Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Báo viết, báo đọc tiếng Việt, không thận trọng dễ gây phản cảm khi hiểu sai ý tứ (Trần Đình, Berlin)



Nước ta gần đây, nhiều địa phương, thành phố mang tên các danh nhân. Nhiều gia đình có danh nhân coi việc người thân được gắn tên với đường phố, công viên, tượng đài là một vinh dự mà nhân dân, đất nước dành cho Ông Cha mình. Tổ Quốc và nhân dân gắn tên danh nhân vào địa danh là góp phần làm cho Đời Đời không quên công ơn họ.


Do đăc biệt của ngôn ngữ Việt, do cách đọc và cách nói của tiếng Việt, nhiều câu chữ bị hiểu nhầm từ đơn nghĩa thành đa nghĩa, thậm trí nghe đọc một câu, lối ngắt, dừng của người đọc làm người nghe hiểu khác ý đi hoặc hiểu thế nào cũng được.

Để tránh những ngộ nhận hoặc cố ý hiểu ác ý, vai trò của người viết, người đọc rất cần sự cẩn trọng và tất nhiên, đối với các cơ quan có trách nhiệm, biết được hiện tượng „ Ý tại ngôn ngoại „ này , khi đặt tên, khi xuất bản văn bản cũng phải hết sức thận trọng.

Nhiều năm trước , trong giới "Đọc“ nhiều người lúc vui đã mang nhiều ví dụ về viết, đọc tiếng Việt kể thành chuyện vui như câu thơ nổi tiếng của một nhà văn thời  chống Pháp, do bị cố ý đặt sai dấu phẩy mà thành một chuyện cười …“Cầm thư anh mân mê, bụng em mừng khấp khởi (Thăm lúa)…“  nếu như viết hoặc đọc, người ta cố ý đặt dấu phẩy trước: Cầm thư, anh mân mê… thì ý của câu thơ từ rất hay biến  thành nghịch nhĩ ! .
Cũng một ví dụ tương tự về nghĩa câu, từ: „ Xe ôtô chở xăng Trung Quốc „ trường hơp này, do chẳng làm sao  phân biệt được chủ ngữ, định ngữ nên có thể hiểu nghĩa của câu theo hai ba ý khác nhau – Xe ôtô do Trung quốc sản xuất dùng để chở xăng , hoặc cũng không sai nếu như cho rằng – Xe nước nào sản xuất cũng được nhưng xe này đang chở loại xăng do Trung Quốc sản xuất!...

Bài viết hôm nay muốn lưu ý bạn đọc là ở cái chuyện gần đây tại Hà nội.  Do mưa ngập nhiều,  vài nơi đất lún gây ra những hố thụt sâu, gây tai nạn cho người giao thông. Tiếng Việt  xuất hiện thêm từ mới để chỉ các hố này là „Hố tử thần„. Báo đài muốn cảnh tỉnh cho dân, tránh tai nạn giao thông, rồi để giúp các cơ quan khoa học phỏng đoán  nguyên nhân, tìm cách khắc phục  thì phải chỉ địa điểm cho cụ thể, vậy là  nhấc đi nhắc lại: Hố tử thần Lê Văn Lương ! Hố tử thần Lê Văn Lương!…

Những dẫn chứng tương tự có rất nhiều trên đài, báo Việt Nam:  „Tụ điểm Mạc Đĩnh Chi“,  „Ngã tư đầu Lê Duẩn“, „Đoạn Phạm Hùng cắt Phạm Văn Đồng“…

Rất có thể, những ví dụ trên, nhiều người  nghe riết đã thành quen, nhưng xin lưu ý, khi có dịp ở nước ngoài lâu lâu, gặp phải những câu chữ trên, ta thấy rất phản cảm và linh cảm của người viết cũng cho rằng, những vị có tên tuổi được nhắc tới trong những trường hợp trên, chắc các vị cũng không mấy hài lòng.

Nên chăng, các nhà ngôn ngữ  phải có cách nghĩ lại với cách cấu trúc câu, cách viết tiếng Việt và chúng ta, những người đọc, người viết nên thân trọng hơn mỗi khi dùng đến  câu chữ.

                                                                                               

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Theo báo HN mới, tại ngã ba Lạc Long Quân đâm Âu Cơ, sáng nay có vụ tai nạn thảm khốc, 1 chiếc ô tô lạc tay lái đã đâm vào giải phân cách làm bị thương 3 người...