Du khách tây tò mò tìm hiểu. |
Đò là phương tiện phổ biến cho những ai muốn tới Việt Hải, xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện đảo Cát Hải và cả TP Hải Phòng. Tàu đò 2 ngày mới có một chuyến, còn đi xuyên qua rừng quốc gia với 6 giờ trèo đèo lội suối thì không ai kham nổi, trừ... du khách ngoại quốc! Chính sự hoang dã của Việt Hải lại có sức hút mãnh liệt những du khách ngoại quốc muốn tìm về thiên nhiên.
Việt Hải từ lâu đã trở thành một địa chỉ của tất cả các tour du lịch cho người nước ngoài khi đến Cát Bà. Còn dân ta, đến được Việt Hải có thể xem như một sự lạ! Có lẽ vì thế nên bây giờ Việt Hải vẫn nghèo, nghèo một cách kỳ lạ, nghèo một cách rất... văn hóa.
Xứ sở của những câu chuyện ly kỳ
Nằm gọn trong một thung lũng giữa Vườn quốc gia Cát Bà, xóm núi này lưu giữ những câu chuyện buồn cười. Từ bến thuyền, phải đi bộ 3 km nữa mới tới một con đường bê tông khá đẹp, xuyên qua một hang núi thiên tạo dài đến 30 mét, trườn lên một vách núi, rồi lại lượn xuống một thung sâu cây cối um tùm.
Đoạn đường này mùa mưa nước ngập từ gối đến ngực tùy ý trời. Ra bến thuyền, hoặc từ bến thuyền vào làng, chỉ có cách xắn quần, hoặc cởi... cả quần lẫn áo đội lên đầu để khỏi bị ướt. Đó là cách mà người dân ở đây áp dụng. Chẳng sợ xấu hổ nếu rừng vắng, đường vắng.
Buồn cười ở chỗ không ít lần người ta đụng nhau giữa dòng trong tình trạng "thoát y". Nhìn nhau... cười không nổi. Chuyện này nghe nói đã được phản ánh lên kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện, cho nên năm nay, một con đường trên sườn núi đang được làm để tránh chỗ lội oái oăm kia.
Một ngôi nhà cuối làng Việt Hải. |
Một chuyện khác khó ai tin nổi, đó là ở Việt Hải không nhà nào có khóa, cửa mở suốt ngày đêm. Xe máy, xe đạp cắm chìa khóa để cả đêm ngoài sân cũng không suy suyển.
Việt Hải nằm gọn trong rừng, chỉ có một con đường duy nhất, có lấy trộm cũng không biết nạn tẩu tán đi đâu. Việt Hải cũng không có nạn cờ bạc, hút hít.
Việt Hải cũng không có chợ, sinh hoạt làng xóm ở đây mang dáng dấp của một cộng đồng thời nguyên thủy: mổ một con chó, con lợn, cả làng đến ăn; một nhà có việc, cả làng đến giúp.
Giúp vô tư, ăn cũng vô tư, không nói chuyện tiền bạc, nợ nần. Ngày tôi đến, cả Việt Hải rộn ràng trong "sự kiện" ông Thủy khai trương căn nhà sàn đón khách du lịch, cả xã đến chia vui và tất nhiên là có đánh chén linh đình!
Không có chợ, nhưng ở đây có mấy hộ mở quán bán hàng, và cái gọi là "dịch vụ du lịch" ở đây là mở quán ăn bán mì tôm, trứng luộc, thêm mấy chai bia, nước khoáng cho khách ngoại quốc. Có ba hộ kinh doanh như vậy và họ là những người “giàu” nhất Việt Hải !
Đây là chuyện của bà Vũ Thị Huấn, năm nay đã 86 tuổi, một trong vài người già nhất ở Việt Hải: "Ngày xưa rừng nhiều lắm, ruộng bây giờ là rừng phá đi đấy! Rừng đầy hùm, con hùm lông vàng vằn đen ngồi trong núi xem chúng tôi đi làm đồng.
Khỉ thì nhiều vô kể, khỉ vàng xuống sân chơi với trẻ con, còn khỉ đen đuôi dài hóm lắm, nó trèo trên cây, đái xuống đầu, người làng lấy súng bắn chết nhiều vô kể".
Con khỉ đen mà bà cụ nói chính là loài voọc đầu trắng quý hiếm, nay chỉ còn vài chục con ở Cát Bà, mà là vài chục con cuối cùng của toàn thế giới. Chỉ vào một đứa cháu, bà Huấn nói, thằng này tên là Hiếu, 10 tuổi, học lớp 4, nhưng tối ruột lắm, không biết chữ nào.
Làng nghèo thơ mộng
Còn đây là câu chuyện của Nguyễn Thị Nhớ, một trong hai người đầu tiên ở Việt Hải học hết cấp trung học chính quy. Cô gái 23 tuổi, khá xinh đẹp, cán bộ kế toán kiêm Bí thư Chi đoàn xã này nói vanh vách những con số: "Xã có 72 hộ, 235 khẩu, chi bộ có 10 người, một đảng viên dự bị. Chi đoàn có 20 người cộng với 5 thanh niên.
Ngân sách xã năm 2004 thu được 15 triệu đồng". "Có bao nhiêu nhà đã xây? Bao nhiêu xe máy? Bao nhiêu điện thoại?", tôi hỏi. Nhớ bấm ngón tay rồi trả lời trong tích tắc: "20 nhà, kể cả nhà tình nghĩa, 14 điện thoại, nhà trường này, trạm xá này, ủy ban này. Nhưng mùa mưa dây điện thoại chạy qua rừng quốc gia bị sóc cắn, chập mạch không nghe được".
Cách đây 5 năm, tôi tới Việt Hải lần đầu, khi ấy cả xã chỉ có một chiếc điện thoại của ủy ban, ông chủ tịch kéo về nhà mình luôn cho tiện. Huyện cấp máy phát điện, vài tháng đã hỏng.
Nhà mới xây không cần cửa. |
Tuy nhiên, làng vẫn nghèo xơ xác, ruộng cấy một vụ, vừa đủ ăn, sống ngay cạnh biển nhưng không ai biết nghề chài lưới. Ông Phạm Từ Hiến, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, nói rằng người Việt Hải không muốn vươn lên, sống thế nào cũng được, huyện đã đầu tư cho Việt Hải nhiều tỉ đồng cho hạ tầng, thay đổi cơ cấu kinh tế nhưng nhận thức của người dân ở đây không chuyển biến.
Tuy nhiên cái nghèo kỳ lạ ấy có thể là một trong những nét văn hóa của làng quê có một không hai này. Đi trên con đường xuyên làng, tôi thấy những nhóm khách nước ngoài tỏ vẻ thích thú với những ngôi nhà tranh vách đất xập xệ, những bờ hiên kè đá, những giếng khơi đầy nòng nọc, những ngôi nhà mới xây không hề có cửa...
Trong không gian thanh bình ấy, túm tụm những người đàn bà vừa nựng con vừa rúc rích cười trước ống kính những ông tây bà đầm. Có thể, thiệt thòi của người này đôi khi lại là cơ hội của kẻ khác - như ngành du lịch chẳng hạn. Liệu có một con đường thứ ba cho những làng nghèo một cách... thơ mộng như Việt Hải?
(Theo Thanh Niên)
1 nhận xét:
Phải chăng cứ nghèo, giản dị lại chất phác, thật thà, không lừa đảo, trộm cắp...?
Hay thế!
Đăng nhận xét