Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Thế nào là Trung Quốc ? (tiếp theo và hết)

Đó là những biện pháp những người cầm quyền Trung Hoa hiện nay đang áp dụng để tìm cách sống còn. Hầu hết mọi chính quyền Trung Hoa trong suốt giòng lịch sử đều không màng đến phúc lợi của đám thứ dân. Họ chỉ dùng dân để phục vụ cho quyền và lợi của họ, dù có phải áp dụng những biện pháp tàn bạo. Sự tồn tại của chế độ được coi là ưu tiên số một. Triều đại của các “hoàng đế đỏ” cũng không làm khác.


Vụ Bạc Hy Lai xảy ra trước khi khi chúng tôi đến Trung Quốc vài ngày.  Vậy mà chúng tôi chỉ một lần đọc được trên nhật báo Anh ngữ China Daily loan tin Bạc Hy Lai, nguyên Chủ Tịch Trùng Khánh, đã bị rút ra khỏi Chính Trị Bộ, không một lời bình luận. Một số người cho biết truyền thông Trung Quốc có tố cáo vợ chồng Bạc Hy Lai tội tham nhũng, bà vợ có liên quan đến cái chết đầy khả nghi của thương gia người Anh Neil Heywood. Biến cố đảo chánh cung đình quan trọng như thế mà dân cũng chẳng thèm quan tâm, vẫn thờ ơ lo kiếm sống, mặc các ông ở cao xa tranh chấp và sắp xếp với nhau.
Sự xa cách giữa dân và giai cấp cầm quyền đã trở thành nếp sống. Chính quyền lo sống còn, dân còn phải lo sống còn gay gắt hơn. Kiếm được một việc làm với số lương cố định hàng tháng không phải
chuyện dễ. Báo China Daily ngày 12/4/2012 loan tin thành phố Quảng Châu muốn tuyển 20 người có trình độ đại học hay hậu đại học để làm công việc… phân loại rác trước khi hủy. Ngày đầu nhận đơn đã có 200 người xin việc.  Những ngày sau, không biết con số sẽ lên bao nhiêu.
Nhiều nhà hàng, tiệm buôn có số người phục vụ qúa sự cần thiết.  Người ta có cảm tưởng những cô gái được thuê đứng đó để làm kiểng. Dù được trả lương chết đói, những lao động dư thừa này cũng phải ráng tận tụy, dễ thương để giữ việc.
Không có vụ “phở chửi” như ở Hà nội. Những người buôn bán lẻ cũng phải giành giật khách hàng, cạnh tranh ráo riết để có thể bán được những món hàng chỉ trị giá vài chục xu Mỹ. Những hướng dẫn viên du lịch, tài xế taxi, xe thuê rất đúng giờ và phục vụ tận tình vì sự cạnh tranh  trong nghề rất gay gắt. Ngay những người có học và có việc tốt cũng rất vất vả. Mới lấy nhau, không cặp nào dám nghĩ đến chuyện có con ngay. Khi có con, phải nhờ cha mẹ hai bên từ quê thay nhau đến coi cháu để hai vợ chồng đi làm. Lợi tức không cho phép gửi con ở nhà trẻ, cũng không thể tiếp cả ôngbà nội, ông bà ngoại cùng một lúc vì nhà thuê nhỏ bé và không đủ khả năng nuôi thêm bốn miệng ăn. Những cặp này, nếu không đổi sang ngành doanh thương và may mắn trúng “áp phe” thì cả đời phải đi ở nhà thuê. Giá một đơn vị chung cư ở các thành phố trung bình từ 3 đến 4 triệu Yuan (5 tới 600,000 Mỹ Kim), tiền “down” ít nhất phải bằng 1/3 giá  nhà. Đó là điều không có cặp nào, dù thuộc giới trung lưu, dám nghĩ tới.
Khi thất nghiệp, phải nhận những việc lương thấp hơn hoặc xoay nghề chạy hàng hay buôn thúng bán bưng để sống qua ngày.  Những công nhân ít học và không biết xoay sở, khi mất việc, chỉ còn cách trở về quê sống bám cha mẹ già trên những thửa đất canh tác nhỏ bé.
Tuổi trẻ Trung Quốc vất vả như thế.  So với họ, những bạn trẻ ở Bắc Mỹ sung sướng qúa nhiều.  Đó cũng là lý do những người trẻ Trung Quốc tìm mọi cách ra nước ngoài du học hoặc đi làm chui, rồi tìm cách ở lại luôn để xây dựng cuộc đời. Con rể tôi cho biết tìm được một chuyên viên phụ tá người
địa phương có năng lực là điều rất khó. Những anh giỏi đã bỏ đi hết rồi.

Người trẻ đã thế, người già thì sao?
Tôi không biết rành luật lệ hưu dưỡng tại Trung Quốc. Tôi chỉ nghe kể rằng ngoài thành phần công chức được chính quyền trả lương hưu, dù không đủ sống, dân buôn bán tự do và làm việc ở các lãnh
vực tư không có hưu bổng.
 Người tài xế của một “expat” đã than với ông rằng năm tới, khi tròn 51 tuổi, anh sẽ phải nghỉ hưu và rất lo lắng về sinh kế khi nghỉ việc. Xem ra nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ lo nuôi người trẻ. Khi đã khai thác hết tuổi trẻ của họ, chính quyền bỏ mặc lúc họ bắt đầu bước vào tuổi già. Sống chết mặc bay. Tự kiếm lấy cơm, tự lo lấy thuốc.  Vì thế, sinh hoạt ngoài xã hội toàn thấy người trẻ, ít thấy người già.
Chúng tôi toàn gặp những người trẻ măng kiểm soát giấy tờ và an ninh tại các phi trường, ít thấy ai trạc tuổi 40. Những tài xế và những người lo chuyến viếng thăm của chúng tôi tại Yangshuo đều là những thiếu nữ chỉ ngoài 20. Trong khi đó chúng tôi thấy nhan nhản những ông bà già đi lượm lon và
vỏ chai từ những thùng rác công cộng, hoặc gánh những mớ rau trái nghèo nàn bầy bán dọc đường có nhiều người qua lại.
Một ông chưa già lắm có việc làm ăn lương lo quét rác và quét lá tại trường các cháu tôi học không có nơi cư ngụ. Ông phải ngủ dưới tấm bạt căng ở gốc cây ngoài vườn khi trời ấm, núp mái hiên khi trời lạnh, mỗi sáng thu dọn sạch sẽ khi thức dậy. Rõ ràng dân bị bỏ mặc.
Nếu chính quyền thực sự thương dân và vì dân, họ đã dùng hàng ngàn tỷ Mỹ kim thặng dư gửi ở ngoại quốc để xây nhà bán rẻ cho những cặp vợ chồng có lợi tức thấp, lo dịch vụ vệ sinh và y tế cho dân, trợ cấp, săn sóc những người cao niên.
Thành quả của phát triển kinh tế là đảng và những người bu quanh đảng được ăn thịt, dân đen ngoài đảng chỉ được gặm xương. Khỏi đói như thời Mao Trạch Đông là may rồi.
Nếu nói về phẩm chất của đời sống, cũng nên nói thêm nạn ô nhiễm.
Tôi không võ đoán xa xôi nhưng đã thấy trước mắt nạn ô nhiễm không khí. Trừ mấy ngày thăm cảnh núi và sông nước Lí Giang, tôi chỉ thấy trời xanh một ngày ở Thẩm Quyến, một ngày ở Bắc Kinh. Đó là những ngày có gió thổi mạnh, xua tan những đám khói ô nhiễm. Những ngày khác, từ Hồng Kông vòng bờ biển qua Thẩm Quyến, lên Thượng Hải và vào nội địa Bắc Kinh, lúc nào tôi cũng thấy không khí như phủ sương khói, không thấy bầu trời, nói gì tới mây trời.  Biển nhiệt đới mà mù mù không xanh. Phần trên của những tòa nhà chọc trời như ẩn hiện trong sương dù chỉ cách bạn mấy trăm thước và dù trời nắng chang chang. Thủ phạm chính là khói xe hơi và khói nhà máy. Chính quyền không quan tâm giải quyết nạn ô nhiễm.  Xăng nhớt pha chì và dầu diesel cứ việc đốt tự do.
 Nhà máy xả khói độc không bị phạt. Nếu nghiêm khắc xử lý, dân sẽ khó sống thêm, công xưởng sẽ sa thải công nhân.
Hiện tại, dù tình trạng môi sinh có tệ, dân chưa chết ngay.  Lo an dân trước đã, chuyện tương lai mặc kệ nó. Đó là chính sách mì ăn liền mà anh độc tài nào cũng áp dụng. Xét cho cùng thì tại Trung Quốc hiện nay, với 1 tỷ 300 triệu con người, bằng một phần năm dân số toàn thể nhân loại, ai cũng phải nỗ
lực giành giật để sống còn, dù phải đạp lên đầu kẻ khác. Chính quyền phải tìm cách đè bẹp dân, không cho ngóc dậy để đòi hỏi, chống đối, phải tìm cách cho dân ăn vừa đủ no, mặc vừa đủ ấm để khỏi nổi loạn. Vì vậy phải tạo thêm hàng triệu công việc mỗi năm, phải đi tìm tài nguyên ở các nước chậm tiến, phải chiếm Biển Đông để khai thác dầu khí và đánh bắt hải sản. Dân chúng thì tìm mọi cách lừa dối chính quyền, vi phạm luật lệ khi có thể, lừa lọc lẫn nhau để ngoi đầu lên mà sống. Khi họ có thể pha chất độc vào bột sữa để nuôi chính con trẻ của nước mình thì ta có thể hiểu họ coi lợi nhuận cao hơn mạng sống con người. Đối với nhau mà còn như vậy thì đừng mong họ tử tế với người
khác.
 Tình trạng này không phải tự nhiên mà có. Nó phát sinh bởi cơ chế và sự thiếu hiểu biết của người dân. Cơ chế là nguyên nhân số một. Khi cơ chế chỉ muốn kềm kẹp dân trong mục đích giữ quyền hành, không muốn dân được thông tin đầy đủ, được nâng cao phẩm cách và sự hiểu biết thì trình độ và cách đối xử của dân sẽ mãi mãi thấp như thế. Đừng trách những người lái xe vi luật và đe dọa sự an toàn của người khác.  Đừng trách những người làm hàng giả, tung thực phẩm độc ra thị trường
tiêu thụ. Đừng trách những mánh lới lừa lọc, gian xảo trong việc bán buôn.
Hãy trách cơ chế chỉ muốn dân phục tùng tối mặt, sau đó mặc cho dân muốn làm gì thì làm để tự lo kiếm sống, dù có vi phạm luật lệ cũng được cơ chế nhắm mắt, miễn đừng đụng tới cơ chế là được.
Vì vậy Trung Hoa hiện nay là một anh khổng lồ vô tâm hồn, thiếu văn hoá, một núi cát rất lớn nhưng không có hạt cát nào dính vào hạt cát nào. Việc chinh phục nội bộ chưa xong, nói chi đến chinh phục thế giới.
Mặc Giao

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bên họ thế, bên ta còn thế hơn!!!