Có một câu chuyện khá nổi tiếng về Thomas Alva Edison, nhà phát minh vĩ đại đã sáng chế ra bóng đèn điện. Chuyện kể về một buổi tiếp kiến tổng thống Hayes tại Nhà trắng, khi được hỏi rằng “chẳng hay ngài Edison đây đã tốt nghiệp kỹ sư ở trong nước hay châu Âu”, ông đã đưa ra tấm bằng tốt nghiệp duy nhất của mình.
Đó là một mẩu giấy nhỏ trong đó viết: “Trò Edison, con trai ông, là một trò dốt, lười và hư. Tốt nhất là ông nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì có đi học cũng không làm nên trò trống gì”. Mẩu giấy ấy được hiệu trưởng trường tiểu học của Edison viết. Cậu bé Thomas đã bị đuổi chỉ sau 3 tháng đi học vì hay hỏi những câu thiểu năng theo kiểu “liệu có cho tiếng nói vào trong cái hộp được không” (tất nhiên là cho đến khi chính Edison phát minh ra máy thu âm thì cho thế quái nào được), hoặc là làm thí nghiệm gây khói mù mịt cả trường.
Hầu hết trong chúng ta, những người trưởng thành đều hiểu rằng sự giáo dục trong nhà trường không phải là tất cả những gì làm nên thành công trong cuộc sống. Nhưng rồi đến cuối, chính chúng ta trở thành những người đè nặng áp lực thi cử lên đầu con em mình.
Mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh thi đại học và cao đẳng, và sẽ có ít nhất là một nửa trong số đó không trúng tuyển. Và đối xử như thế nào với số ấy mới là câu hỏi lớn sau mỗi kỳ thi.
Phần lớn trong số đó sẽ phải đối mặt với những áp lực tâm lý rất nặng nề. Lần đầu tiên kể từ khi có nhận thức, các em rơi vào cảnh không còn trường lớp, bè bạn. Các em hoang mang về tương lai, các em lủi thủi ôn thi một mình để thi lại năm sau, đôi khi nhận sự chì chiết của gia đình, đôi khi tự mang cảm giác xấu hổ.
Các thí sinh chuẩn bị thi đại học.
Và tồi tệ nhất là khi tâm lý vá víu xuất hiện: các em được cho đi học bừa một cái trường bất kỳ nào đó có điểm chuẩn cực thấp chỉ với lý lẽ là “không học thì còn biết làm gì trong cái xã hội này”. Nhiều khi học chỉ để mà học chứ chẳng biết đấy là cái ngành nghề gì và có phù hợp với mình hay không.
Không học thì có thể tiếp tục làm nông, đi buôn bán, học nghề, làm công nhân… Bởi vì có ai bảo là bước ra đời nghĩa là không phải học tiếp. Và ai bảo rằng học trong cuộc đời thì không thể thành công. Ai bảo rằng những người nông dân giỏi giang đã xây lên những trang trại hàng tỷ đồng ngoài kia, những ông chủ xưởng mộc, xưởng may, xưởng máy lớn, không học? Họ thậm chí đã học rất nhiều.
Lỡ thi trượt thì vẫn phải học. (Ảnh: kenh14)
Việc gắn chặt chữ “học” với trường lớp chỉ làm thủ tiêu ý chí phấn đấu của các em. Không bước được chân vào trường nghĩa là mày thất học, và cũng đừng hy vọng vươn lên nữa, quan niệm phổ biến là như thế. Thế rồi các em cũng nghĩ thế thật, và từ bỏ tham vọng học hành sau thất bại thi cử.
Vài tháng nữa lại là một kỳ thi, hãy nghiêm túc nghĩ về việc chỉ cho các sĩ tử thất bại rằng họ có thể tiếp tục đi học ra sao.
Đức Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét