Trong quyển sách “Hoa cúc và lưỡi gươm”*, có một nhận định về sự khác biệt giữa phương Tây, Nhật Bản, tự do, và trách nhiệm như thế này:
Người phương Tây, khi còn thơ ấu, phải phụ thuộc vào bố mẹ nên không có tự do; khi trưởng thành rồi, họ có thể làm những gì mình muốn, nên lúc đó họ có tự do. Người Nhật Bản, khi còn thơ ấu, cái gì cũng do bố mẹ lo lắng, sắp xếp cho, nên tự do, muốn làm gì thì làm; khi trưởng thành, một con người có quá nhiều trách nhiệm với gia đình, xã hội, tập thể, nên không còn tự do nữa, chỉ đến khi xuống lỗ mới thật sự là hết trách nhiệm.
Hai chữ “trách nhiệm” là một sợi dây xuyên suốt những giá trị tinh thần của người Nhật Bản.
Tinh thần võ sĩ đạo là gì, nếu không phải là trách nhiệm của một bầy tôi với lãnh chúa?
Hình ảnh người phụ nữ Nhật cổ điển là gì, nếu không phải là trách nhiệm của người vợ, người mẹ với gia đình?
Hình ảnh những người Nhật đói khát nhưng vẫn xếp hàng chờ cứu trợ sau thảm họa động đất, sóng thần là gì, nếu không phải là trách nhiệm của một cá nhân với xã hội, và với những cá nhân khác?
Một vị thiếu tướng Hải quân Nhật, được lệnh trấn thủ một hòn đảo nhỏ trên biển Thái Bình Dương sau thất bại của Nhật Bản tại trận hải chiến Midway**. Người Mỹ chuẩn bị tấn công đảo, biết không thể rút lui, cũng không thể đầu hàng, ông tướng viết thư gửi vợ. Trong lá thư dài chỉ hơn hai trăm chữ, hiện còn được trưng bày tại bảo tàng Chiến tranh Đại Đông Á***, ba lần ông nhắc đi nhắc lại câu nói này: “mong em quan tâm dạy dỗ các con”. Ngoài ra trong thư bày tỏ sự lo lắng cho an toàn của người vợ, người vừa rời nơi đóng quân của chồng về Tokyo, gửi lời hỏi thăm người thân gia đình, xin lỗi vì đã không thể cùng vợ gánh vác việc nhà. Tuyệt không có một lời nào người đàn ông đó nói về cái chết chắc chắn chờ đợi mình. Bởi vì, đối với một vị tướng, thì cái chết là nghĩa vụ, và nghĩa vụ thì không thể tránh khỏi. Điều duy nhất ông quan tâm là tương lai của con cái, và khi ông chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ cuối cùng của mình đây, ba lần ông nhắc vợ hãy thực hiện nghĩa vụ của một người mẹ “mong em quan tâm dạy dỗ các con”.
Như cách nói của Inazo Nitobe trong cuốn “Bushido, linh hồn của Nhật Bản”, thì người Nhật cúi đầu trước người phụ nữ không phải vì họ là chiến sĩ hay chính trị gia, mà vì họ là những người mẹ. Khi đàn ông ra trận, thì toàn bộ việc nhà nằm trong tay người phụ nữ, quan trọng nhất là việc giáo dục và dạy dỗ con trẻ, và vai trò đó, vai trò đào tạo ra những chiến binh thế hệ sau, cũng quan trọng không kém gì vai trò của một người lính trên chiến trường. Nói cách khác, trách nhiệm.
Tinh thần trách nhiệm của trẻ em với tập thể và xã hội được nhà trường và gia đình rèn rũa từ khi còn rất nhỏ cụ thể như việc trẻ em mẫu giáo đã được phân vào các nhóm nhỏ cùng chơi, cùng sinh hoạt với nhau, và khuyến khích tham gia các hoạt động tập thể. Trong các câu chuyện cổ tích, chuyện lịch sử kể cho trẻ con, yếu tố trung thành, trách nhiệm với tổ quốc, xã hội và với người khác cũng luôn được nhấn mạnh. Càng lên các lớp trên, các tổ chức như CLB thể thao, nghệ thuật, các nhóm hoạt động của học sinh càng được tổ chức chặt chẽ, với phân cấp thứ bậc tiền bối – hậu bối (sempai – kohai) rõ ràng, thậm chí có phần hơi cứng nhắc và khắc nghiệt.
Sinh ra và lớn lên với hai chữ trách nhiệm được treo trên đầu như thế, nên không ngạc nhiên khi hai chữ này ăn sâu vào đời sống thường ngày của người Nhật. Khi mới sang Nhật, tôi đã rất ngạc nhiên tại sao nhân viên bán hàng tạp hóa lại chào từng người khách vào cửa hàng một; ông gác cổng trường Đại học cúi chào từng người sinh viên bước ra, bước vào; hay một nhân viên ở quầy check-in ở sân bay, sau khi biết tôi mang thừa 1 kiện hàng đã tất tả tự tay cầm cái vali đi cân đo lại để đảm bảo tôi có thể xách tay lên máy bay. Một lần tôi đi tham gia trại hè với một trường Đại học này ở Nhật Bản, họ có tổ chức chơi nhà ma, tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy 1 cô bé do được phân công, đã nằm 5 tiếng đồng hồ trên cỏ, dưới trời đầy sương để giả làm xác chết. Sau chuyến đi đó, tôi đã kết luận là cái đám này chơi một cách nghiêm túc và hết sức có trách nhiệm.
Cái tinh thần trách nhiệm này, mặt tích cực của nó thì ai cũng có thể thấy ở một xã hội gắn kết cao độ, mỗi cá nhân luôn nỗ lực hết mình, nhưng mặt trái thì cũng không thể phủ nhận, nó thể hiện ở hai chữ Nhật này 過労死 – Karoushi, chết vì lao động quá sức**** và 自殺 – tự sát*****
Những giá trị như trung thành, chung thủy, tôn trọng trật tự, gộp lại ở hai chữ “trách nhiệm” ở xã hội nào cũng tồn tại, nhưng ở trong xã hội Nhật Bản, nó được đẩy lên một mức độ rất cao, nhiều khi đến nghiệt ngã làm thành một hình ảnh vừa khắc nghiệt, vừa đáng ngưỡng mộ.
Kent Ravenger
Chú thích:
*The Chrysanthemum and the Sword (1946), một nghiên cứu về văn hóa và con người Nhật Bản từ góc nhìn của một học giả phương tây, Ruth Benedict. Nghiên cứu này rất có ảnh hưởng đến cách nhìn của người Mỹ về đất nước và con người Nhật Bản thời kỳ hậu chiến, đặc biệt là trong thời gian Mỹ chiếm đóng Nhật Bản (1945 – 1952)
** Nhật Bản đại bại trong trận Midway, sau trận đánh này, người Nhật không còn khả năng chiến thắng Mỹ trên mặt trận Thái Bình Dương nữa.
*** Cách gọi có phần mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Nhật về chiến tranh Thái Bình Dương, một mặt trận của Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
****Ở Nhật Bản hàng năm có hàng trăm ca chết vì lao động quá sức và hàng nghìn ca phải nhập viện vì lý do trên
*****Tự sát là nguyên nhân tử vong cao nhất với nam giới ở đội tuổi lao động ở Nhật, lý do chủ yếu là không chịu nổi áp lực công việc, hoặc mất việc.
*****Tự sát là nguyên nhân tử vong cao nhất với nam giới ở đội tuổi lao động ở Nhật, lý do chủ yếu là không chịu nổi áp lực công việc, hoặc mất việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét