Đây là loạt bài của người Việt (chắc định cư ở nước ngoài) đi và viết về TQ. Tác giả có nhhững cái nhìn hay. BT5 đăng tải dần trên mạng!
Tôi viết những dòng này tại thành phố Thẩm Quyến, miền Nam Trung Hoa, sau khi đã đi thăm Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu và Quế Lâm (Guilin).
Con rể út của chúng tôi được phái đi làm việc cho hãng dầu Husky Canada ở Thẩm Quyến (Shenzhen) trong vòng một năm và vợ con cũng đi theo. Vì thế chúng tôi đi thăm con cháu và tiện thể làm một vòng du lịch Trung Hoa từ 21 tháng 3 đến 23-4-2012.
Chúng tôi bay từ Vancouver đến Hồng Kông và ở chơi tại thành phố cảng này vài ngày. Lần cuối tôi thăm Hồng Kông cách đây 40 năm. Thành phố có thay đổi nhưng không nhiều. Vẫn người đông như kiến, bây giờ có vẻ đông hơn. Vẫn những tiệm ăn đầy thực khách ăn uống nói cười ồn ào. Các món ăn vẫn ngon, đặc biệt món ngỗng quay (síu ngộ) sau 40 năm tôi mới được thưởng thức lại. Vẫn những cao ốc treo đầy sào và dây phơi quần áo ngoài mặt tiền. Cái khác của Hồng Kông là có nhiều nhà cao tầng hơn. Khách sạn chúng tôi cư ngụ cao trên 70 tầng. Chúng tôi ở tầng 53, cách mặt đất trên 200 thước tây, nhìn xuống thấy eo biển, tầu bè, xe cộ nhỏ li ti như đồ chơi. Một điều khác nữa là dân Hồng Kông bây giờ có vẻ giầu hơn, ăn mặc đẹp đẽ hơn.
Nhiều tiệm quần áo, mỹ phẩm, vật dụng sang trọng đắt tiền của các công ty nổi tiếng quốc tế, Gucci, Vuitton, Calvin Klein, Channel, Christian Dior… được mở tại nhiều khu phố và thương xá.
Ngoài ra, tôi cũng bất ngờ chứng kiến ít nhất 5 địa điểm công khai và liên tục chống cộng sản Trung Quốc suốt ngày, cả ở khu chợ trời bên Cửu Long lẫn những khu phố sang trọng trên đảo Hông Kông. Tại những địa điểm này, người ta treo những biểu ngữ viết đầy đại tự, đặt những bàn dài bầy đầy tài liệu, sách báo, một người cầm loa điện oang oang lên án Trung Quốc bằng tiếng Anh và tiếng Hoa về đủ thứ tội, từ tàn sát sinh viên tại Thiên An Môn, đàn áp tôn giáo, hành hạ Pháp Luân Công, đến tội mua bán các bộ phận con người. Có nơi còn cho một người đàn ông ở trần nằm trên bàn, thân thể được khoanh vẽ những bộ phận được mua bán như tim, phổi, gan, thận…Ai nói cứ nói, ai nghe cứ nghe, ai đi cứ đi, Tôi tự hỏi khi hết thời hạn 50 năm hưởng quy chế riêng (còn trên 30 năm nữa), liệu Hồng Kông sẽ còn được tự do như thế này nữa không?
Thẩm Quyến, nơi các cháu ở, cách Hồng Kông một giờ xe hơi hay 45 phút đi phà qua biển. Thành phố này được chính phủ cộng sản Trung Hoa xây dựng từ 1979 để làm khởi điểm cho việc mở cửa đón tư bản quốc tế đến đầu tư và tiếp thâu các ngành công nghệ tiên tiến. Vì vậy, rất nhiều công ty quốc tế có trụ sở ở đây, nhiều chuyên viên, kỹ thuật gia được đưa từ Mỹ, Canada, Nhật và châu Âu đến làm việc. Họ được hưởng nhiều quyền lợi và được chiều chuộng để đền bù nỗi buồn xa xứ. Vợ con được ở trong những biệt thự hay apartments có người lau dọn, có cả điểm tâm miễn phí y hệt khách sạn 5 sao. Con cái được học trường quốc tế, các thầy cô được gửi từ Úc, Mỹ, Pháp tới. Những “expats” (expatriates: những người đi xa xứ) không được lái xe nhưng được cấp 2,000 Đô la một tháng để đi taxi cho an toàn. Vì vậy có một số “expats” không muốn về, trong khi đa số chỉ muốn làm một vài năm rồi qui cố hương, sợ các con mất liên hệ với đại gia đình và với bạn bè, chưa kể đời sống không thoải mái ở lục địa Trung Hoa như tôi sẽ trình bầy sau.
Chúng tôi đi Bắc Kinh thăm khu lăng mộ các vua triều Minh và Vạn Lý Trường Thành (cách Bắc Kinh 80 cây số), bức tường thành dài 7,000 cây số được xây dọc dẫy núi ngăn Trung Hoa và Mông Cổ, khởi công từ thời Tần Thủy Hoàng, trước Công Nguyên. Đây là một công trình đòi hỏi qúa
sức chịu đựng của con người, đã làm tan xương nát thịt hàng trăm ngàn lao nô là những dân lành vô tội. Điểm trung tâm của Bắc Kinh là quảng trường Thiên An Môn, mỗi bề dài một cây số, nơi đây có viện bảo tàng và lăng Mao Trạch Đông, có Đại Sảnh Nhân Dân nơi họp Quốc Hội và đại hội đảng Cộng Sản, đặc biệt là nơi hàng vạn sinh viên đã chiếm cứ nhiều ngày vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước để bầy tỏ ước vọng tự do, và hàng trăm, có thể hàng ngàn người trong số họ đã bị xe tăng và súng đạn của Quân Đội “Nhân Dân” (!) tàn sát. Bước chân trên khu đất này, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi, nghĩ tới những người trẻ đã chết vì dám đứng lên đòi hỏi Tự Do.
Liền mặt Bắc của quảng trường Thiên An Môn là cổng chính vào Tử Cấm Thành, hoàng cung của các vua triều Minh và triều Thanh. Tầng cao của cổng thành là nơi các đại đế thời cộng sản đứng duyệt hàng vạn, hàng triệu quân sĩ, vệ binh đỏ và dân đen vừa diễn hành trên quảng trường vừa khản cổ hoan hô các đại lãnh tụ của giai cấp công nông. Cung vua rộng lớn nhưng đơn điệu, nhìn dễ chán. Tòa nhà nào cũng có kiến trúc giống nhau với mái cong lợp ngói âm dương, với đường đi hướng Nam Bắc theo phong thủy, với hai tòa nhà phụ tả hữu theo ying yang. Bên trong thì lạnh lẽo, ngoài ngai vàng hay long sàng cũ kỹ, chỉ có một vài tủ gỗ kềng càng, chạm khắc rối mắt. Phòng ở của 3,000 cung tần phi nữ thì giống như những “cachot” nhà tù, mái thấp, mùa hè phải là lò hấp, mùa đông chắc không khác tủ lạnh. Các lâu đài của vua chúa quan quyền phương Tây mỹ thuật hơn, sang trọng và ấm áp hơn những “lãnh cung” của mấy ông “Con Trời”. Dù sao cũng nên thăm Tử Cấm Thành một lần cho biết và để được dẵm lên bước chân của những vua quan nhà Minh và nhà Thanh đã từng xua quân xâm lăng Việt Nam và bị Lê Lợi và Quang Trung đánh đuổi không còn manh giáp.
Phải công nhận Bắc Kinh xứng đáng là thành phố thủ đô của một nước lớn với những quảng trường và đại lộ rộng lớn, với những công thự bề thế, những toà nhà tân có cổ có, nhất là không có nạn treo sào phơi quần áo trên cửa cao ốc như ở Hồng Kông, Thượng Hải và các thành phố phiá Nam.
Thượng Hải (Shanghai) là trung tâm thương mại và kinh tế của Trung Quốc. Chỉ cần nhìn bề ngoài của thành phố, người ta đã nhận thấy điều này. Khi đi trên đường tản bộ rộng mênh mông được xây dọc bờ sông Hoàng Phố (Huangpu), du khách nhìn về phiá tay mặt bên kia đại lộ là thấy ngay những tòa nhà đồ sộ, cổ kính, kiến trúc theo kiểu thời thuộc địa (colonial) vào các thập niên 20, 30 của thế kỷ 20, hình ảnh tiêu biểu của một Thượng Hải thời nhượng địa (concession) ngoại quốc, với những kiều nữ Tây phương trưng diện kiểu “belle époque” và những người đẹp Thượng Hải khoe đường cong nét uốn trong những bộ sường sám bó xát người, yểu điệu quyến rũ những tài phiệt “playboy”. Đó cũng là thời có những công viên trong các nhượng địa treo bảng “Cấm chó và người Tầu”. Những tòa nhà này trước và bây giờ đều được dùng làm trụ sở các ngân hàng, các thị trường chứng
khoán, các công ty lo dịch vụ tài chánh. Nhìn qua sông bên tay trái là tháp truyền hình cao chót vót và một rừng nhà chọc trời bọc kiếng, rất mới, rất hiện đại, hơn hẳn nhiều thành phố nổi tiếng ở Bắc Mỹ. Đường phố Thượng Hải đầy đặc xe hơi đủ hiệu, hầu như lúc nào cũng kẹt xe. Thế nhưng Thượng Hải cũng tiêu biểu cho sự tương phản của xã hội Trung Quốc. Bên cạnh những xe Mercedes và BMW bóng loáng là từng đoàn xe đạp, xe gắn máy và cả xe lôi đạp kéo theo thùng chở hàng đã bong sơn, han rỉ. Kế bên một building mới cất là một chung cư cũ kỹ, quần áo phơi đầy trên ban công và cửa sổ. Tôi đã đi qua một con đường có dẫy nhà sang trọng, phiá trước trồng một hàng cây xanh cắt tỉa khéo léo có hàng rào sắt uốn chắn bên ngoài. Nhưng giữa những cây cổ thụ trồng trên lề đường trước dẫy nhà, dân chúng đã thản nhiên giăng những sợi dây và phơi trên đó đủ thứ quần
áo, kể cả nịt ngực, quần lót phụ nữ đủ mầu bay phất phơ trong gió. Người cảnh sát đứng gần đó vẫn thản nhiên, coi như không nhìn thấy gì. Trung Quốc là thế. Giầu có, tân tiến như Thượng Hải mà còn vậy.
Từ Thượng Hải, chúng tôi đi thăm Hàng Châu (Hangzhou). Cảnh nổi tiếng nhất của Hàng Châu là Tây Hồ với những ngọn núi thấp xa gần bao quanh, với những chùa, tháp xây trên đỉnh núi, với những tiểu kiều xinh xắn bắc qua giòng nước. Toàn thể giống như môt cảnh non bộ ở địa thế thật.
Cảnh đặc biệt khác của Tây Hồ là những hàng dương liễu quanh bờ rủ cành xuống mặt nước. Đi bách bộ giữa hai hàng dương liễu trên bờ hồ, tôi nhớ tới hai câu thơ cổ:
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu
( Chợt nhìn dương liễu thay mầu
Hối chàng tham ấn công hầu làm chi)
Sau Hàng Châu, chúng tôi đi thăm Tô Châu (Suzhou), cách Thượng Hải một tiếng rưỡi lái xe. Ngày xưa Tô Châu nổi tiếng vì lụa và những thiếu nữ trồng dâu, nuôi tầm, xe tơ, dệt lụa. Ngày nay lụa đã được sản xuất theo kiểu kỹ nghệ, các kiều nữ Tô Châu đã lem luốc, đầu tắt mặt tối trong các xưởng máy cả rồi. Đi Tô Châu chỉ là để tìm chút hoài cảm nostalgia về một thời xưa cũ mà thôi.
Từ Tô Châu chúng tôi đi thăm làng cổ Zhuzhuang nằm trên những con kinh chạy dọc những ngôi nhà còn giữ nguyên kiến trúc Trung Hoa. Du khách có thể thuê thuyền nhàn du trên những con kinh. Người chèo thuyền đa số là phụ nữ. Nếu bạn muốn được nghe nàng vừa hát vừa không ngưng tay
chèo, bạn cứ việc yêu cầu và chi cho nàng mỗi bài một Đô la rưỡi. Người Tầu hãnh diện khoe nơi này là Venise châu Á. Tôi chỉ ghi nhận giá trị của nó nơi những căn nhà cổ còn giữ được kiến trúc và phong thái xưa.
(Còn tiếp...)
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Chuyện không phổ biến: “AI VỀ HẢI HẬU , CHỢ CỒN” (Tiến "gù")
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét