Cái vòng tuần hoàn thời gian cứ xoay chuyển hết năm Tý đến năm Ngọ, qua năm Mão về năm Dậu mà chẳng bao giờ ngừng. Năm nay lại đến năm Dậu rồi.
Lại nhớ ngày trước các cụ hay đọc từ Tam Tự Kinh.
Mã, Ngưu, Dương
Kê, Khuyển, Thỉ
Thử lúc súc
Nhân sở tự
Sáu loài súc vật con người nuôi là ngựa, bò (trâu), dê, gà, chó, lợn. Nghề nông là vậy, ngoài trồng cấy sáu loại ngũ cốc, người ta nuôi các súc vật trong nhà như một phần không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt, trong đó có con gà.
Mã, Ngưu, Dương
Kê, Khuyển, Thỉ
Thử lúc súc
Nhân sở tự
Sáu loài súc vật con người nuôi là ngựa, bò (trâu), dê, gà, chó, lợn. Nghề nông là vậy, ngoài trồng cấy sáu loại ngũ cốc, người ta nuôi các súc vật trong nhà như một phần không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt, trong đó có con gà.
Trước hết hãy nói về thờ cúng. Mâm cỗ, mâm giỗ bao giờ người Việt cũng có đĩa thịt gà luộc, còn khi thắp hương nhiều nhà để cả con gà luộc nguyên vẹn. Gà cúng thường làm gà sống hoa. Còn lễ tế, nhiều nơi ngày trước hay chọn gà sống màu lông trắng gọi là kim kê để cho linh thiêng.
Các cụ hay bảo con gà chủ tín vì suốt đêm trường người ta chỉ nghe tiếng gà gáy là biết đã hết một canh giờ cũ và bước sang canh giờ mới, nên người xưa gọi là gà gáy cầm canh.
Chuyện cũ có nói đến tiếng gà gáy. Trong một cuộc thi đắp thành giữa người Việt và người Chiêm Thành, hai bên thống nhất, bên nào đắp xong trước trời sáng, khi gà cất tiếng gáy thì bên đó sẽ thắng. Người Chiêm Thành lo đào đất, chuyển nhanh để đắp tường cao lên rất miệt mài. Người Việt thì vui nhảy múa, uống rượu, đánh cờ suốt đêm. Khi chợt nhớ đến cuộc thi, nhìn sang tường thành bên kia đã cao lên sắp xong, người Việt lo bị thua. Họ vội vã lấy các tấm phiên nứa dựng lên buộc vào cọc, lấy bùn trát ngoài cho giống đất đắp. Xong xuôi, họ giả làm tiếng gà gáy, thế là người Chiêm Thành chấp nhận thua cuộc!
Rồi truyền thuyết vua Hùng kén rể. Cứ tưởng đồ lễ gà chín cựa của Sơn Tinh chỉ là hư cấu, nhưng không phải. Đất Thanh Ba tỉnh Phú Thọ có giống gà này. Có điều, ngoài hai cựa mọc từ xương như các giống gà thường, trên ống quản còn hai, ba ngón mọc ra. Để có được con gà có đủ chín cựa cũng không phải là dễ, như thế tức là phải một bên có năm và một bên có bốn ngón và cựa.
Có anh bạn gần nhà, chuyên nuôi vần gà chọi. Anh kể được một “sư phụ” già từ thời Tây truyền cho thuật xem tướng gà và lối chọn đúc gà theo dòng. “Chó giống cha, gà giống mẹ”, đầu tiên là chọn gà mái, có con bố đá ăn giải lại đánh theo lối riêng, sau đó mới ghép với các con trống hay. Gà con ấp ra sẽ loại bỏ những con tầm tầm, chỉ giữ lại những con có tướng hay. Anh ta luyện cho gà theo các phép riêng, mỗi lần vần xong lại có rượu thuốc bóp. Nghe kể lại, ta cứ hình dung gà giống như các võ sỹ đánh nhau quyết liệt trên sàn đấu, trên ti-vi. Thời nhà Trần hay thời Lê – Trịnh các vị chức cao phẩm lớn cũng có thú chơi gà chọi. Bây giờ, gà đã vần sẵn, khách chỉ đến bê đi đá. Nghe nói có những con hay giá cũng lên đến vài chục triệu đồng.
Bây giờ ăn thịt gà công nghiệp hay các giống gà du nhập lạ nhiều, người ta lại thấy nhớ đến từng hương vị riêng của các giống gà truyền thống. Gà chọi, vần đá nhiều thịt rắn chắc, xào lăn với xả ớt ăn thơm và dai dai như thịt bò. Gà ri chân nhỏ, vàng chỉ nặng hơn một cân luộc chấm muối chanh tiêu có vị thơm ngon mềm không gì so sánh. Gà Đông Tảo nặng cỡ năm cân một con, thịt nhiều chặt miếng to ăn như ăn giò, nhưng đôi chân to bằng cổ tay đứa bé lên ba, luộc lên uống rượu là thú nhất, đây cũng thuộc giống để “tiến vua” thời trước. Gà chín cựa thì không có sẵn, nhưng khi ăn miếng thịt gà ngoài cái thơm ngon vốn có, ta cứ ngẫm nghĩ đến câu chuyện “chọn rể” mà cái thú tăng lên gấp bội… cứ nhẩn nha mà sưu tầm, thì cái ngon của các giống gà cũng còn phải kể dài.
Trong Lục Thập Hoa giáp thì có 5 năm gà, chữ Hán là Dậu: Ất Dậu hành Thủy, Đinh Dậu hành Hỏa, Kỷ Dậu hành Thổ, Tân Dậu hành Mộc và Quý Dậu hành Kim. Theo luật sinh – khắc của ngũ hành, đại thể những người nào mệnh Hỏa và Thổ bước sang năm Đinh Dậu sẽ gặp thuận lợi trong cuộc sống nói chung, còn người có mệnh Mộc cũng được. Đó đều là tương sinh.
Ngày mùng Một tết xuân Đinh Dậu là ngày Ất Mão. Theo quan niệm người xưa thì xuất hành ra khỏi nhà ngày đầu năm mới rất được xem trọng. Ngày này nếu xuất hành về hướng Tây Bắc thì sẽ có chuyện vui, mọi việc dễ dàng, đó là hướng của Hỷ Thần. Xuất hành theo hướng Đông Nam thì làm ăn kinh tế được thuận lợi, đó là hướng Tài Thần. Thực ra, cũng không có ông thần cụ thể mà đó là hướng vượng khí cho những việc đã định trước theo kinh nghiệm tập hợp lên.
Đầu xuân bạn hữu đến chúc Tết nhau, rảnh rang mời chén rượu xuân nhắm cùng vài miếng thịt gà thơm ngon, tưởng thế cũng là thú vị lắm chứ!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét