Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Hồi ức (Cao Bắc)

Tôi không giỏi văn , cả cuộc đời từ lớp 1 cho đến lớp 10 chỉ toàn được điểm 3 về văn. Tôi cũng không phải như Quang Thắng, lúc cùng là bạn “nối khố” học lớp vật lý của trường ĐHBK, nó toàn được điểm 5, còn tôi toàn được điểm 4 và một vài điểm 5. Nhưng tôi sống hơi lãng mạng (đã từng bị thầy Khang, kiêm đại đội trưởng phê bình là sống quá lãng mạng, khi thầy bắt được quyển sổ thơ của tôi).
Chắc vì thế tất cả những kỷ niệm 43 năm chợt về tràn nghập trong tôi.
Cái phút ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm khó có mấy ai quên
                                    (thơ Xuân Diệu)


Tình cờ tuần trước tôi tìm thấy trang web Bantroi5, gặp lại những cái tên quen thuộc: Quốc Khánh, Quốc Việt, Kiến Quốc, Vũ Lợi, Quang Bắc, Tấn Lợi, Phúc Chiến, Ngọc Sơn, Đông Nhân, Kim Trung, Trần Lảnh, Linh “đen”,v.v... những tháng năm sống với tất cả anh em khóa 5 trường Nguyễn Văn Trỗi sống lại trong tôi. Chính tôi cũng không ngờ những kỷ niệm sống trong lòng những bạn viết và bạn đọc báo liếp Bantroi5 đến nay còn rõ như vậy.
Khi Kiến Quốc bảo tôi viết bài đóng góp, để chia sẻ những giờ phút vui buồn khi đó, tôi biết đây cũng chính là trách nhiệm của mình, (có thể đây cũng sẽ là tư liệu để giúp cho một người nào đó, một ngày nào đó viết về lịch sử của trường Nguyễn Văn Trỗi).

Nhầm gạch thành muối
Làm sao tôi có thể quên được ngày hôm đó, khi ở Hưng Hóa, đi ăn cơm chiều. Anh em cùng mâm có tôi, Vũ Lợi, Quốc Việt, Quốc Khánh. Khi chúng tôi bắt đầu ăn những “cục bột mì được làm chín hơi”, thấy nhạt quá , anh em bảo nhau phải đi lấy thêm muối. Quốc Việt xung phong đi. Mọi người cùng chờ muối và khấp khởi mừng thầm khi thấy Quốc Việt gắp một cục muối thật to về.
Thả cục muối vào cái nắp nồi cơm thì nó kêu đánh “bong”. Anh em nhìn thì hóa ra đó là non nửa cục gạch. Tất cả mọi người đều cười:
-Quốc Việt ơi, đeo kính dầy bằng cái đít chai vậy mà mày nhìn cục gạch thành ra cục muối?
Sau đó Quốc Khánh phải vào kho lấy một muôi muối khác.

Món sắn đồ
Một hôm khác, nhờ tài dân vận khéo của Vũ Trung, tôi với Ngọc Liên được đưa tới nhà chị Thắm. Nhà chị ở quá ngã ba giữa làng một chút. Chị làm món sắn đồ: củ sắn mới đào lên, bóc vỏ đi, sau đó băm nhỏ, cho vào chõ đồ xôi đồ lên,  cho ít hành mỡ phi vào thì y hệt như ăn xôi nếp. Ăn ngon nhớ mãi.
Nhờ học lỏm được cách chế biến mà món sắn đồ theo tôi cho đến ngày hôm nay.

Những kỷ niệm ngày đó không thể nào kể ra hết được, nó như một cuộn phim dài vô hạn trong tâm trí của tôi, chỉ viết ra đây được vài dòng để tặng cho những người bạn đã sớm đi xa và mong sẽ có một ngày gặp lại những người còn lại.
Cao Bắc
22/4/12

5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hôm nay mình cố gắng viết một đoạn hồi ký về những ngày trường Trỗi, nhờ BT5 sửa giùm vì mình biết sau 30 năm ra đi, ngôn ngữ trong nước đã có nhiều thay đổi (như người Pháp di dân sang Quebec của Canada 200 năm về trước bây giờ nói chuyện với người Pháp trong nước Pháp, không ai hiểu ai).
CB

TranKienQuoc nói...

Mấy ngày trước tư vấn CB download DotNetKey để viết tiếng Việt. Ngay hôm sau đã thấy bạn gửi về bài viết tiếng Việt rất chuẩn. Kĩ sư Bách khoa có khác! (A^1y vậy mà bạn từng phải lấy lại bằng đại học ở nước ngoài. Họ không công nhận bằng ta).

Nặc danh nói...

Việt Cận của bạn về già đỡ cận, không dùng kính đít chai nữa. Giờ tuy là quan to (vai gắn 1 sao vàng, cổ gài cành tùng) nhưng là thằng bạn tốt.

Nặc danh nói...

Hồi ức về tràn ngập trong một lúc , nên không tránh được thiếu sót, Liên ở đây là Trương Liên, (nếu còn sai sót nữa nhờ KQ sửa dùm), còn Ngọc là tên đệm của Ngọc Sơn, thì sẽ còn nhiều kỷ niệm khác.
Những ngày cùng Ngọc Sơn (nói Trung Văn như gió)đi xem những người thợ khắc đũa tre ở sau trường Y-Trung, trong khi Trần Lảnh đi tán cô gái đánh đàn gió Piano ờ gần đó.
Trong tất cả mọi tiệm siêu thị của người Hoa trên thế giới đều bán những đũa tre này, CB tự hỏi có phải sản xuất tại đó không?
CB

TranKienQuoc nói...

Tên đầy đủ của Liên có từ Ngọc đấy. TNL! Hắn vừa cho con gái đi "chống lầy", CB ạ. Anh em ta giừ hết rồi!