Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Đừng ăn hết đời này

Đừng ăn hết đời này!


Tôi sinh ra tại miền quê nghèo. Chiến tranh cướp mất cha mẹ nên tôi sống với ông bà. Ông ngoại tôi - một nông dân hiền hậu. Ông mất từ năm tôi 13 tuổi nhưng những ký ức về ông đã trở thành hành trang trong suốt mấy chục năm làm người của tôi. Những câu chuyện của ông luôn làm tôi nhớ mãi.

    Cứ tới mùa gặt, phơi phóng xong đâu đó ông lại xách cái gàu rủ tôi đi ra đồng. Ông nói: “Ông cháu mình đi kiếm con cá tràu (cá lóc) để mai làm tô mì gạo mới”. Hồi đó, cá nhiều vô kể, đi chút là có vài ba con tràu đủ làm bữa mì Quảng. Tát xong, ông chỉ bắt cá to, cá nhỏ bỏ lại xuống ruộng để cho nó lớn. Lâu ngày được ăn mì, ăn xong còn chút nước trong tô, tôi bưng húp sạch. Thấy vậy, ông đưa tay ngăn và nói: “Đừng ăn hết như thế!”. Rồi ông giảng giải: “Mình đừng bỏ thừa nhiều quá phí của (thời đó người miền Nam chưa có từ lãng phí), nhưng cũng đừng ăn hết đến miếng cuối cùng vì còn phải chừa lại cho sinh linh ngạ quỷ, chừa lại cho những sinh vật mà mình không nhìn thấy”.


    Ông hay chia sẻ những thứ mình có cho mọi người. Ông không bao giờ gọi họ là ăn xin, ăn mày mà gọi là “khách đường xa”. Mỗi lần họ đến, ông bảo tôi: “Con xúc cho khách đường xa lon gạo”. Chính vì vậy bà tôi hay cằn nhằn cái đức tính quá rộng rãi của ông. Quê nghèo miếng ăn cũng phải chắt chiu mà ông tôi đôi khi nhịn ăn cho người. Ông hay cười và nói: “Nhịn miệng đãi khách đường xa. Cũng bằng của gởi con ta vậy mà. Đời mình ăn hết đời sau con cháu lấy gì mà ăn?”.
    Càng lớn tôi càng thấm thía lời ông. Nhớ hồi năm 78, cả nước thiếu lương thực “đói xanh xương”, may mà dưới suối, ngoài đồng còn con cá, trong rừng còn mụt măng cái rau, củ mài, củ chụp mà sống qua cái đận ấy. Đôi khi lẩn thẩn nghĩ nếu mà nước mình lỡ xảy ra chuyện gì thì chắc chết quá, rừng bị cạo sạch rồi, sông suối đồng ruộng tìm đỏ con mắt chẳng thấy được con cá. Đất nước cũng như số phận của đời người, ai mà biết trước điều gì xảy ra? Dù sao cái chuyện con cá, đọt rau cũng chuyện nhỏ.
    Đọc báo thấy chỗ này tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng, chỗ kia thất thoát hàng triệu USD, đổ tiền mua nhà, mua cửa ở nước ngoài, mua chân dài, gái đẹp trong nước, tiêu xài vung vít. Rồi có thông tin mỗi người dân gánh mấy trăm USD nợ công. Rồi rừng bị phá, tài nguyên khai thác cạn kiệt. Không chỉ ăn thâm vào của cải con cháu mà ăn luôn cả đạo đức. Nước này phát hiện người Việt ăn cắp, nước kia thì không cho nhập cảnh vì những thói xấu… Chao ôi! Buồn! Lại nhớ lời ông: “Đời này ăn hết, đời sau con cháu lấy cái gì mà ăn?”.


    [Thư đã được cắt bớt]  Xem toàn bộ thư

    Không có nhận xét nào: