Nghe tin Quốc hội sắp bàn dự án Luật Nhà thơ tôi rất phấn khởi. Trộm nghĩ rằng dân biết, dân bàn, dân kiểm tra…tuy chưa biết nội dung luật gồm những điều khoản gì để mà bàn tôi vẫn theo thiển ý của mình muốn góp một số ý kiến thô thiển như sau:
Một là thơ ai người ấy làm, không được làm hộ. Làm như vậy để tránh những vụ án có liên quan đến thơ. Chuyện kể rằng Thẩm Đức Tiềm tự Qui Ngu quê ở Tô Châu là Đại học sĩ thời vua Càn Long. Càn Long hoàng đế tuy vốn liếng văn chương chả có mấy nhưng lại thích làm thơ, tự mình không làm được thì nhờ Thẩm Đức Tiềm làm hộ. Đức Tiềm chép những bài thơ mình làm hộ vua vào một tập thơ gọi là “ Đại đế tác” tức là tuyển tập những bài thơ làm thay cho vua. Về sau khi Thẩm Đức Tiềm chết được một năm, nhà vua tuần du phương nam đi về ngả Tô Châu bèn xa giá tới phần mộ của Thẩm để viếng. Khi Hoàng đế hỏi đến di cảo của Thẩm thì con cháu đem Đại đế tác trình nhà vua ngự lãm. Nhà vua xem xong thẹn quá hóa giận, hơn nữa Ngài còn bắt gặp ở cuối tập thơ một bài thơ do chính Thẩm Đức Tiềm làm có tên là Hắc Mẫu Đơn Thi:
Đoạt chu phi chính sắc.
Dị chủng diệc xưng vương
Có nghĩa là:
Cướp màu đỏ thì chẳng phải là màu sắc chính
Giống quái lạ cũng xưng vương.
Dị chủng diệc xưng vương
Có nghĩa là:
Cướp màu đỏ thì chẳng phải là màu sắc chính
Giống quái lạ cũng xưng vương.
Chu là màu đỏ. Hoa mẫu đơn là vua các loài hoa - mẫu đơn màu đen tức là đã bị mất đi màu đỏ. Chu còn là họ của vua nhà Minh vì thuỷ tổ triều Minh là Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ). Câu thơ Đoạt chu phi chính sắc có ý ám chỉ nhà Thanh đã cướp ngôi nhà Minh. Càn Long vô cùng tức giận hạ chỉ: phá bia mộ của Thẩm Đức Tiềm, kéo thây ma từ trong áo quan ra chém đầu để răn dân chúng, con cháu của Thẩm đày tới Hắc Long Giang để sung quân, ơn mưa móc còn cho phép để lại một cháu nội năm tuổi ở quê nhà để lo chuyện hương khói.
Hai là thơ phải sạch sẽ, không được phép nói những chuyện bẩn thỉu. Thơ mà cũng bẩn sao? Có chứ. Các bạn hãy tìm đọc Thơ văn Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, Hà Nội, 1971
để đọc bài thơ của Cụ Tam Nguyên Yên Đổ (1835-1909). Bài thơ có tên là TÂY KỸ:
Văn sứ bộ hồi nhật
Tây kỹ sổ thập nhân,
Khỏa thân nhi lai,
Đương môn nhi lập,
Sứ thần mặc mặc bất ngôn.
Hữu hoa hương thủy nhất bình,
Tượng nha sơ, tức thủ bình thủy sái nhập hộ mao, dĩ sơ lý chi.
Sau đây là hai bản dịch, bản nào cũng hay nên đành chép cả hai:
Đĩ Tây
Sứ bộ xe về sắp ruổi rong,
Đĩ Tây vài chục đứa tông ngông.
Chừng xưa bưng bít ít người biết,
Nay hãy phô sòng để khách trông.
Man rợ xa rồi còn thế nhỉ,
Văn hoa rườm lắm có kỳ không?
Nước hoa sẵn đấy, lược ngà đấy,
Rửa ghét cào lông chẳng sượng sùng.
HOÀNG TẠO dịch
Đĩ Tây
Bên trời sứ bộ sắp dông,
Đĩ Tây vài chục tồng ngồng đến ngay.
Bình thường của ấy ai hay,
Ôm eo vuốt cật lại bày cả ra.
Cái thời lông lỗ đã xa,
Văn minh phồn tạp nước nhà đây chăng?
Nước hoa với lược ngà đằng,
Chải lông rửa cáu nhố nhăng chẳng màng.
NGUYỄN HÙNG VĨ dịch
Thấy tôi cho rằng bài thơ này bẩn, có người phản đối. Rằng Khổng Tử viết: “Ẩm thực nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên” nghĩa là: “Ăn uống và trai gái, sự ham thích lớn của người ta nằm ở chỗ đó” nó là cái sự thường tình, cụ Tam Nguyên Yên Đổ viết thế chẳng có gì là bẩn. Bẩn hay không cúi xin độc giả phán xét.
Ba là…Ba là gì? Ba là cấm nhà kinh tế không được làm thơ và cấm nhà thơ không được làm kinh tế. Tại sao lại thế? Sợ lắm rồi cái vụ giá lương tiền thời bao cấp!
2 nhận xét:
Phải nói cho rõ: Không ai nói luật nhà thơ. Có việc ông Nguyễn minh Hồng là hội viên HNV VN, là đại biễu Quốc hội tự ứng cử có đề xuất việc nên có luật nhà văn !
Tất nhiên là đại biểu QH, ai cũng có quyền đề xuất một dự luật nào đó. Nhưng dự luật có thành luật hay không còn qua nhiều bước . Ông NMH đề xuất một chuyện ất ơ, chỉ tổ cho thiên hạ cử chi thấy cha này yếu kém chứ ai rỗi hơi đâu bàn đến chuyện Luật Nhà văn vào lúc này, trong lúc đất nước còn bao việc nước sôi,lửa bỏng,tanh bành vì thiếu luật!
Bác HVU để bụng lo xa hơi bị phí thời giờ !
Cụ Nguyễn Khuyến là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng cũng có những hạn chế do "tập" mà có đó là không thể chấp nhận một nền văn hóa khác, không chấp nhận cái mới vì thế không chỉ một mình cụ NK chửi "văn hóa Tây" mà nhiều người thới ấy cũng chửi, các nhà "cách mạng" cũng ra sức chửi vì ghét bọn xâm lược. Sau này khi dân trí cao hơn, nhận thức cao hơn thì người ta mới thấy được một chân lý là: ĐỪng bao giờ chửi bới những tập tục, những sinh hoạt văn hóa của một dân tộc khác. Đã là "văn hóa" thì không có đúng, không có sai, không có hơn, không có kém. Những người lõa thân trên thế giới rất nhiều, ở VN bây giờ nếu cụ NK sống lại cũng chửi vì còn thi nhau "2 mảnh", vậy đừng nặng nề chuyện văn thơ làm gì. Trong cái "rổ văn hóa" ( văn, thơ, kịch, hát...v...v) nhà nước chỉ cần một luật: Luật Xuất Bản là khóa tay được các bác hết!
Đăng nhận xét