Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Trao đổi: Suy nghĩ theo Đạo Phật thế nào cho đúng?

Anh Nguyễn Viết Tiến sáng nay có tâm sự: Hôm nọ có một người quen kể lại chuyện thương tâm của một người bạn: con anh ta bị chết. Vì yếu con nên anh tin rằng con họ đã về Tây Phương cực lạc , rồi anh ta bỏ việc , suốt ngày đi chùa lễ Phật để mai kia Phật cho họ về Tây Phương với con , thật là khổ nhưng cũng thật si mê. Dân chúng bây giờ cũng rất si mê , hôm 14-15/1 âm lịch vừa rồi ở chùa Phúc Khánh (Ngã Tư Sở ) hàng ngàn người dân đội mưa , đứng ở ngoài đường dài hàng mấy trăm mét để lế Phật.
Không biết làm sao cho chúng sinh hiểu được Đạo Phật?

     ĐÔI LỜI CÙNG CÁC VỊ GỌI LÀ “PHẬT TỬ”

Dân chúng hiện nay thi nhau đi chùa lễ Phật , nhất là khi Nhà nước những năm gần đây cũng ra sức chấn hưng Đạo Phật xây dựng nhiều chùa to , đền lớn . Những người đi lễ thì mong mỏi “cầu gì được nấy” cho nên họ dâng lễ to , lễ lớn nhưng họ có biết rằng : “Phật không cho ai cái gì , Phật cũng không lấy của ai cái gì” .



Một số vị sư ở trong một số chùa cũng lợi dụng sự “si” này của chúng sinh mà làm những việc lập đàn , cúng tế cho người chết , cầu tài , cầu lộc , giải tội cho tội phạm , không đúng với bản chất của nhà Phật . Chúng sinh thì càng ngày càng si mê . Vậy , chúng sinh không cạo đầu trọc , không mặc áo nâu , không vào chùa thì tu thế nào ? Xin các vị nhớ rằng cổ nhân từ ngày xưa , chắc không có trình độ khoa học bằng các vị bây giờ nhưng đã dạy chúng sinh rằng : “Thứ nhất là tu tại gia , thứ nhì tu chợ , thứ ba tu chùa” .

I-/ TU THEO ĐẠO PHẬT THẾ NÀO CHO ĐÚNG

Để tu được theo Đạo Phật , mọi người cần biết ( nói là “biết” vì để hiểu được cho thấu đáo những điều này chắc không nhanh và không dễ ) mấy điều căn bản sau . Những điều đó là :
1-    Phật độ sinh , Phật không độ tử .
2-    Đã tu theo Phật thì phải diệt trừ “tam độc” trong chính mình . Tam độc Là : Tham ; Sân ; Si .
3-    “Luật Luân hồi” và “Luật Nhân quả” là hai luật hướng dẫn và chi phối mọi hành động của Phật tử .
Nói như trên , thì một số khá nhiều người hiện nay tự xưng là Phật tử (Không biết đã quy y thật sự chưa ? ) làm những việc có thể nói là trái đạo . Xin xem bài viết dưới đây sẽ rõ :     ( Bài này đã gửi cho một tờ báo chính thống )

“HÃY BẢO VỆ SỰ TÔN NGHIÊM CỦA CỬA PHẬT

Hiện nay ở một số địa phương , đặc biệt là ở các thành phố lớn và những khu dân cư kinh tế phát triển , có một số người dân đã làm một việc gọi là : “đưa cha ( mẹ ) lên chùa”  nghĩa là sau khi cha mẹ của họ chết , họ tới một chùa nào đó có “dịch vụ” này , sắm lễ , nộp một khoản “phí dịch vụ” khoảng vài ,ba triệu đồng cho nhà chùa , thì được nhà chùa cho để ảnh của người đã chết cùng với  một bát hương ở một ban thờ nào đó trong chùa .
Việc làm này được một số người tán thưởng , cho rằng : những người làm như thế là những người hiếu đễ với cha , mẹ ; lo cho cha mẹ được vào nơi cửa Phật – như là lên cõi Niết Bàn .
Mới nghe ai cũng tưởng hay ! Nhưng sự thật đây là một việc làm sai trái cần phải chấm dứt .
Không cần phải lý luận dài dòng , chỉ xin nêu ra đây hai dẫn chứng để mọi người biết rằng từ hàng ngàn năm trước đây , ngay cả những thời Phật giáo thịnh hành nhất ( là Quốc giáo ) không một ai dám làm như vậy .
Một là : Từ đời vua cổ nhất mà chúng ta biét là Vua Hùng thứ 18 đến các triều đại sau này Vua Đinh , Vua Lê , Vua Lý , Vua Trần ..v..v..Nhân dân muốn tôn vinh thờ phụng các vị quân vương hoặc anh hùng đều phải lập đền thờ riêng ,không một thời nào dám đưa các vị vào chùa thờ cùng với Phật .
Hai là : Cũng từ những thuở xa xưa ấy , từ chùa to đến chùa nhỏ , từ chùa cổ đến chùa mới dựng , nếu có các vị Đại đức hay Hoà thượng nào viên tịch thì nhà chùa đều phải xây một nhà ngang phía dưới , thường gọi là “Nhà Tổ” để thờ phụng , không ai dám đem ảnh , tượng bát hương lên chùa thờ cùng với Phật .
Hơn thế nữa , xin nói với các các chư vị thập phương rằng : CHÙA TUYỆT ĐỐI KHÔNG PHẢI LÀ NGHĨA TRANG .
Những ai đã làm hoặc chuẩn bị làm hãy xem lại mình làm thế là tốt cho người đã khuất hay là trái đạo .
Bảo vệ sự trong sạch , tôn nghiêm của cửa Phật là bảo vệ truyền thống đạo lý ,văn hoá của dân tộc ; bảo vệ các di tích lịch sử - văn hoá quý báu của Quốc gia .”

                                           ( Hết bài viết )

Khi chúng sinh nguyện theo Phật có nghĩa là tuân theo “ngũ giới” trong điều kiện cụ thể của mình với một sự THÀNH TÂM chân tín nhất . “Phật tại TÂM” . Chúng sinh theo Phật phải tự mình , tận trong sâu thẳm của tâm trí mình loại trừ “tam độc” ( Tham , Sân , Si ) vì chỉ có mình mới có thể biết được mình tham đến mức nào , sân đến mức nào và si đến mức nào . Mọi người lên chùa lễ Phật lầm rầm khấn vái ai biết được họ nói gì , cầu gì ? Mâm cao cỗ đầy làm gì ? Vì Phật có lấy của ai cái gì đâu ! Họ xin khỏe mạnh , sống lâu ; xin làm ăn phát tài phát lộc ; xin con cái học giỏi thi đỗ !!! Phật không cho ai cái gì , vậy thì làm sao cho họ những thứ họ xin được ? Tất cả những hiện tượng trên chỉ chứng tỏ một điều : HỌ ĐI LỄ CHÙA LÀ DO LÒNG THAM : Tham sống , tham tiền tài lợi lộc , tham danh vọng cho mình và cho con cái . Hơn thế nữa , phần lớn chúng sinh khi thấy mình có tội , có lỗi với đồng loại ; khi thấy mình đã vơ vét một cách không chính đáng của đồng loại được quá nhiều tiền , khi thấy bản thân và gia đình mình gặp nhiều tai nạn , rủi ro thì họ mới vội vàng thi nhau đi chùa lễ Phật , thi nhau bỏ hàng đống tiền ra để xây chùa , bỏ tiền ra làm từ thiện , góp công đức để gỡ tội , chạy tội cầu an . Còn khi họ đang “ăn nên làm ra” thì họ có biết đến cửa chùa là gì đâu !!Vậy thì họ đi lễ thế là SÁI rồi ! Họ đã PHẠM TAM ĐỘC rồi , vào chùa với một lòng tham , với mâm cao cỗ đầy để dọa thiên hạ thì Phật nào chứng cho , Phật nào phù hộ cho họ . Họ phải hiểu rằng : ĐI LỄ CHÙA LÀ ĐỂ HỌC ĐẠO PHẬT , NOI THEO PHẬT ĐỂ TU TÂM DƯỠNG TÍNH , ĐỂ CÙNG TĂNG CHÚNG PHÁT TRIỂN ĐẠO PHẬT . Việc “cúng dường” cho nhà chùa chỉ nhằm giúp đỡ các vị tăng chúng xuất gia có chút lộc để duy trì cuộc sống , duy trì chùa chiền , nơi tụ tập của phật tử theo đạo Phật mà thôi . Chùa to , chùa đẹp , tượng nhiều chỉ để chứng tỏ rằng chúng sinh đang dốc công , dốc sức theo Phật để tu , không phải là việc để cho những người có tội to , lỗi lớn với mọi người đóng góp nhiều tiền của để mong Đức Phật xá tội cho , hoặc là dùng tiền của để mua công đức cho bản thân và gia đình mong chết đi không bị đọa xuống địa ngục . Họ lại không biết rằng Phật không độ tử . Theo một số luận thuyết tâm linh thì Thế Giới Người Chết do Diêm Vương cai quản ( Phật không quản ) , dù là bất kỳ ai , từ Hoàng đế đến Thảo dân khi xuống đó đều phải qua 7 cửa ngục để “điều tra xét hỏi” ( chính vì thế nên nhân gian mới có tục cúng “thất tuần” 7x7 = 49 ngày cho người chết – vậy thì cúng 35 ngày là “chạy tội” ? ) , sau khi qua 7 cửa xét hỏi Diêm Vương mới luận công tội dể phân loại : kẻ lên thượng giới , kẻ được đi làm kiếp người khác , kẻ đi làm kiếp sâu bọ động vật (theo luật luân hồi ) , kể không được luân hồi ; kẻ bị đầy xuống địa ngục . Như vậy tiền không thể mua được công đức mà công đức chỉ có thể là những việc làm tốt đẹp đóng góp cho nhân gian mà thôi . Mong các “chư vị Phật tử” đang muốn noi theo Phật hãy xem lại mình đã thật TÂM tu chưa ? Tu đã đúng chưa ?

II-/ NIẾT BÀN Ở ĐÂU ? ĐỊA NGỤC Ở ĐÂU ?
LUÂN HỒI – NHÂN QUẢ - SỐ MỆNH .

Phật nói : “ Niết Bàn ở ngay nơi chúng sinh , Địa ngục cũng ở ngay nơi chúng sinh
Đúng vậy , khi ta đang đói bỗng được một bát cơm , giây phút đó ta đã được tới Niết Bàn rồi . Khi ta đang khát , bỗng được một vại bia ngon , đó cũng là Niết Bàn . Khi ta đang bị mưa gió rét mướt không có mái nhà che thân , lại được vào một mái lều ấm cúng , đó cũng là Niết Bàn . Điạ Ngục ở đâu ? Địa Ngục ở ngay nơi có những chính sách , chế độ như Pôn pốt hay trong phạm vi nhỏ hẹp hơn Địa ngục ở ngay trong những gia đình có kẻ cướp bóc ( nên hiểu “cướp bóc” theo nghĩa rộng ) giết người , có kẻ nghiện ngập sẵn sàng giết cả người thân để lấy tiền hút hít thỏa mãn cơn nghiền , Địa ngục ở ngay nơi những gia đình mà vợ chồng cãi cọ , chửi bới , đánh đập nhau hàng ngày . Vậy thì chúng sinh , Phật tử đi tìm Niết Bàn hay Tây Phương cực lạc nơi đâu ? Hãy tu tạo nên Niết Bàn ngay chính nơi nhà mình trong khi chưa tạo nên được Niết Bàn cho người khác , chưa tạo được Niết Bàn cho chúng sinh .
Lại nói đến “Niết Bàn” và “Tây Phương cực lạc” , nhiều người mong muốn đến mức si mê rằng : Khi chết đi họ và những người thân của họ phải được lên cõi Niết Bàn hoặc Tây Phương cực lạc để được sung sướng ( có lẽ vì trần gian quá vất vả ) , vì lòng tham đó họ không từ một việc gì : từ nghe theo những người bói toán đến mê muội để cho những người giữ chức phận trong các đền chùa làm đủ mọi phép thuật , cúng lễ hòng mong thỏa được lòng tham của mình tốn phí bao nhiêu tiền của song họ lại tưởng rằng như thế là họ “có tâm” với Phật  . Họ quên mất rằng khi họ đã theo Đạo Phật là họ đã chấp nhận cuộc sống của họ bị chi phối bởi hai luật : Luật Nhân quả và Luật Luân hồi .
Con người họ hiện tại đã là “cái quả” của “tiền kiếp nào đó” của chính họ rồi , kiếp này họ có “quả”sướng hay khổ một phần cũng là do “nhân”công hay tội mà họ trồng từ kiếp trước của họ . Kiếp này họ trồng “nhân” gì có thể họ được gặt ngay “quả” đó nhưng cũng có thể họ chưa bị báo ứng ngay , họ vẫn “ăn nên làm ra” do đó họ không sợ gì hết , chỉ đến khi thấy “quả”tai ương tới họ mới lại đi chùa lễ Phật . Nếu con người biết được mình có kiếp sau chắc Thế gian này bớt đi được nhiều việc xấu ! Kinh Phật có viết “Bồ Tát sợ Nhân , chúng sinh sợ Quả” , những người nào vì sợ “quả” tai ương ở kiếp này hoặc kiếp sau mà không dám làm điều xấu đã là Bồ Tát rồi . Bên cạnh sự chi phối của Luật Nhân Quả , theo một số Luận thuyết tâm linh , con người ta còn có Số Phận – nó là “Quả Tổng Hợp” – Không những phụ thuộc vào “Nhân Quả” tiền kiếp của chính người đó mà còn phụ thuộc vào “Nhân Quả” những người thân nội tộc của họ ( chí ít là bốn đời trở lại – tức là đời cụ nội của mỗi người – Cụ Tứ đại - ) . Biết Số Phận để mỗi người tu nhân , tích đức nhằm phát huy cái tốt , làm giảm bớt cái xấu trong cuộc sống của chính mình là điều mà mọi người nên theo . “Nhân Quả + Số Phận” mới dẫn đến điểm cuối là Luật Luân Hồi “đi đâu , về đâu” qua sự phán xét của Diêm Vương . Vậy thì , một số vị chúng tăng tại gia hoặc thậm chí chúng tăng đầu trọc , áo nâu tụng kinh gõ mõ cho người chết nhằm thỏa mãn mong muốn của người chết và gia quyến của họ , liệu có thể đưa một người có tội lỗi từ Địa ngục lên Tây phương cực lạc được không ? Trong khi nguyên tắc nhà Phật là “Phật không độ tử” ? Hay đấy chỉ là sự bày đặt kiếm tiền ? Sự quyết định “đi đâu , về đâu” của Diêm Vương cho một kiếp chúng sinh có ai ở trần gian này biết được không ? Vậy thì việc “đưa cha , mẹ lên chùa” hoặc “cầu cho mình sau này được về Tây Phương cực lạc” lại càng sai trái và vô lý so với bản chất của Đạo Phật.
Muốn “đi đâu , về đâu” , muốn thoát khỏi tội lỗi , không ai làm thay được mỗi con người – Chính họ gieo gì , họ sẽ gặt nấy – ít ra là ở gầm trời này .

III-/ “THỨ NHẤT LÀ TU TẠI GIA , THỨ NHÌ TU CHỢ , THỨ BA TU CHÙA”

Cổ nhân xưa đã dạy chúng ta như vậy , tại sao có câu răn dậy này ? Câu răn dậy này đặt việc tu theo độ khó của nó .
1-/ Thứ nhất là tu tại gia .
Tu tại gia rất khó . Người tu tại gia phải cùng một lúc hoàn thành nhiều nghĩa vụ , trách nhiệm của một con người :
-         Hoàn thành mọi nghĩa vụ , trách nhiệm trong gia đình : đạo làm con , nghĩa vợ chồng , trách nhiệm làm cha mẹ .
-         Hoàn thành mọi nghĩa vụ , trách nhiệm của một công dân : làm việc có ích cho xã hội , dù cho đó là những công việc nhỏ mọn nhất .
-         Sinh con , đẻ cái để duy trì và phát triển dòng giống và xã hội .
Người tu tại gia phải hoàn thành những việc trên nhưng vẫn phải tuân theo “ngũ giới” thế mới là khó nhất .

2-/ Thứ nhì tu chợ .
Thật ra đây vẫn là việc của người tu tại gia . Ai sống trên đời này mà chẳng phải làm gì đó để kiếm sống . Chữ “chợ” ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng , không chỉ để áp dụng cho những người buôn bán mà là để áp dụng cho những người làm mọi công việc từ công chức , người lao động , người buôn thúng bán mẹt đến cả các doanh nhân hoặc “đại gia” . Tổng quát là những người kiếm tiền bằng mọi việc .
Sự tu của những người này khó , làm sao vẫn có lãi , có tiền mang về nuôi sống gia đình , phát triển công việc làm ăn mà vẫn giữ được “ngũ giới” vẫn giữ được Đạo .
Cái cần của những người này là : Không lừa dối ( làm hàng giả , hàng nhái , sai quy cách , sai chất lượng…), không ăn cướp ( cướp khách , cướp hợp đồng , cướp thị phần , cạnh tranh không lành mạnh …), không ăn trộm ( ăn trộm công nghệ , ăn trộm thiết kế …) , không lười biếng , không đặt bẫy hại đồng nghiệp , không mua quan bán chức ,….Ai chả muốn có nhiều tiền , ai chả muốn có quyền cao chức trọng nhưng xin mọi người hãy nhớ đến “Số Phận” mà một số thuyết tâm linh đã đề cập . Cũng giống như những sản phẩm của một người thợ làm đồ gốm . Cùng một đống đất , cục đất này được nặn thành cái đĩa , cục đất kia được nặn thành cái bát to ( đến khi thành sản phẩm cái đĩa có được đổ đầy nước cũng chẳng bằng 1 phần mười lượng nước của cái bát – cũng như chúng ta đều là người sao lại có kẻ giầu , người nghèo – kẻ giầu là cái bát , người nghèo là cái đĩa ) . Cùng một đống đất , cục đất này nặn thành pho tượng , cục đất kia nặn thành cái hũ đựng nước thải ( Pho tượng thì được nâng niu , quý trọng ; con cái hũ đựng nước thải thì suốt ngày hôi thối , bị quẳng ra một xó nhà – cũng như chúng ta có người được làm những công việc cao quý , lại có những người phải làm những công việc nhọc nhằn , bẩn thỉu ) .
Tất cả lại phải hỏi “Nhân Quả - Số Phận – Luân Hồi” .

3-/ Tu chùa .

Hình thức tu chùa này đối với những vị chúng tăng bình thường ( không kể những vị chư tăng cao đạo , đạt tới mức thành quả chân tu ) thì còn dễ hơn những chúng tăng tu tại gia . Tại sao vậy ?
Trước hết phải nói là những vị chúng tăng ở chùa hầu như họ không phải quá lo nghĩ về việc mưu sinh cho bản thân họ vì từ ngày xưa , kể cả thời thực dân, phong kiến các nhà chùa bao giờ cũng được cấp ruộng gọi là “tự điền” (ruộng chùa ) để các nhà sư tự trồng cấy lấy lương ăn  , đồng thời chúng tăng thập phương lên chùa lễ Phật đều có thanh bông oản quả , tiền của đóng góp trước là dâng lên lễ Phật sau để nhà chùa dưỡng thực , đèn nhang , tu sửa chùa miếu . Các chư tăng đầu trọc , áo nâu đi tu tại chùa chỉ còn một việc là chuyên tâm học Đạo Phật , giúp đỡ chúng sinh giác ngộ theo Đạo Phật , trông nom , xây dựng chùa miếu ngày càng khang trang đẹp đẽ .
Tuy nhiên nếu xét về phương diện một con người thì những người đi tu ở mức độ bình thường ( ở đây chưa đề cập tới nguyên nhân vào chùa cắt tóc đi tu ) lại có nhiều thiếu sót mà cổ nhân xưa cũng đã có câu : “ Trốn việc quan đi ở chùa” .Thật sự , không chỉ “trốn việc quan” mà họ trốn luôn cả “việc nhà” : bỏ cha mẹ ở nhà không đỡ đần , không chăm nom lúc ốm đau , không chăm sóc lúc cha mẹ về già không lo toan nhiều công việc khác ở gia đình ! Họ còn mắc tội “đại bất hiếu” , vì trong các tội bất hiếu thì tội không lấy vợ , không sinh con đẻ cái là tội đại bất hiếu . Nhưng nếu những người đó có TÂM , muốn “dứt đường tơ” trần gian , đi tu để “tự giác , giác tha” mong muốn đem tư tưởng hướng thiện của nhà Phật truyền bá làm cho nhân gian này bớt cái ác , tăng thiện , nhân hòa , thịnh vượng , thì những thiếu sót trên âu cũng là một sự hy sinh của họ .
Thiên hạ hiện nay hay dùng những mỹ tự như : “nương cửa Phật” để lý giải cho việc “đưa cha mẹ lên chùa” ; cho việc đi chùa lễ Phật bỏ cả việc nhà , nghe theo một số người lợi dụng sự si mê của chúng tăng , bỏ cả thờ phụng ông bà tổ tiên thật là sai  trái . Đi chùa lễ Phật là để nghe giảng kinh kệ , để học giáo lý nhà Phật ( ở Việt nam số chùa làm được việc này còn ít ) việc học Đạo Phật ở đây không phải là cùng nhau tụng những bài kinh tiếng Phạn được phiên âm sai , mà cả người truyền lẫn người học ê a đọc theo đều không hiểu nghĩa ( ví dụ có một lần tôi hỏi một vị đang đọc làu làu : “Thị cố không trung vô sắc , vô thọ , tưởng hành thức , vô nhãn , nhĩ , tỹ , thiệt thân ý , vô sắc thanh hương vị , xúc pháp ; vô nhãn giới , nãi chí vô ý thức giới …”.Rồi sau đó là :             “Đa tha dà đa dạ , Đa điệt dạ tha
A di rị đô bà tỳ ,
A di rị đa tất đam bà tỳ
A di rị đa tỳ ca lan đế
A di rị đa tỳ ca lan đa
…”
“ Bác có hiểu những câu bác vừa đọc không ?”
Vị ấy trả lời :“ Không , tôi chỉ biết đấy là tụng kinh thôi”
Họ nghĩ theo Phật là tụng kinh như vậy và chắc chắn sẽ được Phật độ !!!

Các vị chư tăng tại gia ! Đôi lời giãi bày trao đổi cùng quý vị để chúng ta cùng rời bỏ “lối mê” tìm về với chân linh , chính giác của Đạo Phật – Phật là GIÁC NGỘ .

                                                                                     Nguyễn-Viết-Tiến
                                                                           F506B , D3, Phố Lương đình Của ,
                                                                           Phương mai , Đống đa , Hà nội .
                                                                           Tel : 0989130827 .

6 nhận xét:

Tualinh nói...

Một chuyên đề hay.

Nặc danh nói...

Cảm ơn bác Tiến "gù"!
KQ

tranbachai nói...

Tôi chưa được biết bác Tiến này. Mặc dù bác không may, bị trùng tên với một thằng mọt dân nổi tiếng, nhưng bài viết của bác quá hay. Bài viết mở cho tôi những ý rất mới về những gì chúng ta có thể cảm thấy đã quá quen thuộc.

Theo thiển ý của tôi thì Phật pháp vô biên bao trùm nhân gian, nơi mà cá nhân mỗi chúng ta chỉ là hạt bụi thoáng đến rồi đi. Vì là vô biên, không phải là một mớ lý thuyết cứng nhắc, bất biến và hạn hẹp, cho nên Phật giáo trường tồn.
Và Phật giáo là tôn giáo có tính duy nhất trong số các tôn giáo lớn (ảnh hưởng mọi châu lục như đạo Thiên Chúa, đạo Hồi...) có lòng vị tha, sẵn lòng chấp nhận sự khác biệt, chưa bao giờ phát động thánh chiến chống lại tôn giáo khác.
Vì tính vị tha ấy mà trong lòng đa số người dân Việt chất phác, Phật giáo đã hòa đồng với đạo Ông Bà, nhiều khi bị lẫn với đạo Tiên và đạo Khổng.

Việc gửi tro cốt vào cửa Phật, theo tôi là một nhu cầu thực tế của xã hội hiện đại. Cá nhân tôi nghĩ rằng các bậc cao tăng khi chấp nhận việc này là đã hiểu được ý Phật nằm sâu bên dưới những dòng kinh mà kẻ thường như chúng ta có đọc cũng chỉ hiểu hời hợt phía trên.

Vài lời thô thiển, rất mong được bác Tiến và các bạn chỉ giáo thêm.

Nặc danh nói...

Bác Tiến là Nguyễn Viết chứ không phải Nguyễn Việt, BH ạ!
Bác nguyên là giáo viên HVKTQS, từ 1979 tăng cường cho biên giới phía bắc, mặt trận QK2.
Anh em tôi vẫn chơi thân thiết với nhau. Bác là blogger của Bantroik5, có nhiều bài cho blog.
KQ

Nặc danh nói...

tranbachai thân mến ! Tôi đã có nhiều dịp tới rất nhiều chùa trên thế gian này : TQ , Nepan , Thái lan , Lào nhưng không ở đâu có chuyện đưa tro, ảnh , bát hương thờ chúng sinh vào trong chùa , mà như bác "Tiến gù" nói là quá đúng . Chùa chiền ở VN trong khỏang hơn một chục năm trở lại đây đã bị thương mại hòa rất nhiều , đến chốn tổ của đạo Phật như chùa Hương , Yên tử cũng còn có kẻ dám làm chùa giả , đền giả để lấy tiền thiên hại nữa là ! Bác Tiến gù có để "trống" một khoảng trong bài viết đó là "lý do vào chùa đi tu" , bản thân tôi đã được "mắt thấy tai nghe , tay sờ" vào các vị có những lý do đi tu như sau : thất tình , thất nghiệp , chán đời , vỡ nợ , nghiệp vụ ...Những người này còn đầy dẫy "tham , sân , si" họ còn cắt đất của chùa bán thì họ chẳng ngại gì lợi dụng sự si mê của chúng sinh , dùng uy tín của nhà chùa mà cho chúng sinh để ảnh và bát hương vào chùa lấy dăm , ba triệu . Đó là điều tuyệt đối phải cấm. Hoan hô bác "gú" đã giác ngộ cho em . Em đã ngộ ra nhiều điều .Hay quá

Nặc danh nói...

Hoan hô "Tiến gù" , mình đọc bài này đã "ngộ" ra nhiều điều . Mình thấy chí lý nhất là câu : Chùa không phải nghĩa trang !