Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Một thời sơ tán (Tuỳ bút: Nguyễn Thị Hậu)



Minh họa của Lê Thiết Cương.

Mùa đông 1972. Từ tháng 10 ở Hà Nội có nhiều cơ quan, gia đình đã lục tục sơ tán về nông thôn. Đến đầu tháng 12 thì có lệnh sơ tán khẩn cấp. Trên các nẻo đường người, xe đạp ùn ùn kéo đi… Cơ quan ba nó sơ tán về Lạc Đạo, một làng nhỏ ven đường quốc lộ số 5.


Sơ tán lần này nó đã bước vào tuổi thiếu nữ, bắt đầu biết để ý vẻ ngoài, biết chăm chút đến mái tóc, bộ quần áo. Tóc nó dài quá gấu áo và rất dày, khi tết hai bím trông đằng sau nó giống hệt chị nó, đằng trước thì có những sợi tóc quăn tự nhiên cứ xòa xuống má. Mấy cô ở cơ quan ba nó trêu là “Mai Liên” – tức là Miên lai vì nước da ngăm đen, mái tóc quăn và cặp mắt to mi dài. Lúc đó nó không thích bị trêu như vậy, vì đó là những gì làm cho nó khác các bạn gái cùng lứa. Sau này lớn rồi nó lại nghĩ: không chừng trong dòng máu của mình có lai Miên thật, vì quê nội của nó ở An Giang, một nơi có nhiều người Khmer sinh sống từ lâu đời.



Chiến tranh nên quần áo đều nhuộm xanh hoặc nâu, đen. Con gái thường mặc áo cổ lá sen với quần đen, thường là quần “phíp” (gần giống như vải lanh) hoặc quần vải, may mắn thì có cái quần lụa của chị hay mẹ cho. Nó cũng có một cái quần lụa đen đã ngả màu, thỉnh thoảng má nó lại rền rĩ “tôi mặc mãi không sao tới lượt nó mặc thì nay rách mai sờn…”. Ba bênh con gái “bà mặc mãi thì tới nó mặc rách là phải rồi”. Trong ba lô mang đi sơ tán nó có bốn cái áo và ba cái quần, thật là một gia tài lớn! Hai cái áo ngắn tay là từ cái váy hoa của chị nó được phát mang đi nước ngoài, thương em chị để lại cho em may áo. Một cái áo màu nâu nhuộm từ chiếc áo trắng vải pô–pơ–lin đẹp nhất của nó, và cái còn lại màu “mận chín” – cái áo “điệu” nhất, nó ước ao mãi má nó mới may cho để dành mặc Tết.

Đi học cùng lớp với con gái út của bác chủ nhà, nó thích mặc cái áo màu nâu giống như cái Chỉ. Đến lớp nếu nó không nói ra thì thầy cô không biết nó người Hà Nội vì các bạn gái Hà Nội vẫn mặc áo hoa áo màu… Ngoài giờ đi học, nó cùng cái Chỉ đi gánh phân, làm đất trồng rau, đi bón kali cho ruộng khoai tây, rồi thu hoạch rau vụ đông… Nhà bác chủ làm gì nó làm việc ấy, lúc đầu vụng về rồi sau cũng quen tay. Ba nó không nói gì nhưng tỏ ý bằng lòng. Còn má nó luôn nhắc “con gái ở nhà người ta phải ý tứ”. Vậy nên vào những ngày “đau bụng”, nó len lén đi thay, rồi tối mịt mới cầm đèn dầu một mình đi ra con mương cuối làng giặt giũ, đàn bà con gái không được giặt “đồ bẩn” ở giếng nhà. Phơi phóng cũng phải khuất mắt, che chắn bằng hai, ba lớp áo. Một lần đèn hết dầu mà nó không để ý, ra tới mương đèn tắt, nó mò mẫm giặt rồi mò mẫm đi về. Đến cổng thấy ba nó như đang đứng chờ, trong ánh đèn từ nhà hắt ra cặp mắt kiếng của ba hình như loáng ướt…

Một phiên chợ, bác gái chủ nhà đi bán gánh khoai tây, lúc về mua một con chó con rất xinh. Được hai, ba ngày con chó uể oải bỏ ăn, bác gái đút cơm cho nó bị nó cắn xước một chút ở tay. Ai dè khoảng một tuần sau, bác gái lên cơn dại. Lúc đầu bác nóng sốt cao, rồi sợ gió sợ ánh sáng, bác nằm trong buồng tối và bắt cả nhà che chắn hết các khe cửa… rồi chiều tối thì bắt đầu tru lên từng hồi. Đến lúc này mọi người mới biết bác bị lên cơn dại, hùa nhau đi tìm đập chết con chó con. Nó nhớ mãi cảnh con chó nằm bẹp dưới cối xay lúa, xung quanh cơm vãi kiến bu đầy, khi bị lôi ra, con chó đã yếu lắm rồi, vậy mà nó biết, nó chảy nước mắt…

Hôm đó là thứ Bảy, tình cờ chiều tối má nó lên thăm, gặp lúc bác gái ốm má nó là người duy nhất vào buồng xoa bóp cho bác gái khi bác tỉnh lại. Bị bệnh dại lạ lắm, khi lên cơn thì tru tréo không ai dám đến gần, nhưng qua cơn rồi thì người rất đau nhức nhưng tỉnh táo. Mỗi lần má nó vào xoa bóp là bác gái lại dặn dò cẩn thận: ai nợ bác cái gì, nhà còn nợ ai bao nhiêu, bác để dành cho các con gái những gì, chuẩn bị đám cưới chị thứ hai thế nào… Cứ thế, vật vã đến trưa hôm sau thì bác gái mất. Má nó thay cho bác bộ quần đen và chiếc áo bà ba màu xanh mới tinh mà nó cẩn thận mang đi sơ tán cất để dành cho má. Bác trai nức lên “cả đời bà bây giờ mới được mặc quần áo mới, bà ơi”.

Đó là một cú sốc rất lớn với nó, sau cú sốc hồi nó học lớp Hai một đứa bạn thân của nó bị chết vì bom Mỹ.

Từ đó, tất cả mọi thứ với nó đều nhạt nhòa, hình như không còn gì đáng nhớ.

Gần hai năm sau, chưa mãn tang bác gái thì bác trai lấy vợ mới rồi đẻ được một thằng con trai. Chị thứ hai – chị Xoan - chờ ba năm đoạn tang mẹ mới lấy chồng. Chồng chị là thương binh. Một lần chị lên Hà Nội đến nhà nó chơi, nó đi học về không nhận ra chị: cô gái có nước da trắng hồng, mặt tròn má lúm đồng tiền, lúc nào cũng tươi tắn… nay thành một người phụ nữ gầy gò, da sạm lại, và cái nhìn chỉ ánh lên một chút khi thấy nó. Chị thứ ba – chị Lan – “thoát ly” đi làm công nhân khi bác trai lấy vợ khác. Còn cái Chỉ “nó khổ lắm, bố chị giờ nát rượu suốt ngày đánh chửi nó…”, chị Xoan khẽ kể như thế…

Sau này có lần ba nó gặp lại bác trai, nhưng hỏi thăm các chị thì bác chẳng nhớ gì, “ổng không uống được nữa, chắc không còn lâu…”. Lúc này làng Lạc Đạo nổi tiếng nhờ một “đặc sản” lâu đời mà lúc trước luôn phải giấu giếm: rượu quốc lủi.

Bây giờ Lạc Đạo còn là nơi làm cơm nắm muối vừng mang bán khắp Hà Nội. Cứ ra Hà Nội là nó luôn tìm mua cơm nắm của các chị gánh bán rong, lần nào nó cũng nghĩ, biết đâu sẽ gặp lại cái Chỉ…

Sài Gòn tháng 11/2015

Không có nhận xét nào: