Tác giả: Piotr Nisztor
Lời người dịch: Một chiến dịch điều tra mang tính quốc tế liên quan tới trốn thuế và rửa tiền diễn ra hôm đầu tháng vừa rồi. Gần 30 người bị bắt trong đó có người Việt Nam. Đặc biệt, một người Việt hơn 40 tuổi được cho là sếp của đường dây này.
Vụ việc gây hoang mang, lo ngại trong cộng đồng. Đã có nhiều đài báo Ba Lan đưa tin về sự kiện này, nhưng hôm nay trên tờ Rzeczpospolita có một bài tường thuật khá chi tiết, trong đó có nhiều tình tiết liên quan tới quá trình điều tra, qua lời kể của viên sĩ quan Cục An ninh Nội bộ (ABW).
Những điều nêu trong bài báo có thể đúng, chưa đúng, hay không đúng, tùy theo cảm nhận của mỗi chúng ta về cộng đồng. Là cơ quan truyền thông, chúng tôi chuyển tải tới bạn đọc – nhất là bạn đọc ở Ba Lan- những tin tức liên quan cũng như cách nhìn nhận, đánh giá sự việc của cơ quan công quyền nước sở tại. Đúng, sai, trong bài báo, không phải là trách nhiệm của chúng tôi.
Sau khi Rzeczpospolita đăng tải, đã có nhiều trang mạng Ba Lan đăng lại và trên một số diễn đàn, tràn ngập các bình luận với các cung bậc cảm xúc khác nhau. Dưới bài báo, chúng tôi cũng lược dịch một số bình luận trên Onet.pl. Cho tới thời điểm này, hơn 800 bình luận đã được post lên. Các “bình luận viên” không chỉ lên án hành động của mafia Việt Nam mà còn hướng mũi dùi vào các cơ quan công vụ Ba Lan đã dung túng, tiếp tay cho sự việc; chỉ trích chính phủ Ba Lan, cả mới và cũ; đồng thời lên án hệ thống các siêu thị nước ngoài lũng đoạn và đi đầu trong việc trốn thuế ở Ba Lan trong nhiều năm qua.v.v.
Dưới đây là bản dịch
Nhóm tội phạm châu Á mỗi ngày quẳng vài triệu Zua-ty vào một trong những ngân hàng Ba Lan.
Hôm mùng 1 tháng Chín, cùng lúc ở 4 quốc gia: Ba Lan, Séc, Litva và Ucraina 28 thành viên của một tổ chức tội phạm quốc tế đã bị bắt giữ.
Đây là một trong những vụ [phá án] ngoạn mục nhất trong những năm gần đây, phơi bày ra ánh sáng toàn bộ phương thức hành động cũng như ảnh hưởng của mafia Việt Nam tại Ba Lan, ẩn chứa sau các hoạt động buôn bán. “Chúng tôi đang khẩn trương điều tra vụ việc”- Một sĩ quan điều tra của ABW nói với báo Rzeczpospolita.
Lợi nhuận của băng đảng từ đâu ra? Họ đã nhập khẩu trên quy mô lớn các loại hàng hóa như quần áo, đồ điện tử gia dụng, các thiết bị vào Ba Lan nhưng không trả mức thuế [cao] tương ứng. Bởi khi nhập khẩu hàng hóa, họ sử dụng những hóa đơn giả, với trị giá thấp hơn nhiều lần. Lợi nhuận hàng năm của tổ chức mafia này là hàng tỉ Zua-ty (số tiền này hầu hết được chuyển ra nước ngoài). Ngân khố nhà nước bị tổn thất rất lớn.
Tham gia cuộc điều tra này có sự hợp tác của hơn chục nước châu Âu và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), bắt đầu từ mùa xuân năm 2010 và được dẫn dắt bởi Phòng công tố Tối cao Vac-sa-va và Cục An ninh Nội bộ (ABW). Bộ phận điều tra cũng hợp tác với các chuyên viên của bộ Tài Chính chuyên về vấn đề chống rửa tiền.
Trăm ngàn đô-la một chỗ
Các nhà điều tra nhận định rằng, băng mafia này hoạt động ít nhất từ 3 năm nay. Đầu tiên, hàng hóa được chuyển từ Trung Quốc và Việt Nam trong các container tới các hải cảng của Đức, thường là Hamburg.
Ở giai đoạn này, các tập vận đơn hàng hóa đã được làm giả mạo.
Giá trị của hàng hóa được khai thấp, thậm chí tới chục lần, để giảm thuế nhập khẩu. (Theo những dữ kiện của ABW, trong năm 2010, cơ quan điều tra của Đức đã điều tra một số vụ việc khai thấp trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu từ vùng Viễn Đông.)
Hàng nhập khẩu lậu thuế này được mafia chuyển chủ yếu sang Séc và Ba Lan. Ở Ba Lan, đích đến của các container hàng này là vùng ngoại vi Vac-sa-va, Wólka Kosowska, nơi san sát các cửa hàng và kho bãi. Ở đó – như các nhà điều tra nhận định- từ nhiều năm nay trung tâm buôn bán của người Việt Nam được kiểm soát bởi mafia.
Sĩ quan thuộc ABW nói: “Theo thông tin của chúng tôi, mỗi người Việt Nam muốn buôn bán ở đây phải mua chỗ với giá trăm ngàn đô-la Mỹ. Đây được coi như một khoản nợ mà họ phải trả dần. Ngoài ra họ phải trả các chi phí khác như phí sử dụng và các khoản bảo kê. Cần nhớ rằng, phần lớn hàng hóa bán ở đó là không đăng ký và không trả thuế”.
Bằng cách này, một số lượng tiền “bẩn” lớn đã ra đời, tính ra là hàng tỉ Zua-ty. Thật khó có thể ước lượng, mức độ thiệt hại của kho bạc nhà nước Ba Lan.
Chỉ có thể nói rằng, thiệt hại ở quy mô rất lớn. Các dữ liệu ABW cho thấy, trong năm 2010 tại Wólka Kosowska có 1420 tổ chức kinh tế, chủ yếu của Việt Nam (một phần trong số họ sống ngoài lãnh thổ Ba Lan).
Trong số đó, 57% (tức 771 đối tượng) đã không khai nộp thuế.
Những người có khai nộp thuế, căn cứ trên các hóa đơn họ xuất trình, thì doanh thu là gần 4 tỷ Zua-ty.
Chỉ có một phần năm doanh nghiệp Việt Nam khai báo trong năm 2010 rằng, họ có một khoản thu nhập nào đó- với tổng số là 41,5 triệu Zua-ty. Từ số này, mức thuế phải nộp là 7,5 triệu Zua-ty.
Gãy chân vì chạy trốn
Vào tháng Tám, cơ quan công vụ Ba Lan, bao gồm cả Cục An ninh Nội bộ, đã đột kích vào Wólka Kosowska. Một người Việt Nam đã quyết định thoát thân bằng cách nhảy từ tầng một của một tòa nhà xuống đất. Anh ta bị gãy chân và được đưa đến bệnh viện. ABW xác định rằng, anh này thường tiếp xúc với đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.
Khi có thể đi lại được, anh ta rời bệnh viện, trốn khỏi Ba Lan sang một nước thuộc EU, và từ đó bay về Việt Nam. “Chúng tôi không có đủ bằng chứng để bắt giữ hay để khép tội anh ta, vì vậy chúng tôi không thể giữ người lâu hơn nữa” – sĩ quan ABW lấy làm hối tiếc nói.
Tuy nhiên, ABW thừa nhận rằng, ở công ty mà người Việt Nam này làm việc, trong lúc kiểm tra, họ đã thu giữ được 3,5 triệu Zua-ty tiền mặt. Số tiền này, sau đó, chủ công ty – một người mang quốc tịch Việt Nam – đã thuê một công ty luật có tiếng ở Vac-sa-va đòi lại. Nhưng họ đã thất bại.
Nhiều khả năng là, 3,5 triệu Zua-ty này được chuẩn bị chuyển ra nước ngoài. Chính quyền Ba Lan đã khám phá ra 2 kênh chuyển tiền của mafia Việt Nam.
Đầu tiên, tiền mặt được một mạng lưới gom lại. Rồi được đổi thành đô-la qua hệ thống các chủ Kantor (những tư nhân hành nghề buôn bán ngoại tệ- ND) mà họ có quan hệ tại Vac-sa-va. Tiền được đóng gói và chuyển đi – bởi các công dân Ucraina. Tất cả việc này được tổ chức bởi một người có tên S.T, quốc tịch Ba Lan.
Một phần tiền được vận chuyển bằng xe lửa từ Vac-sa-va sang Kiev. Chúng được giấu trong hành lý hoặc trong các ngăn kín đặc biệt ở toa xe. Số khác được vận chuyển sang Ukraine bằng xe hơi. Các chuyến chuyển tiền, cả bằng xe hơi, cũng như tầu hỏa, diễn ra rất thường xuyên, vài lần một tuần. Và mỗi người tham gia xách theo một gói hàng trăm ngàn đô la Mỹ. Tổng cộng, bằng cách này, mỗi tháng một khoản tiền chừng 30 – 40 triệu USD được chuyển sang Ucraina.
300 nguồn tin
Các nhà điều tra xác định rằng, có một kênh chuyển tiền khác là một trong những chi nhánh ngân hàng nổi tiếng của Ba Lan. Từ tài khoản của hàng chục công ty liên quan đến Việt Nam trong vòng hai năm qua (2009 – 2010) đã có gần 1,5 tỉ Zua-ty tiền vào.
Tiền mặt được đưa vào vài lần mỗi tuần, mỗi lần hàng triệu Zua-ty. – Sĩ quan ABW nói.
Thực hiện việc này luôn luôn chỉ có 2 người. Những người điều tra vụ việc cho rằng, nhờ sự thông đồng của nhân viên ngân hàng, thông tin về những khoản tiền mặt lớn này đã không được chuyển tới cho cơ quan tài chính- những người chuyên trách việc chống rửa tiền.
Ngay khi tiền vừa nhập vào tài khoản, nó được chuyển sang đô-la và gửi qua Ucraina vào vài ngân hàng khác nhau. Các nhà điều tra, qua theo dõi thấy rằng, từ đây tiền được nhập vào tài khoản của một ngân hàng Thương mại Latvi hoặc vào tài khoản của ngân hàng Litva. Sau đó, rất nhanh chóng, chúng biến mất khỏi các tài khoản trên và được gửi tới những thiên đường trốn thuế như Belize, Việt Nam, Trung Quốc hoặc vào tài khoản trong ngân hàng Hoa Kỳ.
Đầu não của băng này là một người Việt Nam, trên 40 tuổi, rất giầu có, sống ở Kiev. Anh ta sở hữu nhiều dinh thự, chung cư cao cấp ở Ucraina và một bộ sưu tầm ô tô sang trọng. Chính anh ta là người tiếp nhận những gói tiền mặt được chuyển tới từ Ba Lan và dưới chướng anh ta là vài ngân hàng chuyên chuyển tiền. Anh ta cũng thường xuyên ở Ba Lan và Séc để giám sát các hoạt động của cả nhóm.
- Khi ở Ba Lan, anh ta không làm gì gây chú ý cả. Di chuyển trên những chiếc xe cũ kỹ và không phô trương sự giầu có - Sĩ quan ABW kể lại. Anh ta đã bị cơ quan An ninh địa phương bắt giữ tại Ucraina hôm 1/9 trong chiến dịch phối hợp quốc tế [kể trên].
Cũng trong ngày này, ở Ba Lan đã bắt giữ 24 người, cơ quan điều tra thực hiện 180 cuộc truy tìm, niêm phong hàng ngàn tài liệu kế toán, hóa đơn, hợp đồng và khoảng 15 triệu Zua-ty tiền mặt.
- Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng, nhiều người Việt Nam sống ở Ba Lan bằng thẻ định cư do chính quyền Séc cấp- Sĩ quan ABW nói tiếp. Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi không thấy bất cứ một thứ vũ khí nào, ngoài một súng bắn gas.
Vẫn viên sĩ quan ABW thừa nhận, khi thực hiện chiến dịch họ vấp phải nhiều vấn đề. “Cộng đồng Việt Nam rất khép kín. Nhiều người trong số họ không biết tiếng Ba Lan, thậm chí nếu có biết, họ cũng giả vờ là không biết. Nhưng chúng tôi đã giải quyết được vấn đề này. Trong toàn bộ chiến dịch, cơ quan điều tra đã nhận được sự giúp đỡ từ khoảng 300 nguồn tin khác nhau”.
© Đàn Chim Việt
Trinh Nguyen Vu
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- Chuyện không phổ biến: “AI VỀ HẢI HẬU , CHỢ CỒN” (Tiến "gù")
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
- Nghề lạ 5: "Nghề" nhổ tóc bạc (ST)
Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011
Cục An ninh Quốc gia Ba Lan tấn công mafia Việt Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét