Về quan
hệ của Bác với bên ngoài.
Vì quan hệ của ta với Trung Quốc và Liên Xô không được
thuận tiện, cho nên khi chính quyền của ta được thành lập thì hai nước đều
không công nhận. Trung Quốc thì quan hệ không chính thức. Hai người sang ta đầu
tiên nhân danh Đảng mà cũng là Đảng địa phương thôi, đó là Chu Nam và Trang Điền.
Một người là chính uỷ, một người là tư lệnh quân khu Hoa Nam sang nhờ ta giúp họ
tiễu phỉ ở Thập Vạn Đại Sơn (a). Sau đó ta có cử một trung đoàn do Lê Quảng Ba
phụ trách sang Trung Quốc. Các đồng chí Việt Nam ở Diên An và Trung Quốc sau
khi thấy cách mạng Việt Nam thắng lợi thì xin về. Lúc đầu là Nguyễn Khánh Toàn,
Nguyễn Sơn, Lý Ban, Trương Ái Dân, Cao Tử Kiến.
Trương Ái Dân trong thời gian
kháng chiến chống Pháp làm công tác công vận ở Liên khu III, do tôi phụ trách.
Đồng chí ấy nói với tôi rằng, sau cuộc khủng bố của Pháp năm 1930-1931 đồng chí
ấy sang Trung Quốc hoạt động cách mạng, được đi Diên An. Trong cuộc vận động chỉnh
phong năm 1942-1943, đồng chí ấy bị thẩm vấn lý lịch. Người ta hỏi người đứng đầu
Đảng cộng sản là ai ? Đồng chí ấy trả lời là Trần Văn Giàu, liền bị chôn một nửa
người xuống một hố sâu. Sau đó, không hiểu vì sao được thả. Sau cách mạng tháng
Tám năm 1945, đồng chí được về nước cùng với một số người nói trên. Cao Tử Kiến
công tác ở Yên Bái trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Sau khởi nghĩa ta mở
một lớp huấn luyện ở Vạn Phúc cho cán bộ học. Tôi không được học. Nghe anh Lê Đức
Thọ nói lại là đó là Hồng Lĩnh, tức Nguyễn Khánh Toàn, nói chẳng ai hiểu gì cả.
Sau tôi nghe mấy người khác nói ông ta là một giáo sư giỏi lắm. Cả Bùi Công Trừng
đi học ở Liên Xô về nói cũng thế cả. Về quan hệ với Liên Xô, tôi biết, Liên Xô,
nhất là Stalin coi Bác là một người dân tộc chủ nghĩa cải lương từ năm 1928.
Sau lại thêm việc Bác bị bắt ở Hồng Kông rồi lại được thả, khiến Liên Xô nghi
ngờ. Stalin không hiểu được lại có những người như Loseby. Lại thêm việc Hà Huy
Tập báo cáo. Anh Lê Duẩn có nói với tôi là Hà Huy Tập báo cáo với Quốc tế về việc
mật thám đưa bà Thanh đi Trung Quốc tìm Nguyễn Ái Quốc và ra nghị quyết phê
phán sai lầm dân tộc chủ nghĩa cải lương của Nguyễn Ái Quốc. Bác đến Liên Xô
năm 1934-1938 chỉ làm công tác ở ban thuộc địa của Quốc tế cộng sản, không được
giao nhiệm vụ cụ thể. Người được giao nghiên cứu làm luận án phó tiến sĩ về vấn
đề thuộc địa. Bác xin được làm nhưng không được trả lời. Người xin về nước. Tại
Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII, Người không tham gia đoàn đại biểu Đảng
ta, chỉ là đại biểu dự thính. Liên Xô vẫn cho rằng Việt Minh là một thế lực dân
tộc chủ nghĩa. Họ không thấy Đảng cộng sản đâu, và vì sao Đảng cộng sản giải
tán. Năm 1948, cả hai nước đều tìm hiểu xem Việt Nam là gì ? Đảng ta cử Nguyễn
Chương, cùng ở Xứ uỷ với tôi, làm phó cho Lê Đức Thọ sang Xiêm để tổ chức lại tổ
chức của ta ở đó. Trong khu uỷ ở Khu Bốn mọi người mâu thuẫn với nhau, mà toàn
những lão thành cả, như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, Trần Hữu Dực.
Ông Hoàng Văn Hoan thì nổi tiếng về những chuyện kèn cựa ngay từ đầu. Ta cử Hoàng
Văn Hoan bàn với Nguyễn Chương (có thể là do gợi ý của Trung Quốc) là cử Nguyễn
Chương sang Trung Quốc để nghiên cứu. Nhưng thực tế Trung Quốc muốn qua Nguyễn
Chương để tìm hiểu tình hình Việt Nam. Nguyễn Chương đến Trung Quốc báo cáo
tình hình. Phương hướng báo cáo cũng hữu khuynh đúng như họ đánh giá, nói là ta
dân tộc chủ nghĩa, đề cao địa chủ quan lại, không nêu cao vai trò của Đảng và
Liên minh công nông. Đại diện của Liên Xô ở Praha, gặp 2 đại diện của ta là Trần
Ngọc Danh và Lê Hy hỏi tình hình. Hai người này nói cùng khớp với Nguyễn Chương
nói. Nói khớp như nhau bởi vì chúng tôi lúc đầu nghiên cứu theo cương lĩnh của
đồng chí Trần Phú, nghĩa là cương lĩnh thứ hai của Quốc tế cộng sản, tức là làm
cách mạng tư sản dân quyền, lấy công nông làm trụ cột, do giai cấp công nhân
lãnh đạo, lập chính quyền xô viết… Chỉ đến khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi,
Bác trực tiếp sang mới trình bày rõ vấn đề. Việc này tôi không được nghe trực
tiếp, nghe anh Lê Văn Lương nói lại. Khi gặp Bác, L ưu Thiếu Kỳ nói ngay rằng :
“ Các đồng chí giải tán Đảng, các đồng chí tưởng lừa được địch, nhưng địch
không lừa được mà lại lừa chính chúng tôi, vì chúng tôi hiểu các đồng chí giải
tán Đảng thật. Còn địch nó thừa hiểu các đồng chí không giải tán Đảng ”. Hôm
tuyên bố giải tán Đảng tôi không được dự. Nhưng nghe nói lại rằng, quyết định
này của Bác thật là táo bạo. Lúc đó không làm thế cũng nguy, vì âm mưu của Tưởng
là đánh đổ Đảng cộng sản. Với bọn Lư Hán, Tiêu Văn, Đảng cộng sản tồn tại là nó
chết, vì sẽ bị Tưởng trị. Nên ta mới lập mẹo tuyên bố giải tán Đảng, chỉ tuyên
bố về danh nghĩa thôi, còn trên thực tế Đảng vẫn tồn tại. Khi đưa ra bàn tuyên
bố giải tán Đảng ở Thường vụ, người không tán thành nhất là đồng chí Trường
Chinh. Sau Tưởng không có lý do gì thúc ép khi Đảng đã tuyên bố giải tán.
Sang Trung Quốc, Mao đưa Bác vào quỹ đạo của
Mao. Sang tới Liên Xô, Stalin lại đưa Bác vào quỹ đạo của Stalin. Chuyến đi của
Bác năm 1950 sang Trung Quốc và Liên Xô của Bác là chuyến đi gian khổ. Stalin
nói: “ Bây giờ cách mạng Trung Quốc thắng lợi rồi, Trung Quốc có trách nhiệm
giúp đỡ các nước phương Đông, còn Liên Xô có trách nhiệm giúp đỡ các nước châu
Âu và châu Mỹ ”. Trung Quốc nhận định như thế là do Quốc tế phân công Trung Quốc
phụ trách châu Á. Bám vào ý kiến ấy, sau này Trung Quốc coi như là người đỡ đầu
ta. Khó khăn ở bên ngoài là như thế. Tôi cho rằng vì lý do như thế mà mấy lần
Bác từ chối làm Tổng bí thư. Ngoài việc Ban chấp hành Trung ương trong nước đã
chỉ định đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư, có lẽ Bác cho rằng hội nghị
Trung ương lần thứ 8 nếu Bác nhận làm Tổng bí thư thì Liên Xô sẽ gây chuyện. Từ
Đại hội I ở Ma Cao Hà Huy Tập đã phê phán Bác như Quốc tế cộng sản đã phê. Bác
không nhận là chủ tịch nước cũng là thật lòng chứ không khách khí. Sau này anh
Lê Đức Thọ nói với tôi rằng khi đề nghị Bác làm chủ tịch nước Bác từ chối mãi.
Bác nói mình là Chủ tịch nước à? Mình chỉ đứng đằng sau thôi ! Còn tìm người
khác làm. Người còn nói : nếu tìm khó quá cứ đưa Bảo Đại ra làm rồi mình thu xếp.
Bác thực sự vì cách mạng chứ không vì mình. Đấy là về phía Liên Xô, Trung Quốc,
còn về phía Đảng cộng sản Pháp, là Đảng thân thiết đối với ta, lúc đầu họ cũng
cho rằng Việt Minh là phái thân Nhật chứ không phải là cộng sản. Năm 1950, Đảng
cộng sản Pháp phái Léo Figuères uỷ viên dự khuyết của Trung ương, phụ trách tờ
báo Thanh Niên (b) sang điều tra tình hình của ta. Léo Figuères đến Việt Bắc. Về
mặt chức vụ tôi cũng tương đương với anh, nên được cử tiếp anh. Cố nhiên là năm
1946, khi sang Pháp Bác cũng đã nói một phần nào rồi, nhưng Đảng cộng sản Pháp
chưa thể hiểu hết. Léo Figuères muốn biết thực sự Đảng cộng sản còn tồn tại hay
không, anh ta đi khắp các nơi, ở đâu cũng thấy có Đảng cộng sản, mà đảng viên Đảng
cộng sản là những người lao động, những người công nhân, trí thức, còn quan lại
địa chủ là tượng trưng bên ngoài thôi. Từ đó Đảng cộng sản Pháp mới thực sự
công nhận ta. Cũng từ đó mới có các phong trào ủng hộ Việt Nam. Trước đó Đảng cộng
sản Pháp không làm gì để ủng hộ ta. Đó là khó khăn đối với Bác lúc bấy giờ.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- NHỚ DUY ĐẢO
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Y học thường thức: Địa chỉ chữa Gout tốt (Phong- con cô Thục)
- Câu đối của dân Đè Nẽng (Hoài Lưu k5)
- Thăm tư gia của Nhất Trung
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Nhiều thông tin mở hay thật!
Đăng nhận xét