát ngụy dẫn Anh về nhà, anh nói giật giọng với chị: "Quyên, anh đã bị bắt".



Vào phần Hội...
Sau tiết mục chụp ảnh là vào liên hoan và văn nghệ. Anh em tranh thủ ăn rồi "lau đầu từ" để chuẩn bị vào hát.
Đại tá Hải quân Trương Đông Nhân điều hành phần văn nghệ. Mở đầu là "Tiến bước dưới quân kỳ", sau đó là các bài hát Việt, Nga tưng bừng của các CCB Trỗi. Thiếu tướng Hoàng Dũng dù chân đâu cũng ngắt hoa lên sân khấu tặng các ca sĩ.
Đơn ca nữ "Lời anh vọng mãi ngàn năm" của học sinh Trường Bé được chị Quyên lên tặng hoa cảm ơn. 
Rồi song ca nam nữ Văn Công Phước và em gái Trường Bé...
Rồi các chiến binh Toàn Thắng, Nhất Trung, Tất Thắng, Dũng Sô... lên hát.
Quá là vui! Tới 14g mới phải dứt cho ca đám cưới chiều nay.

Không có nhận xét nào: