Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

“Vít đầu” thiên hạ viết châm ngôn




Nhầm với Khổng Tử, Trang Chu?
Đến đầu đình làng An Thọ (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) hỏi ông Tuế, ai cũng biết. Năm nay đã bước sang tuổi 86 nhưng trông ông vẫn tỉnh táo, chuyện trò rổn rảng. Nhất là khi nói về châm ngôn. Ông tự hào khoe là hậu duệ đời thứ 5 của thánh thơ Cao Bá Quát.
Ông khoe với tôi “kho báu” chữ nghĩa đầy tự hào của mình. Đó là những quyển sổ cũ mèm, quăn mép có tuổi đời hàng nửa thế kỷ. Trong đó, ghi lại chi chít những câu châm ngôn, bài thơ do chính tay ông viết từ những ngày đầu đến với nghiệp văn chương. Có những bài, những câu đã nhòe mờ vết thời gian nhưng ông vẫn đọc vanh vách và nhớ chi tiết hoàn cảnh sáng tác. Trong chồng tài liệu ấy, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều tờ lịch có in những câu châm ngôn rất hay, mà tác giả chính là… Cao Văn Tuế.


Văn Tuế sinh ra và lớn lên ở làng Sủi (xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) - vùng quê khốn khó nhưng nổi tiếng về khoa bảng. Nhà nghèo, lại đông anh em nên ông chỉ được học hết cấp một rồi phải ở nhà phụ giúp mẹ cha bươn bả kiếm sống, nuôi đàn em ăn học. Năm 15 tuổi, chàng trai trẻ họ Cao phải rời quê nhà lang bạt khắp băm sáu phố phường của đất Tràng An sinh nhai bằng nghề cắt tóc. Mới đó mà ông cũng đã gắn bó với cây kéo, tông- đơ được gần 70 năm.
Mặc dù không được học hành bài bản nhưng với đam mê văn chương và năng khiếu chữ nghĩa, ông Tuế là một trong những hội viên của Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khóa đầu tiên. Nhìn mấy ngón tay ghì sát ngòi bút, chữ nghĩa xù xì góc cạnh, thật khó tin ông lão nhăn nheo ấy đã có hơn 50 năm cầm bút và giành được nhiều giải thưởng văn chương.
Tuy không được học nhiều nhưng ông Tuế lại đọc rất nhiều sách, kể cả sách văn học nước ngoài. Ông có thể say sưa hàng tiếng đồng hồ để nói về Moliere, Tolstoy, rồi cả Macxim Gorki… Cho đến nay, “gia tài” của ông thợ cạo trên phố Thụy Khuê đã có tới hơn 4.000 câu châm ngôn, trong đó hơn 1.000 câu đã được đăng trên các báo Hà Nội mới, Quân đội nhân dân, Thanh Niên… Nhiều câu được tuyển chọn in sách, in lịch.
Ban ngày ông cắt tóc nhưng đêm đến ông làm thơ, viết truyện, viết châm ngôn. Có đêm, ông thức trắng, viết 32 câu châm ngôn, thì 31 câu được chọn đăng trên báo.
Những câu châm ngôn về cuộc sống mà ông viết ra vừa ngắn gọn, khúc chiết, dễ nhớ, lại nhân văn. Rất nhiều câu sâu sắc như: “Điều hay trước lọt tai, sau lọt trí, quý đến lọt tâm”, “Người ta khi già tất cả đều co lại, chỉ có cái miệng là rộng ra”, “Bố con đều khôn, khó bàn/Chủ khách đều khôn, khó nói”, “Đồng tiền khi trả phải êm ả như đồng tiền khi vay”, “Nói thật nhưng chớ nói hết”...
“Vít đầu” thiên hạ viết châm ngôn - ảnh 1
Thợ cạo nhà văn Cao Văn Tuế.
Những câu châm ngôn nhiều khi không nói đến ai nhưng ai đã từng đọc cũng phải ngẫm lại mình để soi chiếu. Có thể kể thêm như: “Cười bằng miệng thơm như hoa/ Cười bằng mắt ngon như quả”, “Yêu ai chớ nên yêu hết/ Ghét ai chớ ghét tới cùng”, “Trẻ học nói/ Già học nhịn”, “Con nhỏ thường làm ta không ngon giấc/ Con lớn thường làm ta giật mình”, “Để mất bạn gần/ Dần dần mất bạn xa”...
Ông Tuế không chỉ viết châm ngôn mà còn từng đạt giải Ba cuộc thi phóng sự điều tra của báo Quân đội nhân dân (1998) và một cuộc thi khác của báo Hà Nội Mới (1999). Ông cũng từng giật giải Nhì trong một cuộc thi sáng tác năm 2000. Đã xuất bản mấy Tuyển tập châm ngôn và tập truyện ngắn.
Ông Tuế tự hào kể: Năm 1998, các câu châm ngôn của ông đã được chọn in trên lịch của NXB Văn hoá – Thông tin. Trong đó, nhiều câu được đề danh là của Khổng Tử, Kinh Thánh… “Thấy tự hào lắm khi châm ngôn của mình được người ta sưu tầm đăng báo, in sách, in lịch. Nhiều khi người ta ghi nhầm là của Ngạn ngữ Anh, Kinh thánh, Khổng Tử, Trang Chu…  thì vẫn thấy vui” - Ông Tuế vuốt ve phẳng phiu tờ lịch đã úa màu có đăng câu châm ngôn “Chê người mà được thưởng là gặp Thánh/ Khen người mà bị phạt là gặp Thần”. Ông khẳng định câu này do ông sáng tác nhưng ở dưới lại đề là Khổng Tử.
Khi sáng tác châm ngôn, ông Tuế không chú trọng đi sâu vào những thứ quá cao siêu, khó hiểu hay dùng những từ ngữ phức tạp... Ông kế thừa được cách kể chuyện của dân gian bằng những câu thành ngữ, tục ngữ mộc mạc. Loanh quanh cuộc sống thường ngày, thế mà vào văn ông, chúng trở thành những triết lý rất đời.
Trong lời tựa giới thiệu sách Tâm Văn, do Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản năm 1995, nhà văn Hoàng Tiến đã phác họa mấy nét chân dung “Tác giả Cao Văn Tuế là một ông lão nhỏ bé nhưng trời lại cho ông đầu óc khái quát, sâu sắc, thâm trầm. Nó đúc kết cái lẽ đời đen bạc, đổi thay cái tình người ấm lạnh sớm chiều, bằng những câu nói ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc. Vừa có hơi khí cổ đại nhuần nhụy, xa xưa, pha trộn với cái hiện đại, sắc sảo thời thượng, tạo thành một lối nói riêng, khó ai bắt chước được”.
“Vít đầu” thiên hạ viết châm ngôn - ảnh 2
Ông Tuế và câu đối chữ Hán về Tướng quân Nguyễn Sơn.
Tổ trưởng dân phố “quản” dân bằng… châm ngôn
Cao Văn Tuế bảo, gia tài châm ngôn của mình được đúc kết từ thực tiễn 50 năm “vật lộn” với chức tổ trưởng tổ dân phố và gần cả cuộc đời hành nghề cắt tóc.
Là con rể của phường Bưởi, quận Tây Hồ-Hà Nội, được bà con tổ 29 tin yêu, mến trọng nên Cao Văn Tuế được bầu làm tổ trưởng dân phố với thời gian dài kỷ lục hiếm có. “Làm tổ trưởng tổ dân phố mới thấu hiểu nhân dân, thấu đáo được hoàn cảnh của từng gia đình. Từ đó cũng giúp mình có thêm vốn sống quí giá để viết văn”- ông Tuế chia sẻ.
Dân trong khu phố không lạ gì việc bác tổ trưởng Văn Tuế chuyên hòa giải, nhắc nhở nhẹ nhàng bằng… châm ngôn. Có chuyện, hai bố con nhà nọ cùng nghiện rượu, ông bèn viết “Bố dốc chai, con dốc lọ, nhà không đổ cũng bị xiêu”. Viết xong, ông gửi báo, báo đăng, ông mang về cầm sang tận nhà người ta và bảo: “Này nhé, tôi đến nhà anh thấy bố uống rượu, con dốc rượu thì tôi ghi vào đây rồi nhé!”. Ông bố thẹn quá gãi đầu gãi tai xin sửa đổi.
Hay lần khác, khi ông chứng kiến đứa trẻ 6 tuổi trong xóm bị cha mắng do cầm tiền không cẩn thận bị người ta giật mất. Gặng hỏi thì người cha cho biết, vì hết tiền lẻ nên cho con cầm 100.000 đồng ra ngoài đường tự đi mua xôi. Ông Tuế nghe xong đã xuất khẩu câu châm ngôn “Thường phê bình người hỏng việc, mấy ai phê người giao việc”, nhắc nhở người cha vì đã giao việc quá sức đứa trẻ.
Thấy ông Tuế viết văn hay, nhiều người khuyên bỏ nghề cắt tóc vất vả để tập trung văn chương nhưng ông chỉ cười khà khà: “Cái nghề này nó hay lắm! Ngày nào cũng được vít đầu vít cổ, xách tai, vặt râu, sờ cằm... vài chục người. Thế mà cấm ai cựa quậy, cứ ngoan ngoãn ngồi im cho mình mặc sức hành hạ. Hỏi có nghề nào được cái vinh hạnh ấy!”. 
Nghe lỏm thiên hạ, lên báo phương Tây
Suốt 70 năm gắn bó với cây kéo, nghề cắt tóc khiến ông chẳng đi được đâu, nhưng bù lại, ông hay được “nghe lỏm” chuyện thiên hạ. Khuôn mặt phúc hậu, hiền lành, cùng với cách nói chuyện đầy hiểu biết của ông thợ cắt tóc khiến khách nào đến cũng phải dốc ruột, dốc gan ra kể chuyện đời mình. Từ chuyện vặt vãnh trong gia đình đến quốc gia đại sự, từ chuyện đời cho đến chuyện nghề… Ông ghi chép, gom góp rồi đêm về lại đem những câu chuyện ấy mà viết thành văn, thành thơ.
Đối với ông Tuế, “Cắt tóc - Tổ trưởng dân phố - Viết văn” là bộ ba “xe- pháo- mã” giúp ông thỏa lòng đam mê trên con đường văn chương. Người ta gọi ông là “ngọc ẩn Hà thành”, lên cả báo của phương Tây. Thậm chí Tạp chí Vanhien.vn từng làm đề nghị Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietking) xét công nhận ông Cao Văn Tuế lập kỷ lục là người Việt Nam đầu tiên viết châm ngôn nhiều nhất. Nhưng ông Tuế bảo, điều mà ông mong muốn nhất là những câu châm ngôn của mình sẽ dần đi vào đời sống, được người dân ghi nhớ, lưu truyền.
Ông Tuế giãi bày, thời gian này, ông đang nghỉ cắt tóc để chuẩn bị phẫu thuật mắt thay tinh thể. Ông muốn có một đôi mắt sáng, để tiếp tục viết, tiếp tục “gieo vần ủ chữ, thấm đọng nhân gian”.

Không có nhận xét nào: