Tại khu vực nhà thờ Đức Bà, hiện nay còn khoảng gần chục thợ chụp ảnh dạo, hầu hết đều đã cao tuổi. Chúng tôi lân la hỏi chuyện với một người thợ chụp ảnh đang ngồi chăm chú đọc tờ báo, năm nay ông đã 71 tuổi và bắt đầu chụp ảnh từ năm 1970. Ông cho hay : “Hồi xưa, luật chụp ảnh rất gắt gao và máy ảnh cũng đắt đỏ nên ít ai có điều kiện làm nghề chụp ảnh như bây giờ. Thuở ban đầu,tôi chụp bằng loại máy tráng ảnh trực tiếp, đòi hỏi người thợ phải nắm thật vững kĩ thuật chụp ảnh và biết canh chính xác thời gian để kéo ảnh ra. Tùy theo ý thích của người chụp muốn cho ảnh ám màu xanh hay vàng mà thời gian kéo ảnh và gỡ lớp màn mỏng trên bề mặt ảnh sẽ được tính toán một cách cẩn thận, chính xác. Được một thời gian, tôi chuyển sang chụp bằng máy phim, thời đó ở Sài Gòn chưa có nơi rửa ảnh, chúng tôi phải đóng phong bì gửi phim sang Mỹ để rửa ảnh, mỗi lần gửi như vậy chỉ rửa được đúng 36 tấm. Vì thế ngày xưa người ta chụp ảnh xong cũng phải qua 2-3 tuần mới nhận được ảnh, chứ không như bây giờ chụp xong là có thể lấy ngay”.
Dù đã bước sang tuổi thất thập nhưng vào mỗi sáng tầm 8-9 giờ ông vẫn đều đặn ra khu vực tượng Đức Bà để chụp ảnh cho khách tham quan.“Gắn bó với nơi này mấy chục năm, giờ không ra cũng nhớ. Ngày ngày ra đây có nắng nôi, chân mỏi nhưng được cầm máy chụp ảnh cho khách là tôi vui rồi. Giờ chỉ muốn kiếm chút đỉnh tiền cà phê, tiêu vặt khỏi xin con cái chứ chụp ảnh để trang trải cuộc sống thì không đủ”, ông bộc bạch.
Ngót nghét 45 năm cầm máy ảnh, gương mặt ông in hằn những nếp nhăn, đôi mắt sâu và thoáng chút buồn khi nhìn mọi người xung quanh tự chụp ảnh cho nhau bằng smartphone hoặc máy ảnh cá nhân, có lẽ người đàn ông này đang nhớ lại thời hoàng kim của nghề chụp ảnh. “Thời hưng thịnh nhất của thợ chụp ảnh là từ khoảng năm 1985 đến năm 1995, thời ấy một ngày tôi chụp trên 200 kiểu, thu nhập rất khá, có thể vừa nuôi con cái ăn học vừa lo cho gia đình thoải mái. Mùa lễ Tết chúng tôi kiếm được hời hơn, một mùa chụp ảnh Tết thôi là sắm được dàn máy ảnh mới”, ông chia sẻ.
Trong khi một số người thợ vẫn tích cực mời khách thì ông lại lặng lẽ đọc báo, hút thuốc. Khi được hỏi tại sao ông lại không mời khách như những người thợ khác thì ông cười bảo: “Giờ chỉ trông chờ khách quen hoặc khách đoàn chứ những người đi riêng lẻ ít ai chụp lắm, có mời cũng vậy hà. Hiện nay khách tham quan chủ yếu là tự chụp ảnh bằng điện thoại di động, bởi vậy từ khi cái điện thoại di động phát triển thì thợ chụp ảnh chúng tôi cũng dần thất nghiệp”.
Cũng ở khu vực nhà thờ Đức Bà, chúng tôi gặp ông Duy Giàu (60 tuổi), cũng là một thợ chụp ảnh dạo lâu năm. Ông cho biết “Tôi đến với nghề chụp ảnh là để mưu sinh, nuôi gia đình. Vào những năm 80 thì nghề chụp ảnh rất thịnh ở Sài Gòn nhưng từ khoảng năm 2005 đến nay thì ít dần lượng người thuê chụp ảnh”
Ông Giàu cũng tâm sự “Vì tôi đã chọn nghề và xem nó như cái nghiệp, dù hiện tại thu nhập từ nghề chụp ảnh rất bấp bênh nhưng tôi
không có ý định bỏ nghề vì cả cuộc đời tôi đã gắn liền với chiếc máy ảnh, tôi không biết làm gì ngoài chụp ảnh”.
Tuy dịp cuối tuần khách tham quan nhà thờ Đức Bà khá đông nhưng khách thuê thợ chụp ảnh rất hiếm, ông Giàu và
những người thợ chụp ảnh khác chỉ trông chờ vào những đoàn khách du lịch.
Việc ngồi chờ khách như thế này dường như đã trở nên rất đỗi bình thường với những thợ chụp ảnh nơi đây.
Cũng là một thợ chụp ảnh dạo yêu nghề khác là ông là Trần Văn A, nay đã hơn 70 tuổi, tóc đã bạc phơ nhưng ông vẫn không bỏ nghề.
Việc chụp ảnh cho khách đối với ông có vẻ là một công việc đầy niềm vui vì trên môi ông luôn thường trực nụ cười.
Ông xem đồng hồ để ghi chính xác thời gian trả ảnh cho khách vào biên nhận.
Ông di chuyển đến tiệm rửa ảnh, tranh thủ uống chút nước rồi lại tiếp tục với công việc.
Rời khu vực nhà thờ Đức Bà, chúng tôi di chuyển sang Thảo Cầm Viên, tại đây vào một ngày hè cuối tuần khách tham quan vô cùng tấp nập. Dạo một vòng quanh Thảo Cầm Viên, không khó để bắt gặp những người thợ chụp ảnh đứng rải rác khắp nơi. Có một điều thú vị đặc biệt là khi hỏi những người thợ chụp ảnh về tuổi nghề của họ thì chúng tôi luôn nhận được những câu trả lời như “mới chụp ảnh từ năm 80”, “mới chừng hai mươi mấy ba chục năm”. Có vẻ như tình yêu với nghiệp cầm máy ảnh khiến họ cảm thấy công việc này luôn "mới" và đầy niềm vui.
Ông Trần Văn Lưu, 60 tuổi,đang ngồi nghỉ trưa dưới tán cây, cho biết ông có thâm niên chụp ảnh hơn 20 năm. “Để được vào chụp ảnh trong Thảo Cầm Viên thì thợ chụp ảnh buộc phải học và thi lấy chứng chỉ hành nghề ở Hội Nhiếp Ảnh TP.HCM (122 Sương Nguyệt Ánh, Q.1), sau đó nộp hồ sơ đăng kí với Ban quản lí công viên. Họ còn kiểm tra thực tế khả năng chụp của mình nữa, khi nhận thấy đủ năng lực mới nhận vào chụp và đều đặn mỗi tháng mỗi thợ phải đóng phí hoạt động là 500.000 đồng cho Ban quản lí”, ông Lưu cho biết. Sau hơn 20 năm gắn với với nghề chụp ảnh, ông Lưu giờ tuổi đã cao và không còn lo lắng chuyện mưu sinh nhưng hàng ngày ông vẫn có mặt ở Thảo Cầm Viên để chụp ảnh. “Tôi thích chụp ảnh một phần vì lòng yêu nghề vẫn còn cháy bỏng, phần khác do con cái khuyên tôi vào đây để hưởng không khí trong lành, đi bộ rèn luyện sức khỏe, chụp được bao nhiêu thì chụp, không cần gắng sức. Ngày hè ở đây đông đúc vậy chứ ngày thường vắng lắm, nhìn qua lại chỉ thấy toàn thợ chụp hình với bảo vệ không à, nhiều khi cả tuần liền không có lấy một kiểu ảnh mà mỗi ngày đều phải tốn tiền ăn uống, đi lại và đóng thuế đầy đủ”.
Trong Thảo Cầm Viên hiện có khoảng 80 thợ chụp ảnh đăng kí hành nghề, tuy nhiên không phải lúc nào các thợ chụp ảnh cũng có mặt, chỉ vào những dịp lễ tết họ mới tụ tập đông đủ. “Tất cả thợ chụp ảnh ở đây đều được quyền dẫn khách đi chụp ở khắp Thảo Cầm Viên chứ không phân chia khu vực của bất kì ai. Khi một thợ đang dẫn khách đi thì những người thợ khác không được quyền mời chụp, giành giật khách hoặc lời qua tiếng lại, nếu vi phạm sẽ bị Ban quản lí kỉ luật, thậm chí sa thải. Tuy nhiên anh em chụp ảnh ở đây luôn tôn trọng quy tắc và tôn trọng lẫn nhau nên tình trạng tiêu cực như thế hầu như không diễn ra”.
“Những ngày lễ Tết cao điểm tôi dẫn khách đi vòng khắp công viên để chụp mà không đếm được đã đi hết bao nhiêu cây số, cực mà vui, vì giúp người ta lưu giữ lại kỉ niệm đẹp qua những tấm ảnh là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi trong nghề. Làm nghề là phải có tâm và giữ chữ tín, đã hẹn khách giờ trả ảnh thì nhất định phải đúng giờ, còn lúc trả ảnh mà khách phàn nàn thì nhiều khi còn phải hoàn tiền”, ông Lưu tâm sự thêm.
Khoảng 18h30 chúng tôi có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nơi đây là một trong những địa điểm chụp ảnh mới ở Sài Gòn thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là về đêm. Chúng tôi quan sát được có khoảng gần chục thợ chụp ảnh ở khu vực này, chủ yếu tập trung ở gần đài phun nước và tượng đài Bác Hồ.
Trò chuyện cùng ông Phạm Giản Toàn (55 tuổi), người có thâm niên hơn 30 năm chụp ảnh lưu niệm. Ông cho biết quê ông ở Tân Trụ (Long An) nhưng hiện đang ngụ tại Q. 8 (TP.HCM) “Thời thanh niên tìm việc quá khó khăn, thấy nghề chụp ảnh lúc đó ăn khách nên tôi mua máy và đi học lấy chứng chỉ rồi ra làm nghề. Ban đầu, tôi chụp ở khu vực tượng Trần Hưng Đạo, sau đó chuyển sang chụp ở khách sạn New World được vài năm thì dần hết khách tôi mới xin về gia nhập hợp tác xã của khu vực Nguyễn Huệ này. Nói chung từ đó đến nay tôi đã chụp hầu hết các địa điểm ở Quận 1”.
“Khoảng từ năm 85 những năm 90 tôi vừa chụp ảnh trắng đen vừa chụp ảnh màu. Ảnh màu có giá gấp 4 lần ảnh trắng đen, nhưng người ta chuộng chụp ảnh màu lắm, một ngày chụp mấy trăm kiểu là chuyện thường. Giờ thu nhập từ nghề chụp ảnh dạo bấp bênh lắm, có ngày tôi chả chụp được kiểu nào, nhưng bù qua sớt lại cũng ráng kiếm trung bình 200 nghìn/ngày mới đủ trang trải cuộc sống”.
Smartphone bùng nổ với các tính năng chụp ảnh đa dạng khiến những người thợ chụp ảnh dạo như ông Toàn gặp không ít khó khăn để bám trụ với nghề. Nhưng vì lòng yêu nghề, vì mưu sinh mà họ vẫn không quản ngại nắng mưa hay tuổi tác, ngày ngày vẫn tiếp tục công việc mà họ đã gắn bó gần nửa cuộc đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét