Đại nhảy vọt là cái tên đặt
cho Kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1958-1963 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ý
tưởng kế hoạch này của Mao Trạch Đông là sự phát triển nhanh chóng và song song
của nông nghiệp và công nghiệp Trung Quốc. Về nông nghiệp Mao chủ trương tập
thể hóa một cách sâu rộng hơn, các hợp tác xã sẽ được sát nhập thành các Công
xã nhân dân khổng lồ. Quyền sở hữu đất đai được xóa bỏ hoàn toàn, thu nhập của
nông dân được tính bằng công điểm. Mọi tài sản bất kể là thứ gì đều trở thành
công hữu. Bếp núc của gia đình cũng bị xóa bỏ, đến bữa già trẻ lớn bé đưa nhau
đến ăn ở nhà bếp của công xã. Ăn thật no, thật ngon, thật sạch, mỗi bữa có bốn
món thức ăn. Vào cuối năm 1958 trong toàn quốc đã thành lập 25.000 công xã với
qui mô mỗi công xã có 5.000 hộ gia đình. Về công nghiệp Mao xem sản xuất thép
là cột trụ chính. Ông ta quy định rằng trong vòng 15 năm kể từ Đại nhảy vọt sản
lượng thép của Trung Quốc sẽ vượt qua nước Anh. Thép được sản xuất ra từ sắt
vụn như nồi, xoong, chảo, dao, rựa ở các lò nung thép sân vườn, người người nấu
thép, nhà nhà nấu thép. Nông dân bỏ bê sản xuất nông nghiệp để nấu thép kiểu
sân vườn. Để cung cấp nhiên liệu cho các lò nấu thép sân vườn cây rừng bị đốn
chặt bừa bãi. Kể cả bàn ghế và đồ đạc bằng gỗ trong nhà đều quăng vào lò nấu
thép.
Những chính sách sai lầm đó
của Mao Trạch Đông đã dẫn đến nạn đói năm 1958-1961. Năng suất lúa giảm mặc dù
những năm đó mưa thuận gió hòa. Thậm chí lúa chín không có người gặt vì số lớn
lao động đã chuyển sang sản xuất thép. Bất kể tình hình sản xuất có bi đát đến
đâu các quan chức vẫn báo cáo lên cấp trên những số liệu màu hồng với những con
số ngày càng bị thổi phồng. Người ta bịa ra những cánh đồng cao sản mỗi hecta
cho 300 tấn thóc, hoặc 187 tấn ngô, năm hay bảy nghìn tấn khoai. Mao Trạch Đông
tin tưởng và vui mừng trước những con số đó đến nỗi thốt lên rằng lương thực
của Trung Quốc đủ dùng cho tất cả mọi người trên trái đất. Những con số này trở
thành căn cứ để nhà nước ấn định lượng thóc mà nông dân phải nộp. Các đội công
tác được cử xuống nông thôn truy bức nông dân giao nộp lương thực, phát động
mọi người tố giác lẫn nhau để khai báo những chỗ cất giấu. Sự khác biệt giữa
con số thực tế và con số bị thổi phồng khiến cho nông dân không còn lại gì để nuôi
sống bản thân và gia đình. Nạn đói xảy ra và ngày càng trở nên gay gắt. Lương
thực thực phẩm cạn dần, bếp ăn của công xã không còn cơm để ăn nữa, chuyển sang
ăn cháo. Hết cháo rồi đến rau dại. Rồi thì chẳng có gì mà ăn nữa, mạnh ai nấy
lo. Giun dế, côn trùng, cỏ dại, lá cây, vỏ cây và cả đất thó đều trở thành thức
ăn. Đến giữa năm 1959 khắp Trung Quốc đầy rẫy người chết đói, nhiều gia đình
chết không còn một ai, tiếng oán hờn thấu tận trời xanh. Đói đến mức trước khi
chôn người chết tang chủ đã lóc thịt thân nhân để ăn, đổi con cho nhau để giết
thịt lấy cái ăn. Trong giai đoạn 1958-1961 số người chết đói được thống kê một
cách chưa đầy đủ là 36 triệu người.
Dương Kế Thắng (sinh năm 1940)
là phóng viên kỳ cựu của Tân Hoa Xã đã bỏ ra 15 năm để thu thập tài liệu và gặp
gỡ nhiều nhân chứng để viết cuốn sách “ Bia Mộ” mô tả nạn đói kinh hoàng năm
1958-1961 mà cha ông là nạn nhân. Bị cấm ở đại lục nhưng tác phẩm được xuất bản
ở Hồng Kông và chính quyền cũng không cản trở hay trấn áp tác giả. “ Cuốn sách này
là bia mộ cho cha tôi bị chết đói vào năm 1959, bia mộ cho 36 triệu người dân
Trung Quốc nạn nhân của trận đói kinh hoàng, bia mộ cho chế độ đã gây ra thảm
kịch này”. Tác giả đã viết như thế trong lời nói đầu của bản dịch tiếng Pháp
vừa được Nhà Xuất bản Seuil phát hành tại Paris ngày 13/9/2012. Nếu được góp ý
kiến cho ông Dương Kế Thắng, tôi muốn ông ghi thêm vào lời nói đầu: “ Cuốn sách
này còn là tấm bia ghi lại tội ác diệt chủng của Mao Trạch Đông đối với đồng
loại”.
Ảnh: Bìa cuốn sách Bia Mộ
(STELES) của Dương Kế Thắng ( YANG JISHENG) viết về nạn đói ở Trung Quốc ( LA
GRANDE FAMINE EN CHINE) phát hành tại Paris.
1 nhận xét:
Đầu 1958 tôi học tại Khu học xá trung ương Nam Ninh.Học sinh việt Nam chúng tôi tham gia giệt ruồi,chim sẻ,chuột,muỗi do Mao chủ tịch phát động.Sau này sâu rầy phá lúa ,chim sẻ không còn,nên nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng.
Khi tôi về Việt Nam , đọc báo nửa năm sau 1958 thấy bên Trung Quốc phát động toàn dân nấu thép,xây dựng công xả nhân dân,cấy lúc rất dầy...Tôi quen một cán bộ người Trung Quốc từng công tác tại Trường Thiếu nhi Việt Nam tên là Vương Sỹ Luân,ông cho biết tại Nam Ninh , vào nửa cuối 1958 có nhiều người chết đói ,có gia đình chết 6 người thì chết 4 ,Búc tranh trong cuốn sách "Bia mộ" của ông Dương Kế Thắng mà Thầy Úc giới thiệu là bức tranh hiện thực của Trung Quốc vào 1958-1960. Tôi ác này ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước lịch sữ? Chắc chắn là Mao chủ tịch. KC
Đăng nhận xét