Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

“HÒA BÌNH HAY CHIẾN TRANH”(1) - Một bức tranh chân thực về Miền Nam Việt Nam từ sau Hội nghị Genève đến “phong trào Đồng khởi” (Phạm Đình Trọng)

 

           

Một buổi sớm sau Tết Tân Sửu (2021) tôi nhận được gói bưu phẩm của em Nguyễn Thu Hồng, học sinh khóa 7 Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Đó là 3 cuốn sách về phụ thân Thu Hồng –  Thượng tướng Trần Văn Trà:

1/ Cuốn sách ảnh Những khoảnh khắc lịch sử (nxb QĐND).

2/ Cuốn Thơ và những dòng Tưởng nhớ Thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ của nhiều tác giả (nxb QĐND)

3/ Tập hồi kí HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH (nxb Tổng hợp Tp HCM)

Trong bài viết này, tôi xin nói về cuốn hồi kí của đồng chí Thượng tướng.

 

            ***

“HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH” – đây quả là một câu hỏi lớn mang tính thời đại, có ý nghĩa sinh tử cho dân tộc Việt Nam sau hiệp nghị Genève 1954. Và nó vẫn còn là điều phân vân cho đến tận hôm nay của không ít nhà nghiên cứu cả trong nước và thế giới. Bằng ngòi bút chân thực, lập trường rõ ràng, hết sức tôn trọng sự thật khách quan như người viết sử, tác giả đã lần lượt theo thứ tự thời gian, nói về cuộc đụng đầu giữa Việt Nam – một nước đất không rộng người không đông, kinh tế kém phát triển, với đế quốc Mỹ - một quốc gia tư bản hùng mạnh nhất thế giới, từ sau Hiệp nghị Genève ( 1954 ) đến ngày Đồng khởi ( 1960 ). Để có một bức tranh toàn cảnh, trung thực, tác giả đã huy động triệt để nhưng có chọn lọc vốn sống nơi đầu sóng ngọn gió của chính bản thân, những suy nghĩ sâu sắc và tầm cỡ cùng nguồn tài liệu từ nhiều phía (trong đó có tài liệu của đối phương đã được Nhà nước Việt Nam công khai hóa và được kiểm chứng). Sau những nhận xét khái quát mỗi chặng đường, mỗi sự kiện là một loạt bằng chứng sinh động, đa chiều, giầu sức thuyết phục.

Sách gồm phần mở đầu và 5 chương, tổng cộng là 185 trang in.

Chương I, II và III, theo tôi là các chương khó viết nhất và cũng là những chương mang lại sự hứng thú bởi tác giả đã giải đáp khá rành rẽ và thành công các câu hỏi hắc búa sau:

-         Vì sao năm 1954 ta lại kí Hiệp đinh Genève trong lúc chiến trường đang thắng như chẻ tre?

-         Ta có thực tâm muốn thi hành Hiệp đinh Genève không và vì sao?

-         Trong lúc nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Genève, có đúng là ta vẫn  chuẩn bị cho cuộc chiến mới (không thể tránh) bằng nhiều cách, kể cả cài lại một số cán bộ tầm chiến lược và một số đơn vị vũ trang trong vùng sâu, vùng xa? Với vấn đề này, tác giả nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và sòng phẳng, thẳng thắn chỉ ra nhược điểm “chậm trong chỉ đạo” gây nên những tổn thất nhất định và sự bức xúc trong cán bộ, nhân dân.

 

*

*                      *

Mở đầu là phần nói về bối cảnh lịch sử với tiêu đề: “Vì có lửa nên có khói”.

Nên hiểu câu này thế nào?

Dung lượng phần mở đầu không lớn – vẻn vẹn có 20 trang (từ trang 19 đến trang 40), nhưng rất quan trọng bởi nó chỉ rõ việc Mỹ thay Pháp, áp đặt sự thống trị lên đầu lên cổ nhân dân Việt Nam chính là gốc rễ, là nguyên nhân của mọi tại họa sau này. Những bằng chứng tác giả viện dẫn trong lời mở đầu hầu hết là tài liệu mật cấp chiến lược của đối phương. Những tài liệu ấy thể hiện nhất quán âm mưu của đế quốc Mỹ với Việt Nam từ trước 1954 cho đến ngày Mỹ cút, ngụy nhào.

Từ đó, theo tôi, nên hiểu tiêu đề “Vì có lửa nên có khói” theo hai cách (mà chung qui cũng là một):

·        Vì Mỹ mang “lửa” đến Việt Nam nên “khói” chiến tranh ngày càng bốc cao, mang lại bao tang tóc đau thương trên mảnh đất này!

·        Vì Mỹ gây chiến tranh phi nghĩa nên dân tộc Việt Nam phải làm cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc!

Làm sáng tỏ những điều vừa đề cập là cực kì quan trọng bởi nó bác bỏ những giả định hão huyền “giá mà”, “nếu như’, v.v…Nó cũng có tính thời sự nóng hổi ngay “thì hiện tại”. Cũng như vị Nữ tướng Việt Nam Nguyễn Thị Định đã khảng định trong “Không còn đường nào khác”(2), Thượng tướng Trần Văn Trà góp thêm tiếng nói chính trực, đầy sức thuyết phục về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Sau phần mở đầu ngắn gọn là các chương đầy máu và nước mắt thời kì đầu của cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước. Tác giả đã rất công phu khi trả lời các vấn đề chủ yếu sau đây:

-         Tình hinh rối ren ở miền Nam sau Hiệp định Genève và hành trình chinh phạt các giáo phái, tiến tới độc tôn quyền lực của Ngô Đình Diệm.

-         Ta thực tâm muốn thi hành hiệp định Genève 1954 còn Mỹ-Diệm thì không.

-         Trong chừng mưc có thể, ta đã chuẩn bị cho tình huống xấu là Mỹ - Diệm xé bỏ Hiệp định Genève.

Thượng tướng Trần Văn Trà là một trong những cán bộ cao cấp có vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng đường lối thống nhất đất nước sau năm 1954 và cũng là một trong số cán bộ chủ chốt trực tiếp thực hiện chủ trương đường lối chống Mỹ cứu nước của Đảng. Ông được Trung ương chọn làm Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (B2) cho đến khi giải phóng Sài Gòn. Đứng trên tầm vĩ mô, ông có cái nhìn bao quát toàn cục; đứng ở tầm thừa hành trực tiếp, ông nắm chắc thực tiễn sống động và phong phú của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam! Dù là đứng ở trung tâm sự biến động khắc nghiệt của chiến tranh, tác gỉa không lấy ý muốn chủ quan thay khách quan, ít dùng độc thoại thay tường trình ngoại cảnh. Ông cố gắng dẫn ra ý kiến của các chiến hữu đã một thời cùng mình nếm mật nằm gai, của những người lính, người dân bình thường, và đặc biệt chú trọng trích dẫn lời thú nhận của kẻ chiến bại.

Lâu nay ta hay nghe: Có một giai đoạn ở miền Nam diễn ra “chiến tranh một phía” – nghĩa là Mỹ Diệm mặc sức đàn áp cách mạng, chiếc máy chém cứ theo “luật 10/ 59” mà thi hành, Vi-xi(3) bị trói chân tay-chịu chết một cách tức tưởi. Đọc kỹ “HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH”, ta thấy sự thật quả không đơn giản, một chiều.

Hồi kí lịch sử phải tôn trọng sự thật – đó là một nguyên tắc – tuyệt đối không được chủ quan, võ đoán. Để tránh chủ quan, áp đặt, trong “HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH”, với những thực tế bằng xương bằng thịt, tác giả có đề cập tới tình huống đáng buồn “chiến tranh một phía” nhưng đồng thời nói rõ ràng rằng: Trung ương  có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Tác giả thừa nhận phong trào “Đồng khởi” có chậm nhưng ta đã chuẩn bị lực lượng, nhất là vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến. Sau Genève, không ít nước trên thế giới luôn xét nét xem ta có tôn trọng Hiệp định đình chiến không. Chỉ cần bất cẩn một chút là dễ bị qui kết là vi phạm điều đã thỏa thuận. Là người trực tiếp chỉ huy chiến trường trọng điểm suốt những năm ác liệt nhất, Thượng tướng Trần Văn Trà hiểu rất rõ ta và địch. Thậm chí ông biết khá kĩ những điều lẩn sâu trong hiện thực mà những kẻ cơ hội có thể lợi dụng. Vì thế trong Chương II (Hai năm đấu tranh thực hiện hòa bình và dân chủ) và Chương III (Cây muốn lặng, gió chẳng đừng), ta thấy ngòi bút tác giả rất thận trọng, kĩ càng khi dẫn chứng và phân tích dẫn chứng. Ông muốn đi tới tận cùng của sự thật lịch sử, làm rõ bản chất của sự việc.

 

*** 

Đọc “HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH” , cùng với sự hưng phấn do những dòng văn giản dị mà chân thực mang lại, trong tôi còn một sự xúc động khác bởi những đoản khúc trữ tình ngoài lề. Ấy là những lời tâm huyết dặn dò thế hệ tương lai từ sự thật lịch sử; ấy là những nhận xét sắc sảo, những lời nhắc nhở chân thành rút tỉa từ thực tiễn cuộc sống muôn mầu mà tác giả từng nếm trải. Những “ tự tình  khúc-trần tình văn” như thế thường ngắn gọn, không dễ viết ra (vì coi chừng bị suy diễn, qui chụp là ám chỉ, là mắng xéo … ), mà nội hàm thật lớn và giá trị giáo dục nhân cách rất sâu.

*

*                      *

Cách đây chừng 20 năm, tôi đã đoc Tập cuối bộ Hồi ký của Thượng tướng Trần Văn Trà mang tựa đề “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”, lần này được đọc Tập I “HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH”.  2 tác phẩm của Thượng tướng vẫn cùng một nếp của “thế hệ vàng”, nặng về cái chung-chúng ta, “cách mạng”, ít có cái “tôi” riêng tư, đặc trưng. Tôi cảm nhận rằng đời riêng của ông Trần Văn Trà luôn gắn bó, hòa quyện với hoàn cảnh chung của toàn dân tộc, có rất nhiều chuyện lạ và hay, không chỉ tăng phần hấp dẫn mà còn có giá trị giáo dục tính “chân-thiện-mỹ”. Xin độc giả suy ngẫm ý tứ từ hai câu thơ của ông: “Trăng xưa hạc cũ “, dòng sông lặng/ Mây nước yên bình, thiên mã thăng”. Và ta chợt giật mình bởi những câu thơ sau đây của Thượng tướng phu nhân:

Xuân thu êm ả dòng sông lặng

Vút tận trời mây thiên mã bay,

Chẳng hay còn có tâm nhìn lại

 Một mảnh tình riêng ngập đắng cay!(4).

Và:

Năm mươi ngày thoát ải gian truân

Ai thắp cho ai một thẻ trầm!(5).

 Trong thư gửi tôi, Thu Hồng hứa khi nào in các tập còn lại sẽ tặng thày giáo cũ. Hi vọng sớm có trong tay các tập II, III và IV của vị Tướng trận mạc. /.

                                                            Tp HCM, Ngày 5-4-2021

                                                                        P. Đ. T

                                                                                                                                                           

(1) Hồi kí của Thượng tướng Trần Văn Trà, nxb Tổng hợp Tp HCM.

(2) nxb Phụ nữ, năm 1968.

(3) VC: Việt cộng.

(4): “Khóc anh 42 ngày mất”. Trang 56, sách “Thương nhớ Thượng tướng Trần Văn Trà”, nxb QĐND

(5) “Khóc anh 50 ngày mất”. Trang 57, sách đã dẫn.

 

 

 

 

 

20210406_174153.jpg
20210406_174108.jpg
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


20210406_174614.jpg

 

Không có nhận xét nào: