Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Trang Thơ: Nói với con về bà ngoại (ST: Thủy k42)

Con sẽ như giọt nắng
trước hiên bà mùa đông.


Giọt nắng tìm kim
giọt nắng quét nhà
giọt nắng sún răng lò cò quanh cửa
giọt nắng ỷ eo theo bà đi chợ
lễ mễ khiêng cả chiếc bánh đa tròn.

Con sẽ như chú mèo nhỏ cuối vườn
đánh đổ ông trăng xuống nơi đáy nước
trán sưng u và áo quần lấm láp
rón rén leo lên ôm gối ngủ vờ.





Con sẽ như…
như chú cún còi
ăn một bát cơm hết ba chuyện cổ
hạt dẻ, thảm bay, đèn thần, chổi quỷ
thế giới thần tiên nấp phía lưng bà.

“Bà yêu con không ?”
“con sẽ là gì ?”
đôi mắt thỏ nâu suốt ngày hỏi mẹ.

Dù con sinh bà đã không còn nữa
nhưng bà yêu con từ xửa từ xưa
bà gửi cho con hoa trái mùa thu
đàn ong tháng 3
ông trăng tháng 6
bà gửi cho con
mẹ
và câu hát..
mai con lớn rồi vẫn đủ yêu thương.


10.12.2001
Hai câu thơ mở đầu rất khái quát. Con sẽ như giọt nắng. ấm áp, sinh động, một sức sống trẻ trung, mới mẻ xiết bao. Trước hiên bà mùa đông, đầy những chịu đựng, hy sinh, buồn thương của cả cuộc đời bà, như hiên nhà kia, hứng chịu suốt cả những mùa đông giá, im lặng đợi chờ… Hai câu thơ gói đủ mối quan hệ cháu và bà, đúng hơn là mối liên hệ thiêng liêng thầm lặng bên trong cháu cần có bà và bà cần cho cháu.
Những khổ thơ tiếp hình ảnh đứa cháu thơ ngây thật vô cùng dễ thương. Khi thì:
…ỷ eo theo bà đi chợ
lễ mễ khiêng cả chiếc bánh đa tròn
 khi nghịch lấm ngã sợ bà mắng:
rón rén leo lên ôm gối ngủ vờ
Và trẻ con nào mà chẳng nũng bà, muốn cháu ăn hết một lưng cơm vừng bà phải kể cho cháu những ba chuyện cổ tích kia! Chúng ta hình dung cặp mắt mở to của nó thám thính, hình như thế giới thần tiên nấp phía lưng bà. Về người bà ngoại mà mẹ luôn luôn kể cho nó, nó đặt ra biết bao câu hỏi, “Đôi mắt mở to suốt ngày hỏi mẹ”…
Có một sự thật xót thương mà đến đoạn thơ cuối cùng tác giả Tuyết Nga mới hé lộ: Dù con sinh bà đã không còn nữa…
Từ “dù “ bao giờ cũng bắt đầu một loạt câu ngoặt nghĩa, nêu lên những sự thật khác nhằm cãi lại, bác bỏ cái sự thật xót thương vừa kể trên kia.
Chúng ta nghe người mẹ thầm thì với trái tim trong trắng của con:
Nhưng bà yêu con từ xửa từ xưa
Bà gửi cho con hoa trái mùa thu
đàn ong tháng ba
ông trăng tháng sáu…
Những ý tứ và hình ảnh có đẹp, có mơ mộng dỗ dành đến đâu, cũng không thể thuyết phục được đứa trẻ bằng
Bà gửi cho con
Mẹ
Và câu hát…
Mai con lớn rồi vẫn đủ yêu thương.
Đúng quá phải không con. Chính bà sinh thành ra mẹ để truyền thương yêu mãi qua câu hát ru muôn đời để cho đến khi con của mẹ, cháu của bà khôn lớn. Sự thực mẹ con ta đều đã mất bà, thiếu bà. Nhưng vẫn mãi mãi được bà truyền tiếp, chở che, ủ ấp. Bằng cả cuộc đời bà vì cho cháu mà người mẹ của đứa trẻ nhà thơ Tuyết Nga đã gói lại và mở ra nguồn cảm xúc từ hai câu thơ đầu vô cùng sâu sắc:
Con sẽ như giọt nắng
Trước hiên bà mùa đông.
(Trúc Thông)

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ai chả có thời là trẻ thơ. Bà, mẹ thật gần gũi với trẻ thơ.

Nặc danh nói...

Bà nào, mẹ nào cũng thương con, dành cho con tất cả, lo cho con hơn lo cho bản thân mình. Đáng tiếc và đáng trách, có những đứa con lại chẳng hề nghĩ và nhớ tới điều đó. Chúng chỉ trả lại cho mẹ, cho bà những nỗi buồn, thậm chí cả nỗi đau. Thật buồn là xã hội bây giờ tạo ra thứ sản phẩm đó nhiều hơn ngày xưa.
Ôi, bao giờ cho đến ngày xưa? Cái ngày xưa thiếu thốn đủ thứ nhưng đầy ắp tình người!

phúc chiến vt nói...

tôi thích nhất câu:"lễ mễ khiêng cả chiếc bánh đa tròn"tiếc rằng khi cháu ra đời bà ngoại đã đi xa.dù sao bài thơ cũng rất hay xứng đáng là tâm thi sỉ.nó còn hay hơn một số ông nhà thơ"đăng đàn"chiếm giải thưởng nhà nước.

Nặc danh nói...

Không có ông bà thì đâu có cha mẹ, con, cháu. Nhưng bà, nhất là bà ngoại, là biểu tượng của tình yêu bao la, sự dịu hiền, ấm áp... Về già mà ai còn ông bà là hạnh phúc.
AD