Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Chuyện của tay thiến chó, thiến mèo (KQ)

Ở Tp, nhà nào có nuôi chó, nuôi mèo đều phải vời bác sĩ thú y tới nhà chăm sóc, thuốc men. (Chả khác gì bác sĩ tư!). Nào là chống bọ rệp, nào triệt sản, nào phòng dại… Năm nay con mèo mướp của cháu Mý mang về đã đến kì động đực. Hai lần rồi, cách nhau chừng tháng, cứ hết loanh quanh cạ người vào chủ rồi lại ngao ngao suốt đêm, làm cả nhà mất ngủ. Quyết định: thiến! Báo bác sĩ thú y đến, hỏi: đã sinh lần nào chưa, vì "rồi" là phải đưa về "phòng mạch" của anh ta thực hiện "tiểu phẫu thuật". May là "chưa" nên chỉ cần tiêm 2 mũi cho teo buồng trứng là xong. (Nghĩ, con người độc ác ra phết!).
Anh ta tên là M, dân có đạo  gốc Ý Yên, bố mẹ di cư vào Nam từ 1954, sinh trong này. Từng học trường Nông lâm sau giải phóng, nay làm ở Chi cục Thú y Gò Vấp. M giỏi thật, làm cứ choanh choách, bế chó mèo  lạ trên tay mà cứ như cầm đồ chơi, vừa làm vừa liến thoắng.




Việc nhà
"Sinh nghề tử nghiệp, bác ạ", M bắt đầu trò chuyện khi đã xong phần tiêm chích cho cả cô mèo My và chú cho Haichico... Em sống bằng nghề. Có 3 đứa con (2 trai, 1 gái) thì cả 3 đều biết làm việc của bố, từ tiêm chích, dùng thuốc trị bệnh đến thiến chó mèo. Em sướng nhất là các cháu đều có ý thức lao động. Đơn giản vì các cháu coi đây là "việc nhà".
Thằng cả nhà em học Y khoa Tp, tới năm thứ 5 có trường Y khoa bên Pháp sang phỏng vấn. Lần đó có thằng bạn vào interview, họ hỏi vì sao theo nghề y; nó nói: nghề thời thượng, gặt nhiều tiền. Vậy là “chào”. Còn con em, nó nói: “Nhà tôi có đến 3 người làm nghề y, bác rồi bố tôi, vậy là truyền thống gia đình. Hơn nữa, ông có thấy ở VN, dân nghèo còn nhiều lắm; tôi muốn học để về cứu giúp họ”. Vậy là OK. Cháu sang Pháp học tiếp, rồi học chuyên khoa  1 về xương, nay làm việc bên đó. Thỉnh thoảng được mời về VN làm việc vài tháng ở BV Pháp-Việt. Mẹ nó lo: Con mở phòng mạch mà làm thêm! Nó bảo, làm thêm làm gì? Con làm chính đã đủ lương để sống, còn lại phải thư giãn, nghỉ ngơi; còn khi về hưu đã có BHXH.
Thằng cu này hay lắm, thấy em triệt sản cho mèo, nó bảo: “Bố mổ banh cả bụng để thắt buồng trứng là không hay. Ngay chỗ dưới bụng, chỉ khẽ lách dao vào rồi rạch là đến ngay buồng trứng. Đường mổ chỉ cần ngắn, thẩm mỹ lại không kéo dài thời gian tự lành, không nhiễm trùng”.  Trẻ con giờ hay thế, nó cũng dạy mình bao điều.
Khi xưa có mảnh đất quãng 1 công, vợ chồng em nuôi heo. Vậy là các cháu cứ nghỉ học lại ra giúp bố  mẹ cho heo ăn, tắm mát, rửa chuồng. Ý thức lao động dần dần trở thành thói quen ở chúng. Sau này em xây làm chục phòng trọ. Cu thứ 3 cứ tháng tháng lại tự động đi ghi counter điện, nước rồi tính toán và dán thông báo ngay cửa: Tháng này cô chú thanh toán: điện, nước, tiền nhà... Còn cô con gái thì giờ cũng học Y.
(Nghe chú kể mới thấy vợ chồng chú biết dạy con từ ngày còn bé và từ những việc nhỏ bé).

Chuyện các cụ
Ông cụ thân sinh ra M có tên Tây là Tony - Tony Ninh, làm công chức cho Mỹ từ 1969. Sau 1975 ông ở lại, được ông Võ Văn Kiệt mời làm cố vấn kinh tế cho Tp. Đến 1981, khi bên Mỹ mời ông qua lại, ông có đến xin ý kiến ông Kiệt. Ông Kiệt khuyên thế này: “Anh nên đi đi vì ở nhà khó làm việc, đến khi nào thuận lợi thì về giúp nước nhà”. Sau này, ông là 1 trong những người chắp nối để Bill Clinton vào VN. Nay đã 93, ông về sống ở VN. "Sống bên kia khổ lắm dù có đầy đủ vật chất vì suốt ngày con cái đi làm từ sáng sớm đến tối mịt; chủ nhật ngày nghỉ thì còn phải cắt cỏ, làm vườn rồi lo cho gia đình, bạn bè, rồi đi shopping, đi ăn nhà hàng… Có mình già nua thêm vướng. Nhiều khi mình ốm chết cũng chả có đứa nào bên cạnh".
Bà mẹ của M từng được Nữ hoàng Anh phong Hiệp sỹ vì có nhiều đóng góp cho hoạt động cộng đồng, ngày ở bên kia. Cụ có medail, ngù vai… hẳn hòi. Bà mới đi cách đây mấy tháng ở tuổi 89. Ngày làm tang lễ ở nhà thờ, Tổng lãnh sự Anh, Mỹ cũng có mặt. M bảo: "Gia đình rất tự hào về mẹ em. Cụ đi mà tang lễ chả kém gì nguyên thủ quốc gia". Bà sinh 9 người con. Sau này hỏi: "Nếu Chúa cho mẹ sinh nữa thì mẹ sinh mấy đứa?". "Cũng chỉ 9 thôi. Được như chúng mày thế này là hạnh phúc rồi". Nhớ mãi, bà bảo, các con thử xem ngày ăn được mấy bữa, 3 hay cùng lắm là 5. Vậy thì làm lụng cũng vừa phải, để còn nghỉ ngơi, dạy dỗ con cái".
Còn ông bố em thì bảo, tao chết, cũng như bà cho hóa thân hoàn vũ. Có gì mà sợ nóng. Chết, nằm ở nghĩa trang chiếm đất của người khác, còn bị thối rữa ra. Hóa thân thì sạch sẽ, chả hôi thối, xong cho về nhà thờ. Chúng mày có bận không thăm mỗi ngày thì chủ nhật phải đi lễ, vậy là cha, con vẫn gặp nhau. Thế không hơn à?

Chuyện của tay thiến chó, thiến mèo cũng hay đấy chứ? Thấy nhà chủ dọn cơm ra rồi còn ngồi thêm đến nửa tiếng. Chuyện hay nên cũng cho chú xả.

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đúng là ở đời có bao nhiêu điều để nghe, để học.

Thắng k5 nói...

May là KQ gặp tay thiến chó, mèo nên hay chuyện, chứ gặp phải bọn thiến người bây giờ mặt tụi nó cứ lạnh như tiền.

TranKienQuoc nói...

T ơi, không bao giờ chơi với bọn ấy.

Nặc danh nói...

Gia đình anh M là một gia đình công giáo kính chúc,yêu nước .Lòng byêu nước của gia đình này bắt đầu tứ việc dậy con trong nhà. Chúng ta con cái gia đình cán bộ ,rất ít hiểu biết về cuộc sống của tầng lớp bình dân vốn là dân di cư 1954 theo Chúa vào Nam ,như gia đình anh M . Hôm nay họ cũng là một bộ phận không tách rời của dân tộc. Không cần nói nhiều về lý tưởng cao xa về Chủ nghĩa xã hội..., nhưng học là những công dân có nhân cách của Việt Nam . Câu chuyện này rất hay,cám ơn tác giả ,người kể.KC