Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

ĐOẠN TRƯỜNG DỊCH KIỀU SANG TIẾNG NGA (Vũ Thế Khôi)

BBT - Đôi diều về tác giả: 
Anh Vũ Thế Khôi lá con trưởng cụ Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (28/8/1945), sau là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Hồ Chí Minh (tới 1958). Anh còn là TSQ lứa 1948, sang học Lư Sơn (1950) rồi Quế Lâm, TQ. 
Tiếp thu truyền thống gia đình, anh có những bài viết trách nhiệm, sắc sảo về nhiều lĩnh vực. ...


Tôi không phải người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhà Việt Nam học TS N.Nikulin đã chọn lọc dịch nghĩa gần 300 câu để nhà thơ-dịch giả Xô Viết lão thành Arkadi Shteiberg chuyển thành thơ Nga khá sát và hay. Rất tiếc rằng họ không tiếp tục. Sau đó đã xuất hiện bản dịch từ tiếng Việt và tiếng Anh của ông Boris Larin, cũng chỉ làm được chừng 200 câu. Nhưng khá tùy tiện, xa ý nguyên tác.
Trên mạng cũng còn vài người thử sức nữa, đều bỏ dở sau vài trăm câu.



Suy tư trước quyển Kiều đồ sộ(VTK trong Bảo  tàng Nguyễn Du, Hà Tĩnh 31 - 7 - 2003)

Năm 2003, khi tôi được ngành văn hóa Hà Tĩnh mời về đọc tham luận về “Văn hiến Hà Tĩnh”, lại cho đi thăm Khu di tích Nguyễn Du, đứng trước quyển Kiều đồ sộ nặng gần trăm cân, do nhà thư họa Nguyệt Đình viết bằng thư pháp, tôi đã hứa; “Thiên hạ đã dịch Kiều của Cụ ra ngót hai chục ngoại ngữ. Sớm muộn gì con cũng sẽ dịch tác phẩm thiên tài này sang tiếng Nga “của con”, khi có điều kiện tĩnh tâm ngồi làm văn chương”.
Trong mười năm sau đó tôi đã quá tam ba bận thử bắt đầu, nhưng rồi cuộc mưu sinh lặt vặt và vài công trình khác làm vì tiếng Nga khiến tôi không tập trung được.

Thì may quá, cuối tháng 10 – 2013 anh Hoàng Văn Vinh, Tổng giám đốc công ty “Zolotoi Drakon” kiêm Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh thành Eketerinburg Liên bang Nga, về Hà Nội mời tôi làm bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga. Anh nói đại ý: Em là đồng hương Hà Tĩnh với cụ Nguyễn Du, đội ơn anh linh Cụ, lại nhờ tiếng Nga và nước Nga mà thành đạt, nên em xin được trả cái nghĩa này, đưa tác phẩm thiên tài của Cụ đến với độc giả Nga. Em cậy nhờ các bác và mời các bác ngay ngày mai đi Hà Tĩnh cùng em, về Tiên Điền quê Cụ thắp hương trước lăng mộ, khấn Cụ phù hộ cho Dự án của chúng ta thành công mỹ mãn. Tôi đáp rằng anh cứ cùng mọi người về thắp hương, tôi đã làm việc đó cách nay mười năm, nhưng chưa có điều kiện thực hiện lời hứa trước anh linh cụ Tiên Điền, nay được anh hào hiệp trợ giúp, tôi sẽ bỏ hết việc mưu sinh khác, quyết tâm hoàn thành việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga trong dịp cả thế giới văn minh tôn vinh danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Tôi cũng phải trả cái nghĩa cho tiếng Nga đã giúp tôi lập nghiệp và nên người.
Người khởi xướng của Dự án dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga và công bố trang trọng nhân kỷ niệm 250 năm sinh của thi hào Nguyễn Du là tiến sĩ ngữ văn Nga , nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, cũng một người con gắn bó ruột già với quê hương Hà Tĩnh và Nguyễn Du, nhưng do những hoàn cảnh riêng mà anh phải sống ở nước Nga đã hơn nửa đời người, coi là tổ quốc thứ hai của mình, và đã ra đến dăm tập thơ về xứ sở bạch dương. Một mình anh vất vả đi về giữa Liên bang Nga và Việt Nam để làm trọn phận sự người khởi xướng và tổ chức thực hiện Dự án, kết nối trí tuệ và sự nỗ lực của các chuyên gia Việt và Nga thành một đội ngũ làm việc ăn ý, nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất của bản dịch.
Đáng lẽ ra là có hai người cùng dịch sang văn xuôi tiếng Nga (tôi từ đầu đến câu 1690, người thứ hai từ đó đến hết) để rồi một nhà thơ Nga thứ thiệt chuyển sang thơ. Nhưng… sau ba tháng, người thứ hai không gửi đến một câu nào, nên một mình tôi phải gánh cả 3254 câu Kiều. Tôi không hề quản ngại, mà lại thở phào vì không phải tuân theo quy định của Dự án là bàn bạc, thảo luận, thống nhất v.v… Mà giữa hai người dịch có tính cách khác hẳn nhau thì còn là tranh cãi vô hồi kì trận! Dịch một mình cứ việc để dòng văn tiếng Nga tự nhiên xuôi theo hồn tác phẩm như bản tính tôi cảm nhận.
Về phương châm dịch thuật thì tôi nhất quyết cố trung thành với từng câu nguyên tác, nhưng không theo nguyên tắc chỉ chuyển ý của câu thơ và chú thích các điển tích, mà cố noi theo bậc tiền bối Nguyễn Khắc Viện, khi cụ viết năm 1965 về bản dịch Kiều của mình sang tiếng Pháp: “Kiều là một thi phẩm, nó đòi hỏi phải được chuyển dịch bằng thơ; một thi phẩm lớn càng cần có một bản dịch nên thơ. Nếu thơ không nhất thiết đồng nghĩa với những dòng văn vần, thì ngôn ngữ thơ trước hết phải dùng đến hình ảnh, nhịp điệu, nhạc tính sao cho đánh thức được trong lòng người đọc, đúng hơn trong lòng người ngâm, cả một chuỗi ấn tượng, cảm xúc dù khi chưa hiểu rõ ý thơ. Một bản dịch ra văn xuôi sẽ biến bài thơ thành một câu chuyện kể và dù dịch giả khéo léo cũng sẽ làm biến chất tác phẩm”.
 Tôi không bao giờ dám hồ đồ nghĩ mình làm được thơ bằng tiếng Nga, nhưng chuyển câu thơ Kiều sang tiếng Nga cho có hình ảnh, có nhịp điệu để người Nga cảm nhận được cái đẹp cái hay trong nghệ thuật của đại thi hào Nguyễn Du thì phải cố gắng làm, chứ không dừng ở mức chỉ chuyển ý. Xin nêu một ví dụ:
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Có người dịch là:
Но живет спокойно в защищенном своем тереме
Не обращает внимание на ухаживание других.
Ý đúng, nhưng không có hình ảnh. Tôi dịch thành:
            Однако тихо и смирно живут в своих плотно занавешенных
                                                                                                девичьих покоях,
            Не обращая никакого внимания на тех, кто, как рой шмелей
                                         да мотыльков, кружится за восточной стеной.
Trong cảm quan văn hóa Nga không có hình ảnh ong bướm ám chỉ chuyện trai gái trăng hoa, nên đ bạn đọc Nga cảm nhận được ý vị của câu thơ, tôi đã bạch hóa ẩn dụong bướmthành một so sánh tường minh: “không đoái hoài đến những kẻ như cả đàn ong bướm lượn lờ bên ngoài tường đông”.
            Đối với các điển tích, điển cố, do Dự án yêu cầu giảm hẳn số lượng chú thích cuối trang đ không cản trở sự tiếp nhận của độc giả Nga thông thường, tôi bỏ đi hầu hết các điển cố chỉ là cách diễn đạt văn hoa trong văn cổ như “mạch Tương” (nước mắt), “sen vàng” (gót chân người con gái đẹp). Những điển cố, điển tích nằm trong mạch biểu đạt của tứ thơ thì cố gắng diễn giải, chẳng hạnphận ấp câyKim Trọng nhắc tới là đ tỏ mối tình của mình với Kiều có cơ tuyệt vọng nhưng vẫn quyết đeo bám, thì câu tám chữ của cụ Tiên Điền đã thành câu tiếng Nga 23 từ, nhưng vẫn đảm bảo nhịp điệu văn tự sự, đọc lên lưu loát, không trúc trắc:
Trần trần một phận ấp cây đã liều!
Ради этой минуты встречи я готов принять
                        участь того юноши,  который предпочел 
                                                  погибнуть при подъеме воды,
                                                            но не сойти с назначенного места свидания!
(Vì giây phút gặp gỡ này, tôi nguyện chấp nhận phận chàng trai nọ, thà chết khi nước sông dâng lên chứ không rời nơi hò hẹn).


Không có nhận xét nào: